Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 20 / Tin Tức

Tin Tức

- Diễn Đàn — published 01/02/2011 01:05, cập nhật lần cuối 20/02/2011 00:23

Tin tức


“ sạch và xanh” hay sạch sành sanh?

 

Trung tuần tháng 5, thành phố HCM đã mở “tuần lễ sạch và xanh 1993”, một cơ hội để người dân nhận diện đầy đủ môi trường họ đang sống “kinh khủng” đến mức nào, theo lời của ông Hoàng Anh Tuấn, phó chủ tịch Uỷ ban môi trường thành phố (Tuổi Trẻ 11.5). Thật ra vấn đề ô nhiễm ở thành phố HCM, chỉ bằng cảm quan cũng đủ để nhận thấy mức độ nghiêm trọng.

Thành phố có khoảng 700 xí nghiệp công nghiệp và 30 ngàn xí nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nhưng đều không có phương tiện xử lý chất thải vào môi trường. Điều đáng ngại hơn nữa là các xí nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư mà không có biện pháp phòng chống ô nhiễm. Theo điều tra của Uỷ ban môi trường thành phố, 88% các xí nghiệp cao su, nhựa, 66% xí nghiệp hoá chất trừ sâu, 60% xí nghiệp nấu mạ, cán kim loại không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.

Nhà máy bột giặt Tico chẳng hạn, “ thường xuyên thả những cột khói trắng đục mang nhiều độc chất phả vào buồng phổi người dân, ăn mòn tất cả nhữn g vật dụng bằng kim loại của bà con quanh vùng”. Một báo cáo khác của Uỷ ban môi trường về nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội cho biết “bụi thải từ nhà máy đóng lớp đen kịt trên các cửa nhà dân. Với lượng nicotin quá nồng độ cho phép này, các bé gái lớn lên có thể gánh chịu tình trạng vô sinh vĩnh viễn”. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, nghịch lý nhất là các bệnh viện, nơi bảo vệ sức khoẻ người dân, cũng là nơi “hàng ngày thải rác và nước thải vào môi trường, gây ô nhiễm lây lan bệnh tật”.

Nghiên cứu mức độ ô nhiễm không khí ở thành phố HCM, Viện Vệ sinh và Y tế công cộng cho biết:

– nồng độ các khí độc NO, CO2, SO2 đều cao hơn tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 1 đến 6 lần;

– nồng độ chì trong không khí cao hơn tiêu chuẩn từ 5 tới 6 lần;

– hàm lượng bụi cao hơn tiêu chuẩn từ 6 đến 64 lần.

Riêng về rác, mỗi ngày thành phố thải ra 2.000 tấn, trong khi các phương tiện xử lý chỉ giải quyết được 1/4 khối lượng đó.

Thành phố HCM có khoảng 100km kênh rạch, song tại tất cả các điểm khảo sát nước, hàm lượng coli (vi khuẩn Coliform được sử dụng để đánh giá mức độ ô nhiễm của nước) đều vượt tiêu chuẩn nước sinh hoạt từ hàng ngàn đến hàng triệu lần.

Về nửa triệu nhà vệ sinh tự hoại và bán tự hoại của thành phố, người ta được biết chỉ có 50% đạt tiêu chuẩn vệ sinh, lượng phân tự tiêu huỷ chỉ đạt 10%, phần còn lại phân tán bừa bãi khắp nơi, hoà lẫn vào nguồn nước.

Còn về diện tích cây xanh, từ trên 4 vạn cây cách đây 20 năm, thành phố hiện nay chỉ còn 24.300 cây. Theo đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng, diện tích cây xanh đã giảm từ 4 m2/người xuống còn 0,7 m2/người. Đối chiếu với những đô thị lớn trên thế giới, tiêu chuẩn cây xanh trên đầu người của thành phố chỉ bằng từ 1/10 đến 1/20.

Điều đáng nói, theo báo Tuổi Trẻ, là chưa ai bị pháp luật truy tố về tội phá hoại cây xanh hay tội gây ô nhiễm môi trường: nếu không có biện pháp cưỡng chế thi hành luật lệ bảo vệ môi trường thì môi trường thành phố sẽ đến lúc “không còn gì để nói đến”! Sạch sành sanh?

( theo Tuổi Trẻ 6.5 và Thời báo kinh tế Sài Gòn 13.5.93)

Mỏ Đại Hùng: ra dầu từ 1994

Tháng 4 vừa qua, một hợp đồng phân chia sản phẩm khai thác mỏ Đại Hùng đã được ký kết giữa các công ty BHP (Úc, 44%), Petronas (Malaixia, 20%), Total (Pháp, 10%), Sumimoto (Nhật, 10%) và PetroVietnam (15%). Ông Neil Feguson, thuộc công ty BHP đã được bổ nhiệm làm tổng giám đốc liên doanh Đại Hùng. BHP cũng đang cùng các công ty BP (Anh), Seacap (Thuỵ Điển) và Sceptre Resource ( Canada) thăm dò dầu mỏ ở thềm lục địa miền Trung.

Mỏ Đại Hùng nằm trong vịnh Côn Sơn, ở độ sâu 110 m, trữ lượng ước tính từ 700 tới 800 triệu thùng, tương đương với 80 đến 90 triệu tấn, và một khối lượng khí đốt lớn. Chi phí khai thác được dự trù là 1,5 tỷ đôla cho 20 năm. Đại Hùng sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 1994 với sản lượng ban đầu từ 20 đến 30 ngàn thùng / ngày, tiến tới 200 ngàn thùng / ngày vào năm 1998.

Theo ông Michael Yeldham, giám đốc công ty dầu lửa Anh BP ở Hà Nội, trong vòng hai năm tới có thể biết được chính xác trữ lượng dầu khí ở Việt Nam. Một ước tính trước đây đã đánh giá trữ lượng này từ 1,5 đến 3 tỷ thùng.

(Tổng hợp nhiều nguồn tin).

Giá giảm

Trong tháng 4.93, Việt Nam đã thành lập một “quỹ bình ổn giá”, nhằm chủ động điều hoà giá hàng hoá và góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Nguồn thu của quỹ này là khoản chênh lệch giá hàng xuất nhập khẩu và lợi nhuận siêu ngạch của các doanh nghiệp.

Trong tháng 3.93, giá cả ở Việt Nam đã giảm 0,5% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên hiện tượng giảm giá xẩy ra ở Việt Nam, từ khi chính quyền bắt đầu thi hành những biện pháp chống lạm phát, từ hai năm nay. Tỷ lệ lạm phát phi mã trong những năm trước đã được đưa xuống còn 68% năm 1991, 17,5% năm 1992, và dự trù sẽ xuống dưới 14% năm nay. Trị giá đồng bạc Việt Nam từ hơn một năm nay ổn định ở mức 10.500 đồng/một đôla.


Tiếp tục mất cắp tượng

Theo Tuổi Trẻ 6.5, một tượng đá cao khoảng 0,8m, tạc hình thứ phi vua Pôrômê, đặt tại tháp Chàm Pôrômê, cách thị xã Phan Rang 18km, đã bị mất cắp. Do tháp không có người quản thủ nên không xác định được thời điểm mất tượng.

Trong khi đó, một bộ phận thập điện bằng gỗ gồm 10 bức chạm nổi, mỗi bức cao 1,30m, rộng 3,38m, diễn tả mười phương địa ngục theo đạo Phật, đã bị lấy cắp tại đình Thanh Sơn, Nam Hà. Đình này thờ Khôi Công, một tướng đã giúp Lý Nam Đế đánh đuổi quân nhà Lương ở thế kỷ thứ 6.


Lm. Chân Tín và ô. Nguyễn Ngọc Lan được tự do

Theo tin của báo Tin Nhà (14.5), Linh mục Chân Tín đã chính thức trở về Sài Gòn bốn ngày trước khi mãn hạn 3 năm quản chế bắt đầu từ 16.5.1990. Ông đã kịp ra Nha Trang dự lễ tang anh ruột cũng là linh mục. Được biết bạn ông, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, cũng hết bị quản chế tại gia. Báo Tin Nhà nhấn mạnh việc trả tự do cho hai ông là không điều kiện.

[Điều quan trọng không kém, là quyết định quản chế độc đoán này hoàn toàn không đạt được mục đích mong muốn là ngăn chặn tiếng nói thẳng thắn của hai ông. Hai tập nhật ký của Nguyễn Ngọc Lan và Hồ sơ Chân Tín xuất bản ở nước ngoài là những bằng chứng cụ thể. Suốt ba năm qua, nhiều cán bộ đảng viên cộng sản từng được hai ông giúp đỡ khi bị tù đày trước năm 1975, đã tới thăm nuôi và bày tỏ cảm tình với họ. Hơn bao giờ hết, dư luận cần tiếp tục đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho mọi tù nhân chính trị].


Thủ tướng Võ Văn Kiệt sắp sang Pháp

Theo tin AFP (22.5), thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận lời thủ tướng Edouard Balladur mới, sang thăm nước Pháp “ trong một thời gian gần đây” – AFP dự đoán là cuối tháng 6.93. Tiếp đại sứ François Nougarede, ông Kiệt tuyên bố: “quan hệ giữa hai nước đã cải thiện một cách đáng kể từ khi tổng thống F. Mitterrand sang thăm Việt Nam tháng 2 vừa qua” “ chính phủ Pháp đã tích cực ủng hộ Việt Nam cải thiện quan hệ với quỹ quốc tế tiền tệ”


Việt Nam - Thái Lan

Kỳ họp thứ hai của Uỷ ban hỗn hợp Việt - Thái về kinh tế đã diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 7 và 8.5.1993. Lần đầu, Uỷ ban đã họp vào tháng 11.91 tại Băng Cốc, sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, vượt qua những đối kháng chung quanh vấn đề Cam Bốt. Phái đoàn chính phủ mỗi nước do một thứ trưởng ngoại giao dẫn đầu, phía Thái là ông Surin Pitsuwan và phía Việt Nam là ông Vũ Khoan. Hai bên đã quyết định tăng cường trao đổi thương mãi song phương, với mục tiêu tới cuối năm nay đạt gấp đôi mức 150 triệu đôla của năm 92. Mức đầu tư của Thái vào Việt Nam hiện nay còn khá thấp: đứng thứ 14 trong các nước có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trong khuôn khổ kỳ họp, tướng Charan Kullivanija, đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Thái, và thứ trưởng nội vụ Việt Nam Lê Minh Hương, đã thoả thuận hợp tác để ngăn chặn sản xuất và buôn lậu nha phiến. Ngoài ra, vấn đề quyền đánh cá trong các vùng biển ở Vịnh Thái Lan cũng được đề cập tới, song chưa đạt thoả thuận của hai bên. 170 ngư phủ Thái và hơn 60 ngư phủ Việt Nam hiện bị giam giữ vì đánh cá trong hải phận bên kia.

Quan hệ Việt - Thái trong tháng 5 này còn được đánh dấu bởi chuyến đi thăm Băng Cốc từ ngày 11 tới 15 của một đoàn quân sự cấp cao Việt Nam, do tướng Đào Đình Luyện, tổng tham mưu trưởng kiêm thứ trưởng quốc phòng, cầm đầu. Tướng Luyện đã hội đàm với Tổng tư lệnh quân đội Thái Vimol Wongwanich và thủ tướng Chuan Leekpai, tuy nhiên nội dung các cuộc hội đàm này chưa được công bố.

(AFP, 8 và 11.5, Reuter 12.5)

Nhà Trắng - Việt Nam...

Chuyện dài quan hệ Mỹ - Việt tưởng đã bước sang trang mới nhân cuộc họp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cuối tháng 4 vừa qua, vẫn tỏ ra còn nhiều khúc quanh co, lên xuống, như Diễn Đàn số 19 đã dự đoán. Trước sức ép của một bộ phận dư luận Mỹ, chính quyền Clinton đã yêu cầu IMF, không phải là tiếp tục không cho Việt Nam tiếp xúc với nguồn tài chính quốc tế mà là... tạm hoãn quyết định của mình cho tới phiên họp sau, được dự trù vào cuối tháng 6 này.

Song song, tổng thống Clinton đã cử thượng nghị sĩ John Kerry (một người chủ trương mau bình thường hoá quan hệ với Việt Nam) sang Hà Nội ngày 16.5, mang theo một thư riêng của ông gửi chủ tịch Lê Đức Anh, trong đó ông nói rằng sẽ lấy một thái độ “phải chăng” về việc bãi bỏ cấm vận nếu Việt Nam không giấu giếm gì về những tin tức chung quanh các binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh. Một quan điểm cũ được nhắc lại... vì sức ép của những gia đình các binh sĩ đó, nhưng sớm muộn cũng sẽ được quên đi, vì thật ra chẳng còn lý do gì để trở lại mãi một vấn đề sẽ chẳng có giải pháp. Trong chiến tranh thứ hai, chỉ trên chiến trường châu Âu đã có khoảng 30.000 lính Mỹ mất tích, không bao giờ tìm được dấu vết!

Trong khi đó, theo tin từ Hà Nội, nhiều công ty lớn của Mỹ như Citibank, General Electric, Philip Morris, Baker Mackenzie (một công ty cố vấn pháp luật) sẽ được phép mở văn phòng đại diện tại Việt Nam trong một ngày gần đây...


Việt Nam - Nam Triều Tiên

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm chính thức Nam Triều Tiên từ ngày 13 đến 16.5 vừa qua, đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ bang giao giữa hai nước. Cùng đi với ông, có ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư Đậu Ngọc Xuân và nhiều bộ trưởng, thứ trưởng khác. Ngoài ra, còn có 24 nhà doanh nghiệp thuộc khu vực quốc doanh cũng như tư doanh.

Ông Võ Văn Kiệt đã hội đàm với tổng thống Nam Triều Tiên Kim Young-sam và đi thăm nhiều công ty lớn của Nam Triều Tiên, như Daewoo Motors Co., Samsung Electronics Co., Huyndai Heavy Industries Co., v.v...

Trao đổi thương mãi giữa hai nước đã được nhân lên gấp đôi trong năm 1992 so với 1991, đạt gần 500 triệu đôla, trong đó phần lớn là hàng Nam Triều Tiên xuất sang Việt Nam.

Nam Triều Tiên đã quyết định cho Việt Nam vay 150 triệu đôla trong đó 50 triệu với lãi suất thấp. Hai bên cũng đã ký một hiệp định chấp nhận điều khoản tối huệ quốc trong thương mãi giữa hai nước, một hiệp định về hàng không... Thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi Nam Triều Tiên tăng cường đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.


Hữu nghị và tranh chấp

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền đã đến thăm Việt Nam một tuần lễ, từ ngày 13.5. Ông đã được tổng bí thư Đỗ Mười và chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp vào ngày 17.5.

Trước đó, quan hệ giữa hai nước đột nhiên căng thẳng trong vụ tranh chấp các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Một chiếc tàu thăm dò địa chấn Trung Quốc đã xâm nhập khu mỏ Đại Hùng thuộc lô số 6, nơi hai công ty BP State Oil của Na Uy và ONGC của Ấn Độ đang thăm dò dầu khí trong một hợp đồng với Việt Nam. Tàu Fendou-4 đã đi lại trong khu vực suốt 6 ngày, gây nhiễu loạn cho công tác khảo sát của các tàu địa chấn Na Uy và Ấn Độ. Tàu Fendou-4 đã rút lui ngày 12.5, một ngày trước khi Trì Hạo Điền tới Việt Nam!


Thủ tướng Úc kêu gọi

Chuẩn bị cho chuyến đi thăm Úc vào ngày 26.5 của thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Paul Keating, thủ tướng Úc đã kêu gọi cộng đồng Việt Nam tại Úc quên quá khứ, hoà giải với Việt Nam và hướng về tương lai để góp phần xây dựng những quan hệ vững chắc giữa hai nước Úc - Việt.

Úc hiện nay là nước đứng thứ sáu trong những nước có đầu tư vào Việt Nam, với 390 triệu đôla đầu tư vào 22 dự án khác nhau. Thương mãi giữa hai nước đạt doanh số 176 triệu đôla năm 1992, so với 1,4 triệu 10 năm trước.


Tin ngắn

* Công việc quy hoạch và thiết kế cảng Vũng Tàu đã được giao cho một tổ hợp các công ty Tredia Investment của Singapore, Mitsui và Mitsubishi của Nhật, liên doanh với công ty quốc doanh Việt Nam Vinamarine và tỉnh Bà Rịa. Công ty Pháp Bouygues liên kết với công ty Anh IPCO cũng đã tham gia đấu thầu song không được nhận.

* Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng dầu mỗi ngày của Việt Nam đã lên đến 16.500 tấn, tăng 10% so với sản lượng hàng ngày của năm 1992 (15.000 tấn).

* Theo các báo cáo của Hội nghị quản lý tài nguyên tổ chức tháng 4 ở Hà Nội, Việt Nam hiện có gần một ngàn khu vực khai thác mỏ đang hoạt động. Khoảng 60% số mỏ này được khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền. Mặt khác, do không thông hiểu kỹ thuật, hoạt động khai thác trái phép này làm tổn thất đến 50-60% khoáng sản, đồng thời gây ra huỷ hoại môi trường nghiêm trọng.

* Theo báo Việt Nam - Đầu tư nước ngoài, Việt Nam hiện có 521 điểm đô thị (với tổng số dân 13 triệu người), nhưng chỉ mới có 119 điểm có nước máy với số người dùng khoảng 7,5 triệu người, tức 10,5% dân số cả nước. Mỗi ngày các nhà máy nước chỉ cấp tối đa 1,8 triệu m3 nước, trong đó 35% là nước dùng cho sinh hoạt, 35% dùng cho sản xuất, còn lại 30% thất thoát.

* Thành phố HCM hiện có 50.000 xe ô tô (gấp 8 lần so với năm 1975), 800.000 xe gắn máy (tăng 20 lần so với năm 1975), 2 triệu xe đạp và 100.000 xe ba bánh. Vừa qua, chính phủ đã cho phép nhập 600.000 xe gắn máy trong năm 1993. Người ta ước tính phân nửa số xe này sẽ chạy về thành phố.

* Nhằm xoá bỏ bao cấp trong lĩnh vực nhà ở, chính phủ Việt Nam đã quyết định thực hiện chế độ đưa tiền nhà vào lương cán bộ, nhân viên, đồng thời tính tiền thuê nhà đối với những nhà do nhà nước quản lý.

* Quyết định thành lập “Trung tâm giao dịch chứng khoán” và “Trung tâm trọng tài quốc tế - Việt Nam” đã được công bố trong tháng 4.93. Thị trường chứng khoán đầu tiên sẽ được đặt tại thành phố HCM, còn trung tâm trọng tài được giao thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

* Một bài báo Nhân Dân cuối tháng tư vừa qua báo động Việt Nam đang có nguy cơ trở thành một đầu mối của các tổ chức quốc tế buôn lậu nha phiến, từ Lào, Thái Lan, Hồng Kông... sang Pháp, Đức và Đông Âu. Năm 1992, công an đã khám phá 256 vụ buôn thuốc phiện, tịch thu 1.115 kg thuốc phiện và 2,8 kg heroin, so với 323 kg thuốc phiện và 1,8 kg heroin tịch thu được qua 190 vụ buôn lậu phát hiện trong năm 1991.

* Lần đầu tiên từ 1975, một đoàn 28 doanh nhân Việt Nam đã tới thăm Hoa Kỳ trong hai tuần đầu tháng 5.93, đáp lời mời của Phòng thương mại Mỹ - Việt, Hội đồng kinh doanh với Đông Nam Á của bang California và nhiều xí nghiệp Mỹ. Các doanh nhân trong đoàn thuộc các ngành công nghiệp tơ sợi, dầu mỏ, du lịch và tiểu thủ công nghiệp. Đoàn do ông Đoàn Ngọc Bông, tổng thư ký Phòng thương mãi Việt Nam cầm đầu.

* Tập đoàn kinh doanh bất động sản SERCIB của Pháp đã ký một hợp đồng liên doanh với công ty Việt Nam SAGIMEXCO để xây một toà nhà chuyên làm văn phòng cho các doanh nghiệp. Ngày khởi công xây dựng đã được ấn định vào tháng 6 tới.

* Theo báo Bưu Điện Băng Cốc ngày 30.4, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười sẽ đi thăm chính thức Thái Lan khoảng cuối năm nay. Đây là lần đầu tiên một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đi thăm một quốc gia không nằm trong “khối xã hội chủ nghĩa” hoặc được coi là “đồng minh” của khối (Ấn Độ, một vài nước châu Phi). Chuyến đi của ông Đỗ Mười được coi như để đáp lễ chuyến đi thăm Việt Nam tháng 11.92 của hoàng tử Thái Lan Maha Vajiralongkorn.

* Theo báo Tuổi Trẻ 24.4, tất cả 32 trại viên của một “trại cải tạo những người nghiện thuốc phiện” ở Suối Lang, tỉnh Khánh Hoà đều bị nhiễm vi khuẩn bệnh Sida HIV. Tờ báo cho biết, Khánh Hoà có khoảng 300 người nghiện và 500 gái mại dâm, và nhiều người trong số này là những người cho máu thường xuyên của tỉnh.

* Công ty cố vấn đầu tư Mỹ VATICO (Vietnam America Trade and Investment Consulting Co.), trụ sở tại Washington D.C., đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội ngày 25.4, đi trước ngân hàng Bank of America – là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đã được phép mở văn phòng ở Việt Nam.

* Ngày 24.4, một nhà vật lý nguyên tử Việt Nam đã được đưa sang Pháp điều trị sau một tai nạn phóng xạ khiến ông bị phỏng nặng ở tay và bàn tay. Tai nạn xẩy ra tại một phòng nghiên cứu ở Hà Nội. Trung tâm bảo vệ và an toàn hạt nhân Pháp (IPSN) đưa ra tin này nhưng không cho biết tên tuổi của người bị nạn.

* Trong một cuộc gặp báo chí do Chương trình vì phát triển của Liên hiệp quốc (PNUD), ông Võ Hồng Phúc, phó chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch nhà nước Việt Nam cho biết, theo các con tính của Uỷ ban, Việt Nam cần từ 40 tới 50 tỉ đôla đầu tư để đạt mục tiêu nhân đôi thu nhập quốc dân vào năm 2000 so với năm 1990. Hà Nội trông cậy vào nguồn vốn nước ngoài trong khoảng 50% số đầu tư cần thiết ấy.

* Ông Arthur Dunkell, tổng giám đốc GATT (Thoả ước tổng quát về Thuế quan và Mậu dịch) sẽ đi thăm Việt Nam từ 17 đến 21 tháng 5. Việt Nam hiện nay là quan sát viên của GATT và muốn trở thành thành viên của Thoả ước.

* Một vụ nổ lớn đã xẩy ra ở kho đạn cũ của Mỹ ở Đà Nẵng ngày 2.5, làm thiệt mạng 13 người và hư hại nhà cửa trong một vòng bán kính 2km chung quanh kho đạn. 10 trong số 13 người chết vì vụ nổ là bộ đội làm việc ở kho đạn. Trước đó, đêm 30.4 tại thành phố Hồ Chí Minh, một người đàn ông đã tự thiêu ở một quảng trường gần khách sạn Rex. Tuy nhiên, theo AFP, không có dấu hiệu gì cho thấy hai sự kiện nói trên có ý nghĩa chính trị hay không.

* Một tổ hợp các công ty Inđônêxia, đứng đầu là Metropolitan Group, đã ký hợp đồng với một công ty dịch vụ du lịch ở Hà Nội để khởi công xây dựng một khách sạn thuộc nhóm Khách sạn Horison ở Hà Nội vào cuối năm nay. Vốn đầu tư dự trù là 27 triệu đôla, trong đó phía Inđônêxia sẽ góp 80%.

* Trong tháng 4, nhà nước Việt Nam đã công bố pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam những bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, tài sản và lao động, cũng như những bản quyết định hình sự của toà án nước ngoài. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.1993.

* Khu chế xuất đảo Phú Quốc sẽ hình thành với cơ sở hạ tầng được xây dựng bằng vốn đầu tư của Singapore. Dự án đầu tư lên đến 500 triệu đôla.

* Tập đoàn Đài Loan Ching Feng đã được phép mở chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội. Ching Feng hiện là tập đoàn nước ngoài đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với một nhà máy xi măng 288 triệu đôla ở Hải Phòng và một xí nghiệp sản xuất xe gắn máy 55 triệu đôla ở Hà Nội.

* Theo báo Nhật Sankei Shimbun, cơ quan tài nguyên năng lượng của Nhật sẽ cùng với bộ công nghiệp Việt Nam thăm dò tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam. Dự án sẽ tiến hành trong ba năm, mỗi năm chi khoảng 100 triệu yen (900 ngàn đôla) để thăm dò các loại kim loại màu như vàng, đồng, nikel, chì, wonfram.

* Chuyến tàu đầu tiên chở hàng Mỹ từ khi Hoa Thịnh Đốn bỏ một phần cấm vận đã đến Việt Nam vào đầu tháng 5. Đó là tàu của công ty Unocal, chở 16 ngàn tấn urê đến cảng Sài Gòn.

* Mỗi tuần, ba chuyến bay sẽ nối liền Đà Nẵng và thành phố của Đài Loan. Đường bay được công ty hàng không Đài Loan Makyng Airlines khánh thành vào cuối tháng 4.93.

* Tổ chức hợp tác kinh tế nước ngoài của Nhật (OECF) đã quyết định dành 70 triệu đôla trong khoản viện trợ của Nhật cho Việt Nam để xây dựng cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền. Cầu sẽ dài 1.350m, rộng 8m, cao 25m so với mặt sông và thời gian xây dựng dự kiến từ 3 đến 4 năm.

* Việt Nam đã bắt đầu sản xuất bao cao su dưới hiệu Happy, giá khoảng 250đ/cái. Đây là sản phẩm của xí nghiệp Merufa được Quỹ dân số của Liên hiệp quốc tài trợ.

* Dịch xây sân golf đã lan đến tỉnh Sông Bé. Chính quyền tỉnh đã quyết định liên doanh với một công ty Singapore xây một sân golf gần vườn cây ăn trái Lái Thiêu, với vốn đầu tư 50 triệu đôla.

* Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã từ trần vào ngày 7.5.1993 tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. Nguyễn Xuân Khoát bắt đầu sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám, nổi tiếng với những bài hát như Con cò đi ăn đêm, Thằng Bờm, Con voi, Uất hận, v.v... Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cũng là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc cổ truyền, chèo, ca trù, hát ru con...

* Một nhà máy điện chạy tuyếc-bin khí, với công suất 100 triệu watt sẽ được xây tại tỉnh Bà Rịa. Tổ hợp các công ty Nhật Nissho-Iwai et European Gas Turbine (EGT) đã trúng thầu để xây nhà máy, trị giá 35 triệu đôla. EGT là liên doanh giữa GEC-Alsthom (90%) và General Electric (10%).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss