Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 20 / Những giọt nước mắt

Những giọt nước mắt

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:43, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:43
Chợt thấy nước mắt rơi, giọt nhỏ cho mình, giọt nhỏ cho con người liêm sỉ dám chết cho những giá trị tinh thần tưởng đâu không còn một chính khách nào tôn trọng.

 
Những giọt nước mắt
không tên

 
Nguyên Thắng

 

Không ai bảo ai, từng người, từng người, họ đến tụ tập trước bệnh viện Val de Grâce. Họ đến, một bó hoa khiêm tốn trên tay, một đoá hồng thắm, tấm lòng người công dân vô danh.

Mưa rơi lất phất. Đám đông im lặng. Mưa cùng lệ lăn dài trên má, nhạt nhoè từng đôi mắt. Họ đến từ lúc ngày mồng 1 tháng 5 1993 đã gần tàn, tin loan đi: cựu thủ tướng Bérégovoy tự sát, trực thăng cấp cứu chở vào Val de Grâce.

Họ không ngớt đến, im lìm, kiên nhẫn. Những đóa hồng tưởng niệm đặt san sát bên nhau kết nên tấm thảm đỏ, tiễn đưa quan tài người quá cố lên đường trở về Nevers...

Tang lễ cử hành tại nhà thờ lớn Nevers ngày 4 tháng 5.

Thánh đường chật quan khách. Giới chính khách, những người chức cao quyền lớn, đã đang và sẽ gánh vác trọng trách lèo lái vận mệnh nước Pháp, tạm quên mọi tranh chấp chống đối hận thù, sát bên nhau xúc động tưởng niệm một con người thuộc về thế giới của họ, lỗi lạc lúc sinh thời, bạn hay thù đều phải tôn trọng.

Ngoài nhà thờ, trùng trùng điệp điệp là những người vô danh. Hiện thân của cả giới thường dân nước Pháp. Một biển người xúc động im lặng xót xa. Khóc cho một người đồng bọn, cam chịu như mọi ai khắc khoải và dằn vặt, lo âu và thất bại. Cũng thấp cổ bé miệng, cũng chông chênh yếu đuối đơn côi đến nỗi chỉ còn một cách là tự sát để tỏ lòng mình...

 
Cuộc đời 67 năm của Pierre Bérégovoy là một thành đạt hãn hữu. Một hành trình đẹp như trong truyện.

Cha là một đại uý quân đội Nga hoàng bỏ quê hương chạy tị nạn. Những muốn qua Hoa Kỳ mà không có tiền. Tính chỉ tạm trú tại Pháp cho đến khi đủ sức mua vé tàu vượt Đại tây dương. Định mệnh trớ trêu, ý nguyện chưa đạt lại đi yêu một cô gái vùng Normandie và vĩnh viễn ở lại đất Pháp.

Nhà nghèo, cậu bé Pierre chỉ học tiểu học, rồi học nghề. Mười lăm tuổi đã phải đi kiếm ăn, vỏn vẹn trong tay mảnh bằng thợ nguội. Mười bảy vào kháng chiến chống Đức. Chiến tranh chấm dứt, Pierre sống song song đời công nhân với đời hoạt động. Công đoàn và chính trị. Tự học, leo từng nấc thang một, trong nghề nghiệp và trong hoạt động.

Một đời sống tiêu biểu cho một phái tả không cộng sản của Pháp. Không làm gì trái với lý tưởng suốt thời buổi nước Pháp buộc phải từ bỏ các thuộc địa của mình. Không nản chí khi chủ nghĩa de Gaulle toàn thắng năm 1958, biết kiên nhẫn xây dựng phong trào. Để rồi, sau non một phần tư thế kỷ, được lá phiếu tín nhiệm của đa số nhân dân đưa lên nắm chính quyền năm 1981.

Một phái tả hứa hẹn "đổi đời" cắt đứt với tư bản chủ nghĩa. Nhưng rồi, một khi chính quyền vào trong tay, vấp phải tình huống một xã hội không muốn xáo trộn đổi thay, ngày lại qua ngày chỉ biết có quản lý.

Trong một thời gian dài, tuy là một người gánh vác trọng trách trong đảng xã hội, Pierre Bérégovoy chỉ đứng ở hậu trường chính trị. Cho đến khi, phái tả lên cầm quyền chưa đầy một năm, tài chính nước Pháp tiêu điều, tư bản tranh nhau đánh tháo vốn ra nước ngoài, kinh tế nguy ngập... Ảo tưởng duy ý chí của chính phủ Pierre Maurols những toan đơn thương độc mã vực nước Pháp dậy, bất chấp xu hướng kinh tế khi ấy đang suy thoái khắp nơi, rơi rụng tan tành.

Vỡ lẽ ra là không thể đem biện pháp hành chính cưỡng lại quy luật thị trường, đảng xã hội thay chính sách. Từ một lực lượng đối lập thâm căn, phái tả chuyển thành lực lượng cầm quyền hành pháp thuần thục. Bérégovoy là hình ảnh tiêu biểu nhất trong quá trình chuyển biến này.

Tháng 6-1982, Pierre Bérégovoy tham chính với chức vụ bộ trưởng xã hội. Làm tròn nhiệm vụ trong điều kiện rất khó khăn. Tháng 7-1984, lĩnh chức bộ trưởng tài chính và ngân sách trong chính phủ Laurent Fabius. Các quan chức cao cấp nắm giữ guồng máy của bộ, rất tự cao tự đại về kiến thức kỹ thuật của họ, tưởng đâu ông bộ trưởng xuất thân thợ nguội sẽ ngồi đó làm vì.

Họ không ngờ rằng Pierre Bérégovoy biết lắng nghe và tiếp thu nhanh, rất nhanh. Người mở rộng tự do cho thị trường tài chính là ông ta. Người hiện đại hoá Thị trường chứng khoán Pháp (la Bourse), tạo ra phương tiện đặt tiền cho đại tư bản là ông ta. Xoá bỏ chế độ kiểm soát giá cả cũng lại là ông ta. Chính sách của Pierre Bérégovoy làm cho các giới kinh doanh hài lòng.

Từ ấy, Pierre Bérégovoy nổi tiếng là một nhà quản lý kinh tế tài chính chặt chẽ. Và sự thực là suốt từ ngày đệ ngũ cộng hoà Pháp thành lập tới nay ông ta là bộ trưởng tài chính duy nhất không hề phá giá đồng frăng. Và cũng là nhờ đã chứng minh được khả năng quản lý thực tiễn kinh tế mà đảng xã hội Pháp chỉ bị thất bại có giới hạn trong kỳ bầu phiếu đại biểu quốc hội năm 1986.

Bérégovoy không còn chân trong chính phủ nữa, nhưng các bộ trưởng tài chính khắp nơi trên thế giới vẫn tôn trọng, thường qua lại viếng thăm tại nhà riêng ở quận 16 Paris mà ông ta mới tậu được. Và Mitterrand tin cậy, giao cho nhiệm vụ đôn đốc cuộc tranh cử tổng thống năm 1988.

Mitterrand lại đắc cử. Nhưng Bérégovoy không được chỉ định làm thủ tướng chính phủ. Trở lại nắm bộ kinh tế, tài chính và ngân quỹ để cứ tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ, giữ cho nền tài chính không bị lũng đoạn vì xu hướng tiêu pha của các thủ tướng Michel Rocard rồi Edith Cresson. Thâm tâm hy vọng rằng cứ tạo thuận lợi cho tư bản đầu tư đi thì sẽ nảy sinh ra thêm công ăn việc làm, nhờ đấy mà giải quyết nạn thất nghiệp. Dư luận đặt cho Pierre Bérégovoy cái mỹ hiệu "Pinay của phái tả" (1) từ những năm ấy.

Cũng trong thời gian này một số người cộng sự thân tín của ông liên can đến các vụ tiết lộ tin còn giữ mật ra cho một số bạn hữu lợi dụng để hưởng lợi to. Tuy vậy, uy tín rất lớn của cá nhân bộ trưởng không bị suy suyển. Nhưng cũng vì đó mà Bérégovoy cho rằng cần phải bài trừ tham nhũng.

1992, đảng xã hội thảm bại trong các cuộc đầu phiếu khu vực và hàng tổng. Mà chỉ còn một năm nữa là đã tới hạn bầu cử lại quốc hội. Nước đã tới chân. Cả đảng trông đợi con người vững chãi, bình tĩnh, có tài quản lý ra đứng mũi chịu sào. May ra còn xoay lại được tình thế được chăng. Mitterrand gọi Pierre Bérégovoy ra làm thủ tướng chính phủ.

Bérégovoy nhậm chức mà than rằng: Mitterrand chỉ định Michel Rocard làm thủ tướng vì ông ta là người nổi trội nhất, Laurent Fabius vì tuổi trẻ nhất, Edith Cresson vì là phụ nữ. Đến bây giờ thì đã quá trễ rồi!

Tình thế không ngớt bất lợi cho người cầm quyền. Kinh tế không dựng dậy nổi, thất nghiệp cứ tăng lên, bội chi ngân sách không sao ngăn được, chống tham nhũng chẳng đi đến đâu. Hai lời hứa quan trọng của phái tả 12 năm trước đây – dẹp nạn thất nghiệp và làm cho đời sống chính trị được trong sạch – trở thành nhức nhối.

Chưa hết. Bỗng đâu – chắc chắn là tiết lộ từ hồ sơ thẩm cứu vụ Roger Patrice Pelat, bạn thân của Mitterrand, bị can trong vụ lạm dụng am tường tin tức mật để thủ lợi – tin Pierre Bérégovoy vay Pelat 1 triệu quan không phải trả tiền lời để mua nhà riêng được tung ra. Báo chí xoi bói rùm beng. Mặc cho Bérégovoy hết sức giãi bày lòng thành của mình, một luồng dư luận cho ông ta cũng là phường thừa dịp cầm quyền để làm giàu.

Thế là các hướng chiến lược chủ yếu của đảng xã hội do Bérégovoy chủ trương cho đợt vận động bầu cử quốc hội tháng 3-1993 nối tiếp nhau gãy gục. Phe tả thảm bại.

Riêng Bérégovoy vẫn đắc cử dân biểu ở Nevers, nơi ông ta được liên tục bầu làm thị trưởng từ 1983. Nơi mà, bên một dòng kinh yên tĩnh ông ta hằng yêu thích, ngày thứ bảy mồng 1 tháng 5, Pierre Bérégovoy nổ một viên đạn vào đầu.

 
Tự sát bao giờ cũng là thông điệp cuối cùng của người quyết tâm vĩnh viễn ra đi chất vấn những ai ở lại.

Để nói những gì? Khi đã hết lời mà chẳng được ai hiểu cho, khi đã phải lấy cái quyền tự do tối hậu là cắt đứt mạng sống của chính mình để gào thét nỗi lòng, người vĩnh viễn ra đi để cho người sống tự vấn lấy mình, lắng xuống đáy lòng mà tìm giải đáp.

Nhất là trường hợp Pierre Bérégovoy. Không để lại một câu không viết lại một chữ. Chỉ thấy chọn ngày lao động quốc tế mồng 1 tháng 5, như một tín hiệu.

Cựu thủ tướng Pierre Bérégovoy chết đi, người dân Pháp vừa cảm nhận như tang chung cho cả nước vừa xót xa như một cái tang riêng của chính mình. Dường như không ai không trăn trở xét lại cách xử sự trong đời sống hàng ngày, trong nghề nghiệp của mình.

Người trong ngành tư pháp giật mình thấy nỗi dằn vặt đớn đau mà người vô tội cam chịu khi những sự kiện lẽ ra phải giữ mật trong thẩm cứu lại có kẻ vì vô tình hay ác ý đem tiết lộ ra ngoài. Còn kẻ phạm cái lỗi nghề nghiệp làm cho người ngay phải tự sát thì cứ nhởn nhơ vô tội vạ.

Người làm báo tự vấn lương tri của mình xét lại giới hạn quyền tự do thông tin là đâu? Tự hỏi cái gì làm cho cả báo chí lẫn vô tuyến, truyền hình trở nên mù quáng, thiên vị.

Cùng gần một lúc hai tin được tung ra: Pierre Bérégovoy vay 1 triệu quan để mua nhà, Jacques Chirac người cầm đầu phát hữu tiêu phí nửa triệu trong vài ngày đi nghỉ ở bờ biển, mà ông ta chẳng hề phải đụng đến túi tiền. Vụ Chirac chỉ phớt qua rồi nín bặt, không một ai bàn đến nữa. Còn một người từng làm bộ trưởng tài chính trong nhiều năm, đến tuổi đã ngoài 60 mà gia tài không đủ để mua một căn hộ 70 mét vuông, phải đi vay một món nợ không có gì trái với luật pháp, thì báo chí không ngớt xoi bói.

Người dân thường nhớ lại rằng có lúc mình đã cười gằn khi nghe Pierre Bérégovoy thanh minh. Nhớ lại rằng có lúc mình đánh đồng cựu thủ tướng với những nhà chính trị mồm loa mép giải làm cho những từ "trung thực", "danh dự", "lương tâm" rỗng tuếch ý nghĩa.

Chợt thấy nước mắt rơi, giọt nhỏ cho mình, giọt nhỏ cho con người liêm sỉ dám chết cho những giá trị tinh thần tưởng đâu không còn một chính khách nào tôn trọng.

 
Người Việt Nam sống ở đây, đối với sân khấu chính trị nước Pháp chỉ là người bàng quan, cũng không cầm được nước mắt.

Khóc người quân tử chọn cái chết để thanh minh khí tiết trong sạch của mình, không vấy của vô nghĩa khi nắm quyền bính trong tay.

Khóc người trí lự biết uyển chuyển theo thực tế, biết quản lý sao cho có hiệu quả nhất một nền kinh tế ngỏ, trong tình huống cả thế giới dao động, buộc công luận phải nhìn nhận là phái tả am tường nghệ thuật cầm quyền chẳng kém một ai.

Khóc người trung thành với lý tưởng công bằng xã hội. Hẳn rằng một trong những điều đau lòng nhất của cựu thủ tướng là đã bất lực không ngăn nổi nạn thất nghiệp. Chiều trước ngày tự sát, chiều 30 tháng 4, Pierre Bérégovoy còn cầm bút viết cho thủ tướng Gia Nã Đại Brian Mulroney tỏ "mối thất vọng sâu sắc của mình trước tình hình suy thoái kinh tế cùng nạn thất nghiệp kèm theo". Để cho 3 triệu lao động thành nạn nhân của thất nghiệp dằn vặt đeo đuổi con người trung thành với lý tưởng phái tả ấy cho đến những giờ phút cuối cùng. Thâm tâm chắc không ngớt nghiền ngẫm ý kiến của chính mình, năm 1965, từng đả kích nhóm Gaston Deferre "chỉ là những nhà quản lý mà thôi, chẳng có chút nào ý định thay đổi xã hội".

Khóc người chân chất, cảm nhận sâu sắc thất bại của mình. Chẳng như những chính khách điêu toa đã bán đứng lý tưởng công bằng của xã hội chủ nghĩa cho một thứ tư bản man rợ lại còn mồm loa mép giải những hòng đổi trắng thay đen.

Khóc người hào hùng, cái chết nhắc nhở mỗi người hãy gánh lấy trách nhiệm công dân của mình. Đừng chấp nhận điêu toa gian dối, trên báo chí, trong chính trường...

 
Vì giá phải trả cho sự từ nhiệm của công dân là dằn vặt, là khổ đau, là cái chết tức tưởi của người liêm khiết.

 
Nguyên Thắng (5.1993)

 
   

(1) Antoine Pinay, thủ tướng chính phủ kiêm bộ trưởng tài chính năm 1952 rồi hai lần bộ trưởng tài chính của de Gaule những năm 1958, 1959; người tìm được biện pháp bình ổn tình hình nguy khốn kéo dài nhiều năm của nền tài chính nước Pháp.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss