Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Nhận định, lựa chọn hướng đi

Nhận định, lựa chọn hướng đi

- Bùi Mộng Hùng — published 23/01/1999 00:00, cập nhật lần cuối 24/05/2007 00:36
Chuyển hướng phương thức phát triển, chuyển hướng thị trường vì thị trường ra kinh tế vì đời sống con người, tạo điều kiện cho mỗi người có điều kiện phát triển... Chung qui là một vấn đề văn hoá : lựa chọn các giá trị căn bản cho xã hội.

 

Nhận định, lựa chọn hướng đi

 
Bùi Mộng Hùng

 

Một quyền lực không hẳn còn là quyền lực

 
Cách đây gần 50 năm dân ta vùng đứng dậy đòi quyền sống. Giành độc lập, giành chủ quyền dân tộc. Sau ba mươi năm hy sinh gian khổ, đất nước về ta, thống nhất, trọn vẹn. Ta lại là ta, một quốc gia-dân tộc, đầy đủ đất đai và đầy đủ quyền hạn.

Nhìn lại, thế giới đã đổi thay. Thị trường quốc gia đang hoà tan vào một thị trường thế giới duy nhất. Thị trường toàn cầu hoá vuột khỏi khả năng điều tiết, kiểm soát của chính sách quốc gia. Kể cả những nước cường thịnh nhất. Chỉ mấy ngày sau khi tổng thống Mỹ Bill Clinton đắc cử, báo Wall Street Journal trong số 9.11.92 đã khẳng định ngay trên trang nhất : " Dù rằng không được dân cử ra, lại không tên tuổi mà phần đông cũng chẳng phải là dân Hoa Kỳ, thế mà những tay đầu tư tài chính, trên khắp thế giới, ngày nay nắm quyền hạn lớn chưa từng thấy - có lẽ cả quyền phủ quyết - trên chính sách kinh tế của Hoa Kỳ. "

Và mới đây, đầu tháng 8.93, khối Cộng đồng kinh tế châu Âu cũng phải nhượng bộ đầu cơ chống đồng frăng Pháp, phải nới lỏng kỷ luật của hệ tiền tệ châu Âu SME, làm cho công cuộc thực hiện Liên hiệp kinh tế và tiền tệ (UEM, Union économique et monétaire) bị chậm lại chưa biết mất bao nhiêu năm.

Chính quyền – mà dân tộc ta giành lại được cho quốc gia sau bao năm đấu tranh gian khổ – bất lực trước các thế lực đang làm bá chủ : thị trường toàn cầu hoá. Không để cho ta con đường nào khác là lèo lái nương theo xu thế của nó. Và phải xử lý với phương tiện eo hẹp của "quốc gia", những vấn đề xã hội nan giải đi kèm theo như bóng với hình : thất nghiệp, sự hình thành lớp người nghèo " mới " bị loại hàng loạt ra " ngoài " thị trường, sự huỷ hoại văn hoá đặc thù của mỗi dân tộc được thay vào bằng một thứ văn hoá nhạt nhẽo duy nhất tiêu chuẩn hoá theo thị trường với nạn du đãng, đĩ điếm, tàn phá môi sinh... (Xem Khi thị trường trở thành toàn cầu hoá..., Diễn Đàn số 22, 9.93)
 

Hy vọng tan biến với cơ sở lý thuyết cho niềm tin

 
Dân ta giành độc lập trong khuôn khổ một trào lưu nói lên cho khát vọng của nhân loại : Khát vọng tự do và tình người, khát vọng một xã hội đại đồng tốt lành trong đó con người có điều kiện phát triển, nảy nở. Những khát vọng đã un đúc nên cao trào xã hội chủ nghĩa, khi những kiến thức của thế kỷ XIX về vũ trụ, sự sống, con người, xã hội được Marx và Engels tổng hợp thành một hệ hoàn chỉnh : chủ nghĩa này đã trở thành niềm tin và hy vọng cho một phần nhân loại.

Ngày nay, phải nhìn nhận rằng cơ sở nhận thức của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, dựa trên kiến thức thế kỷ XIX, không còn giải thích được một cách đầy đủ vũ trụ, con người và xã hội cho thời đại chúng ta.

Thời của Marx tin rằng khoa học khám phá ra chân lý. Ngày nay ta biết rằng chân lý khoa học chỉ là một chân lý cục bộ và tương đối. Lý thuyết, nếu là khoa học, thì có thể bị bác và không có tham vọng đạt chân lý tuyệt đối. Thời của Marx tin rằng vạn vật đều tuân theo thuyết tất định, vì thế mà có thể nêu ra được những qui luật dứt khoát về sự phát triển của xã hội, sinh vật, con người, vũ trụ... Ngày nay ta biết rằng vật chất, sinh vật, nhân loại biến chuyển theo những đường lối riêng rẽ, bất ngờ, khó lường. Trong cái vũ trụ an bài theo qui luật của thuyết tất định, không có chỗ dành cho tự do, sáng tạo. Theo lối nhìn của khoa học ngày nay, những tác nhân nhỏ bé, con người cá nhân, xã hội loài người có khả năng hành động bất ngờ và sáng tạo. (Xem Hàn Thuỷ, Tìm trật tự trong hỗn loạn, Diễn Ðàn số 15, 1.1993 )

Marx xem nhẹ tư tưởng, ý thức hệ, ý thức dân tộc, ý niệm quốc gia, những thượng tầng kiến trúc. Hiện nay, vấn đề dân tộc đang bùng nổ trên thế giới buộc ta phải nhìn nhận rằng ý niệm dân tộc – một huyền thoại xã hội – là một động lực, một sức mạnh không thể chối bỏ được..

Marx tin vào tính chất thuần lý sâu xa của lịch sử, ở sự tiến bộ vững chắc của khoa học. Marx tin vào sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản có khả năng tạo ra một xã hội không giai cấp, một thế giới đại đồng. Sử quan mác-xít là cơ sở lý thuyết cho niềm tin sắt đá : " Ta nhất định thắng, địch nhất định thua " . Ngày nay chúng ta biết rằng lịch sử không theo đường thẳng, không tuân theo một qui định duy nhất, mà có nhiều qui định phức tạp va chạm đối chọi với nhau cho nên hay bất trắc, rẽ hướng bất ngờ. Chúng ta biết rằng tiến bộ là mong manh. Và lòng tin vào sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản là không khoa học mà trái lại có tính chất cứu thế : nó đem vào đời sống trần thế tín ngưỡng do thái-cơ đốc về việc lên thiên đàng sau khi chết nếu được Thượng đế cứu rỗi.

Tư tưởng Marx vẫn còn nhiều yếu tố phong phú. Nhưng một số cơ sở của tư tưởng Marx đang tan rã. Và niềm tin và hy vọng xã hội chủ nghĩa đã bị thực tế phủ định phũ phàng.
 

Các mô hình áp dụng thực tiễn trong điêu tàn

 
các nước Đông Âu chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa hiện thực đã phá sản toàn diện vì lý tưởng tự do dân chủ cho đời sống xã hội tập thể đã bị đem ra làm chiêu bài để tước quyền tự do căn bản của cá nhân, sức sáng tạo bị bộ máy đè bẹp, kinh tế yếu kém trì trệ, đời sống người dân nghèo nàn, chẳng những xây dựng con người mới không thành mà cho đến đào tạo người dân cho ra một công dân cũng không đạt.

Nhánh thứ hai của xã hội chủ nghĩa lịch sử – xu hướng xã hội - dân chủ – một thời tưởng đâu sẽ nêu cao được ngọn cờ. Nhưng cũng thất bại. Bị mất chính quyền như ở Pháp, hay may mà còn giữ được đa số tương đối trong quốc hội như ở Y Pha Nho, ở đâu đâu uy tín cũng hao mòn. Vì chỉ biết quản lý ngày qua ngày. Không giải quyết nổi những vấn đề xã hội day dứt như nạn thất nghiệp. Không dự phóng cho tương lai, không chuyển đổi xã hội. Hy vọng tiêu tan.

Chủ nghĩa tư bản trong hình thái tự do kinh tế cao độ hiện nay – tự cho là kẻ chiến thắng – cũng không chút hồ hởi. Biểu đồ sức khoẻ thật đáng lo ngại. Sau một thập kỷ áp dụng thuyết tự do kinh tế – ở Hoa Kỳ với tổng thống Reagan, ở Anh với thủ tướng Thatcher – ngày nay không ai còn tin là cứ để mặc cho thị trường thao túng thì mọi việc tự nhiên sẽ êm xuôi nữa. Chuyên gia xúm xít quanh giường bệnh. Khủng hoảng tài chính bùng nổ lên tiếp, kinh tế bấp bênh. Bất công xã hội, thất nghiệp, SIDA, ma tuý, tăng, không sao chặn nổi...Chưa biết cách nào điều chỉnh thị trường toàn cầu hoá. Kiến thức khoa học kỹ thuật ngày nay sâu, sắc, nhưng mặt trái của chuyên sâu, của sắc bén khi đi vào cụ thể là cục bộ : chuyên gia mù tịt trước các thách thức, các vấn đề lớn của thời đại. Tương lai chưa biết ra sao.

Lý thuyết không còn, mô hình áp dụng thực tiễn không có. Nhưng cũng không thể nhắm mắt đưa chân, làm con kiến bò quanh miệng chén, bò mãi mà chẳng đi đến đâu. Trong khi chờ đợi một lý thuyết hoàn chỉnh cho hiện đại, ta vẫn phải bước đi, phải chọn lựa hướng đi.
 

Nêu lại vấn đề

 
Thế giới đang chuyển biến. Xã hội công nghiệp đang biến dạng : tiêu thụ và thông tin đại chúng lấn áp sản xuất, kinh tế sản xuất nhường bước cho kinh tế niên kim (économie de rentes), lãi suất vọt lên những mức " lịch sử " làm cho tình hình kinh tế suy thoái, các nước công nghiệp phục hồi khó khăn, hố sâu ngăn cách thế giới những người giàu có và thế giới của những kẻ bị loại ra "ngoài" ngày càng sâu rộng thêm, thị trường toàn cầu hoá vượt quyền lực của mọi quốc gia - dân tộc... Guồng máy kinh tế chỉ tuân theo qui luật cạnh tranh, buộc tất cả các sinh hoạt khác của con người phải cuốn theo. Không có cơ chế nào điều tiết cho kinh tế và chính trị phụ thuộc vào nhau. Vấn đề chính trị lớn của thời đại là các vấn đề do kinh tế toàn cầu hoá đặt ra.

Chỉ nhắc đi nhắc lại những khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa sáo cũ như niệm thần chú là a tòng phó mặc cho thị trường toàn cầu hoá tác động khiến cho đại đa số nhân dân sẽ bị loại ra chịu phận nghèo hèn " ngoài " thị trường, để cho một thiểu số được thừa hưởng ân huệ của kinh tế toàn cầu hoá phè phỡn bên " trong ". Là để cho văn hoá dân tộc bị tiêu diệt. Là để cho núi sông đất nước môi sinh kiệt quệ, và thế hệ sau phải trả giá đắt cho lối khai thác vô trách nhiệm chỉ nhằm vụ lợi trước mắt.

Nếu chỉ cố gắng để thích nghi với thực tại trong nghĩa làm sao cho nhu cầu của chúng ta được đáp ứng trong tình thế ngày nay thì cũng chưa đủ. Vì không phải chỉ sống ngày nay mà còn phải chuẩn bị cho tương lai và cho thế hệ sau.

Có được chăng, trở lại với khát vọng ban đầu, với viễn ảnh nhân bản (vì con người), viễn ảnh đặt vấn đề sao cho phù hợp với toàn cục thế giới, và viễn ảnh nhân đạo (xã hội đại đồng có tình người trong quan hệ người đối với người) ?

Đặt vấn đề là xét xem có khả năng đáp ứng hay chăng. Và nếu có thì phải làm như thế nào.
 

Hy vọng, nhưng không niềm tin " khoa học " là " lịch sử " hứa chắc một ngày mai tươi sáng

 
Không còn tin vào " qui luật của lịch sử " bảo đảm " tiến bộ không ngừng ", không có nghĩa là không tin ở tiến bộ, mà nhìn nhận tính cách không vững chắc của mỗi bước tiến lên.

Trong viễn tượng đó, làm sao có thể nào xây dựng cho xã hội tốt lành và đượm tình người ?

Chúng ta biết rằng con người hiện nay mới sử dụng một phần nhỏ khả năng của bộ óc. Khả năng chuyển đổi xã hội lại liên hệ với khả năng khối óc con người, không một ai có thể khẳng định rằng xã hội loài người đã hết khả năng tiến hoá, rằng lịch sử đã đạt tới điểm tận cùng. Chúng ta biết rằng khối óc con người có khả năng làm cho địa cầu phát triển mà cũng có khả năng huỷ hoại nó.

Không có tiến bộ bảo đảm. Chỉ có khả năng tiến bộ không vững chắc, tuỳ thuộc vào ý thức, ý chí, can đảm. Và vào may mắn...

Ý thức, đó là cấp bách và căn bản.

Khả năng của con người và xã hội cho ta hy vọng, nhưng không một niềm tin " khoa học " là " lịch sử " hứa chắc một ngày mai tươi sáng.
 

Địa cầu - Đất Mẹ

 
Sau nhiều năm khoa học thiên văn chất vấn vũ trụ, ta biết mặt trời của chúng ta chỉ là một ngôi sao bé nhỏ trong hàng tỷ ngôi sao khác giữa một vũ trụ trong giai đoạn bành trướng. Địa cầu chỉ là một hành tinh tí hon, nhưng ấp ủ sức sống giữa khoảng không gian lạnh lẽo. Và là hành tinh duy nhất - với sự hiểu biết của chúng ta cho tới ngày nay - có sự sống và nhất là có sinh vật biết tư duy.

Ngày nay, chúng ta biết địa cầu và sinh vật trên trái đất trong đó có loài người liên đới chặt chẽ với nhau thành một hệ thống quân bình. Một bộ phận bị diệt thì các bộ phận cũng lâm nguy. Sinh thái huỷ thì loài người khó sống còn.

Tham vọng con người " làm chủ thiên nhiên, làm chủ vũ trụ " đang sử dụng kỹ thuật hiện đại phá vỡ quân bình của thiên nhiên, huỷ diệt sinh thái. Nguy cơ huỷ diệt còn đấy đến ngày nào con người thay tham vọng nói trên bằng ý thức là vạn vật phải " chung sống " an toàn trên trái đất.

Nguy cơ loài người " tự sát " sẽ còn đó nếu cứ tiếp tục phát triển theo phương hướng hiện nay. Nếu không thay thế bằng một đường lối " phát triển vững bền " (sustainable development). Đó là lời khuyến cáo kết luận báo cáo Our Common Future (Tương lai chung của chúng ta, Liên hiệp quốc 1987) của Ủy ban quốc tế về môi trường và phát triển do Liên hiệp quốc thành lập, mà chủ tịch là bà Gro Harlem Brundtland, hiện nay là thủ tướng Na Uy.

Ý thức đã chuyển thành hành động. Phong trào bảo vệ môi sinh khắp nơi phát triển thành lực lượng chính trị. Hội nghị thượng đỉnh về địa cầu ở Rio de Janeiro vào tháng 6.92 khẳng định ý niệm trách nhiệm chung của loài người đối với địa cầu. Khẳng định một chiến lược môi sinh toàn cầu cùng vai trò quyết định của các nước đang phát triển trong chiến lược này.

Tại hội nghị Rio đã nảy nở ý thức người với người liên đới với nhau vì cùng chia xẻ với nhau trách nhiệm chung sống trên quả đất đang có nguy cơ bị huỷ diệt và vì muốn bảo vệ sự sống còn của nhân loại. Đã nảy nở ý thức con người là con dân của thế giới Địa cầu.
 

Những sợi dây liên đới

 
Con người là con dân Địa cầu - Đất mẹ. Ý niệm đó hàm mối liên đới giữa người và người, liên đới giữa người và sinh vật, liên đới giữa sinh vật với vạn vật vô tri. Những liên hệ không trừu tượng chút nào, nó bắt đầu từ vợ chồng, cha con, chòm xóm... Vì thế mà không thể giản lược hoá thành một thứ chủ nghĩa quốc tế trừu tượng hoá con người - chẳng hạn thành người vô sản phiến diện. Mà cần xác định một không gian tự do cho con người đa diện.

Phương tiện viễn thông hiện đại thu hẹp thế giới ngày nay. Thông tin tức tốc đến khắp mọi điểm trên trái đất. Chân trời tầm nhìn của con người - xưa kia chẳng mấy khi vượt quá lũy tre làng hay biên giới đất nước - nay toả xa ra khắp hoàn vũ. Thế giới đã thành một không gian vừa tầm của con người như là công dân của trái đất. Mỗi cá nhân phải có quyền được thông tin về mọi diễn biến quan trọng, có quyền góp ý kiến và hành động của mình vào thế giới chung. Trong hướng đó đang thành hình những khái niệm chính trị như " xã hội công dân thế giới " , " chế độ dân chủ thế giới " , " gia sản chung " của nhân loại...

Không gian thế giới - mới bắt đầu rõ nét trong quan niệm của con người - không xoá bỏ và cũng không mâu thuẫn với những không gian đã có từ xa xưa. Như quốc gia - dân tộc, kết tinh hoài bão ước vọng kinh nghiệm các thế hệ nối tiếp của một cộng đồng gắn bó với nhau, vì chung một quá khứ một dự phóng cho tương lai. Mỗi quốc gia-dân tộc là một không gian chính trị rõ nét tạo điều kiện bình đẳng tự do cho con người phát huy khả năng của mình, hướng tới mục tiêu chung. Vì thế mà quốc gia-dân tộc vẫn còn là khuôn khổ thích nghi nhất hiện nay để cho con người sử dụng quyền dân chủ, tác động vào hiện tại và tương lai. Đồng thời cũng là không gian cho tưởng tượng ước mơ huyền thoại (trong con người đa diện, kích thước huyền thoại hệ trọng chẳng kém gì kích thước lý trí và các kích thước khác).

Tinh thần thế giới nhằm tới liên kết hài hoà những vòng liên đới đồng tâm : từ gia đình, làng xóm, quốc gia - dân tộc, vùng, cho đến địa cầu chung.

 
Chính quốc gia-dân tộc là quan niệm trung tâm để cho quá khứ, hiện tại, tương lai liên đới với nhau. Mỗi nhóm người, mỗi dân tộc tạo ra văn hoá của mình trong quá trình thích ứng với môi trường sống. Với những điểm hay cùng những điều thiếu sót. Trở về nguồn trên đường xây dựng xã hội tương lai là đem bản sắc đặc thù của dân tộc làm nhân tố tiếp nối hôm qua với ngày mai.

Cá tính muôn màu muôn sắc của các văn hoá dân tộc, quốc gia đóng góp vào kho báu chung của nhân loại, tích lũy kinh nghiệm nhiều đời, kết tinh của tính sáng tạo, tính phổ biến của loài người.

Đặt quan hệ sinh động và thường xuyên giữa các nền văn hoá là trao đổi với nhau kinh nghiệm sáng tạo muôn mặt của con người. Là cho con người của ngày hôm nay sống trên một điểm ở địa cầu, được thừa hưởng kinh nghiệm sáng tạo từ ngàn xưa và hiện nay của loài người trên khắp mặt đất.
 

Liên đới và loại trừ

 
Tôn trọng bản sắc của mình và của người, chấp nhận giao lưu và chấp nhận cái mới để cho đời sống văn hoá thêm phong phú trái ngược với thái độ co cụm, loại trừ mọi điều khác lạ, thái độ tiềm tàng trong tinh thần bảo thủ văn hoá cổ truyền cực đoan, tinh thần toàn thủ (intégrisme).

Nhưng không quên rằng thái độ co cụm, toàn thủ đang tiêm nhiễm hàng triệu con người dưới danh nghĩa tôn giáo hay chủng tộc ở châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Mỹ là phản ứng của một bộ phận những người bị thị trường loại ra " ngoài ". Là một phần trong tuyệt đại đa số của nhân loại không có điều kiện hoặc không muốn chấp nhận các giá trị mà phương thức phát triển công nghiệp phương Tây trưng ra làm gương mẫu cho toàn thế giới phải theo (kinh doanh, phát triển, lợi nhuận...). Đó là một phần của đại đa số nhân dân các nước đang phát triển. Đó cũng là một phần của thế giới người nghèo " mới " ở các nước giàu có bậc nhất (40 triệu ở các nước thị trường chung châu Âu, gần 30 triệu ở Hoa Kỳ...)

Thị trường toàn cầu hoá là cơ chế chính đang loại một bộ phận lớn nhân loại - 7 tỷ con người vào năm 2010 theo báo cáo Global perspectives 2010 (Viễn cảnh toàn bộ năm 2010, Thomas Whiston, chương trình FAST FOP, Commission des Communautés Européennes 1992). Liên đới người với người hàm nghĩa chuyển hướng phương thức phát triển hiện nay.

Đường còn xa. Trong khi thị trường đang biến tất cả thành hàng hoá, biến những gì trước đây là quan hệ tương trợ, quan hệ tình cảm ra quan hệ tiền bạc. Và loại trừ hàng loạt người bằng những cơ chế tiềm ẩn. Loại từ tấm bé những kẻ trót sinh vào gia đình nghèo kém bằng thể chế hoá hai cách giáo dục đào tạo, giáo dục đào tạo cho thiểu số được ưu đãi và giáo dục đào tạo cho những kẻ khác. Biến người nông dân có đất cày thành kẻ không tấc đất cắm dùi, lang thang tha phương kiếm cơm nuôi miệng. Chia công dân ra hai loại, loại được săn sóc sức khoẻ chu đáo với phương tiện hiện đại và loại " con lành con ở cùng bà, đau mình nhức mẩy con ra ngoài đường "...

Tinh thần liên đới giữa người với nhau có khả năng giới hạn tác hại các cơ chế loại trừ. Với điều kiện là được cụ thể hoá. Cụ thể hoá trong các định chế quốc gia về các vấn đề xã hội, giáo dục, y tế... Cụ thể hoá vì các tổ chức tương trợ được tự do thành lập, tự do hoạt động theo sáng kiến nảy nở từ các vòng liên đới đồng tâm, toàn cầu, lục địa, vùng, quốc gia, dân tộc, làng xóm, gia đình...
 

Thách thức văn minh

 
Chuyển hướng phương thức phát triển, chuyển hướng thị trường vì thị trường ra kinh tế vì đời sống con người, tạo điều kiện cho mỗi người có điều kiện phát triển... Chung qui là một vấn đề văn hoá : lựa chọn các giá trị căn bản cho xã hội.

Cuối thế kỷ XIX, khoa học kỹ thuật, phát triển công nghiệp là niềm hy vọng vô biên.

Kỹ thuật có phép màu nhân khả năng của con người thật. Nhưng khi kỹ thuật thâm nhập hầu hết mọi lĩnh vực như hiện nay thì nếp sống và tư duy con người ngày càng trở nên máy móc. Phát triển kinh tế nâng cao mức sống thật, nhưng lôgíc của guồng máy kinh tế tiêm nhiễm từ doanh nghiệp ra đời sống, xâm nhập giải trí, văn hoá làm cho quan hệ người với người thành vô tình. Kỹ thuật tin học tiến đột biến, đạt tới khả năng giải phóng con người. Nhưng tới nay mới chỉ thấy kinh tế xáo động và hàng triệu lao động mất công ăn việc làm...

Ý thức môi sinh bị huỷ diệt hội tụ với ý thức phẩm chất đời sống con người đang suy thoái.

Hai khuynh hướng tàn bạo như nhau, khuynh hướng dã man tự ngàn xưa và khuynh hướng lạnh lùng sắt đá của máy móc hiện đại, thách thức con người, thách thức địa cầu, thách thức văn minh :

Phương tiện khoa học kỹ thuật hiện nay có khả năng bảo đảm cho toàn thề loài người ăn no, mặc ấm. Kỹ thuật tin học ngày nay có khả năng giải phóng con người ra khỏi ràng buộc của công việc hàng ngày, có thể dành thì giờ, tâm sức vào những hoạt động theo sở thích, cho bản thân và xã hội phong phú thêm. Phương tiện thông tin và viễn thông có đó, đủ để bảo đảm cho các nền văn hóa khắp nơi trên địa cầu tìm hiểu nhau, trao đổi những cái hay cái đẹp với nhau.

Nhưng không có chính sách dân chủ về thông tin, mở cửa cho giao lưu văn hoá, không có một nền giáo dục khai phóng cho kiến thức và tư duy, không có không gian chính trị dân chủ cho công dân của quốc gia - dân tộc, công dân của thế giới được tự do bình đẳng với nhau góp sức giải quyết các vấn đề chung. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho đời sống vật chất và tinh thần con người không được nâng cao lên ngang tầm với những khả năng kỹ thuật gần như vạn năng hiện nay.

Phát triển tình người, đem nhân đạo hướng dẫn kỹ thuật làm cho bộ máy quan liêu có bộ mặt người, làm cho trái đất thấm nhuần nhân đạo hơn, cho con người kinh tế phiến diện thành con người đa diện muôn màu muôn sắc, cho loài người thành người hơn, là mục tiêu căn bản của chính sách nhắm tới tiến bộ , tới sự sống còn của nhân loại.
 

Những ước vọng không tưởng ?

 
Những xu thế làm huỷ hoại địa cầu, làm suy thoái đời sống đang bùng lên như vũ bão, như thể không sức gì ngăn cản nổi. Như thế mạnh đế quốc Ba Tư vào những năm 490 - 480 tiền công nguyên, trước một Athènes nhỏ nhoi.

Nhưng Athènes đã thắng và tinh thần dân chủ do nó tạo ra sống mãi cho đến ngày nay !

Và vào năm 1941, ai biết trước được đế quốc của Hitler rồi sẽ ra sao ?

"Một con bướm vỗ cánh hôm nay ở Bắc Kinh có thể làm thành bão tố tháng sau ở Nữu Ước ", chỉ là hình tượng của môn " hỗn loạn học " (xem Hàn Thuỷ đã dẫn ở trên).

Nhưng phần nào tương hợp với các chuyển biến bất ngờ của lịch sử : những thực hiện cao đẹp hôm nay, mới ngày nào đó còn là những điều không tưởng !

 
Bùi Mộng Hùng

(tháng 8.1993)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: tập-1, Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss