Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Bàn thêm về Không Lộ khổng lồ

Bàn thêm về Không Lộ khổng lồ

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 10/02/2011 00:50, cập nhật lần cuối 05/03/2011 23:28


Bàn thêm về
Không Lộ khổng lồ

Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Nhân đọc bài Từ Không Lộ đến Khổng Lồ (D.Đ. số 20), ông Nguyễn Ngọc Tiến đã có nhã ý viết cho tôi một bức thư riêng nhằm góp “ một vài nhận xét về phần cuối của bài”. Tôi xin trích đăng sau đây nguyên văn từng điểm và cố gắng trả lời theo khả năng hiểu biết giới hạn của mình.

1. “Sự chuyển từ thanh nặng sang thanh huyền không phải chỉ do sự phát âm của một vùng hay theo thời đại m à  cũng là do chữ dùng trong hệ thống Hán Việt hay hệ thống Nôm. Điều này tác giả không nêu ra một cách rõ rệt. Chính thí dụ chữ 岸 là điển hình. Trong Hán Việt đọc “ngạn” nghĩa là bờ, theo âm Nôm là “ngàn” nghĩa là rừng.”

Như đã viết trong bài, tôi không chuyên về ngữ âm học lịch sử cũng như về từ nguyên học, lại không có đủ thì giờ để tham khảo cho tường tận. Nhưng vì phải tìm hiểu mối quan hệ giữa “lộ” và “lồ”, tôi không thể không cả gan bàn lạm đến những vấn đề dính líu đến hai bộ môn phức tạp và đòi hỏi nhiều tri thức nói trên: thực cũng là điều bất đắc dĩ vậy. Do đó tôi không dám khẳng định “ sự chuyển từ thanh nặng sang thanh huyền” như là một quy luật chung. Tôi chỉ dừng lại ở nhận xét khá mơ hồ là “ dường như ngày xưa (...) trong khá nhiều trường hợp người mình không phân biệt thanh nặng và thanh huyền” và đưa bốn chữ Hán ngày nay thường đọc với âm “lộ” ra để dẫn chứng. Theo chỗ tôi biết, hiện nay ở một số nơi trong nước nhiều người (còn?) dùng các từ “cam lồ”, “trù trì” (không được ghi trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên mới tái bản ở Hà Nội) thay cho “cam lộ” , “trụ trì”. Ta có nên xem “lồ” trong “cam lồ” và “trù” trong “trù trì” như là những từ Việt gốc Hán hay như là từ Hán Việt đọc theo giọng địa phương? Việc phân biệt các từ thuần Việt (tạm gọi là gốc Nam Á như mặt, tóc), các từ gốc Hán được vay mượn thông qua một cách đọc cổ có trước cách đọc Hán Việt mà Vương Lực gọi là “cổ Hán Việt ngữ” (như bùa = phù, mùi = vị, đìa = trì...) và các từ “Hán ngữ Việt hoá” tức là “ những từ mượn ở chữ Hán sau khi đã có âm Hán Việt mà lại hoá theo âm Việt chứ không giữ âm Hán Việt nữa” (Đào Duy Anh, Chữ nôm. Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr. 68) như ghế = kỷ, ven = biên... là một vấn đề rất khó và dường như, từ sau H. Maspéro và Vương Lực, vẫn chưa có ai tập trung nghiên cứu cho tới nơi tới chốn: cuốn Một số vấn đề về chữ nôm (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985) của Nguyễn Tài Cẩn là một công trình nghiên cứu rất nghiêm túc nhưng chỉ tập hợp những bài viết về thời điểm xuất hiện và cách cấu tạo của chữ nôm. Về từ “ngàn”, tôi chỉ ghi lại lời chỉ dẫn của bác Hoàng Xuân Hãn chứ chưa tìm hiểu gì thêm. Tiện đây cũng xin sơ bộ nêu ra một vài thắc mắc mong sẽ có bạn đọc bõ công chỉ giáo cho thì thật là hay.

Trước hết, tôi tự hỏi phải chăng là tiếng Việt ngày nay có hai từ ngàn khác nhau:

– Một từ ngàn có dính líu với chữ ngạn nên có nghĩa là bờ (rivage, rive, côte, bord; berge; bord escarpé) như trong “ngàn giác” (được dùng để dịch từ “giác ngạn” = “bờ giác ngộ” của Phật giáo; trong Bích câu kỳ ngộ có câu: “Cửa không, ngàn giác đây là từ bi” ). Từ “ngàn” này không thấy ghi trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên.

– và từ “ngàn” có nghĩa là “rừng núi” dường như là từ thuần Việt. Trong Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes có ghi từ “ngàn” đồng nghĩa với “núi lớn”. Từ “ngàn” này được dùng trong nhiều thành ngữ: “vượt suối băng ngàn”, “băng ngàn vượt biển”... hay trong các câu ca dao: “Con vua lấy thằng bán than, nó đưa lên ngàn cũng phải đi theo”, “Đốn tre đẵn gỗ trên ngàn”... Tôi không chắc là nó phát xuất từ “ngạn” (bờ), vì nếu trái lại thì tại sao nó lại có nghĩa là “rừng núi”?

Nếu tôi không lầm, thì bác Hoàng Xuân Hãn cũng có cách nhìn tương tự: trong phần tự vị của cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo (Minh Tân, Paris, 1953, tr. 276), bác đã phân biệt “ngàn” với nghĩa “rừng rậm trên núi” và “ngàn” (= ngạn) với nghĩa “bờ, bên, phía”. Theo bác từ “ngàn” thứ nhất được dùng trong các câu: “Xông pha gió bãi, trăng ngàn” (a), “Khói mù nghi ngút ngàn khơi” (b) và từ “ngàn” thứ hai được dùng trong các câu: “Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”, “Đã trắc trở đòi ngàn xà hổ” và cả trong hai câu (a), (b) vừa trích trên đây. Điều này chứng tỏ sự phân biệt hai từ “ngàn” là khá tế nhị trong một số trường hợp.

Có lẽ cũng cần phải suy nghĩ thêm để xác định rõ nghĩa của từ “ngàn” trong các câu: “Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu, ngàn dâu xanh ngắt một màu” ( Chinh phụ ngâm) (Thực ra ý niệm “ngàn” không có trong nguyên tác của Đặng Trần Côn:

Thanh thanh mạch thượng tang,
mạch thượng tang.
mạch thượng tang”

(= Dâu xanh trên đường nhỏ.
Dâu trên đường nhỏ.
Dâu trên đường nhỏ.)

“Trời đông vừa rạng ngàn dâu” ( Kiều) (theo Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim – trong Truyện Thuý Kiều, Tân Việt, Sài Gòn, tr. 156 – thì ngàn dâu ở đây là “là bởi chữ phù tang, nghĩa là phương đông?”, “Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh” (Kiều), “Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây” (Kiều), “Bóng trăng vừa gác ngàn dâu” (Lục Vân Tiên), “Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu” (Kiều) (theo Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim – sđd, tr. 172 – “hạc nội mây ngàn” dịch từ thành ngữ “dã hạc sơn vân” = “con hạc ở ngoài đồng, đám mây ở trên núi”, nên từ “ngàn” ở đây đúng là chỉ rừng núi), “trải bao dặm liễu ngàn mai” (Lục Vân Tiên), “Ngàn mai lác đác chim về tổ” (Bà huyện Thanh Quan), “Sương đỉnh Dĩ, tuyết ngàn thông” (Phạm Thái).

Ta nên xem từ “ngàn” thứ nhất như là từ Việt gốc Hán hay là một cách đọc khác của chữ “ngạn”?

2. “C hữ đọc “ lộ” trong hệ thống Hán Việt không chỉ có nghĩa là “đường”, mà có 6, 7 nghĩa khác (xem Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, tr. 659) trong đó cũng có nghĩa là ... “lớn”: lộ môn, lộ tẩm, v. v... Vậy chữ “lộ” dùng với nghĩa là lớn đã có từ lâu... nhưng lại không đọc theo âm “ lồ” ”

Trước hết, theo như tôi hiểu từ “lộ” trong Không Lộ chỉ có thể có nghĩa là “đường”: Không lộ là con đường của lẽ không. Vì dốt chữ Hán nên tôi tra Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và nhờ thế cũng biết “lộ” còn có nghĩa là “lớn, thường dùng để nói chỗ vua ở”. Nhưng trong pháp danh Không Lộ nếu “lộ” được dùng với nghĩa này (lớn) thì Không Lộ lại trở thành vô nghĩa. Hơn nữa sự kiện “lộ” cũng có nghĩa là “lớn” không giúp ta cắt nghĩa tại sao “lộ” biến thành “lồ” (một trong những mục đích của bài).

3. “ Chữ đọc “lồ” trong “loã lồ” như tác giả đã nêu, nhưng “loã lồ” là từ Nôm chứ không phải là từ Hán Việt”.

Tôi cũng không xem “loã lồ” là từ Hán Việt vì trong bài tôi chỉ viết có thế này thôi: “từ loã lồ mà ta cứ tưởng là từ láy, thực ra là một từ kép gồm hai từ Hán Việt. “Lồ” trong từ loã lồ là từ Hán Việt, từ Việt gốc Hán hay là phần láy của “loã”? Đó mới thực là vấn đề cần bàn. Phải chăng những từ “ló” (ló đầu ra), “lú” (lú mầm non), “lõ” (mũi lõ), “lồ lộ”, “lộ liễu”, “lộ tẩy”, đều phát xuất từ từ “lộ” này (lộ thiên, lộ xỉ, lộ hầu)?

4. Đúng như ông Nguyễn Ngọc Tiến đã ghi trong lời tái bút, tôi đã nhầm khi lên trang chữ 賄 hối vào chỗ chữ 賂 lộ (cho): đây cũng lại là hiện tượng lầm lẫn như giữa chữ “tác” và chữ “tộ” vậy!

Tiện đây cũng xin đính chính thêm hai điểm: ở tr. 20, cột 2, tôi quên đánh dấu huyền trong ngoặc đơn; ở trang 23, đoạn 4 từ dưới lên, xin thêm số 398 sau tr.

Đọc kỹ lại bản dịch Thiền uyển tập anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga, tôi tìm thấy đoạn chú thích rất đáng chú ý sau đây:

“Trong truyền thuyết dân gian và một số thư tịch có sự trình bày lẫn lộn giữa hai thiền sư Minh Không và Không Lộ. Ngay cả sắc phong của triều đình, từ đời Cảnh Thịnh trở về trước cũng chép gộp bốn chữ “Minh Không Không Lộ”, cho rằng đó là vị thiền sư đã khởi dựng chùa Thần Quang (chùa Keo dưới, ở xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nay); đến đời Nguyễn mới bỏ hai chữ Minh Không” (tr. 213)

Vì đinh ninh rằng Minh Không và Không Lộ là hai người khác nhau nên ông Ngô Đức Thọ đã xem việc chép gộp hai tên Minh Không và Không Lộ như là một sự “trình bày lẫn lộn”. Thực ra đây là một cứ liệu quan trọng chứng tỏ là từ triều Cảnh Thịnh (1782-1802) trở về trước, trong dân gian và ngay cả với triều đình, hai pháp danh nói trên đều chỉ một người: Nguyễn Chí Thành. Có lẽ sự tách rời Minh Không và Không Lộ thành hai người, được chính thức hoá từ đời Nguyễn, mới thực là sự “lẫn lộn”!

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss