Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Đi tìm Việt Nam

Đi tìm Việt Nam

- Hoàng Kim Nguyên — published 01/04/2011 01:00, cập nhật lần cuối 26/04/2011 14:25
Người cộng tác: Nguyễn Lộc (dịch)


Đi tìm Việt Nam

Hoàng Kim Nguyên



Sau bài YÊU SÀI GÒN của Trần An Lĩnh (số 19), Diễn Đàn vui mừng giới thiệu với bạn đọc bài ĐI TÌM VIỆT NAM của Hoàng Kim Nguyên. Cũng như Trần An Lĩnh, Hoàng Kim Nguyên sang Mỹ từ hồi nhỏ. Anh vừa tốt nghiệp khoa Bang giao quốc tế (niên khoá 1992-1993) Trường đại học Stanford, California.

Nguyên tác bài này 1N SEARCH OF VIETNAM đã  được đăng trên tạp chí Horizons of Vietnamese Thought & Experience, Vol. 2, Number 1, Winter 1993 (45 S. Park Victoria # 350, MILPITAS. CA 95035)

Diễn Đàn cảm ơn tác giả đã cho phép chúng tôi chuyển ngữ và đã duyệt lại bản dịch.


“Ở Rôma” – hoặc đúng hơn – “Ở Sài Gòn
thì cứ làm y chang như dân Sài Gòn”


Đã 17 năm rồi từ ngày Giải phóng, hoặc ngày mất Việt Nam, tuỳ theo chính kiến mỗi người. Tuy nhiên, tự bản chất, một đất nước không thể nào mất. Việt Nam vẫn còn đó và sẽ còn đó, chờ đón những công dân cũ của mình trở về. Đây là tường trình về chuyến đi Việt Nam của tôi trong hai tháng 10 và 11 năm 1992.

Máy bay hạ cánh lúc 10 giờ sáng. Bên ngoài ẩm thấp đến ngột ngạt và mặt trời đang thiêu đốt mặt đường nhựa. Khi máy bay dừng hẳn lại, tim tôi giật thót một cái, thân thể mệt nhừ của tôi vặn vẹo như thân một con rối, đồng thời, tôi tự hỏi, liệu chuyến đi này có là một sai lầm? Xin đừng hiểu lầm, đây rồi, sau 22 tiếng đồng hồ và nửa vòng trái đất, tôi đang ở ngay tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Đây cũng là nơi tôi sẽ ở trong hai tháng tới. Tôi không rõ mình nên thấy nôn nao hay nên lo âu. Đâu là những nhân viên cộng sản mà biết bao lần bố mẹ tôi đã nói đến? Tôi sẽ phải “biếu” mấy nhân viên hải quan bao nhiêu tiền? Liệu tôi có nhớ mình cất tiền ở đâu không? Nếu tôi ngã bệnh thì sao? Nếu tôi không thích nơi này thì sao? Tiếng chuông báo đèn hiệu nhắc nhở đeo thắt lưng an toàn đã tắt, cùng với lời loan báo của viên phi công hãng hàng không Philipines – “Chào mừng quý khách đến Việt Nam, chúc quý vị một chuyến du lịch vừa ý và mong lại được phục vụ quý vị trong lần khác” – thình lình cắt đứt cơn mơ mộng của tôi. “Good morning Việt Nam”, tôi nhủ thầm và đồng thời, tôi nghiêm chỉnh bắt đầu việc khám phá lại quê hương mình.

Mấy chiếc xe buýt đã chờ sẵn khi chúng tôi ra khỏi máy bay. Một thiếu nữ xinh xắn trong cánh áo dài xanh đón chào chúng tôi đến Việt Nam và hướng dẫn chúng tôi đến khu đăng ký và nhận hành lý. Đa số hành khách chuyến bay là Việt kiều, và có sự khác biệt rõ ràng giữa những người đã từng về Việt Nam và những người còn lại, vẫn chưa rõ việc gì đang xảy ra. Có người lộ vẻ bất an thấy rõ, có lẽ họ cứ ngỡ như mấy nhân viên cộng sản sẽ hiện ra và đưa họ đi thẳng vào nhà tù. Còn tôi, do chẳng hề biết mồm ngang mũi dọc một nhân viên cộng sản là ra làm sao, chẳng chút bận tâm, và nhờ đó lại hoá hay. Dù gì, tôi cũng có được hai thứ quan trọng ở Việt Nam: thông hành Mỹ và tiền. Tôi qua được chặng xét hỏi và đóng dấu chính. Người nhân viên nơi ấy khá gay gắt đối với tôi. Ông ta hỏi một câu gì đó, nhưng tôi không thật sự hiểu ông ta muốn gì. Bực bội thấy rõ, sau cùng ông ta hỏi tôi làm nghề gì bằng tiếng Anh (tiếng Anh vào loại khá), tôi bảo tôi là sinh viên. Ông ta đóng dấu vào hộ chiếu của tôi, ngó địa chỉ nơi cư trú của tôi ở Sài Gòn, và khoát tay cho tôi đi. Lúc ấy tôi khấn thầm, “Lạy Chúa, nếu tôi không hiểu nổi tiếng Việt của ông kia, thì làm sao tôi sống sót được ở Việt Nam đây?” Xong, tôi đi đến chỗ đợi hành lý. Độ tiếng rưỡi đồng hồ sau thì hành lý cũng đến! Tôi đợi trong cái nóng bức và ẩm thấp, giải buồn bằng việc nhìn những người xử lý hành lý mà giống như họ sẵn sàng làm vỡ vụn mọi thứ hàng hoá mỏng manh trong các va-li. Vì không tìm ra được một xe đẩy, tôi đành phải tự khuân mấy kiện hành lý khổng lồ của mình, không nhờ vào một thứ phương tiện cơ giới nào. Tôi đã dồn nhét nguyên cả căn phòng của mình vào va-li hay sao ấy, và tôi ngạc nhiên thấy mình chưa bị trật khớp hay bị chứng thoát vị (hernia)... nhưng, tôi đi lạc đề rồi. Về Việt Nam lần tới tôi sẽ nhẹ phần bánh kẹo và các thứ lỉnh kỉnh khác, và nặng phần tiền hơn.

Kiểm soát viên hải quan là một phụ nữ dễ chịu và tôi bắt chuyện với cô trong khi cô ta chậm rãi điền các mẫu khai báo và các thứ linh tinh khác cho tôi. Các túi hành lý của tôi được cho qua mà tôi không phải hối lộ một xu, và tôi rất là hài lòng về cái kỳ công ấy. Làm ở sân bay, họ kiếm thừa tiền, nhiều đến không biết làm gì cho hết, vả lại tôi chỉ là một sinh viên nghèo, túi tiền eo hẹp. Thế là tôi bèn trao đến cô nàng một nụ cười kim khí (vì tôi đeo vòng chỉnh răng) và dong buồm để hoà vào biển người đang chờ đón phía ngoài cửa ra của khu hành khách sân bay.

Tôi hoàn toàn không biết ai ở Sài Gòn, và dự định ở với gia đình của một người bạn. Khi đi Việt Nam, tôi không định nói cho bố mẹ tôi biết, nhưng rồi lại cho rằng bố mẹ tôi cần nên biết, ngộ nhỡ có điều gì xẩy ra cho tôi. Tôi gặp người đi đón ở cổng. Một người đàn bà lớn tuổi tôi không quen biết đến gần tôi, bật khóc và với tay ôm lấy tôi. Tôi bảo thầm “Người đàn bà gầy yếu, nói giọng miền Nam lạ hoắc này là ai mà lại có cử chỉ như vầy”. Tôi không mảy may ngờ rằng chị tôi, vừa từ Vĩnh Long lên Sài Gòn, lại có thể lên tận đây để đón tôi và giọng nói người miền Nam của chị đã làm tôi bất ngờ, vì lẽ cả gia đình tôi đều nói giọng Bắc. Chỉ khóc và khóc, vì trong suốt 17 năm dài đằng đẵng ấy, từ khi cả gia đình tôi và đông đảo họ hàng bỏ đi từ năm 1975, chỉ ở lại một mình, theo chồng về quê anh ở Long Hồ, một làng gần Vĩnh Long. Cuộc chiến tranh Việt Nam bỗng nhiên đối với tôi sao mà bi thảm và vô nghĩa biết chừng nào, và thực đáng buồn cho những lầm lỗi của thế hệ bố mẹ tôi, của chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Đế quốc, của sự nghèo khổ và lịch sử, của sự ngu tối và mọi thứ khác mà ta có thể đổ tội, khi tôi nhìn hậu quả của các thứ ấy khắc chạm lên khuôn mặt nhăn nheo, bơ phờ và đôi bàn tay chai sạn của chị tôi. Tôi chỉ còn biết ôm lấy chị, trong khi nước mắt chị tiếp tục tuôn trào, ướt cả vai áo tôi.

Phải thú thật rằng trước khi trở về Việt Nam, tôi không hề có chút ý niệm nào về đất nước, con người và đời sống nơi này. Tôi chỉ biết Việt Nam nghèo. Vì thế thử tưởng tượng tôi kinh ngạc đến chừng nào khi gia đình nơi tôi sẽ tạm trú đến đón tôi bằng xe Mercedes. Đây chỉ là một trong nhiều cú “sốc” của tôi trong hai tháng sắp tới. Chuyến xe từ sân bay về đến chỗ ở trên đường Hồ Xuân Hương khá thú vị. Mọi thứ điều khác lạ, bẩn thỉu, ở đâu cũng đông đúc và bụi bặm; những ngôi nhà vuông vức kỳ cục, đầy ứ những hàng hoá để bán, tràn ngập với các thứ dịch vụ để cung ứng. Nói gọn, đường phố Sài Gòn thật nguy hiểm. Băng qua đường không phải việc của người yếu tim. Còn nhớ, tôi đã tự hỏi : “Trời đất, phải nói đây là thành phố kỳ quái số một mà mình được biết! Xe cộ chạy thật quái đản, đường xá dằn xóc, và xe gắn máy, xe đạp, người ta thì cùng khắp mọi nơi”. Thành ngữ “ cultural shock” (cú sốc văn hoá) diễn tả được trạng thái tâm thần tôi lúc đó. Hoặc ít ra là tôi đã nghĩ thế, trong ghế hành khách của chiếc Mercedes, khi mà khung cảnh và mùi vị của Sài Gòn đang từ từ len lỏi vào bộ óc mụ mẫm của tôi.

Chúng tôi về đến nhà, hoá ra đó là một ngôi biệt thự đồ sộ đối diện toà lãnh sự Liên xô ở quận ba. Sài Gòn. Tôi gặp bố mẹ bạn tôi, những nhân vật khá đặc biệt. Ông bố đã đi tù sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, và sau khi được thả ra, năm 1981, ông đã lập một công ty trà, bắt đầu từ số không. Cảm thấy mệt mỏi vì đi đường xa, tôi về phòng mình để tắm táp. Đó là một phòng tắm hiện đại, một tiện nghi mà thoạt tiên tôi coi là một nhu cầu hiển nhiên. Té ra phòng tắm hiện đại và điện thoại là thứ hiếm có ở Sài Gòn và lại càng hiếm hơn nếu ra ngoài thành phố. Nhưng liệu ta có thể mong đợi gì ở một đất nước mà thu nhập hàng năm bình quân trên mỗi đầu người là 200 Mỹ kim? Đi Việt Nam tôi kỳ vọng rất ít, và tôi cho rằng nhờ đó mình lại thấy hạnh phúc hơn.

Tôi dành mấy ngày đầu ở Việt Nam lắp bắp tập nói tiếng Việt. Bộ quai hàm của tôi không quen nói tiếng Việt 24 giờ một ngày, và mặc dù rằng phát âm của tôi khá, tôi không biết nhiều từ. Tuy nhiên, việc học của tôi tăng theo luật số mũ (exponentially) (hoặc ít ra là tôi muốn tin như vậy để tự hào về mình), cho nên đến cuối chuyến đi, tôi có thể nói tiếng Việt mà không phải chêm vào mấy tiếng Mỹ đặc như “yeah” hoặc “okay”. Và tôi lại còn có thể chửi bậy bằng tiếng Việt chẳng kém gì ai.

Buổi sáng, tôi dậy sớm (khoảng độ 6 giờ), ra ngồi trước nhà, nhâm nhi trà và nhìn ngắm đời sống diễn ra trước mắt. Những ngày của tôi ở đây diễn ra y hệt như thế, và tôi nhận ra được tác dụng trị liệu tuyệt vời của việc vừa nhấm nháp trà vừa ngẫm nghĩ về những gì mình học được ngày hôm trước. Tôi nghĩ về bạn bè của mình ở Mỹ, ước gì đám ấy có mặt ở đây để cùng tôi kinh qua những buồn vui, nhàm chán và những thử thách có tên là Việt Nam. Tôi ngồi nghĩ về đời mình, về cái tâm trạng bất an đã dẫn tôi từ Kansas sang California và rồi về tận Việt Nam. Đó là một nỗi bất an không tên, mãi cho đến khi tôi về đến Sài Gòn, đi trên đường phố, tha thẩn qua các cửa hàng, khắp mọi nơi và nghe cái tiếng nói thân yêu của chúng ta vang vọng trong không khí đầy bụi bặm. Nỗi bất an ấy liên hệ đến bản sắc (identity) của tôi và sự kiện tôi không biết chốn quê nhà là gì và ở đâu. Bởi thế, những gì xẩy đến với tôi ở Việt Nam đều gần như không thực. Tôi cảm được mấy ngàn năm của lịch sử tổ tiên và hồn thiêng của các anh hùng liệt nữ xuyên suốt qua bản thân tôi, và chính tôi cũng và sẽ là một bộ phận của lịch sử này. Tôi trở về để tìm lại Việt Nam, nhưng rồi ngược lại, chính Việt Nam đã tìm lại được tôi. Khó mà giải thích, và ngay bản thân tôi cũng không thật hiểu tại sao sau mười bảy năm và không một tí ký ức về Việt Nam, tâm thần tôi lại cảm thấy thoải thái hơn ở đây. Tôi cảm thấy dường như người Việt cần có người Việt ở quanh mình, và bị phân cách với người Việt qua thời gian, không gian, hoặc tâm hồn, có nghĩa là mất đi một cái gì thật cần thiết cho cuộc sống, cái gì thật thiết thân với tâm thức tập thể của chúng ta. Okay, vâng, có thể là tôi điên. Nhưng xúc cảm thì cần gì đến những nguyên cớ hợp lý.

Nhưng trước khi tôi làm bạn ngấy đến tận cổ với các vấn đề tâm lý của tôi, xin được trở lại với chuyến đi. Khi tôi ở Việt Nam, một Mỹ kim ăn 10.750 đồng. Nên khi tôi đến một tiệm kim hoàn để đổi 100 Mỹ kim, tôi phải mang theo một cái túi xách hay một cái gì đó có sức chứa tương đương để mang tiền về. Lúc đầu tôi thấy bất tiện, nhưng dần dà tôi quen việc ghé qua một hiệu kim hoàn mỗi khi cần có tiền Việt Nam. Tôi gọi nó là ATM kiểu Việt Nam (1), và thói quen đã khắc sâu trong tôi đến độ giờ đây, mỗi bận đi ngang qua hiệu kim hoàn ở San José, tôi bỗng thấy cần ghé vào để đổi tiền. Lại nói chuyện những ám ảnh từ Việt Nam! (2)

Ăn uống ở hàng quán dọc đường mới thấy đồng đôla là lớn tới đâu – những bữa ăn thịnh soạn, giá lại thật rẻ, nếu như ta không nề hà về điều kiện vệ sinh vừa phải của các nơi ấy. Không thể tìm đâu cho được (ở Mỹ) một tô bún bò Huế ngon lành dưới giá năm mươi xu, hoặc bát phở giá bốn mươi xu, cộng thêm trái cây đủ loại trên các quầy và sò cùng các loại tôm cua khác. Tôi nghĩ là mình đã chết và được lên nước thiên đàng của đồ biển. Ban đầu tôi còn ngán các thứ sò, hến, tôm cua vì sợ bị chứng viêm gan, xong tôi lại nhớ ra là mình đã chích ngừa rồi, vậy thì sợ quái gì nữa? Với lại, gì thì gì, tôi không tài nào từ chối được những khay trai ngon lành, bốc khói, hoặc trứng vịt lộn 15 ngày và bia Sài Gòn ướp lạnh giá rẻ không đâu địch lại. Vì thức ăn ngon và rẻ thế đó nên mỗi tuần tôi lên nửa kí lô. May mà tôi chỉ ở lại có hai tháng!

Sau một tuần ở Sài Gòn, tôi đi Nam Bình, ở cạnh thành phố cảng duyên hải Vũng Tàu (100 cây số về phía bắc Sài Gòn), để thăm mấy người bà con. Đây là nhiệm vụ của một người trở về Việt Nam: bạn phải đi thăm tất cả bà con, bất kể xa gần. Với tôi, đây là chuyện không dễ, vì tôi chẳng hề biết họ là ai và chưa từng gặp mặt. Họ luôn hỏi thăm về bố mẹ, anh chị em tôi, và những họ hàng sống bên Mỹ, và tôi phải nói để họ biết rằng trường tôi học cách xa nơi bố mẹ tôi ở đến hàng ngàn cây số, và tôi không biết nhiều về hàng họ bên ấy. Họ cũng hỏi tôi đã lập gia đình chưa (tới đâu tôi cũng bị hỏi về vụ này!), nhưng tôi đã khéo né trước bằng cách nói rằng tôi còn quá trẻ để chui vào cái nhà tù hôn nhân. Tôi ước gì bố mẹ tôi có mặt để nhìn thấy chị tôi gầy ốm như thế nào, và để hiểu được các chú bác cô dì của tôi thương nhớ hai người đến đâu. Chính vào lúc ngồi bệt trên sàn nhà để ăn uống với mấy người bà con, tất cả bỗng trở nên rõ ràng với tôi, rằng điều kiện quan trọng hơn hết để trở về Việt Nam chính là lòng mong muốn trở về, chứ không phải là việc ta đem về được bao nhiêu tiền (dù đem được đồng nào thì tốt đồng ấy), hoặc là đã có sự bình thường hoá giữa Mỹ và Việt Nam hay không. Mỗi bận bố mẹ tôi điện thoại cho tôi từ Mỹ, ông bà đều nói rằng nhất định hai người sẽ trở về sau khi có bình thường hoá, và tôi buồn vì bố mẹ tôi vẫn còn quá cứng nhắc.

Sau khi làm tròn bổn phận họ hàng ở Nam Bình, tôi ghé chơi các bãi biển Vũng Tàu một lúc. Biển thì ấm, nhưng cứ lần nào tôi ra đấy thì trời lại mưa, hoá cho nên tôi không rám nắng thêm được mấy tí. Nhân một đêm mưa ở Vũng Tàu, tôi đã học được một bài học thực tiễn cho chuyến đi của mình: luôn nhớ mang giấy vệ sinh bên mình. Chuyện như vầy: trên đường từ bãi biển về nhà, trời bắt đầu mưa, chúng tôi phải chạy vào trú trong một tiệm hát karaoke (3) rất điệu, có máy lạnh. Giữa chừng một bài hát hay, tôi bất ngờ phải đáp lại tiếng gọi cấp bách của tự nhiên. Duy có chút vấn đề là sau khi giải quyết xong việc cần kíp, trong loại nhà cầu ta ngồi xổm lên trên, tôi mới phát hiện ra là người ta không cung cấp giấy vệ sinh. Tôi bối rối, không biết phải làm sao. Vận dụng đến chút sáng tạo yankee, tôi đã làm như bất kỳ một người khéo xoay xở nào cũng phải làm trong tình huống ấy: tôi dùng những tờ giấy bạc có giá trị nhỏ nhất trong túi. Thà vậy còn hơn chịu nhớp nhúa cả ngày.

Khi mọi việc đã đâu vào đấy, tôi phát giác được hai điều trong ngày hôm ấy: giá trị của giấy vệ sinh và karaoke là “chiếng” vô cùng. Từ đây đến bất kỳ nơi nào, từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, Vĩnh Long hay Đà Lạt, tôi đều cố đi tới những chỗ có karaoke. Tôi nghiệm ra trò giải trí này là một cách rất hay để học tiếng Việt, vì tôi có thể tập đọc khi đang hát và các bài hát là cách hay để giữ mối quan hệ với ngôn ngữ và văn hoá. Những chỗ cầu kỳ nhất, với trang bị tốt nhất là ở trong Chợ Lớn, khu người Hoa của Sài Gòn. Có điều là các nơi ấy hơi thiếu nhạc Việt Nam, còn nhạc Trung Hoa thì lại khá đầy đủ. Khách hàng các nơi ấy hầu hết là các tay doanh thương ngoại quốc từ các nước nói tiếng Trung Hoa sang, vì thế các nơi này chém tiền phòng karaoke và các màn phục vụ “làm quà” khá nặng.

Một trong những phục vụ “làm quà” này là các nữ tiếp viên, nếu tôi đoán không lầm, đồng thời cũng là gái điếm. Cạnh sự khốn cùng và nghèo khổ nhan nhản khắp nơi, mức độ mại dâm ở Sài Gòn và Vũng Tàu (và, tôi nghe nói, ở hầu khắp mọi thành phố lớn) là điều làm cho ta xốn xang hơn hết. Gái mại dâm hành nghề công khai tại Công viên Văn hoá, vườn Tao Đàn cũ, và dọc đường Xô viết Nghệ Tĩnh cũng như nhiều công viên khác ở Sài Gòn. Trong một số quán cà phê và bia, vũ trường hoặc khách sạn (dành cho khách) phương Tây, cũng đáng buồn như vậy. Tôi không phải là nhà luân lý, cũng không phải là một người theo Thanh Giáo (Puritain), song tôi vẫn rất buồn lòng khi nhìn thấy đông đảo những phụ nữ trẻ của Việt Nam lâm vào nghề mại dâm. Họ cũng có thể là chị, là em, cháu của tôi, và điều ấy càng làm tôi buồn lòng hơn nữa. Nhưng tôi có thể làm được gì? Trước thực trạng trần trụi của nền kinh tế Việt Nam, mại dâm là một trong những phương cách để người phụ nữ Việt Nam kiếm ra tiền. Tôi đã có dịp nói chuyện với vài cô qua ly trà đá. Mỗi người có một câu chuyện khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là hoàn cảnh hầu như không có một nghề nào khác kiếm được tiền như vậy. Tôi hỏi họ về mối nguy hiểm, như bệnh AIDS (hay SIDA trong tiếng Việt) chẳng hạn, nhưng họ không mấy quan tâm vì nó chưa lên đến mức một bệnh dịch ở Việt Nam. Không biết phải nói gì hơn, tôi trả tiền, và trước khi đi, tôi nói tôi hi vọng rằng các cô sẽ luôn luôn dùng bao cao su.

Một cách ngắn gọn, câu chuyện của tôi về Việt Nam và những gì tôi học được nơi ấy là như thế. Trở về Việt Nam là đi vào một thế giới lạ lùng, gần như là hoàn toàn xa lạ nhưng lại cũng thân quen đến không ngờ. Chuyến xe roller coaster (montagnes russes) (4) của xúc cảm đã mang tôi từ cùng thẳm của nỗi u buồn và tuyệt vọng lên đến đỉnh cao rạng rỡ của tình yêu và nỗi vui. Tôi đã nhìn thấy sự nghèo khổ của đất nước và sự khốn cùng nơi thôn quê. Tôi tự nhủ “Mình sinh ra nơi này, đây là đất nước mình, và đất nước này nghèo nàn khủng khiếp quá”. Sau từng ấy năm với chiến tranh, với chủ nghĩa Cộng sản, giờ còn lại đây một đất nước tả tơi đang chờ xây dựng lại.

Tôi phải làm gì? Tôi làm được gì? Tôi sẽ làm gì? Tôi nghĩ về quá khứ, về những người Việt Nam dũng cảm, họ là học sinh, thầy giáo, là các vị tướng hoặc nông dân, họ mang ngọn lửa của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc vì một tương lai bất định cho Việt Nam. Giờ họ đã chết (hay đang chết), nhưng tinh thần họ vẫn còn. Ngay chính lúc này, tôi biết, thông qua từng thớ thịt xương trong cơ thể mình, rằng một cách nào đó, xuyên thời gian và không gian, định mệnh của tôi và của Việt Nam cũng chỉ là một.


bản dịch của Nguyễn Lộc

 

(1) ATM: Automatic teller machine, máy rút tiền.

(2) Nguyên văn: “Talk about flashback from “ Nam!” , ám chỉ một vấn đề tâm thần của lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, thỉnh thoảng vẫn bị những hình ảnh của chiến tranh bất ngờ hiện về quấy nhiễu họ.

(3) karaoke: hát theo nhạc đệm với lời chạy trên màn ảnh.

(4) Roller coaster là một trò chơi “cảm giác mạnh”, dùng xe chạy trên đường ray ngòng ngoèo, lên đèo xuống dốc thật ngặt nghèo, nguy hiểm. Có thể dịch tiếng Việt: “trò chơi ngồi xe lộn tùng phèo”


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss