Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 22 - 09.1993 / Trận chiến đồng frăng

Trận chiến đồng frăng

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:36, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:36
Thị trường tài chính toàn cầu hoá vuột khỏi khả năng điều tiết, kiểm soát của bất cứ một quốc gia hay một khối thị trường nào...

 

Trận chiến đồng frăng :
hồi thứ nhì

 
Bùi Mộng Hùng

 

Tháng 9 năm 1992 một trận chiến gay cấn giữa đầu cơ chống đồng frăng của Pháp và phe Cộng đồng châu Âu làm rúng động hệ tiền tệ của khối thị trường kinh tế Âu châu SME. Đồng bảng Anh và đồng lia Ý phải phá giá, rút ra khỏi SME.

Khi ấy đồng frăng Pháp thắng được một trận. Diễn Đàn có bài tường trình (xem Quốc gia dân tộc trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh. D.Đ. số 17, 1.3.93). Cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, bất thần đầu cơ lại tấn công, dữ dội và nguy hiểm cho chính phủ Balladur và SME. Tình tiết trận chiến ra sao xin xem hạ hồi phân giải.

 
Chiều ngày thứ năm 29 tháng 7. 1993, thủ tướng Pháp Balladur, một người lúc nào cũng điềm tĩnh, đáp lại các câu hỏi tới tấp của đám nhà báo háo hức săn tin đang tụ tập trước điện Matignon, giọng bình thản hơn bao giờ hết :

– Ngày hôm nay là một ngày rất đỗi bình thường. Trời mưa, ngoài ra mọi việc đều vận hành trơn tru cả.

Cái bình thản của người thuyền trưởng, để cho mọi người tin rằng mình vững tay lái trong cơn bão tố. Ngày thứ năm 29 tháng 7 ấy, đồng frăng Pháp và cả hệ tiền tệ châu Âu (SME, Systèm Monétaire Européen) mà báo chí vẫn gọi đùa là Serpent Monétaire Européen, con rắn tiền tệ châu Âu, đang lay chuyển dữ dội trong một cơn bão đầu cơ hiểm nghèo chưa từng thấy.

Đã từ gần một tháng trời, những kẻ đầu cơ không tin rằng SME có thể đứng vững trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay, đánh cuộc rằng đồng frăng sẽ phá giá, đem tung ra thị trường để mua Đức Mã. Các đồng frăng Bỉ, đồng cuaron Đan mạch, đồng peseta Y Pha Nho, đồng escudo Bồ Đào Nha đều lâm vào cùng cảnh ngộ. Mọi người theo dõi từng động tác xử sự của Ngân hàng liên bang Đức Bundesbank.

Tin Bundesbank quyết định không hạ tỷ suất chiết khấu (taux d'escompte) vừa đưa ra, đầu cơ tăng thêm dữ dội trong ngày thứ năm 29 tháng 7. Nguy cơ đồng frăng Pháp phải phá giá hiển hiện trước mắt.

Đồng frăng mà phá giá thì chính sách của chính phủ Pháp – ổn định tiền tệ, chống lạm phát, giảm thiếu hụt ngân sách – sẽ sụp đổ. SME sẽ tan rã, sẽ mất đi một yếu tố căn bản ổn định hối suất tiền tệ của các nước trong Cộng đồng kinh tế Âu châu (Communauté Economique Européenne, CEE) trong những năm qua, mất đi một yếu tố làm cho thị trường CEE ngày càng thống nhất thêm, trở nên thịnh vượng hàng đầu trên thế giới. Và công trình 14 năm xây dựng cộng đồng CEE cũng tan vỡ theo. Chính sách tăng cường thống nhất CEE theo tinh thần hiệp ước Maastricht sẽ bị triệt hạ ngay từ bước đầu, bước thống nhất tiền tệ. Khối Liên hiệp kinh tế và tiền tệ (Union économique et monétaire, UEM) chưa biết ngày nào mới hình thành ...

Chính vì thế mà chiều ngày 29 tháng 7 này nhà báo tụ tập trước điện Matignon, săn tin buổi họp khẩn cấp của uỷ ban đối phó tình hình khủng hoảng do thủ tướng Balladur chủ trì lúc 6 giờ chiều ngày hôm đó. Và cũng vì thế mà khi họp xong thủ tướng Balladur tỏ vẻ quá đỗi bình thản.

 
Sáng thứ sáu 30 tháng 7, Paris còn hy vọng giờ chót Bundesbank đưa ra tín hiệu giảm tỷ suất lãi. Theo qui định của SME tiền Pháp được phép dao động từ 3,27 frăng/1Đức mã đến 3,43 frăng/ 1 Đức mã, Ngân hàng quốc gia Pháp tung tiền ra giữ cho đồng frăng đứng ở mức 1 Đức mã ăn 3,4180 frăng. Cho tới 11 giờ sáng. Các chuyên gia đoán rằng vào thời điểm đó thì dự trữ hối đoái Ngân hàng quốc gia Pháp đã cạn. (Thật ra thì đã hụt ngay từ ngày hôm trước, 29.7).

Đến giờ phút ấy, Ngân hàng quốc gia Pháp cho hối suất đồng frăng tụt xuống tận đáy, sát mức tối đa mà qui chế SME cho phép : 1 Đức mã ăn 3,4305 frăng. Buộc Đức tuân thủ qui định của hệ SME, đồng tiền mạnh phải can thiệp để bảo vệ tiền tệ trong hệ bị lâm nguy : ngày hôm ấy chẳng những là đồng frăng Pháp mà còn frăng Bỉ, peseta và escudo. Bundesbank có khứng tuân theo luật chơi hay không ? Hôm " thứ tư đen tối " 16 tháng 9 năm 1992, chỉ trong vòng 5 giờ đồng hồ đồng bảng Anh đã chẳng phải chịu thua đầu cơ, phải phá giá và rút ra ngoài SME đó sao ? Đồng frăng Pháp chịu đựng được bao lâu ? Thị trường tiền tệ sôi động suốt ngày.

Ngân hàng liên bang Đức tỏ ra tích cực trong nhiệm vụ ủng hộ đồng tiền Pháp. Đến chiều 30.7, khi thị trường tài chính đóng cửa nghỉ đồng frăng vẫn đứng vững.

 
Nhưng Bundesbank đã bị dồn vào thế phải phát hành thêm Đức mã để ủng hộ tiền Pháp. Một tình thế không thể kéo dài. Mà nào phải chỉ có Pháp, còn Y Pha Nho, Bồ Đào Nha... Chiều thứ sáu 30.7, bộ trưởng tài chính Y Pha Nho công khai tuyên bố rằng các nhà chức trách tiền tệ trong CEE cần phải họp mặt gấp để tham khảo ý kiến nhau.

Ba giờ chiều thứ bảy 31, Đức triệu tập họp ủy ban tiền tệ Âu châu - một ủy ban kỹ thuật gồm các giám đốc ngân khố và các phó thống đốc ngân hàng trung ương của 12 nước trong CEE. Vào đầu, Đức đề nghị nới rộng giới hạn dao động xung quanh hối suất " trục " từ 2,5% ra 6%. Hầu như không một nước nào đồng ý. Pháp lo rằng nới ra 6% thì đầu cơ lại tấn công ngay, đồng frăng có cơ lại phải tụt xuống sát đáy, nhưng mà lần này thì chỉ còn có nước phá giá mà thôi.

Bàn đi lại mãi cho đến khuya thứ bảy, nảy ra một giải pháp khác : gây ra vấn đề là đồng Đức mã, vậy thì cho tiền Đức tạm thời ra khỏi SME. Thật thà mà nói, đó là giải pháp mà Pháp đã ngầm toan tính từ trước. Đức đồng ý. Nhưng Hoà Lan, Lục Xâm Bảo, Bỉ và Đan Mạch lại đặt yêu cầu, trong trường hợp đồng Đức mã ra khỏi SME, tiền của họ phải được ra theo. Bế tắc vẫn hoàn bế tắc, cho đến khi buổi họp bế mạc.

 
Tình trạng vẫn y như thế khi hội nghị các bộ trưởng tài chính bắt đầu họp ngày chủ nhật 1 tháng 8. Nhiều ý kiến quá trái ngược nhau. Suốt ngày hết họp tay đôi, tay tư lại họp toàn thể. Vẫn bế tắc. Cặp bài trùng Đức - Pháp nặng thì có nặng thật, nhưng thương thuyết ở Bruxelles thì phải cả 12 bên đồng thuận mới xong.

Tám giờ tối, ai ai cũng nghĩ rằng đành đến phải để thả nổi toàn thể tiền tệ cộng đồng châu Âu mà thôi. Phái đoàn Anh mở cờ trong bụng. Đường lối Anh quốc đúng, mà đúng đã từ lâu, từ hồi tháng chín 1992 khi quyết định cho đồng bảng rời khỏi SME ! Có ý kiến nên cứ bình tĩnh tiếp tục bàn cãi, kéo dài qua đầu tuần sau cũng không sao. Mười hai giờ khuya chủ nhật ở Bruxelles đã là giờ mở cửa thị trường hối đoái ở Tokyo, ở Hồng Kông, ở Singapo sáng thứ hai thật đó, nhưng không hề chi : cứ ra lịnh đóng cửa đợi thương thảo kết thúc hãy mở lại. Các kỹ thuật gia vội giải thích cho thấy rằng đóng cửa thị trường hối đoái sẽ vấp phải khó khăn như thế nào. Thực ra ngày nay không còn khả năng đóng cửa thị trường nữa.

 
Khuya chủ nhật 11 giờ, kể như là cầm chắc phải khai tử SME. Buổi họp tạm ngưng. Để các phái đoàn điện về thủ đô của mình tham khảo ý kiến... Bỗng đâu sáng kiến mới xuất hiện. Dường như từ Paris thì phải. Đã không thể tránh được thả nổi toàn thể tiền tệ thì ta hãy tổ chức cho vào bên trong hệ SME. Nguyên tắc cứ giữ y như cũ. Nhưng tại sao mà chỉ giới hạn mức dao động ở 6%, đã mở thì mở cho trót 10%, 20% ...100%. Rốt cuộc, định ở mức 15%.

Một giờ sáng thứ hai, 2 tháng 8, các phái đoàn vào ngồi họp lại. Thống nhất ý kiến về tương lai của SME chỉ mất có vài phút. Không chạm tới những nguyên tắc căn bản của hệ SME, một hệ đã chứng minh khả năng suốt mười năm trường. Hối suất " trục " – chẳng hạn đối với tiền Pháp là 3,35 frăng / 1 Đức mã – vẫn giữ nguyên như cũ : không một đồng tiền nào phải chính thức phá giá. Nhưng mức dao động tối đa quanh trục trước đó qui định là 2,25%, thì cho nới rộng lên 15%. Như thế là trong thực tế là các nước trong cộng đồng được trả lại quyền tự chủ tiền tệ ; trong tình thế kinh tế suy thoái này ai cũng thấy đó có phần lợi cho mình. Tiền nào muốn theo sát Đức mã thì cứ theo, không gây trở ngại cho nước khác.

Hai giờ sáng thứ hai, thông cáo được chính thức loan đi.

 
Giải pháp khéo thật. Không một ai mất mặt. Bộ trưởng kinh tế Pháp Edmond Alphandéry có thể tuyên bố : " Âu châu đã vượt qua cuộc khủng hoảng. Chúng ta giữ vững được nguyên tắc của cơ chế hối đoái, bất chấp hành vi phá hoại của bọn đầu cơ ... " . Thủ tướng Pháp Balladur trong cuộc họp báo sáng thứ hai, 2 tháng 8, cũng nói rằng nhờ Pháp và Đức hoà hợp mới tìm ra giải pháp cứu sống SME, giải quyết được vấn đề nhất thời do đồng Đức mã gây ra.

Tiếng là không chết, nhưng trên thực tế kỷ luật SME trở nên lỏng lẻo tới mức bản chất hệ tiền tệ châu Âu có nguy cơ biến đổi. Quan niệm liên bang Âu châu thể hiện qua tinh thần hiệp ước Maastricht bị lay chuyển đến gốc rễ. Tiến trình xây dựng cộng đồng châu Âu chậm lại chưa biết là bao nhiêu năm. Không kể Ngân hàng quốc gia Pháp đã tiêu mất 300 tỷ (khoảng 50 đến 60 tỷ $US) trong trận bảo vệ đồng frăng này.

Đầu cơ thắng lợi, đánh bại Cộng đồng kinh tế Âu châu.

 
Điều này không làm ngạc nhiên. Những qui lệ ngăn chặn tài chính giao lưu qua biên giới quốc gia đã bị các biện pháp " giải lệ " (déréglementation) phá vỡ từ những năm 80, không còn gì cản trở tiền tệ tự do lưu thông khắp thế giới. Tài chính ngày nay giao dịch liên tục ngày đêm, suốt 24 giờ, không giây phút nào ngưng. Người điều khiển mua bán tiền tệ ngồi một nơi, trực tiếp tham dự từng phút từng giây cùng một lúc các thị trường Tokyo, Luân Đôn, Nữu Ước... Hàng tỷ đôla không ngớt di chuyển quanh trái đất với vận tốc của ánh sáng, nhờ phương tiện truyền tin hiện đại qua vệ tinh. Lưu lượng trao đổi hàng ngày trên thị trường thế giới là 1000 tỷ $US Khi cần, tư bản tài chính có sức tức tốc tung ra mỗi ngày 600 tỷ, mà tổng số dự trữ hối đoái của tất cả các nước nhóm G7 giàu nhất thế giới cộng chung lại mới đạt 250 đến 300 tỷ.

Thị trường tài chính toàn cầu hoá vuột khỏi khả năng điều tiết, kiểm soát của bất cứ một quốc gia hay một khối thị trường nào. Tháng chín 1992, hai nước Anh, Ý đã nếm mùi thất bại, phải phá giá và rút tiền của mình ra khỏi SME. Trong một ngày, Georges Soros đầu cơ chống đồng bảng Anh thu lợi 1 tỷ $US. Lúc đó đồng frăng Pháp thắng được một trận. Nhưng đến trận này thì thực tế là cả khối Cộng đồng châu Âu đã phải thua đầu cơ.

Phải chăng đây là hiện tượng của một thời đại mới, thời kinh tế toàn cầu hóa (tiếng Anh globalisation, tiếng Pháp mondialisation) ?

Thị trường toàn cầu hoá là gì ? Doanh nghiệp toàn cầu hoá tổ chức ra sao ? Đặt ra những vấn đề gì ? Xin xem " Khi thị trường trở thành toàn cầu hoá ", trong số này.

 
Bùi Mộng Hùng

(tháng 8. 1993)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss