Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Abdou, Nguyễn, Mohammed và còn ai nữa...

Abdou, Nguyễn, Mohammed và còn ai nữa...

- Đỗ Thống — published 10/02/2011 00:20, cập nhật lần cuối 14/04/2011 21:02

Thời sự Pháp: quy chế người ngoại quốc


Abdou, Nguyễn, Mohammed
và còn ai nữa...

Đỗ Thống

 

Mùa xuân oan nghiệt. Mười năm khủng hoảng triền miên đã đánh đổ mọi thứ tabu cấm kỵ: người ta đã dám mở miệng nói tới “thềm dung nạp” (seuil de tolérance), rồi “vùng đợi chờ” (zones d’attente) và “chuyên cơ trục xuất” (charters d’expulsés). Và bây giờ, cuộc tranh luận về vấn đề người nhập cư tại Pháp đã lên tới đỉnh cao với bộ ba đạo luật, không những đặt lại vấn đề quy chế người ngoại quốc ở Pháp, mà còn xét lại cả định nghĩa về cộng đồng dân tộc. Nói như vậy, chúng tôi không hề có ý cường điệu hay viết cho kêu. Đó chính là cái lôgíc sâu kín của dự thảo bộ luật về quốc tịch, dự luật về xét hỏi giấy tờ căn cước và dự luật đàn áp nạn cư trú bất hợp pháp, ba bộ phận của một chiến lược (*) mà ông Charles Pasqua, bộ trưởng nội vụ, vừa triển khai.


Luật thổ địa, luật huyết thống

Như mọi người đều biết, có hai quan niệm đối nghịch nhau về quốc tịch: một bên là luật thổ địa (droit du sol, jus solis), theo đó ai sinh trưởng ở nước nào thì mang quốc tịch nước đó, và một bên là luật huyết thống (droit du sang, jus sangui) theo đó quốc tịch là do cha (mẹ) truyền con nối. Nói nôm na hơn, một bên coi trọng nơi chôn rau cắt rốn, một bên dùng huyết thống dòng dõi để quyết định quốc tịch. Tại tất cả các nước tiên tiến, hiện nay chỉ có Đức và Thuỵ Sĩ là còn áp dụng quan niệm huyết thống. Tại Pháp, luật thổ địa đã được soạn thành văn ít nhất từ thời Đệ tam Cộng hoà (1889), nhưng nó đã tồn tại từ lâu trong truyền thống lịch sử và văn hoá Pháp. Ngay từ thời quân chủ, nhà luật học nổi tiếng Pothier đã tuyên bố: “Ai sinh ra tại vương quốc ta là có quyền có quốc tịch Pháp, bất luận cha mẹ gốc gác thế nào”. Cho nên pháp lý jus soli là một bộ phận cấu thành của bản sắc Pháp. Nói như sử gia Fernand Braudel, tính theo đơn vị thời gian là thế kỷ, thì mọi người Pháp đều là con cháu những người nhập cư. Theo thống kê của Viện quốc gia nghiên cứu dân số học (INED) công bố năm 1991, thì 10 triệu người Pháp (tức là 20% dân số) là con hoặc cháu người ngoại quốc.

Trong thời kỳ ở chung lần thứ nhất (chính phủ phái hữu cầm quyền trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống 1981-1988 của F. Mitterrand), dưới sức ép của phe cực hữu và viện cớ “cần củng cố bản sắc dân tộc”, chính phủ Chirac đã tìm cách xoá bỏ quyền quốc tịch theo sinh quán. Chủ trương này đã gặp sự phản đối do phe đối lập dấy lên mạnh mẽ trong dư luận, lại bị Hội đồng Nhà nước tỏ ý không tán thành vì “không thấy có lý do để thay đổi một hệ thống pháp lý đã được áp dụng từ gần một thế kỷ nay mà kinh nghiệm cho thấy là không có gì bất cập”. Vì vậy, chính phủ đã dùng chước thứ 36 là trao hồ sơ này cho một uỷ ban nghiên cứu mà ông Marceau Long làm chủ tịch. Uỷ ban này đã có một sáng kiến gương mẫu là tổ chức một khoá điều trần công khai và truyền hình, sau đó đề nghị một số biện pháp được dư luận đánh giá là ôn hoà và được sự đồng thuận của xã hội. Các biện pháp này dựa trên cơ sở quan niệm quốc tịch là một sự chọn lựa tự nguyện, quốc gia dân tộc tồn tại là do ý chí của các công dân (Renan) và do một khế ước giữa các công dân với nhau (Rousseau). Do đó, vào quốc tịch Pháp phải là một hành động tự nguyện.

Văn bản đạo luật về quốc tịch mà Quốc hội Pháp vừa thông qua (lần đầu) với một đa số áp đảo, cho dù đã được tu chính theo chiều hướng cứng rắn hơn so với dự thảo (xem phần đóng khung đi kèm bài này), đại để cũng nói là dựa theo bản kết luận của Uỷ ban Marceau Long. Chủ yếu từ nay việc nhập tịch sẽ phải tuân theo hai điều kiện: một là đương sự phải tự nguyện, hai là đương sự chưa bị án hình sự. Nếu vậy thì tại sao dự luật quốc tịch này lại đáng bị chỉ trích? Câu trả lời có thể tóm gọn như sau: đằng sau ngôn từ nguỵ trang dưới hai điều kiện vừa kể trên, người ta đã để cho tiêu chuẩn huyết thống lấn át tiêu chuẩn thổ địa, người ta đã phân biệt công dân gốc gác bản địa và công dân ngụ cư, do đó đã biến dạng mô hình cộng hoà về sự bình đẳng tuyệt đối và phổ cập giữa các công dân.

Chủ trương rằng nhập tịch phải là một hành động tự nguyện, tránh tình trạng “trở thành người Pháp mà không biết hoặc không muốn, à l’improviste, bất chợt trở thành người Pháp” (lời ông Edouard Balladur, tân thủ tướng), thoạt tiên nghe không có gì chướng. Thuận tai, hợp tình hợp lý lắm chứ: tự nguyện tự giác thì việc nhập tịch làm công dân nước Pháp mới có đầy đủ ý nghĩa. Nhưng xét cho kỹ hơn một chút, ta sẽ thấy vấn đề không đặt ra như vậy:

1) Về mặt nguyên tắc luật học, việc cấp quốc tịch phải có tính tự động, tính đương nhiên: “Mỗi người không phải chọn lựa quốc tịch, mà đương nhiên có một quốc tịch, căn cứ vào pháp luật hiện hành của nước sinh quán hoặc là của nước mà cha mẹ người đó có quốc tịch” (D. Lochak). Nói rõ ra, huỷ bỏ tính chất đương nhiên, tự động của việc cấp quốc tịch tức là mặc nhiên để cho luật huyết thống (droits du sang) bất di bất dịch lấn át luật thổ địa (có thể bị các xu hướng chính trị thay đi đổi lại theo đa số ở quốc hội).

2) Nói cụ thể hơn nữa, đòi những thanh niên sinh trưởng ở Pháp, mà cha mẹ là người ngoại quốc, phải tuyên bố muốn nhập tịch thì mới được cấp quốc tịch Pháp, còn thanh niên sinh trưởng ở Pháp, mà cha mẹ là người Pháp, thì không phải tuyên bố gì cả, vẫn đương nhiên là có quốc tịch Pháp, thì khác nào công khai tuyên bố rằng hai loại thanh niên đó không chính đáng như nhau. “Luật huyết thống như vậy sẽ là con đường vương giả, bình thường, chính đáng; còn luật thổ địa trở thành con đường ngoại lệ, nói thẳng ra là con đường đôi chút khả nghi” (J. Lang).

Sự kỳ thị còn biểu hiện trong việc từ chối quốc tịch đối với những thanh niên con cái người ngoại quốc, sinh trưởng ở Pháp đã mang án hình sự – một chủ trương “ thanh lọc công dân” (như Serbia đang “ thanh lọc chủng tộc” ở nước Nam Tư cũ) chỉ hợp tình hợp lý nếu như nó đi đôi với việc tước bỏ quốc tịch của cả những thanh niên Pháp phạm pháp.

3) Nói về quyền công dân và quyền quốc tịch, người ta đua nhau viện dẫn Rousseau (xã hội là một khế ước) hay Renan ( quốc gia dân tộc là một ý nguyện), nhưng người ta quên rằng Renan còn nói: “ Sự tồn tại của mỗi quốc gia là một cuộc biểu quyết dân ý hằng ngày”. Mà đã nói đến biểu quyết hằng ngày, thì phải công nhận là thanh niên con cái người nước ngoài hằng ngày biểu quyết cũng như, nếu không nói là hơn, thanh niên Pháp: họ sống ở Pháp, đơn giản như vậy, thậm chí nếu người ta trục xuất khỏi nước Pháp, thì họ vẫn tìm cách quay trở lại. Nay bắt họ phải tiến hành thêm một thủ tục (có tính chất kỳ thị) để chứng tỏ là họ muốn có quốc tịch Pháp, thì khác nào tỏ ý ngờ vực họ? Người ta không khỏi cảm thấy ớn lạnh xương sống khi nghe ông Pierre Mazeaud (RPR), chủ tịch Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, tỉnh bơ gọi 800.000 thanh niên đó là “ những người Pháp giả định” [Français présumés]. Một cách đùa dai dễ sợ, khác nào nói rằng đó là những “kẻ tình nghi giả định” (suspects présumés), biểu lộ một lối nhìn của xã hội Pháp đối với con cái những người nhập cư sinh sống và làm việc lâu năm trên đất Pháp.


Bản mặt ngoại quốc và đọc báo New York Times

Phải nói bộ ba dự luật của ông Pasqua (*) là một hệ thống nhất quán. Ngay từ năm 1990, tức là 3 năm trước khi trở lại làm bộ trưởng nội vụ, ông đã nói tại Thượng viện rằng sửa đổi bộ luật quốc tịch là một “yêu cầu bức xúc”: “ Nhà lập pháp cần thiết phải khẩn trương khẳng định rằng quyền hưởng quốc tịch nhằm mục tiêu tối hậu là bảo toàn sự vĩnh hằng của quốc gia Pháp”. Ý nghĩa tượng trưng của việc sửa đổi bộ luật quốc tịch nằm trong hai chữ vĩnh hằng ấy, cũng như khía cạnh trấn áp của “ dự án luật liên quan tới việc chế ngự luồng nhập cư và tình hình nhập cảnh, tiếp nhận và cư trú của người nước ngoài”, vế trung tâm của bộ ba dự luật mà tác giả của nó đã tóm gọn trong mấy chữ “nhập cư zéro”. “Q uản lý dòng người nhập cư” theo kiểu Pasqua là cả một guồng máy luật lệ chưa từng có (xem khung đi kèm bài này). Có thể nói tóm tắt: đặt thêm nhiều chướng ngại vật về thủ tục sum họp gia đình; tình nghi một cách có hệ thống các cuộc hôn nhân giữa người Pháp và người ngoại quốc; bãi bỏ khả năng chống án trong trường hợp có tranh chấp; hạn chế tối đa khả năng hưởng các quyền xã hội; thu hẹp diện quy chế tị nạn... Cái lôgíc xuyên suốt của các biện pháp kể trên là lôgíc của sự tình nghi, dọn chỗ cho mọi sự phiền hà, độc đoán đối với toàn bộ người nước ngoài, thậm chí đối với cả một bộ phận người Pháp (người Pháp con cháu người nước ngoài, người Pháp lấy vợ/chồng ngoại quốc, người Pháp muốn mời bạn bè nước ngoài sang Pháp chơi) trong khi giao tiếp với các cơ quan hành chính. Nhất là cảnh sát công an, vì vẫn trong cái lôgíc đàn áp và loại trừ nói trên, chính phủ còn đưa ra Quốc hội biểu quyết một đạo luật – vế an ninh của bộ ba – mở rộng khả năng khám xét giấy tờ căn cước (xem khung đính kèm). Mấy năm về trước, ông Pasqua muốn “khủng bố bọn khủng bố”; nay phải chăng ông muốn “khủng bố người ngoại quốc” với đạo luật này? Chỉ biết trong cơn mê sảng tập thể, một đại biểu quốc hội đã hứng chí đòi thiết lập trở lại chế độ “giấy phép đi lại”. Đề nghị này bị bác đi, nhưng bù lại, tuyệt đại đa số hạ viện, trong lần họp thứ nhất, đã thông qua điều khoản bổ sung1 của ông Marsaud, cho phép công an tư pháp khám xét giấy tờ căn cước trên cơ sở “bất cứ yếu tố nào cho phép giả định đó là người ngoại quốc, miễn yếu tố đó không liên quan tới chủng tộc”. Thế nào là yếu tố không liên quan tới chủng tộc? văn bản dự luật không nói rõ, xin mời quý vị nát óc mà tìm cho ra. Dân biểu J. Dray (Đảng xã hội) mỉa mai gợi ý: “Chẳng hạn như đọc báo New York Times”. Như vậy, tất cả các vị da vàng tóc đen, da đen hay da ngăm ngăm tóc xoắn có thể yên tâm dạo mát ngoài đường. Miễn là đừng giở New York Times ra mà đọc.

Cố nhiên, các bộ trưởng hữu quan thanh minh thanh nga rằng đối tượng trấn áp không phải là người ngoại quốc nói chung, mà chỉ là những người nhập cư bất hợp pháp (đạo luật viết rõ như vậy mà). Cọng lá nho thảm thương ấy chẳng che đậy được cái gì. Trước hết, mọi người đều biết rằng không thể nào ngăn chặn được luồng nhập cư bằng những biện pháp cảnh sát. Sau nữa, mặc dầu không ai đếm được chính xác xem có bao nhiêu người ngụ cư chui, nhưng vẫn có thể ước lượng: năm 1981, khi phái tả lên cầm quyền ở Pháp, cho phép dân nhập cư chui được hợp thức hoá giấy tờ, có 130.000 người ra trình diện (trong khi người ta chờ đợi sẽ có khoảng 300.000). Như vậy là để đạt mục tiêu truy lùng vài vạn người nhập cư chui (một số, dù có tóm được, cũng không biết trục xuất ra sao), người ta sẵn sàng quấy rầy thường trực mấy triệu người ngoại quốc sinh sống và làm việc hợp pháp, biến họ thành đối tượng của mọi sự tình nghi, hạ nhục, kỳ thị. Chẳng lẽ các vị đại biểu Quốc hội không ý thức được nguy cơ đó sao? Ông bộ trưởng nội vụ vốn tự hào là biết “lắng nghe nước Pháp sâu kín”. Người ta có thể nghĩ rằng các biện pháp nhất quán mới được đề ra, thể hiện trung thành quan niệm của ông về sự hội thập. Trước quốc hội, ông Pasqua cũng đã nhấn mạnh rằng dự án mà ông đưa ra “ là một vận hội mới, có lẽ là vận hội cuối cùng, để cứu vãn mô hình hội nhập kiểu Pháp”.

Hội nhập, hay chống hội nhập? Hội đồng nhà nước – đây là điều rất hiếm – đã nhận định “ dự án này đi ngược ý định tuyên bố là tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập của người ngoại quốc cư trú hợp pháp trên lãnh thổ nước ta”. Nói đến quốc tịch và hội nhập, không thể không nói tới bản sắc dân tộc, không thể không trả lời câu hỏi: thế nào là bản sắc Pháp? Từ xưa đến nay, nước Pháp vốn là đất nước của sự nhập cư, biết hoà nhập các bản sắc và nền văn hoá bốn phương. Chắc cũng không phải ngẫu nhiên mà ông François Mitterrand, trong bài diễn văn khai mạc Vận động hội thể thao Địa Trung Hải ở Agde (một thị trấn nổi tiếng từ thời văn minh La Mã), đã nhắc lại điều đó một cách tài hoa: “Chính sự hoà trộn nhiều nền văn minh, nhiều dân cư ấy đã sản sinh ra xứ sở nhỏ bé của các bạn, một xứ sở mà tôi thiết nghĩ đã biết hun đúc một nền văn minh, một nền văn hoá, một lịch sử chung” (16.6.1993). Tóm lại trong mấy chữ tuyệt hay: “ Tổ quốc của cha (mẹ), nước Pháp của các con” [La patrie des pères, la France des fils]. Trong ý nghĩa đó, luật quốc tịch theo thổ địa là sự khẳng định niềm tự tin của một xã hội, ngược lại “e ngại người ngoại quốc thường là não trạng của những dân tộc sợ sệt quên lãng quá khứ” (Simone Weil *).

Ta hãy cứ giả sử, theo cái lôgíc Pasqua, là do khủng hoảng trầm trọng, do thời buổi khó khăn, vì “không ai có thể gánh chịu tất cả sự cùng khổ của thế gian”, nước Pháp muốn “quên lãng quá khứ”, và cái xứ sở bé nhỏ mà vĩ đại này chỉ còn muốn cam phận bé nhỏ của nó... Giả sử như vậy đi nữa, thử hỏi chính sách ngoài thì bế quan toả cảng (về mặt dân tộc), trong thì kỳ thị đối với người ngoại quốc có phải là cách giải quyết hay không? Khi thủ tướng E. Balladur tham khảo ý kiến, Uỷ ban tư vấn quốc gia về Nhân quyền đã khẳng định dứt khoát về dự luật Pasqua như sau: “ Không hợp thời, vô hiệu quả, thậm chí có hại cho sự an bình xã hội của nước ta”. Vô hiệu quả vì nội dung chủ yếu của dự luật này là loại trừ và trấn áp, nên nó sẽ dẫn tới hậu quả tất yếu là tăng thêm số người có giấy tờ bất hợp lệ và cư trú chui. Không hợp thời vì trong khi xã hội đang khủng hoảng và ẩn ức, tính chất nghi kỵ một cách có hệ thống đối với người nước ngoài của dự luật này sẽ khích động các xu hướng bài ngoại. Có hại, vì những lý do vừa kể trên, và vì lý do này nữa: dự luật này tạo những công dân hạng nhì, những phó thường dân, những người ngụ cư chung thân, do đó nó đi vào con đường định chế hoá sự kỳ thị, và chẳng chóng thì chầy, sẽ có những hậu quả xã hội và chính trị đáng ngại.

Đỗ Thống

(Kiến Văn dịch từ Pháp văn)

(*) Người trình bày trước quốc hội dự thảo luật quốc tịch và dự thảo luật về khám xét giấy tờ căn cước không phải là Charles Pasqua, bộ trưởng nội vụ, mà là Pierre Méhaignerie (đảng trung tâm), bộ trưởng tư pháp. Và bộ trưởng Bộ xã hội và hội nhập cũng không phải là ông Pasqua, mà là bà Simone Weil (đảng trung tâm).

1 Trước sự phản đối của dư luận, bà Weil và ông Méhaignerie đã viết thư cho thủ tướng, yêu cầu bổ sung điều bổ sung này. Ngày 22.6, ông Balladur quyết định sẽ sửa lại điểm này trước khi trình dự luật trước Thượng viện. Theo hiến pháp quy định, dự luật này sẽ phải đưa trở lại Quốc hội để thông qua lần thứ nhì. Sự cố Marsaud về mặt nguyên tắc đã chấm dứt sau khi thủ tướng Balladur làm trọng tài, nhưng ý nghĩa của nó còn nguyên vẹn: hầu hết dân biểu của phái đa số, kể cả các dân biểu cùng đảng trung tâm với bà Weil và ông Méhaignerie, đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của ông Marsaud, một người thân cận của ông Pasqua. Vả lại, cho dù điều khoản này cuối cùng được sửa như thế nào, nội dung chủ yếu của ba bộ luật vẫn nằm trong cái lôgíc của sự kỳ thị!


Những quy định mới trong ba dự luật

I. Sửa đổi luật quốc tịch

1. Trẻ em sinh đẻ tại Pháp, mà cha mẹ là người ngoại quốc, tới tuổi 18 không đương nhiên có quốc tịch Pháp, mà phải biểu lộ ý muốn trở thành người Pháp, trong thời gian giữa tuổi 16 và tuổi 21. Ý muốn này có thể phát biểu hoặc trước mặt một thẩm phán, hoặc trong khi làm thủ tục hành chính ở toà thị chính, toà tỉnh trưởng, hay ty cảnh sát. Đăng ký làm nghĩa vụ quốc gia hay xin giấy chứng chỉ quốc tịch cũng được coi là biểu lộ ý muốn đó.

2. Cha mẹ người nước ngoài, có con sinh đẻ tại Pháp, không còn có thể xin quốc tịch Pháp cho con em ở tuổi vị thành niên. Cho đến giờ, thủ tục này biểu hiện ý muốn hội nhập vào xã hội Pháp, nhưng cũng có thể chỉ là cách tránh khỏi bị trục xuất.

3. Phương thức nhập tịch nói ở điểm 1 không còn giá trị trong trường hợp đương sự bị án hình sự. Người ngoại quốc trưởng thành (tức là 18 tuổi trở lên) bị tước quyền xin quốc tịch (quyền này có thể sử dụng từ tuổi 16) nếu đã bị kết án vì tội chống an ninh quốc gia, hay bị kết án 6 tháng tù giam vì một số tội hoặc vi phạm (làm ma-cô, buôn ma tuý, đánh người tử thương, phạm tới con người, một vị thành niên – tội trạng cuối cùng này do quốc hội thêm vào), hoặc đã là đối tượng một nghị định trục xuất (expulsion) hoặc dẫn độ (reconduite à la frontière). Một lệnh cấm nhập cảnh, cấm cư trú vì dùng hoặc buôn ma tuý cũng huỷ bỏ quyền xin quốc tịch.

4. Sau ngày thành hôn với một người Pháp, người ngoại quốc phải đợi 2 năm mới được quyền xin nhập tịch [Từ năm 1973 đến năm 1984, có thể làm đơn ngay sau ngày cưới. Từ 1984 đến nay, phải đợi 6 tháng]. Thời hạn này được bãi bỏ trong trường hợp đẻ con “trước ngày cưới hay sau ngày cưới nếu đứa con được thừa nhận là con của cả hai người”. Tại Quốc hội, dự luật về quy chế người nước ngoài (xem phần III) được bổ sung như sau: điều khoản vừa kể trên chỉ được áp dụng cho những người ngoại quốc cư trú hợp lệ; nói cách khác, những người cư trú chui không được quyền xin vào quốc tịch Pháp, cho dù chồng hay vợ là người Pháp.

II. Khám xét giấy tờ

Mở rộng thể lệ khám xét giấy tờ căn cước, trong các cuộc khám xét tư pháp (liên quan tới một vụ vi phạm) hay hành chính (tức là phòng ngừa một sự vi phạm trật tự công cộng). Dự án luật cho phép mở ra những cuộc triển khai lực lượng cảnh sát có quy mô như trong những đợt chống nạn say rượu lái xe hơi, nếu có “lời thỉnh cầu thành văn của biện lý, tại những nơi và trong thời gian do biện lý quy định”. Biện lý có thể yêu cầu khám xét ngay trong trường hợp chưa xảy ra một tội trạng hay vi phạm nào. Nếu cuộc khám xét phát hiện ra những vi phạm không phải là mục đích thỉnh cầu của biện lý, thì thủ tục này vẫn có giá trị.

Không những thế, nhân viên công lực từ nay có quyền đòi xem xét giấy tờ của “ bất cứ người nào, bất luận thái độ hành xử của người ấy ra sao... ngõ hầu ngăn ngừa sự vi phạm trật tự công cộng, an ninh về người và của”.

Bổ sung của dân biểu Marsaud (xem phần III) còn cho phép sĩ quan cảnh sát kiểm tra giấy tờ của mọi người “căn cứ vào bất cứ yếu tố nào cho phép giả định đó là người nước ngoài, miễn là yếu tố đó không có tính chất chủng tộc (xem thêm chú thích1 )

III. Luật lệ mới về điều kiện nhập cảnh và cư trú của người ngoại quốc

1. Hạn chế quyền tị nạn: Đơn xin tị nạn nộp tại Pháp sẽ do các tỉnh trưởng (préfets) xét duyệt trước. Tỉnh trưởng có thể không cấp giấy cư trú nếu người nộp đơn đã đi qua một nước đã ký hiệp ước Schengen (theo đó, Pháp có quyền trục xuất về nước đó), hoặc nếu người đó có thể “được bảo hộ hữu hiệu” tại một quốc gia khác, hoặc nếu tỉnh trưởng xét rằng đơn xin tị nạn có phần “ cố ý gian lận”.

2. Hạn chế đoàn tụ gia đình: Một người ngoại quốc muốn xin cho gia đình sang đoàn tụ tại Pháp phải có thu nhập ít nhất bằng mức lương tối thiểu (SMIC), và phải cư trú hợp lệ tại Pháp ít nhất hai năm. Những khoản phụ cấp gia đình mà đương sự có thể sẽ được lĩnh không được tính vào số thu nhập nói trên. Khi làm đơn, vợ và con đương sự không được ở sẵn bên Pháp rồi. Đương sự cũng sẽ không được phép đưa các con sang Pháp bằng nhiều đợt trừ phi “có lý do chính đáng vì lợi ích của con cái”. Tỉnh trưởng chỉ cho phép sau khi nhận được ý kiến của thị trưởng hay xã trưởng nơi đương sự cư trú. Không được phép đoàn tụ nếu đương sự là sinh viên. Nếu đương sự đa thê, thì ngoài chính thất, các vợ khác và con cái không được phép đoàn tụ. Sau khi đoàn tụ, nếu hai vợ chồng ly thân, thì nhà cầm quyền có thể rút phép cư trú đã cấp cho vợ.

3. Hạn chế chế độ bảo hộ phúc lợi xã hội: Cho đến nay, những người nhập cư chui không được hưởng chế độ trợ cấp gia đình, nhưng nếu có công ăn việc làm, thì có trường hợp họ được hưởng bảo hiểm sức khoẻ. Dự luật Pasqua huỷ bỏ khả năng này bằng cách bắt buộc các quỹ bảo hiểm xã hội phải kiểm tra đều đặn giấy tờ cư trú hợp lệ của người ngoại quốc. Sở bảo hiểm xã hội sẽ được sử dụng kho phiếu của công an tỉnh để loại bỏ khỏi diện bảo hiểm những ai cư trú không hợp lệ, kể cả vợ con những người cư trú hợp lệ nhưng không được phép đoàn tụ gia đình.

4. Hạn chế việc cấp thẻ cư trú: Sẽ không cấp “thẻ cư trú 10 năm” cho những người ngoại quốc cư trú không hợp lệ, kể cả trong trường hợp họ có vợ, chồng hay cơn cái là người Pháp. Đối với con cái, theo chế độ hiện hành, thì dù cha mẹ cư trú chui, nhưng nếu người con sống ở Pháp từ khi chưa tới 10 tuổi, thì có thể xin cấp thẻ cư trú 10 năm. Với dự án sửa đổi, người con phải sang Pháp từ khi chưa tới 6 tuổi và chỉ được cấp thẻ cư trú có giá trị 1 năm.

Đối với sinh viên ngoại quốc, từ nay trở đi, sau 10 năm cư trú, họ không thể xin đổi thẻ cư trú tạm thời thành thẻ 10 năm. Người nào nhiều vợ mà đưa một vợ thứ vào đất Pháp sẽ không được cấp thẻ cư trú và có thể bị rút thẻ đã được cấp.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss