Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 22 - 09.1993 / Những mấy ngàn dâu

Những mấy ngàn dâu

- Đặng Tiến — published 01/03/2011 00:15, cập nhật lần cuối 21/03/2011 23:57

Những mấy ngàn dâu


Đặng Tiến

 

Trên Diễn Đàn hai số 20 và 21 (tháng 6 và 7.1993) vừa qua, bạn Nguyễn Trọng Nghĩa, nhân chuyện Khổng Lồ và Không Lộ, có “nêu ra một vài thắc mắc” về nguồn gốc và ý nghĩa chữ ngàn và mong bạn đọc góp ý. Tôi xin nhắc lại lời giải thích của giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi hiệu đính sách Bích Câu kỳ ngộ, nguyên tác chữ Hán được gán cho Đặng Trần Côn (1710-1750), bản Nôm viết thời Minh Mạng, không rõ của ai. Đoạn đầu tả cảnh phường Bích Câu tại Hà Nội, câu 13: “ xanh xanh dãy liễu ngàn thông” .

Bác Hãn giải thích: Ngàn trỏ bờ đất bên sông hồ, bởi chữ ngạn biến âm ra; chứ không phải là rừng sâu trong núi”. Cuối sách ở Phần tự vị, bác giải thích rất rõ: “ Ngoài nghĩa là nghìn, tiếng ngàn còn là biến âm của hai chữ Hán: nguyên là nguồn và ngạn là bờ. Ngàn 1 là nguồn, ví dụ sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố sông Ngàn Cả hợp lại thành Sông Lam ở Nghệ Tĩnh. Vì nguồn ở trong núi rừng xa, cho nên ngàn cũng trỏ rừng núi ở xa, ví dụ: chớp bể mưa ngàn, hạc nội mây ngàn. Ngàn2 bờ, đường đắp cao, bờ sông cao. Chinh phụ ngâm: Thấy xanh xanh biết mấy ngàn dâu. Đó là lời dịch vế chữ Hán: Thanh thanh mạch thượng tang; nghĩa đen là: xanh xanh dâu trên bờ ruộng. Huyện Đông Ngạn thường nói Đông Ngàn...”1

Nguyễn Huy Lượng trong Tụng Tây Hồ phú (1801) tả cảnh Hồ Tây:

Kề bến nọ, quan Thiên Niên lớp xớp
Cách ngàn kia, ghềnh Vạn Bảo nhấp nhô
Toà Kim Liên sóng nổi mùi hương...

(Quán Thiên Niên ở Quán La, ghềnh Vạn Bảo ở khúc sông Cái gần Hồ Tây, chùa Kim Liên ở Nghi Tàm). Chữ ngàn có nghĩa là bờ (hồ Tây). Ca dao Hà Nội có câu:

Muốn than mà chẳng gặp chàng
Kìa
như đá đổ lên ngàn hồ Tây
Đá đổ còn có khi đầy
Thương chàng biết thuở nào khuây, hỡi chàng

Những ví dụ này chứng tỏ chữ ngàn2 có nghĩa là bờ, do chữ Hán ngạn mà ra. Nhưng nghĩa này ít thông dụng nên không có trong nhiều từ điển, như Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988), hay từ điển Việt Pháp Hoa xưa hơn (1937) của Gustave Hue. Tuy nhiên cả hai nghĩa bờ bãi, rừng núi đều có trong Việt Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895-96). Như vậy, chữ ngàn = bờ là từ cổ, ít thông dụng, ngày nay bị chữ ngàn = nguồn, rừng núi khuất lấp và nhiều người hiểu theo nghĩa sau. Do đó, khi giải thích câu Kiều “ Trông người đã khuất thấy ngàn dâu xanh”, những học giả uyên bác như Đào Duy Anh (*), Lê Văn Hoè đều hiểu ngàn là rừng, và từ đó, dâu có nghĩa là cây dâu lớn (du) như trong câu “bóng dâu đã xế ngang đầu”, chứ không phải cây dâu nhỏ (tang) trồng để nuôi tằm – tuy rằng hai ông đều có nhắc đến “mạch thượng tang” của Chinh phụ ngâm.

Vịnh Kiều, Chu Mạnh Trinh có câu thơ diễm lệ:

Dây hoa nép mặt gương lồng bóng
Ngàn liễu
rung cương sóng gợn tình

Ngàn liễu là bờ liễu bên đường. Nguyễn Khuyến có dùng chữ “ngạn liễu” trong một câu đối nổi tiếng viết cho hàng thịt lợn. Bà Huyện Thanh Quan có câu thơ:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn

Bài thơ tả cảnh đồng bằng, có cả “ngư ông về viễn phố” thì chữ ngàn mai nên hiểu là hàng mai bên đường, hợp lý hơn là rừng mai.

Chúng ta lảy vội ra nhận định này: nhiều câu Kiều, Chinh phụ ngâm được truyền tụng, chúng ta chỉ hiểu lờ mờ, thậm chí hiểu sai. Trong văn thơ, trước hết chúng ta cần hiểu đúng – rồi từ chỗ đúng đó, tha hồ nới rộng nhiều cách hiểu khác, theo âm vang của từ ngữ và tuỳ theo văn cảnh. Nhưng trước tiên, điểm tựa phải chính xác.

Ngàn dâu còn gọi là bờ dâu. Bờ sông, bờ ruộng, hay bờ rào. Bài hát Quê em của Nguyễn Đức Toàn tả cảnh: miền trung du... dâu bờ xanh thắm... nong tằm chín lứa tơ.

Quang Dũng, trong những trang tuỳ bút tuyệt vời về núi Tản Viên, trong Nhà đồi, có dùng chữ ngàn dâu:

“Tỉnh Hà Tây vốn nổi tiếng về những ngàn dâu (A) ven sông Đáy, ven sông Đà, ven sông Hồng... Miền n úi rừng Bất Bạt bỗng nhiên trở thành nơi thí điểm cho dâu lên núi. Cái triển vọng của những ec-ta đồi núi xanh mướt ngàn dâu (B) bên cạnh những sở nuôi tằm, những khung dệt lụa hiện đại là cái triển vọng có thể trông thấy được (...) Rất nhiều gốc dâu, người tản cư mỗi chuyến về làng lại đem lên làm bờ rào, cắm chuồng gà”. Đồng thời, tình cờ, ở Ba Vì cũng có cây dâu lớn (du), “một ngày một ngả bóng dâu tà tà” 3.

Chữ ngàn dâu, Quang Dũng dùng lần đầu (A) có nghĩa là bờ dâu, lần thứ nhì (B), có thể hiểu hai cách: bờ dâu hay rừng dâu; lần cuối cùng, ông tả cây dâu trồng ở bờ rào.

Chữ ngàn nghĩa là nguồn, do âm Hán Việt nguyên, ngày nay còn thông dụng trong nghĩa rừng núi xa xôi, không cần được giải thích dài dòng ở đây.

Chữ ngàn nghĩa là nghìn cũng rõ nghĩa. Trong lối nói văn vẻ, ta thường dùng những thành ngữ ngàn dặm, ngàn trùng, ngàn xưa, ngàn năm m ột thuở là do ảnh hưởng của chữ Hán. Ngàn dặm do chữ thiên lý. Trong Tự tình khúc, Cao Bá Nhạ có câu thơ cảm động gợi cảnh nhớ nhung xa cách:

Vầng trăng khuyết về miền vân thuỷ
Soi
những người thiên lý tương tư

Nước mây ngàn dặm, nhớ nhau đến mòn cả vầng trăng...

Câu thơ Đặng Trần Côn trong Chinh phụ ngâm:

Trượng phu thiên lý chí mã cách

được dịch vừa sát vừa hay:

Chí làm trai dặm ngàn da ngựa

Câu thơ đặc sắc nhờ những âm luyến láy và nhờ đảo ngữ dặm ngàn, gợi cảm và gợi cảnh hơn là ngàn dặm là một thành ngữ mòn sáo. Có lẽ từ đó, ta có thêm câu Kiều

Dặm ngàn nước thẳm non xa

Vẫn những nguyên âm, phụ âm luyến láy mỗi lúc một nới rộng không gian, làm nổi bật số phận bé bỏng, mong manh của Thuý Kiều

Biết đâu thân phận con ra thế này

Và điều chúng tôi muốn nói ở đây là: chữ dặm ngàn trong hai câu Kiều Chinh phụ ngâm, ngoài cái nghĩa lượng số một nghìn ra, nếu ta hiểu là rừng núi xa xôi, thì vẫn hợp lý và có khi còn... hay hơn. Người đọc có khi bị âm vang một câu thơ, một chữ trong thơ mê hoặc và để lòng lìa ngó ý.

Bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ nổi tiếng trong thơ mới, có câu

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi...

Chữ ngàn xưa, bắt nguồn từ chữ thiên cổ, bỗng loang dần ra, như hơi lạnh từ thời gian thấm dần, lan rộng ra không gian. Ngược lại

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Chữ nghìn trùng chỉ không gian bao la lại xoáy xuống thời gian, thâm sâu, đau đớn. Có lẽ vì những từ kiểu cách, cổ kính chung quanh, đặc sắc nhất là chữ phụng rất sáng tạo. Cùng một nghĩa, mà chữ ngàn thoảng qua, thoáng rộng, mênh mông ngọn gió, trong khi chữ nghìn đâm xuống như một mũi kim đau nhói. Bây giờ ta thử đặt lại hai câu thơ trong văn cảnh, những cảm xúc nói trên sẽ hiện ra rõ hơn nữa:

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

... Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm
tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa, thiếp phụ chàng

Từ những chữ ngàn trùng, ngàn dậm, ngàn xưa, nhà thơ có thể viết:

Xa hỡi ngàn xa bóng nhạn chìm

Hoàng Trúc Ly

Ngàn xa là một sáng tạo, nhưng nghe quen thuộc: như niềm nhớ nhung vừa hoang mang vừa tha thiết, như tiếng gọi thầm vang lên rồi tắt ngấm. Nhịp thơ chậm, rời rã, lạc loài, xa vắng.

Tóm lại, trong văn thơ, một chữ, ngoài ý nghĩa bình thường mà ta có bổn phận phải quy định, còn có âm vang vượt ra khỏi biên giới của từ vựng. Chữ ngàn có ba nghĩa, ba nguồn gốc khác nhau, làm thành những vòm sáng giao thoa với nhau. Chất thơ lung linh giữa những vòm sáng ấy. Nó lưu luyến, chập chờn, lần lữa, cho ngày sau lơ lửng với ngày xưa 4.

8.1993



Bổ Chú:

Trong hai bài báo dài, bạn Nguyễn Trọng Nghĩa có nêu lên thuyết: chữ nôm Khổng Lồ do tên sư Không Lộ mà ra. Nhưng cũng có thuyết nói ngược lại: Phật giáo tiếp thu truyện Khổng Lồ trong nhiều truyền thuyết dân gian có từ thời cổ, để biến thành Phật thoại, cũng như Đạo giáo đã tiếp thu truyền thuyết Trăm con và gán vào đó cái tên Lạc Long Quân và Khổng giáo gán vào nguồn gốc vua Thần Nông bên Tàu: “Cái tên Không Lộ của nhà sư có thể là biến âm của cái tên Khổng Lồ. Đây là một xu hướng phổ biển có hai mặt mâu thuẫn thống nhất: Phật hoá truyện dân gian vả dân gian hoá truyện Phật. Lý do là đạo Phật muốn dễ dàng cắm rễ trong dân gian để tồn tại bền vững, đồng thời nhân dân cùng muốn Việt hoá đạo Phật cho thích nghi với những tín ngưỡng rất thực tiễn của mình” (Cao Huy Đỉnh, Hình tượng Khổng Lồ (...) trong truyện cổ dân gian Việt Nam, trong Truyền thống anh hùng dân tộc, nhiều tác giả, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 94).

1 Bịch Câu kỳ ngộ, Nhà xuất bản Đại học Huế, 1964, tr. 151, có chụp và in lại tại Pháp.

2 Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Hội văn nghệ Hà Nội, 1972, tr. 165.

3 Quang Dũng, Nhà đồi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1983, tr. 131.

4 Thơ Hồ Dzếnh.

(*) Chú thích của người đánh máy: xem cuốn Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr. 276. Tuy nhiên, trong tái bản 1987, do Phan Ngọc bổ sung và sửa chữa, ngàn được định bằng cả hai nghĩa “bờ bãi, rừng núi” (tr. 326).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss