Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 10/02/2011 00:00, cập nhật lần cuối 05/03/2011 21:49

Bạn đọc và Diễn Đàn

 

Ngày 20.6.1993, Diễn Đàn đã gặp khoảng 50 độc giả vùng Paris tại hội trường Martin Luther King. Cũng trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được ý kiến của nhiều bạn mà chúng tôi đã được tiếp xúc, hoặc qua thư từ. Dưới đây xin đăng một số thư đã nhận được, và xin cảm ơn tất cả các bạn xa gần đã/sẽ vui lòng góp ý:


Sụ cần thiết của một tờ báo như Diễn Đàn

Vì ở xa, không tham gia cuộc họp mặt ngày 20.6, xin gởi đến các bạn vài cảm nghĩ về tờ báo cũng như về tình hình Việt Nam.

Trước tiên, mình nghĩ rằng sự có mặt của Diễn Đàn, hoặc của một tờ báo có chủ trương và mục đích như tờ Diễn Đàn là rất cần thiết. Sự cần thiết đó có thể viện dẫn bằng các lý do sau:

1. Đất nước Việt Nam không phải của một cá nhân, một nhóm người hay một đảng phái chính trị nào, mà là của toàn dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.

2. Từ hơn ba mươi năm nay, người trí thức không có một thế đứng, một vai trò cho đúng với khả năng của nó trong xã hội. Trong việc xây dựng đất nước, nhất là trong thời đại hiện nay, tiếng nói của người trí thức là cần thiết. Qua bài trả lời phỏng vấn của ông Phan Đình Diệu đăng trên Diễn Đàn số vừa rồi, càng chứng tỏ thêm một điều là giới (tầng lớp, giai cấp) trí thức có nhiệm vụ phải nói lên tiếng nói của mình, thậm chí phải tập hợp nhau lại để xác định sự có mặt của mình, đồng thời để thực hiện vai trò của mình một cách tự nhiên, đàng hoàng, chững chạc như một nhân tố không thể thiếu của một xã hội lành mạnh, bình thường, tiến bộ.

Vì điều kiện lịch sử và cũng vì thái độ quá khiêm tốn, thụ động, giới trí thức Việt Nam đã từ lâu bị “đánh lừa” và dễ bị “lợi dụng”, “bị sử dụng” như một phương tiện. Người ta muốn biến giới trí thức, chuyên môn thành một thứ “bộ phận hữu cơ”, nói cách khác là thành “tay chân”. Khi mà bộ óc bị tiến thành tay chân thì bộ óc sẽ cùn. Đã bốn mươi năm nay trên đất nước chúng ta, bộ óc không được sử dụng, không có chỗ xài. Do đó đất nước Việt Nam ngày càng nghèo nàn về khả năng phát triển trí tuệ, về khoa học xã hội cũng như về khoa học kỹ thuật. Phải xót xa thấy rằng chính vì thiếu vai trò của tầng lớp trí thức cho nên trong khi đa số các quốc gia trên thế giới đang sôi nổi, chững chạc bước vào thế kỷ thứ 21 thì Việt Nam mình vẫn còn lững thững ở thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đôi khi nghĩ lại bỗng giật mình bởi chẳng phải tự nhiên mà mỗi con người đều mang trên chỗ cao nhất của thân thể mình một cái đầu và một bộ óc. Tại sao bộ óc không nằm ở chỗ mông, hoặc dưới đầu gối? Tại sao bốn mươi năm qua lãnh đạo Việt Nam đã cố tình không cho người Việt Nam xài bộ óc của mình, thậm chí còn muốn biến tầng lớp trí thức thành đối tượng phải kềm kẹp.

Trí thức trong nước đã và vẫn còn đang bị kềm kẹp, chưa thể làm được gì (cụ thể là do cuộc sống vẫn còn lầm than, bi đát), do đó, trong chừng mực nào, rất trông cậy vào sự hình thành, phát triển của bộ phận trí thức Việt Nam hải ngoại. Về mặt này, mình nhận thấy giới trí thức Việt Nam hải ngoại vẫn còn quá rụt rè, thụ động, trong khi giới kinh doanh Việt kiều hiện rất hăng hái tham gia vào mọi mặt kinh tế (kỹ nghệ và thương mại) ở Việt Nam. Theo tôi nghĩ, một điểm không thuận lợi hiện nay cho giới trí thức, kỹ thuật gia Việt Nam là chúng ta không có một tiềm lực kinh tế để nâng cao vai trò và vị trí của mình. Do đó, muốn giương cao vai trò của giới trí thức, chuyên viên, bản thân mỗi người tự ý thức về tầng lớp của mình, thoát ra khỏi vỏ ốc, thụ động, tránh né, đứng ngoài cuộc, vô vi... Do đó, nếu chỉ hài lòng với tờ báo Diễn Đàn không thôi, thì nhất định chúng ta sẽ không làm được gì nhiều cho đồng bào, đất nước. Mình rất đồng ý với anh chị em làm báo Diễn Đàn khi nêu lên hai vế trong chủ trương của mình, đó là: đòi hỏi dân chủ hoá và phát triển đất nước. Muốn phát triển đất nước phải có khoa học kỹ thuật. Tờ báo Diễn Đàn chỉ mới làm nhiệm vụ gióng lên tiếng chuông của những người có tâm huyết và chưa biết mỏi mệt. Tuy nhiên, tờ Diễn Đàn một mình không đủ, tôi đề nghị những anh chị em chủ trương tờ Diễn Đàn hãy mạnh dạn tiến thêm bước nữa, đặt thêm những vấn đề lớn, rộng ra một chút, kêu gọi, thách thức tất cả những người trí thức, chuyên viên Việt Nam ở hải ngoại hãy nhận thức rõ nhiệm vụ, vai trò của mình đối với đồng nghiệp, đồng bào trong nước (...).

Điều cuối cùng mình muốn kêu gọi các bạn trí thức và anh chị em Diễn Đàn cần phải quan tâm hơn nữa, đó là thông tin và cảnh giác chính quyền Việt Nam trong vấn đề bảo vệ môi trường, môi sinh. Một thể chế có thể tồn tại hay tiêu vong trong vòng một vài thập niên, một xã hội có thể trải qua những thăng trầm trong một giai đoạn nào đó, nhưng thiên nhiên phải là cái gì vĩnh cửu, điều tối quan trọng cho cả một dân tộc là thiên nhiên và con người. Thiên nhiên không còn, con người không thể tồn tại được. Tôi rất lo âu trước các sự việc một số người có quyền chức hiện nay chỉ vì một mớ đôla mà nhẫn tâm huỷ hoại thiên nhiên, nhất là rừng, sông ngòi và các loại cầm thú. Những thành tựu về đấu tranh dân chủ sẽ trở nên vô ý nghĩa nếu thiên nhiên bị huỷ hoại. Do đó chúng ta có nhiệm vụ phải lên tiếng báo động, tố cáo những tội ác của bất kỳ nhóm người nào gây nên cho thiên nhiên Việt Nam.

Trần Cung 

(Cộng hoà Liên bang Đức)

Gắn chặt hơn với những hoạt động thực tiễn

Phần nào trả lời câu hỏi của bạn Đức Dũng (Có lý một mình buồn lắm thay, Diễn Đàn số 20, tr. 2), tôi đề nghị tới đây, Diễn Đàn dành một phần thoả đáng cho việc khơi dòng, xúc tác, thảo luận, thực hiện các dự án kinh tế - xã hội với trong nước.

Về xã hội chẳng hạn:

– Vận động thành lập thêm các trường đại học tư (như trước đây Diễn Đàn đã hỗ trợ Trường Thăng Long)

– Hỗ trợ tạo lập hệ thống các ngân hàng dành riêng cho người nghèo...

Về kinh tế, chẳng hạn:

– Đặt vấn đề thành lập một ngân hàng cổ phần của người Việt ở Pháp (hay châu Âu), hoạt động tại Việt Nam.

– Hỗ trợ các dự án kinh doanh đứng đắn; động viên sự hình thành dần dần một lớp người doanh gia (entrepreneurs) thực sự...

[Xin được nêu một ghi nhận: Hiện nay, một trong số ít các ngân hàng tư lớn nhất ở Việt Nam là do Hoa Kiều chi phối (Việt Nam Ngân Hàng, trụ sở chính ở Tp. Hồ Chí Minh). Trong nhiều ngân hàng tư khác mang bảng hiệu Việt Nam, sự chi phối (thông qua tỉ trọng vốn) của Hoa Kiều và người Hoa là không nhỏ. Ai cũng biết vai trò lợi hại của ngân hàng trong một nền kinh tế non trẻ như ở nước ta hiện nay. Nhưng rất tiếc là cho đến nay, trận địa này hầu như còn bị bỏ trống trên thực tế].

Tôi tin rằng thông qua sự gắn bó với các hoạt động thực tiễn này, Diễn Đàn sẽ có thêm sức sống, thêm độc giả, thêm bầu bạn. Cũng chính là qua các hoạt động thông tin, thảo luận gắn chặt với các nhu cầu thực tế như trên, các vấn đề lý luận sẽ có hy vọng được đặt ra và giải quyết một cách cặn kẽ, sáng tỏ và khả thi hơn.

17.06.93

T.B.N. 

(Choisy-le-Roi, Pháp)

Những bài ấy có thực sự cần cho số đông độc giả chưa ?

Một vài bài của Diễn Đàn không biết đã thực sự cần cho số đông độc giả chưa? Nổi bật trong số đó có bài “Phạm Thị Hoài trên sinh lộ mới của văn học” (Thuỵ Khuê, Diễn Đàn số 20). Qua các trích đoạn của Phạm Thị Hoài mà Thuỵ Khuê dẫn ra, quả thật tôi không biết cái “phong cách khai quang” và cái quan niệm mỹ học khác của Phạm Thị Hoài thực sự là cái gì? Tôi cứ loay hoay mãi mà không làm sao hiểu được “ khái niệm tổng quát về con người và xã hội Việt Nam” theo kiểu mẹ Việt Nam là những “bà mẹ bán trôn nuôi miệng”, những thiếu nữ Việt Nam là những “con bé... nạo thai lần thứ ba trong vòng một năm rưỡi”; cũng không làm sao có được một “quan niệm mỹ học khác” theo kiểu phô diễn tư tưởng ở dạng “ ý nọ nhằng ý kia” “chính sự nhằng nhịt ấy mới là tư tưởng trong trạng thái tinh chất”. Điều tôi tự hỏi là: không biết những thứ văn học như vậy đem lại cái gì cho tiếng Việt và cho đời sống nội tâm (trước hết là đời sống nội tâm của hàng chục triệu đồng bào Việt Nam ở khắp nơi đang bươn chải với cuộc sống, chứ không phải của một số ít người muốn tỏ ra đặc biệt khác đời). Diễn Đàn luôn than thiếu đất; trong lúc này, dành đất cho những bài như vậy không biết liệu đã là hợp lý chưa?

T.A.

(Paris)

[Rất cảm ơn anh đã thẳng thắn góp ý với Diễn Đàn và đã tế nhị nhắc nhở ban biên tập dưới dạng những câu hỏi, hơn là những chấm than.

Về điểm những bà mẹ và thiếu nữ Việt Nam mà anh trích dẫn ở trên, chỉ xin lưu ý anh và bạn đọc:

– đó là một trong những mẫu người được kể ra, chắc cả Phạm Thị Hoài lẫn Thuỵ Khuê đều không có ý nói đó là những mẫu người duy nhất, và chắc anh cũng không có ý phủ nhận quyền của nhà văn nói tới mẫu người này hay mẫu người kia.

thể đọc trực tiếp truyện ngắn Kiêm ái của Phạm Thị Hoài đã đăng trên Diễn Đàn số 4 (tháng 1.92).

Về phần ban biên tập, chúng tôi không bao giờ dám quyết định cái gì cần, cái gì chưa cần cho độc giả. Phạm Thị Hoài đã tạo ra hai “phe” trong Diễn Đàn: thích và không thích. Cả hai “phe” đều cho rằng đó là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại đáng kể.]

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss