Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Người kể chuyện thuê

Người kể chuyện thuê

- Nguyễn Khải — published 10/02/2011 00:50, cập nhật lần cuối 05/03/2011 23:25

Người kể chuyện thuê

Nguyễn Khải



Anh Hợp và tôi là đồng đội, lại cũng là bạn đồng tuế và đồng nghiệp. Anh vốn là công tử con quan tổng đốc đầu tỉnh, được nuông chiều từ tấm bé, học lực xấp xỉ bậc tú tài, đẹp trai, ăn nói hấp dẫn, là nhà báo tiếng tăm vang dội suốt thời chống Mỹ. Anh sinh ra và được đào luyện để làm quan, làm ông chủ, làm người chỉ huy, chứ còn gì nữa. Chẳng dè lại chọn cái nghề làm báo, một đời làm báo, ăn khổ, ở khổ, vợ con nheo nhóc túng thiếu từ thuở còn trẻ tới lúc bạc đầu. Nhưng cũng chẳng có gì đáng để than vãn vì có mấy ai được sống dư thừa trong bấy nhiêu năm. Duy có sự chịu khổ của cụ cựu tổng đốc là làm tôi thực sự kinh ngạc. Trong mười năm con trai đi làm báo tại các chiến trường phía nam, ông già đến ở hẳn với con dâu, ăn cơm với rau với vừng, vừa ôm cháu vừa giảng dạy kinh sách cho các nhà Hán học của các viện nghiên cứu và các trường đại học. Ông đã ngoài bảy mươi tuổi, sống hoà hợp với hoàn cảnh một cách thản nhiên, vui vẻ như vốn dĩ vẫn sống như vậy.

Người vô sản làm cách mạng và chịu mọi khổ cực đã đành một nhẽ. Anh ta chỉ mất có cái xiềng còn được cả thế giới. Còn tầng lớp thượng lưu của xã hội cũ dám đi theo cách mạng và dám chịu khổ thì họ được một Tổ quốc tự do nhưng bản thân thì mất hầu như tất cả. Mỗi lần được gặp những con người đó, tôi thường tự nhủ: “Mình có mất quái gì đâu mà hay kêu ca thế. Nhìn họ mà không thấy xấu hổ ư ?”

Anh Hợp về hưu đã một năm. Vợ anh nghỉ mất sức từ mấy năm trước đó. Hai cô con gái đã lấy chồng, mỗi cô có một đứa con và các ông con rể đều ở nhà bố vợ. Bà mẹ thành người nấu cơm chuyên nghiệp. Ông bố vẫn là người chi tiền chính cho cái đại gia đình, vui thì có vui, nhưng khổ thân cho ông bạn già của tôi quá. Anh dậy từ mờ sáng, đạp cái xe cọc cạch bỏ mối báo và tạp chí cho các quầy bán sách báo khắp mấy cửa ô, lâu ngày thân quen, anh còn mua giúp họ những mặt hàng khan hiếm lấy chút ít tiền hoa hồng của cả hai bên. Cũng là một khoản thu không nhỏ. Chiều ở nhà đọc các tạp chí và báo nước ngoài mượn của bạn bè, chọn lọc, tổng hợp thành những bài báo nhỏ đặc sắc, thú vị bán cho các báo đã đặt hàng. Lại là một khoản thu khác. Tuổi già ăn ít, ngủ ít, mặc quần áo cũ nhưng làm việc còn gấp gáp, căng thẳng hơn cả thời còn trai trẻ. Tên nô lệ tự nguyện ấy chỉ cầu mong mỗi ngày được các chủ nhân lớn và nhỏ ban phát một nụ cười thoả mãn là đã đủ để vui sướng. Có lần tôi hỏi thật anh, ở thành phố Hồ Chí Minh, thân thích và bằng hữu của gia đình anh chiếm một góc thành phố, toàn là những người sang và giàu cả, lẽ nào vợ chồng anh cứ chịu sống túng thiếu mãi ở cái đất Hà Nội này. Anh nhìn tôi rồi trả lời thản nhiên: “ Mình không có thói quen để người khác nuôi vợ chồng mình và con cái mình”. Lại thế nữa! Đã nghèo còn khái thì biết đến thuở nào mới đổi được cái phận nghèo.

Một lần tôi ra Hà Nội, nhằm một buổi tối, lại thăm vợ chồng anh Hợp. Anh không có nhà. Vợ anh hẹn tối sau lại. Tối sau tôi bận không tới được. Tối sau nữa tôi tới, ông bạn của tôi vẫn vắng mặt. Vợ anh nói, các tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu, ông ấy đều về khuya. Tôi hỏi, ông già lại làm thêm nghề gì nữa đấy? Bà vợ mỉm cười bí mật: “ Tối mai các ông gặp nhau thì biết”.

Quả nhiên, ông bạn tôi lại có thêm khoản thu mới nữa, rất hậu hĩnh, rất nhàn nhã, lại phù hợp với cái nghề một đời bình luận thời sự chính trị. Chẳng phải nói chuyện trước một cử toạ trang trọng nào mà chỉ cho một nhóm người vốn không quan tâm bao nhiêu đến thời sự chính trị. Họ là mấy nhà kinh doanh tư nhân muốn được hiểu cặn kẽ những gì xảy ra trên toàn cầu để bổ khuyết những trao đổi nhàm chán thường ngày về những mánh mung, giá cả, lỗ lãi. Làm sang cũng có một phần, nhưng xét đến cùng, những chuyện trên trời dưới biền ấy đều có dính líu xa gần đến đồng tiền cả. Chính trị với kinh tế vốn là cha con, là anh em ruột thịt, không hiểu người làm sao tính toán được công việc của riêng mình. Một buổi tối, anh Hợp rủ tôi tới thăm nhà triệu phú của thời buổi mới. Một toà nhà nguy nga mới xây dựng ngay trên một đường phố lớn của Hà Nội, tầng trên cùng là sân thượng, tầng giữa có bao lơn trồng cây cảnh, tầng trệt cửa sắt. Nhưng không có biển hàng. Ông chủ thuộc loại kinh doanh trên các giá cả, không cần biết mặt hàng, lại không cần bày mặt hàng, thậm chí không biết cả cầm tiền và đếm tiền. Tiền từng bọc, từng túi, bọc này mười triệu, túi kia vài chục triệu, chỉ gật đầu bảo, cứ để đó đi, lát nữa có người tới, lại hất đầu bảo tiền đấy, cầm lấy đi.

Vào nhà đã có bốn, năm cái xe Dream dựng một góc, nền nhà lát đá đen, đèn chùm, tranh tĩnh vật và rất nhiều chậu cây xanh đặt ở các góc. Hai bộ bàn ghế tiếp khách, một tây, một tàu sang trọng đẹp đẽ như trong một tạp chí quảng cáo. Và chủ nhà cùng bạn bè đã ngồi sẵn đón đợi ông bạn già, người làm công đặc biệt, đi cùng với một ông bạn già khác, nghèo nàn, nhếch nhác như nhau. Trên bàn đã bày sẵn rượu tây và các món nhắm thượng hạng. Bà vợ trạc ngoài ba mươi, mặc bộ váy áo màu rất nhã, tóc uốn cao, không trang điểm mà cũng không đeo nữ trang, bước ra chắp tay chào:

– Em xin chào hai bác.

Rồi chị ta nghiêng mặt về phía anh Hợp nói thêm:

– Tối trước bác về khuya quá, vợ chồng em cứ lo mãi.

Anh Hợp cười:

– Đã già lại nghèo, có đi một mình cả đêm cũng chằng ai nỡ chòng ghẹo, chòng ghẹo thì được cái quái gì.

Có thế thật, đã già lại nghèo không gây nguy hiểm, chẳng gợi thèm muốn nên được xã hội mời đứng ngoài mọi cuộc chơi. Tôi chăm chú quan sát ông chủ nhà, cũng phải ngót nghét bốn mươi, người mập, mặt tròn, da đen tái, môi dày và hàm răng hơi thưa, người không đẹp nhưng có duyên và dễ tin cậy. Anh tên là Thuỵ. Thuỵ hỏi tôi:

– Bác cũng viết báo à?

Anh Hợp giới thiệu tôi có phần tô vẽ rồi hỏi lại:

– Chắc là chú cũng có đọc văn của ông này.

Thuỵ cười ngượng nghịu:

– Nghe tên thì quen nhưng em không nhớ đã được đọc ở đâu.

Lúc này là tháng 10 năm 1990, Irắc đưa quân chiếm đóng Cô-oét vừa được hai tháng. Cuộc khủng hoảng của vùng Vịnh đã được anh Hợp nói sơ qua từ mấy tối trước. Tối nay anh tiếp tục giới thiệu chân dung mấy nhân vật chủ chốt của thế giới Ảrập: tổng thống Irắc, tiểu vương Cô-oét, tổng thống Ai Cập, các quốc vương Ảrập Xê-út và Gioócđani. Và một nhân vật không nói năng gì nhưng là kẻ xúi bẩy mọi tham vọng và tranh chấp: Dầu lửa. Đã lâu lắm tôi mới được nghe một buổi nói chuyện thời sự lý thú đến thế. Tư liệu dồi dào, lời lẽ chọn lọc bình luận chí lý. Mấy anh nhà giàu cũng khôn thật. Thuê một nhà báo nổi tiếng làm báo cáo viên thời sự quả là họ biết dùng đích đáng đồng tiền. Cuối câu chuyện, ông chủ nhà nói rất hồn nhiên:

– Chúng em thừa tiền nhưng ít chữ. Các bác thừa chữ nhưng đồng tiền có phần eo hẹp. Anh em mình bù đắp cho nhau để cuộc đời thêm vui.

Một anh để bộ râu quai nón, ăn mặc xoàng xĩnh như dân thợ, hay cười, hàm răng to khoẻ: “Cuộc sống của bọn em cũng gay gắt chẳng kém vùng Vịnh, kẻ được người thua, mỗi ngày phải có dăm bảy xác chết, mất cơ nghiệp cũng coi như là chết. Bác nhà văn viết một cuốn sách về bọn em là có lý lắm” .

Tôi hỏi nửa đùa nửa thật:

– Các ông chủ muốn thuê bọn này lâu dài có phải không?

Tất cả mọi người sững sờ vì câu hỏi trắng trợn của tôi. Tới lúc ấy, một ông khách trẻ nhất, có gương mặt thư sinh, chưa hề mở miệng nói một lời nào, mới nhỏ nhẻ lên tiếng:

– Bọn em ở đây đều là đầy tớ của khách hàng cả. Nếu bác cần mua, chúng em xin là đầy tớ hầu hạ hết lòng. Còn nếu bác muốn bán thì chúng em lại là khách hàng, là ông chủ như bác vừa nói. Chủ tớ thay phiên mà.

Tôi cười mát:

– Mấy thằng trí thức nghèo mạt thì có gì để bán?

Chàng thư sinh, có vẻ là nhà tham mưu của nhóm, cũng cười:

– Có đấy, bác ạ. Cái tài viết văn, viết báo của hai bác cũng là một mặt hàng có giá lắm.

Rõ khỉ! Một đời đấu tranh cho quyền tự do sáng tạo, chỉ viết cho mình và cho một công chúng được chọn lựa, kiên quyết không làm đầy tớ cho ai cả, cuối cùng lại hạ cờ bó giáo xin viết thuê cho mấy thằng có tiền mới phất. Có mà điên! Ông chủ nhà áng chừng có chú ý tới vẻ mặt bất chợt cau có của tôi liền nói tiếp, là lấy tình anh em con cháu trong nhà mà nói, là kẻ hèn thưa chuyện với người sang, cái cách cư xử phỉnh nịnh ấy cũng làm tôi hả dạ ít nhiều:

– Thưa hai bác, cái vốn của hai bác phải tích luỹ cả đời mới có. Dầu xã hội thay đổi thế nào cũng không thể mất giá, nó là vàng mười, lại bỏ trong két sắt, không hao hụt cũng chẳng bị ai cướp đi. Cái vốn của bọn em bì sao được. Hoạnh phát rồi sẽ hoạnh tán vì nó phụ thuộc vào mưa nắng của thị trường. Có đấy mà mất đấy, trong chớp mắt. Phù phiếm lắm, mong manh lắm. Tuy nhiên...

Thế là cả đám thực khách trẻ khoẻ, đang ăn nên làm ra, sức sống tràn trề khiến người ngồi cạnh phải ngộp thở, tranh nhau giảng giải cho hai ông anh vừa ngu vừa kiêu về cái tuy nhiên.... Tuy nhiên, chúng tôi phải biết khai thác cái vốn quí ấy thành hàng hoá, họ nói thế, không đủ sức tự khai thác thì phải nhờ bạn bè hoặc đàn em giúp sức. Họ sẽ gợi ý chủ đề, giới thiệu nhân vật, tổ chức các cuộc tiếp xúc rồi nuôi ăn ngồi viết, nuôi bao lâu cũng sẵn sàng và đảm nhận mọi chi phí cho tới ngày cuốn sách được ra mắt bạn đọc. Lỗ, họ xin chịu. Lãi, họ sẽ nộp tặng tác giả cả gói. Mua bán kiểu gì mà lạ! Họ được cái gì nhỉ, chẳng lẽ chỉ muốn giải trí mà chịu tốn kém đến thế? Họ là con buôn tất phải biết tính chứ.

– Lãi chứ ạ, anh thư sinh trả lời. Được văn chương ghi nhận bọn em là những nhân vật náo nhiệt của một thời tức là lãi. Chúng em rất muốn những hoạt động tầm thường của mình có một ý nghĩa lâu dài nào đó.

Đừng hòng! Tôi tự hét lên với tôi như thế. Nhà văn cách mạng còn chưa tự khẳng định được chân dung mình trong văn chương, huống hồ mấy anh lái buôn lại đòi dựng tượng trên bàn thờ nghệ thuật. Không đời nào, thà húp cháo! Vả lại, họ có quyền gì mà buộc chúng tôi phải làm như thế.

Lúc ra về, Thuỵ cầm tay tôi nói rất chân tình:

– Bác ra Hà Nội tiêu pha cũng tốn kém, nếu bác cần gì xin cứ bảo bọn em một tiếng, chúng em xin hết lòng hỗ trợ.

Tôi ở lại Hà Nội gần hai tháng nhưng không tới thăm Thuỵ một lần nào nữa. Mỗi lần gặp Hợp, anh đều nhắc lời mời của vợ chồng nhà kinh doanh có lòng ưu ái đặc biệt với giới làm văn làm báo. Nhưng tôi vẫn cố cưỡng lại để không đến. Vì mặc cảm tự ti, vì tự ái giai cấp, vì lo sợ bị quyến rũ, không biết nữa. Anh Hợp cho biết, mỗi tháng, nhóm kinh doanh ấy đưa biếu anh vài trăm ngàn hết sức trân trọng và biết ơn. Với một gia đình quen ăn tiêu tằn tiện thì vài trăm ngàn có thêm mỗi tháng là điều đáng mừng lắm. Người lớn ăn uống sao cũng được nhưng còn những đứa trẻ. Anh mua sữa bột Liên Xô nấu cho các cháu ăn. Nó ngậm sữa trong mồm rồi phun vào đầy mặt ông ngoại một cách đắc thắng. Một hộp sữa bột của Nhật đắt hơn gần chục lần nhưng từ chối sao được. Có ba trăm ngàn mà đem lại bao nhiêu là nụ cười, là niềm vui, thật quá rẻ. Cái vui của người nghèo ít tốn tiền nhỉ? Một lần trò chuyện với nhau về nghề nghiệp, tôi có hỏi anh Hợp cuốn sách anh định viết về cái nghề làm báo của anh, như một hồi ký, không chỉ của một cá nhân mà của một thế hệ với vô vàn sự kiện đã thuộc về lịch sử. Anh đi nhiều, gặp gỡ nhiều, ghi chép từng ngày những chuyện mắt thấy tai nghe trong gần một trăm cuốn sổ tay, chẳng lẽ không đủ chắt lọc thành vài ngàn trang sách. Anh đã từng nói: “ Nếu không viết được bộ sách đó thì đời mình chẳng còn nghĩa lý gì”. Tôi cũng cho là phải, là rất phải. Nên mới hỏi. Anh ngồi lặng lẽ rất lâu rồi trả lời thật buồn: “ Vẫn chưa bắt đầu. Viết sơ sài thì thà đừng viết. Viết cẩn thận phải mất khoảng mười năm” . Người sáu mươi tuổi nói về một kế hoạch mười năm nghe mà thương tâm. Nhưng chẳng lẽ bỏ? Vài ngàn trang ấy là máu, là nước mắt, tiếng khóc tiếng cười của cả một thời. Một thời ồn ào, chói lọi chỉ vì cái khổ của một người, hoá ra nhoè nhạt trong cái mông mênh của lịch sử. Nụ cười của vợ, của con, của đàn cháu nói thế mà đắt, rất đắt.

Trước ngày tôi trở vào thành phố Hồ Chí Minh, anh Hợp kéo tôi đi ăn thịt chó ở góc chợ Hoè Nhai. Cả hai chúng tôi đều không biết uống rượu nhưng mỗi người vẫn rót cho mình một chén đầy. Chả ai nói với ai được câu nào, nhìn nhau chán lại nhìn khách tới ăn. Toàn đám trẻ cả, nhưng không thể phân biệt được nghề nghiệp của họ, là giáo sư, cán bộ, dân buôn hay đạo tặc. Chịu! ăn mặc đều sang trọng, nói năng đều bỗ bã, cười đùa ầm ĩ, vô tư. Anh Hợp hỏi tôi:

– Sắp tới định viết gì?

– Nhiều chuyện để viết lắm nhưng cũng chả muốn viết.

– Sao thế?

– Một đời tôi viết văn để bán cho nhà nước, nay các nhà xuất bản của nhà nước không mua thì bán cho ai?

Hợp hơi cười:

– Cậu nên nghĩ lại lời mời của thằng Thuỵ. Bọn họ làm ăn đứng đắn đấy.

– Tôi cũng biết thế chứ. Nhưng các nhà triệu phú mới có cho phép tôi được quyền châm chọc, chế riễu họ tí chút không? Có cho phép tôi được lên án một cách sống nào đó, một cách làm ăn nào đó trong bọn họ mà tôi không thuận mắt?

Hợp lại cười:

– Nếu họ không ưng thì họ trả lại bản thảo, có gì mà sợ.

Đúng thế, giai cấp hữu sản mới chả làm gì được anh nhà văn cả, dầu cho họ rất ghét. Họ không thể tước quyền công dân hay bỏ tù. Họ cũng không ra lệnh phải làm thế này, không được làm thế nọ. Rất anh em, rất bạn bè, rất tình nghĩa, chỉ có điều nếu họ không ưng ý thì họ sẽ bỏ mặc anh chết đói. Tôi không nói ra điều tôi chợt nghĩ mà chỉ trả lời Hợp với nụ cười bẽ bàng:

– Để tôi nghĩ đã, nếu không còn cách nào khác để thoát khỏi cái đói thì tôi phải nghĩ lại lời mời của họ thật.

1.92

Nguyễn Khải

 

Truyện ngắn Người kể chuyện thuê của Nguyễn Khải đăng trên đây được trích từ tập truyện ngắn Một thời gió bụi của tác giả (Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội 1993, 232 trang, giá bán tại Vietnam Diffusion và Nhà ViệtNam, Paris: 45 FF). Gồm 12 truyện, phần lớn đều hay.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss