Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / khẳng định một tài năng

khẳng định một tài năng

- Kiến Văn — published 10/02/2011 00:35, cập nhật lần cuối 05/03/2011 22:25

Phê bình điện ảnh


Mùi đu đủ xanh
khẳng định một tài năng

Kiến Văn

 

Bài này là, và chỉ là, một bài phê bình phim Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng. Nó sẽ không giới thiệu cốt chuyện: Mùi đu đủ xanh không phải là loại phim tình cảm éo le, càng không phải là phim hành động giật gân, nên cốt chuyện (cũng đơn giản thôi) là điều thứ yếu, vả lại, hầu như tất cả các báo Pháp đều nói tới rồi. Chủ đề của Mùi đu đủ xanh, và thông điệp của Trần Anh Hùng, những điều anh muốn gửi gấm trong tác phẩm đầu tay này, thì Hải Vân đã ghi đầy đủ và gọn gàng trong bài đăng ở trang trước. Xin độc giả hãy đọc bài đó trước, để đối sánh ý đồ của tác giả với cảm nhận của mình khi xem phim. Nói cách khác, để đối chiếu cuốn phim của Trần Anh Hùng và cuốn phim mà chính bạn đọc sáng tạo trong khi và sau khi xem Mùi đu đủ xanh.

Có thừa thời giờ, bạn mới nên đọc tiếp bài này, vì tất nhiên nó chỉ nói tới cuốn phim Mùi đu đủ xanh của... tôi! Song, thành công của một tác phẩm nghệ thuật chính là do nó khơi dậy những tác phẩm khác nhau trong người thưởng ngoạn, và sự đồng điệu hay đối chọi giữa tác phẩm của nghệ sĩ và đồng vọng, phản ứng của công chúng.

Tôi cảm nhận thế giới của Mùi đu đủ xanh, trước hết là thế giới của trẻ con, thế giới của trí nhớ, thế giới của đứa con, thế giới của chuyện cổ tích.

Thế giới của trẻ con, trước hết và chủ yếu qua con mắt nhìn của bé Mùi. Thế giới của tự nhiên (cọng lá xanh, giọt sữa trắng của cây đu đủ, con thằn lằn, con ếch, con dế...) và thế giới con người (bà bếp, bà chủ, ba cậu chủ, nhất là thằng nhỏ ác ôn, cụ già người tình thầm lặng của bà nội... Khuyến, hiện thân của giấc mơ hoàng tử). Sức mạnh của Mùi đu đủ xanh, tạo ra sự lôi cuốn khán giả, một phần lớn cũng xuất phát từ thế giới trẻ con này, mà Trần Anh Hùng đã làm sống lên bằng thế giới của trí nhớ. Những hình ảnh hiện thực (cận cảnh con kiến, hay từng động tác xắt đu đủ) chậm chạp, gần như bất động, không lạnh lùng, khách quan như một trang sách sinh vật học, hay một cảnh phim dân tộc học, mà đầy sức truyền cảm, dẫn dắt khán giả phương Tây khám phá một thế giới mới, và đưa đẩy khán giả Việt Nam trở về kỷ niệm, trở lên tuổi thơ của mình.

Thế giới của đứa con, Mùi đu đủ xanh dạt dào tình yêu, thương cảm đối với người mẹ, hiện thân của người phụ nữ. Bà mẹ của Mùi hoàn toàn vắng mặt trong Mùi đu đủ x anh, hay bà mẹ (do Trương Thị Lộc đóng) mà sự thầm lặng cho ta đo được tất cả gánh nặng gia đình, vốn dĩ nặng, còn được nhấn thêm bằng lời trách móc của bà cụ mẹ chồng, và chao đảo quay cuồng vì ông chồng dài lưng tốn vải ăn no lại đàn trước khi đi biệt. Tình yêu ấy được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh, một cách trực tiếp (thí dụ: cận cảnh bàn tay của Lãm tiến lại gần bàn chân của bà mẹ), hay gián tiếp (bằng sự phẫn nộ của Lãm khi ông bố cuỗm hết tiền và nữ trang của mẹ bỏ đi, và sự phẫn nộ của cậu bé giáng lên đầu mấy con kiến – tôi có khiên cưỡng quá không khi thấy trong cái chết của mấy con kiến sự giết cha của (Edipe ?) ...

Thế giới của chuyện cổ tích. Một số khán giả – tôi không muốn nói tới vài nhà phê bình lên cơn tiến bộ muốn nhìn đâu cũng thấy đấu tranh giai cấp – có thể cho rằng việc một cô gái đi ở lấy cậu chủ, lại là nhạc sĩ Tây hoá, là không hiện thực, và nếu có thật chăng nữa, thì mối tình này cũng sẽ đổ vỡ hay đi vào ngõ cụt. Điều đó đúng thôi. Và đứng trên bình diện hiện thực, cũng như thể hiện, phần hai của Mùi đu đủ xanh thua xa phần đầu, có lẽ trước hết cũng vì thế (thêm vào đó, động tác diễn xuất cường điệu của Trần Nữ Yên Khê, đặc biệt trong cảnh chia tay với bà mẹ, đã vượt quá chủ trương cách điệu của đạo diễn). Song Mùi đu đủ xanh không phải là phim hiện thực, ngay cả trong phần đầu (nếu ta thấy trước hết nó là không gian của tuổi thơ, của kỷ niệm, của quan hệ mẹ - con, anh - em, vợ - chồng..., của cảm giác), và nhất là trong phần nhì: tôi rất tâm đắc với ý kiến của Đặng Tiến khi anh nhận ra trong quan hệ Mùi - Khuyến mối tình cổ tích giữa cô Tấm và Hoàng tử. Tự giác hay vô thức, Trần Anh Hùng đã cắm những cột mốc chỉ đường cho khán giả: bà mẹ cho Mùi chuỗi vàng và tấm áo (như Bụt cho cô Tấm), Mùi thử giầy... Có điều chắc chắn: con đường vào điện ảnh của Trần Anh Hùng đã đi qua Thiếu phụ Nam Xương, Hòn vọng phu (hai phim ngắn đầu tay của anh). Cổ tích Việt Nam, kỷ niệm tuổi thơ và chỗ đứng của bà mẹ trong tâm hồn là ba thành tố quan trọng của tính cách Trần Anh Hùng.

Tính cách ấy, cái tâm ấy, đáng mừng thay, đã biểu hiện qua tài năng nghệ thuật của Trần Anh Hùng. Anh đã làm chủ được ngôn ngữ của điện ảnh. Mỗi cảnh được bố cục kỹ lưỡng nhưng thanh thoát, chứ không nặng nề. Mỗi đoạn cho ta thấy rõ Trần Anh Hùng cảm phục những bậc thầy như Bergman, Bresson, Ozu, Ray..., nhưng anh không trộ, không khoe mình thuộc lòng kinh sách, và trong mỗi đoạn, ta nhận ra cá tính Trần Anh Hùng đã hoặc đang khẳng định. Để khỏi phải đi vào chuyện bếp núc kỹ thuật, chỉ xin bạn đọc đã coi phim hồi tưởng lại 5 phút đầu, cảnh – trường đoạn ( plan séquence, máy camera di chuyển theo travelling ngang, chậm, từ phải sang trái rồi từ trái sang phải), cùng với Mùi đi theo bà chủ vào nhà, đi suốt vào tận nhà bếp, rồi trở ra. Một đoạn nhập đề như vậy thôi cũng đủ cho ta thấy sự làm chủ máy quay, quan niệm dàn dựng thiết kế ngôi nhà, và bút pháp vững chãi của Trần Anh Hùng.

Điều đáng hoan nghênh nữa là sự ăn ý rất hiếm của tập thể làm phim. Ở trên đã nói tới đạo diễn, các diễn viên (nổi nhất, dễ thương nhất, tất nhiên phải kể em bé Hoa-Lào, Lu Man San, đóng vai Mùi 10 tuổi), và toàn bộ ê kíp kỹ thuật. Phải thêm: C. Rossignon, nhà sản xuất có con mắt tinh đời, (Trần) Anh Hùng đoán giữa trần ai.... Và không thể quên âm nhạc của Tôn Thất Tiết, kín đáo, khiêm nhường, mà thực sự hiệu quả.

Lập ra một êkíp, tạo ra được bầu không khí ấy, đó là một bằng chứng nữa của thực tài.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss