Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Thư ngỏ của công dân Hoàng Minh Chính

Thư ngỏ của công dân Hoàng Minh Chính

- Hoàng Minh Chính — published 01/04/2011 01:05, cập nhật lần cuối 26/04/2011 16:12

Vụ án xét lại - chống Đảng


Thư ngỏ của công dân
Hoàng Minh Chính

 

Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Hà Nội, ngày 27.8.1993

Kính gửi:

Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao

Ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Cùng kính gửi: Quốc hội khoá IX, Ban chấp hành Trung ương Đảng công sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, các cơ quan truyền thông, các bạn hữu... (để đề nghị giúp vào việc thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật nhà nước)

Thưa quí vị,

Công dân Hoàng Minh Chính, nguyên Tổng thư kí Đảng dân chủ Việt Nam, nguyên Tổng thư kí Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện triết học, sĩ quan thương binh, nơi ở 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội,

yêu cầu các cơ quan pháp luật nhà nước Việt Nam xem xét vụ án phi pháp mệnh danh là “ vụ xét lại chống Đảng” [vụ án XLCĐ, sau đổi tên gọi phổ biến là “vụ Hoàng Minh Chính” (vụ HMC) nhằm làm lu mờ tính chất chính trị vụ án].

Vụ án XLCĐ do ông Lê Đức Thọ, uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đạo diễn và quyết án, lệnh bắt đúng ngày 27.7.1967 (kỉ niệm 20 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27.7.1947). Sau đó có nhiều đợt bắt bớ tiếp theo.

Vụ án XLCĐ khởi nguyên từ đầu thập kỉ 1960, tồn tại suốt 30 năm cho tới nay chưa kết thúc. Mặc dù vụ án bị vùi sâu trong thầm lặng tuyệt đối suốt 30 năm qua, nó vẫn mang tính thời sự, làm nhức nhối lương tri nhiều người và được dư luận rộng rãi trong nước và quốc tế 1quan tâm.

Để làm sáng tỏ vụ án XLCĐ, tôi xin phép trình bày vắn tắt theo 5 mục.


I. Những người vô tội bị vu cáo, đàn áp chỉ vì có những quan điểm tư tưởng mới, cấp tiến

Họ gồm nhiều chục, nếu không nói là cả trăm người trong và ngoài Đảng, ở các cấp chính quyền, quân đội, các ngành chuyên môn, các giới, các cấp bộ đảng như các bộ, thứ trưởng, các tướng lĩnh sĩ quan, các uỷ viên trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, các cán bộ cách mạng lão thành, các nhà trí thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nam nữ già trẻ, miền Bắc và miền Nam 2.

Những người trong vụ XLCĐ và vô số người khác nữa bị ông Lê Đức thọ, Uỷ Viên Bộ Chính trị, trưởng “ban xét tội và kết án” (ban này thuộc nội bộ Đảng, trực thuộc Bộ chính trị Trung ương Đảng, gồm 7 uỷ viên của Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương Đảng) toàn quyền qui kết tội hoàn toàn vô căn cứ là “ xét lại – chống Đảng, âm mưu lật đổ, phản cách mạng, tay sai đế quốc”. Không hề có toà án xét xử, không được quyền biện minh theo luật pháp, họ bị kết án tuỳ tiện, phi pháp, hoàn toàn bí mật, thầm lặng. Bất chấp Hiến pháp, bất chấp toà án, bất chấp quốc hội và bộ máy nhà nước, bất chấp các quyền con người và quyền công dân, bất chấp dư luận chân chính của nhân dân, ông Lê Đức Thọ, trưởng ban kết án của Ban chấp hành Trung ương Đảng, toàn quyền tuyên bố các án tù giam và các án phạt các loại (như cách chức các chức vụ chính quyền và quân đội, đưa ra khỏi biên chế, khai trừ đảng, biệt giam, quản chế, tước quyền công dân, vô hiệu hoá, huỷ bỏ các quyền con người mà Tuyên ngôn nhân quyền (Liên hiệp quốc) đã qui định, gạt ra ngoài lề xã hội, bao vây tứ phía cho hết đường sinh sống, tuyệt đường giao tiếp, cuộc sống bị hoàn toàn cô lập như sống giữa sa mạc không người. Ngay cả vợ con, bố mẹ, anh chị em, họ hàng cũng bị vạ lây, trấn áp.

Việc làm của ông Lê Đức Thọ như vậy là chà đạp lên Hiến pháp và pháp luật nhà nước Việt Nam.

Hiến pháp năm 1980 khẳng định, điều 82 viết: “ Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà bước cao nhất của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”; điều 104: “ Hội đồng Bộ trưởng bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân”; điều 127: “ Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ b ảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa... bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”.

Tất cả các điều luật đó chỉ nằm trên giấy. Bất chấp việc nhận được hàng trăm, hàng nghìn đơn khiếu tố về vụ XLCĐ, các cơ quan tối cao của nhà nước, từ Quốc hội đến Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung ương Đảng.... hết thảy đều lờ đi, để mặc cho sự phi pháp, bất công hoành hành.

Điều mỉa mai hơn nữa là Pháp lệnh và luật pháp có chữ kí của Chủ tịch nước vừa mới được ban hành thì liền có chính các cơ quan hành pháp cấp cao nhất nhà nước lại công khai hành động ngược hẳn lại. Đơn cử: pháp lệnh khiếu tố được ban hành tháng 11.1981, điều 11 ghi: “Cấm tiết lộ hoặc chuyển đơn tố cáo cho người hoặc tổ chức bị tố cáo”. Điều 7 pháp lệnh khiếu tố năm 1981 và pháp lệnh khiếu tố năm 1992 đều ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, trả thù ngườii khiếu tố, hoặc bao che cho người bị khiếu tố”. Cũng đúng vào nửa cuối năm 1981, công dân Hoàng Minh Chính tố cáo ông Lê Đức Thọ về các hành vi lộng quyền, phi pháp, tuỳ tiện bắt bớ, giam cầm các công dân vô tội trong vụ án XLCĐ kể trên. Tôi gửi đơn tố cáo cho Đoàn chủ tịch Quốc hội khoá VII, kì họp thứ nhất ngày 26.6.1981, yêu cầu khởi tố, đưa ra toà án xét xử ông Lê Đức Thọ. Hậu quả là 3 tháng sau đó, công dân Hoàng Minh Chính là người tố cáo, đã chẳng được các cơ quan chấp pháp hỏi han gì, lại bị bắt (ngày 6.10.1981) và bị tù giam suốt 6 năm trời (từ 1981 đến 1987). Còn kẻ bị tố cáo là công dân Lê Đức Thọ lại được Bộ chính trị Trung ương Đảng giao trách nhiệm xét tội, kết tội, quyết án và tiếp tục tra khảo công dân Hoàng Minh Chính suốt 6 năm tù giam về trọng tội đã “dám tố cáo” ông ấy.

Tất cả các đơn khiếu tố của tôi và của gia đình tôi (cũng như của mọi người và gia đình họ trong vụ án XLCĐ) gửi tới các cơ quan lập pháp, hành pháp, toà án, viện kiểm sát và tới các cơ quan truyền thông, đều không được trả lời, thậm chí tất cả các đơn từ đều được các cơ quan kia gửi thẳng tới ông Lê Đức Thọ là kẻ bị tố cáo để chính ông ta toàn quyền kết tội, hành tội các nạn nhân.

Tại sao có chuyện cực kỳ phi pháp và phi đạo lý đến như thế?

Mà chuyện đó lại được coi là lẽ đương nhiên! Điều đó chỉ có thể giải thích được bởi một lẽ duy nhất: Tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp trung ương xuống đến cơ sở đều phải đặt dưới quyền lãnh đạo của cấp uỷ Đảng là cấp toàn quyền, tiên quyết và tối hậu quyết định tất cả. Điều đó lại được pháp chế hoá bằng Điều 4 của Hiến pháp năm 1980 (Hiến pháp năm 1992 vẫn giữ nguyên Điều 4 đó!)

Ngoài ra còn cần nói tới việc nước Việt Nam là một thành viên của Liên hợp quốc, có nghĩa vụ tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và bản Tuyên ngôn nhân quyền mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã kí kết tuân thủ.

Ngay từ Lời nói đầu và trong suốt toàn bộ cả 30 điều, bản Tuyên ngôn nhân quyền quán triệt nhấn mạnh: nghĩa vụ của các nước thành viên Liên hợp quốc là đảm đảo thừa nhận và duy trì các quyền cơ bản cùng các quyền tự do cơ bản của con người. Như các quyền: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng” (điều 1): “Mỗi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân” (điều 3); “Không ai phải chịu các hành động tra tấn hay xử sự tàn bạo, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm” (điều 5); “mọi người đều có quyền ngang nhau được phát biểu chính thức và công khai trước toà án độc lập và không đảng phái để đòi xác nhận quyền lợi và trách nhiệm của mình hoặc về việc buộc tội mình trước toà” (điều 10); “ mỗi người đều có quyền tự do có quan điểm và phát biểu quyền này, không cho phép bất cứ ai phải chịu thiệt hại do có quan điểm của mình, bao gồm cả quyền thu thập và truyền bá các thông tin và các ý tưởng bằng bấ t cứ phương tiện nào và bất chấp biên giới” (điều 19); “Mọi người đều được đảm bảo tự do hội hợp và liên kết hoà bình” (điều 20), v.v...

Các tư tưởng tự do, nhân đạo và quyền con người cực kì quan trọng đó của Tuyên ngôn nhân quyền đã bị chà đạp không thương xót mà vụ án XLCĐ là một minh chứng.

Vì bị hành hạ dã man, có người đã chết trong ngục (thí dụ ông Phạm Viết), hoặc cho rời nhà tù để về chết ở nhà (thí dụ ông Phạm Kì Vân) hoặc chết vì quá suy nhược trong tù đày liên tiếp vì đói khổ, thiếu thuốc men, bị o ép tinh thần, chết ngoài lề xã hội, mang hận trong lòng sang thế giới bên kia (như các ông Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Minh Việt...)

Một loạt người còn sống vẫn đang phải mang cái tội cổ lỗ “ xét lại – chống Đảng”, bị tước mất mọi quyền lợi vật chất, tinh thần và danh dự chính đáng.

Việc phải xét lại vụ án cực kì vô lí, phi pháp, vô nhân đạo này là đòi hỏi bức thiết suốt hàng chục năm nay của những người vô tội, nếu không muốn nói là có nhiều công lao với Tổ quốc và Nhân dân, là đòi hỏi của lương tri dân tộc và nhân loại, của dư luận trong nước và quốc tế, là đòi hỏi của Hiến pháp và pháp luật thành văn hiện hành của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và còn là đòi hỏi của chính bản Tuyên ngôn nhân quyền.


II. Nguồn gốc, bản chất cơ chế bí mật của Vụ án Xét lại - chống Đảng

1) Hội nghị lần thứ IX của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá III họp tháng 11-12 năm 1963 (được gọi phổ biến là Nghị quyết IX) là tiêu điểm bật đèn xanh cho các cao trào khủng bố, đàn áp trắng trợn trên qui mô toàn quốc chống chủ nghĩa xét lại hiện đại ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc bản Nghị quyết IX, được giữ tuyệt đối bí mật, thì vẫn không thấy được rõ nguồn gốc, bản chất và nội dung của chiến dịch lên án chủ nghĩa xét lại và cơ chế bí mật của vụ án XLCĐ.

Điều quan trọng nhất là phải được nghe lời giải thích về điều ẩn giấu của Nghị quyết IX không được ghi trên văn bản mà chỉ được phổ biến bằng miệng từ cấp Trung ương rồi truyền miệng xuống tới tận cơ sở. Chính những lời truyền miệng đó mới là thực chất, nội dung, linh hồn sâu kín nhất của Nghị quyết IX.

Tấm màn bí mật ấy đã được vén lên bởi ông Trường Chinh, uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban phổ biến Nghị quyết IX của Trung ương. Tại Hội nghị các cán bộ cao cấp và trung cấp gồm chừng 400 người họp lần đầu tiên tại Hội trường Ba Đình trong tháng 1.1964 để học tập Nghị quyết IX, ông Trường Chinh tuyên bố: “Các đồng chí cần đặc biệt lưu ý một điều là Nghị quyết IX, do tình hình phức tạp trong phong trào cộng sản quốc tế, không thể viết hết ra những điều cần nói. Cần đặc biệt lưu ý rằng thực chất của Nghị quyết IX chỉ có thể phổ biến bằng miệng, điều đó là: Đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng và Nhà nước ta là thống nhất về cơ bản với đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc”.

Sau đó ít lâu, ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, tuyên bố với các cán bộ rằng: “Chống chủ nghĩa xét lại hiệnt đại, về mặt lí luận ta để cho Đảng cộng sản Trung Quốc làm, còn về mặt tổ chức thì ta tự làm lấy”.

Như vậy, cuộc đấu tranh một mất một còn giữa chủ nghĩa giáo điều với chủ nghĩa xét lại hiện đại, giữa Trung ương Đảng Trung Quốc với Trung ương Đảng Liên Xô khởi sự từ đầu năm 1960 (thật ra còn sớm hơn nữa, ngay sau Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô tháng 2.1956) đã dội mạnh vào các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế. Cuộc đấu tranh phê phán và kết tội chủ nghĩa xét lại hiện đại ở Việt Nam là tấm gương phản ánh tình hình đấu tranh quốc tế đó. Như mọi người đã biết, trên thế giới vào thập niên 1960, ở 86 nước có đảng cộng sản, thì 81 đảng đã có mặt tại Hội nghị Maxcơva tháng 11.1960. Trong sự phân liệt, có trên 70 đảng đứng trên lập trường Liên Xô, số còn lại (phần lớn là các đảng cộng sản ở châu Á) đứng về phía Trung Quốc (giáo điều).

2) Để hiểu được bản chất và nội dung vụ án XLCĐ cần phải xem xét và so sánh các luận điểm tư tưởng - chính trị chủ yếu nhất của hai phía đối địch.

Các luận điểm được gọi là “xét lại hiện đại” là:

– Chiến tranh không phải là định mệnh. Ngày nay có thể ngăn ngừa được chiến tranh thế giới.

– Chung sống hoà bình, thi đua hoà bình, hợp tác toàn diện giữa các nước không phân biệt chế độ xã hội và nâng cao mức sống nhân dân là đường lối quốc tế duy nhất hợp lí.

– Hoà bình, phát triển, dân chủ là nguyên tắc đúng đắn tối ưu đối nội và đối ngoại.

– Chống tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ, phát huy mạnh mẽ tự do dân chủ, thiết lập pháp chế kỉ cương, công bằng xã hội là điều thiết yếu cho trật tự xã hội, hạnh phúc của nhân dân 3.

Các luận điểm của Chủ nghĩa giáo điều Mao-ít Mác-Lênin là:

– Diện mạo thế giới ngày nay là hai phe đối địch một mất một còn, với 4 mâu thuẫn cơ bản qui định đời sống xã hội của toàn thế giới.

– Chủ nghĩa đế quốc là nguồn gốc chiến tranh. Chiến tranh thế giới là không tránh khỏi. Chiến tranh hạt nhân không đáng sợ. Nếu nó xảy ra, chủ nghĩa tư bản - đế quốc sẽ bị tiêu diệt trên mặt đất và chủ nghĩa cộng sản sẽ được xây dựng trăm lần tốt đẹp hơn.

– Mục tiêu số 1 của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức là tiến hành chiến tranh cách mạng, cướp chính quyền, thiết lập nền chuyên chính vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, tiến lên thế giới đại đồng.

– Trước mắt phải chống tới cùng chủ nghĩa xét lại hiện đại Liên Xô là con ngựa thành Troa, tay sai nguy hiểm nhất của chủ nghĩa tư bản đế quốc quốc tế 4.


III. Xem xét hai quan điểm đó dưới ánh sáng thực tại

1) Một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu (và ở cả châu Á) đã từng là hình mẫu của chủ nghĩa xã hội hiện thực, là cái nôi và hội tụ của học thuyết Mác-Lênin, chỉ trong một vài năm đã nhất loạt từ bỏ chủ nghĩa xã hội và cả học thuyết Mác-Lênin. Họ đang quyết tâm tự lột xác nhằm gột bỏ mọi tàn dư kinh tế - xã hội và ý thức hệ cộng sản - chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ quyết tâm đổi mới – cải tổ và hoà nhập vào cộng đồng thế giới tư bản chủ nghĩa và mong được chủ nghĩa tư bản hỗ trợ.

Vài nước xã hội chủ nghĩa còn sót lại ở châu Á – theo đánh giá chung của các nhà quan sát quốc tế – cũng đang cố gắng thoát ra khỏi vòng kim cô là hệ tư tưởng giáo điều Mác-Lênin và tìm mọi con đường hoà nhập vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa quốc tế. Họ bỏ qua hàng loạt các điều cấm kị của học thuyết Mác-Lênin chính thống. Họ mạnh dạn theo chủ nghĩa thực dụng phát triển kinh tế xã hội theo đường hướng tư bản chủ nghĩa, mặc dù bề ngoài vẫn trưng nhãn hiệu Nhà nước xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin, với nền kinh tế thị trường “xã hội chủ nghĩa” và độc đảng cộng sản.

2) Loài người đã bước vào một thời đại mới: thời đại thế giới không còn hai phe đối kháng giao tranh đổ máu vì ý thức hệ, không còn nguy cơ chiến tranh thế giới (hạt nhân) huỷ diệt loài người, không còn chiến tranh lạnh; hai siêu cường hạt nhân hợp tác giải trừ quân bị, thủ tiêu từng phần các loại vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt, ngăn ngừa truyền bá vũ khí hạt nhân... Là thời đại mà các nước trên thế giới lấy mục tiêu cao nhất là đua tranh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, tôn trọng việc thực hiện các quyền con người (do tự nguyện hoặc bị ép buộc từ bên trong và bên ngoài), là hợp tác cùng nhau giải quyết các thách thức của thời đại có quan hệ sống còn đối với tất cả các dân tộc và toàn thể loài người.

3) Việt Nam, cũng giống như Trung Quốc, là nước từng đứng hàng đầu của chủ nghĩa giáo điều chính thống Mác-Lênin chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, cũng đang bị cuốn vào dòng đại lưu văn minh đó của loài người. Các luận điệu xét lại hiện đại của Liên Xô cũ cách đây 30 năm đang được thực hiện hầu hết (ngoại trừ điểm thứ năm), thậm chí còn bị vượt xa. Có thể nêu ra rất nhiều dẫn chứng.

Như vậy, thực tế của Việt Nam hiện nay đã vượt xa các quan điểm xét lại thuộc thập kỉ 1960 của những người xét lại ở Việt Nam.


IV. Đôi điều về cá nhân Hoàng Minh Chính

1) Trung thực mà nói, trước năm 1957, lập trường tư tưởng - chính trị của tôi là giáo điều mao-ít Mác-Lênin. Được cử đi học ở Liên Xô (tại Trường cao cấp trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô từ 1957 đến 1960), tôi đã tự nguyện chuyển đổi sang lập trường xét lại hiện đại trên các bình diện quan hệ quốc tế của Nghị quyết Đại hội XX của Đảng cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên còn một loạt quan điểm đối nội của Liên Xô không được chúng tôi hưởng ứng. Theo chúng tôi, cả 5 quan điểm quan hệ quốc tế xét lại hiện đại của Nghị quyết Đại hội XX là chiều hướng khách quan, văn minh, tất yếu của thời đại mới ngày nay, không có con đường nào khác. Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô và Đại hội XX đã có trí tuệ sáng láng và dũng khí sáng tạo.

Xét cho cùng, về bản chất và nội dung, cả 5 quan điểm đó đã phủ nhận sạch trơn các nguyên lí cơ bản của học thuyết Mác-Lênin. Như vậy, gọi đường lối quốc tế đó của Liên Xô là “xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin” và là “xét lại hiện đại”, theo tôi nghĩ là đúng sự thật.

2) Một ngày giữa tháng 9.1960, Chủ tịch Trường Chinh điện tôi lên, giao chuẩn bị gấp 5 vấn đề quốc tế có bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế (như trên đã nói), và phải trình bày lí luận với các sự kiện chứng minh, cố gắng tìm ra những “tiền lệ” để chỉ ra chân lí thuộc bên nào. “ Bộ chính trị đang họp dở, bàn hai ngày chưa ngã ngũ. Anh về chuẩn bị gấp, hôm sau lên báo cáo”, lời Chủ tịch Trường Chinh.

Vì gấp quá, không kịp viết thành văn bản, tôi báo cáo miệng. Chủ tịch Trường Chinh thông qua toàn bộ rồi điện mời Bộ chính trị họp lại ngay. Bộ chính trị nghe Chủ tịch Trường Chinh báo cáo đầy đủ, hỏi đôi điều rồi thông qua trọn vẹn. Ngày hôm sau, Chủ tịch Trường Chinh điện tôi lên và thông báo kết quả tốt đó. Chủ tịch cho biết là Chủ tịch có báo cáo với Bộ chính trị rằng các ý kiến trình bày đó là do Hoàng Minh Chính chuẩn bị. Tính trung thực của Chủ tịch Trường Chinh là như thế.

Vậy là cả 5 quan điểm xét lại hiện đại đó đã được Bộ chính trị chấp nhận từ tháng 9.1960. Liền đó, Chủ tịch Trường Chinh lên đường đi dự Hội nghị trù bị cho Hội nghị 81 Đảng cộng sản sẽ họp vào cuối năm 1960.

3) Đoàn đại biểu cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, thành viên có Tổng bí thư Lê Duẩn và uỷ viên Bộ chính trị Nguyễn Chí Thanh dự Hội nghị 81 đảng cộng sản. Tất cả 81 đảng, kể cả Đảng cộng sản Việt Nam, đã nhất trí kí vào bản Tuyên bố chung Maxcơva tháng 11.1960, có ghi đầy đủ 5 điểm xét lại hiện đại đó.

4) Tuy nhiên, cuối năm 1963, Bộ chính trị lại triệu tập hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IX, khoá III, ra Nghị quyết IX, là bước ngoặt từ lập trường Tuyên bố chung 81 đảng nhất trí với Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô, nhảy sang chủ nghĩa giáo điều mao-ít. Nghị quyết IX là dòng nước ngược mở đường cho phong trào lên án dữ dội chủ nghĩa xét lại Liên Xô và bản Tuyên bố chung Maxcơva 1960. Xin lưu ý một điều là không tham gia biểu quyết Nghị quyết IX có một số uỷ viên Trung ương và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hệ quả của Nghị quyết IX là vụ án XLCĐ được tạo dựng. Tôi có gửi cho Hội nghị Trung ương IX hai bản kiến nghị, một bản phê phán Bộ chính trị đã tự ý bỏ nguyên tắc đồng thuận (consensus) của bản Tuyên bố Maxcơva 1960, còn một bản phê phán đường lối quốc tế sai trái của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc đả kích đường lối quốc tế gọi là xét lại hiện đại của Tuyên bố 81 đảng và của Nghị quyết Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô. Ông Lê Đức Thọ, bất chấp Hiến pháp và luật pháp, đã ra lệnh bắt bỏ tù tôi rồi đích thân tuyên án “ cách chức viện trưởng viện triết học, khai trừ đảng tịch, tước quyền công dân, biệt giam cho tới khi nào chịu hối cải về tội xét lại – chống Đảng, phản cách mạng, âm mưu lật đổ, làm tay sai cho đế quốc”. Lần tù giam này kéo dài 5 năm, tiếp liền đó là quản chế.

Tiếp sau đó là lần thứ hai tôi bị tống giam dưới chế độ cộng sản từ năm 1981 đến 1987, và tiếp liền bị quản chế tại nhà cho đến năm 1990. Sau đó, tuy gọi là “ giải quản” nhưng vẫn bị công an theo dõi chặt chẽ, bao vây và cô lập với xã hội. Cả lần này nữa, vẫn là ông Lê Đức Thọ làm tổng tư lệnh đánh xét lại (như lời một uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô gọi ông Lê Đức Thọ). Đòn đánh lần này tàn bạo gấp bội lần trước. Nhà tù giam mỗi một mình tôi (biệt giam ở Hải Hưng) có trên 20 sĩ quan công an từ cấp uý đến cấp tá canh gác ngày đêm, không rời mắt một giây phút. Họ tuyên bố thẳng với tôi rằng: “ Chúng tôi được phép hành hạ anh!” Có tên nói: “Tôi sẽ giết anh! Tay tôi đã từng vấy máu. Anh là tên phản cách mạng!” Rồi họ dùng biện pháp gây tiếng ồn phá giấc ngủ ban đêm, gây bệnh ỉa chảy liên tục bằng cách bỏ ruồi nhặng vào canh, cho thức ăn ôi: khi lâm bệnh thì hãm không cho thuốc uống, cứ liên tục như vậy... Rồi họ đầu độc tôi hai đợt bằng cách cho thức ăn có hoá chất độc, gây ốm mê man, miệng nôn trôn tháo, bụng quặn đau, toàn thân run rẩy suốt tuần (có bác sĩ khám chứng nhận đúng là bị ngộ độc thức ăn). Một lần, tôi bị năm tên công an lực lưỡng xông tới bẻ quặt tay, nắm tóc, buộc giẻ bịt miệng rồi bóp cổ cho tới chết ngất... Không sao kể xiết tất cả các đòn thù dã man, tàn bạo giáng xuống đầu tôi trong nhà tù biệt giam theo lệnh ông Lê Đức Thọ. Mục tiêu duy nhất của họ là huỷ hoại sức khoẻ, tiêu diệt ý chí phản kháng, buộc “phải cúi đầu, quì gối nhận tội” như lời hai sĩ quan tay sai của ông Lê Đức Thọ đã thét vào mặt tôi (tên chúng là Nguyễn Ngọc Nghị và Hoa Văn Lan).

Hai lần tù giam cộng 11 năm và 9 năm quản chế tiếp liền sau đó, tổng cộng 20 năm tù đày và quản chế với tất cả mọi nhục hình và những hành vi nhục mạ xúc phạm nhân phẩm. Cuối cùng, họ đành chịu thất bại hoàn toàn.


V. Kết luận và yêu cầu

1) ông Lê Đức Thọ và các Ban của ông đã lấy chủ nghĩa Mao làm kim chỉ nam cho công tác quản lí tổ chức và tư tưởng của Đảng. Từ đó ông rút ra công thức: chủ nghĩa xét lại hiện đại là chống chủ nghĩa Mác-Lênin tức là chống Đảng (xét lại = chống Đảng). Và từ đó xuất hiện vụ án XLCĐ.

2) Ông Lê Đức Thọ và Các Ban đã vờ quên sự thật là Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã 3 lần chấp nhận chủ nghĩa xét lại hiện đại:

– Lần thứ nhất vào tháng 9.1960 (như trên đã trình bày)

– Lần thứ hai vào tháng 11.1960 (như trên đã trình bày)

– Lần thứ ba là hiện nay Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng trong thực tiễn đã vượt xa các quan điểm xét lại hiện đại Liên Xô thuộc thập kỉ 1950-1960 (ngoại trừ điểm 5 *). Cũng bằng công thức xét lại = chống Đảng, lôgic dẫn tới kết luận: Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ba lần xét lại chống Đảng.

3) Bỏ qua cái 1ôgic hình thức lẩm cẩm của họ mà xét thực chất vấn đề thì rõ ràng là: 5 luận điểm cơ bản về quan hệ quốc tế của Đại hội XX Đảng cộng sản Liên xô năm 1956 là chân lí phản ánh các quan hệ quốc tế hiện thực khách quan thế giới, không có con đường hợp lí nào khác!

Nếu Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương kết tội những người trong vụ án XLCĐ thì, công bằng mà nói, phải tự kết tội mình trước đã.

Việc Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng từ bỏ giữa chừng quan hệ quốc tế đúng đắn được nêu trong Tuyên bố 81 đảng (đã được đồng thuận kí kết) mà nhảy ngang sang dòng nước ngược giáo điều bảo thủ, duy ý chí, mao-ít cực đoan là một sự thụt lùi ghê gớm. Nó đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng, triền miên suốt nhiều thập kỉ liền mà hiện nay nhân dân ta đang phải trả giá đau đớn khốc liệt bằng chính xương máu của mình.

4) Pháp lệnh về khiếu tố năm 1981 do Chủ tịch Trường Chinh kí, điều 11 ghi: “ Cấm tiết bộ hoặc chuyển đơn tố cáo.... cho cơ quan, tổ chức hoặc người bị tố cáo”. Điều 7 viết: “ Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc bao xe cho người bị khiếu nại, tố cáo”. Sự thật, việc làm của tất cả các cơ quan cấp cao nhất nhà nước lại trái ngược hẳn lại. Tất cả các đơn của công dân Hoàng Minh Chính tố cáo ông Lê Đức Thọ lại được các cơ quan cấp cao nhất nhà nước chuyển tới tận tay ông Lê Đức Thọ là kẻ bị Hoàng Minh Chính tố cáo, yêu cầu đưa ra toà xét tội. Hệ quả là người vô tội (Hoàng Minh Chính) vì có đơn tố cáo, đã chẳng được nhà nước hỏi han, bảo vệ, lại bị ngay kẻ có trọng tội bị tố cáo (Lê Đức Thọ) ra lệnh bắt, cầm tù, hành hạ, truy bức suốt những năm trong tù ngục. Sau nhiều năm quản chế tại nhà, hai năm nay, họ nói là “giải quản” nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục bị săn đuổi dưới mọi dạng phi pháp (nhà ở bị công an mật bao vây, công an chìm dõi theo từng bước, bạn hữu tới thăm liền bị tổ chức Đảng hù doạ, có người bị chụp hình...). Không có lương hưu vì chế độ bất công: tiền trợ cấp tháng mà bạn hưu gọi là “trợ cấp vô nhân đạo” từ 4.500 đ, sau một năm đưa lên 45.000 đ, rồi cuối cùng dừng lại ở 75.000 đ/tháng, ngoài ra không có gì khác nữa. Mục tiêu của họ là đánh thẳng vào cái dạ dày nhằm khuất phục...

Đó là pháp chế kỉ cương nhà nước, là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa “ một triệu lần dân chủ hơn hẳn nền dân chủ tư bản chủ nghĩa” (!)

Yêu Cầu

Căn cứ luật pháp thành văn:

– Căn cứ Hiến pháp năm 1992, điều 52: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, điều 53: “Công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội”; điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...”

– Căn cứ vào Hiến pháp điều 71: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể... Không ai bị bắt nếu không có quyết định của toà án. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”

– Căn cứ vào Hiến pháp điều 74: “Công dân có quyền khiếu tố... về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, cá nhân... Việc khiếu tố phải được cơ quan nhà nước xem xét và giải quyết”

– Căn cứ vào Hiến pháp điều 72: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giảm giữ có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ... phải bị xử lý nghiêm minh”

Bên nguyên đơn – công dân Hoàng Minh Chính yêu cầu:

1) Các cơ quan pháp luật nhà nước xem xét lại vụ án XLCD theo đúng Hiến pháp và luật pháp nhà nước.

2) Yêu cần huỷ bỏ công khai các bản án bí mật, hoàn toàn trái với Hiến pháp và các luật pháp đương thời và hiện hành, do ông Lê Đức Thọ và các Ban của ông tạo dựng và quyết án phi pháp đối với vụ XLCĐ.

3) Yêu cầu bên bị đơn (vì ông Lê Đức Thọ đã chết, còn ông Nguyễn Đức Tâm, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng thời ông Lê Đức Thọ, rồi sau kế nhiệm làm Trưởng ban, và các Ban bị đơn) phảỉ bồi thường cho các nạn nhân trong vụ án XLCĐ về các thiệt hại về vật chất, về các tổn thương thân thể, về các chức vụ (khoa học, văn hoá, chính quyền) bị tước bỏ và về danh dự bị bôi nhọ suốt 30 năm qua.

4) Công khai khôi phục danh dự cho các nạn nhân trong vụ án XLCĐ.

5) Công khai hoá tất cả các hồ sơ và sự thật về vụ án XLCĐ cho các nhà báo, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được tự do tiếp cận tìm sự thật.

6) Lập một tiểu ban để bảo đảm việc bồi thường các thiệt hại vật chất và danh dự cho những người trong vụ XLCD. Thành phần tiểu ban phải được bên nguyên đơn chấp thuận và chỉ bao gồm những người không đảng phái thuộc các ngành chuyên môn như luật học, khoa học, văn nghệ, y tế, chính quyền, quân đội, nữ giới ( theo đúng Bộ luật tố tụng hình sự điều 40).

7) Cuối cùng, tôi xin kiến nghị với Quốc hội khoá IX, kì hợp thứ 4 sắp tới:

Xét nguyên nhân cội nguồn của vụ án XLCĐ bi thảm – trên thế giới chưa từng có một vụ án nào phi pháp và vô nhân đạo đến thế – chính là do có sự áp đặt trong Hiến pháp, điều 4, quyền độc tôn của một đảng. Sự độc quyền đó đã đặt các cấp uỷ đảng đứng trên pháp luật nhà nước, vô hiệu hoá tất cả các bộ máy nhà nước trước sự lộng quyền của một vài cá nhân và nhóm người nhân danh Đảng lãnh đạo. Các quyền tự do dân chủ được trịnh trọng ghi trong Hiến pháp và các văn bản luật pháp do đó chỉ còn là các mĩ từ trống rỗng.

Đầu năm nay, ngày 9.2.1993, Chủ tịch Lê Đức Anh tổ chức trọng thể lễ đón tiếp Tổng thống Pháp F. Mitterrand. Trong đáp từ súc tích, ngắn gọn, Tổng thống đã ba lần nhấn mạnh tư tưởng Tự do Dân chủ Pháp quyền. Tổng thống nói: “Sự tôn trọng các quyền con người là sự đòi hỏi phổ quát (exigence universelle). Biết bao lần tôi đã nhấn đi nhấn lại trên các lục địa rằng: dân chủ và phát triển là không thể tách rời (inséparables)... Tôi mong chờ sẽ được đưa các chuyên gia của chúng tôi đóng góp vào việc thiết lập tăng tiến một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam” Cuối bài diễn văn, Tổng thống nói: “Chúng tôi hi vọng sâu sắc rằng tất cả các yếu tố của một xã hội dân chủ như quyền tự do rất thiết tha của con người được ghi trong bản Tuyên ngôn các quyền của con người và của công dân phải được thể hiện dưới dạng sống động, và được đem lại cho mọi người Việt Nam”.

Những ý kiến tương tự cũng được các chính khách nhà nước Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Uỷ ban cộng đồng châu Âu đề xuất với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng như Thứ trưởng ngoại giao Mĩ W. Lord nói với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm trong tuần cuối tháng 7 vừa rồi.

Tất cả các điều đó nói lên sự đòi hỏi khẩn thiết các quyền của con người và của công dân – mà Hiến pháp Việt Nam đã viết và có ghi đầy đủ trong Tuyên ngôn nhân quyền – phải được thể hiện trong cuộc sống thường ngày và người dân lành Việt Nam phải được hưởng thật sự chứ không phải nằm trên giấy và được báo chí, dưới sự chỉ đạo trực tiếp sít sao của các cấp uỷ đảng, tuyên truyền giải thích bằng các lời hoa mĩ bóng bẩy, còn dân thì chẳng được một chút gì là tự do, dân chủ, bình đẳng, bình quyền.

Từ các sự kiện kể trên, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội khoá IX, kì họp thứ tư, sẽ nghiên cứu toàn diện, sâu sắc mà loại bỏ điều 4 trong Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với nền dân chủ đích thực, phù hợp với một nhà nước pháp quyền sẽ được xây dựng, đáp ứng được sự đòi hỏi lâu nay của quốc dân đồng bào cùng Việt kiều và các gợi ý chân tình của quốc tế. Như vậy mới có thể loại trừ được các vụ án phi pháp như vụ XLCĐ và nhiều vụ nghiêm trọng khác.

8) Nguyên đơn Hoàng Minh Chính sẵn sàng điều trần về vụ XLCĐ trước bất kì cơ quan nào của Nhà nước, trước bất kì cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội, cũng như bất kì ai muốn hiểu rõ sự thật.

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 1993 5.

Nguyên đơn: Công dân Hoàng Minh Chính

 

* Chúng tôi nghĩ đó là điểm 4 vì trong bài chỉ có 4 điểm (DĐ)


Chú thích (của tác giả)

 

1 Đọc Cent fleurs écloses dans la nuit du VietNam (Trăm hoa nở trong đêm tối Việt Nam) của G. Boudarel, Ed. Jacques Bertoin, 1991. Xem từ trang 256: “L’affaire Hoang Minh Chinh”. Tư liệu phong phú, sâu sắc. Đài RFI phát tối 8 và 9.1.1991 về tiểu sử Hoàng Minh Chính và phỏng vấn ông Bùi Tín về vụ Hoàng Minh Chính: nội dung đúng đắn, khách quan, tôn trọng sự thật.

2 Xin dẫn vài thí dụ điển hình những người trong vụ án XLCĐ bị đàn áp, như: bộ trưởng ngoại giao, uỷ viên Trung ương Đảng Ung Văn Khiêm; phó chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kĩ thuật nhà nước, uvTƯĐ Bùi Công Trừng; thứ trưởng văn hoá, uvTƯĐ Lê Liêm; phó chủ tịch Quốc hội Dương Bạch Mai; thứ trưởng quốc phòng, uvTƯĐ Nguyễn Văn Vịnh; thiếu tướng tổng cục trưởng Đặng Kim Giang; đại tá cục trưởng Cục 5 Lê Trọng Nghĩa; trợ lí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng lão thành Vũ Đình Huỳnh và con trai là nhà văn Vũ Thư Hiên, ngoài Đảng; phó tổng biên tập Tạp chí lí luận trung ương Phạm Kì Vân; phó tiến sĩ Trần Minh Việt, phó bí thư Thành uỷ Hà Nội; phó tổng biên tập báo Hà Nội Mới Phạm Việt và vợ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên Anh ngữ đại học, không Đảng; nhà nghiên cứu khoa học xã hội kiêm dịch giả Nguyễn Kiến Giang; bác sĩ Phan Thế Vấn, giảng viên trường đại học y, không Đảng; nhà báo 1ão thành Lưu Động (báo Nhân Dân); nhà báo Trần Châu; nhà báo kiêm nhà văn Trần Đĩnh (báo Nhân Dân); nhà báo kiêm dịch giả thiếu tá Trần Thư (báo Quân đội Nhân dân); thượng tá Hoàng Thế Dũng, quyền tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân; các nhà báo Quân đội Nhân dân: thiếu tá Đặng Đình Cần, Mai Hiến, Mai Luân...; các nhà nghiên cứu Viện triết học Nguyễn Gia Lộc, Phùng Văn Mỹ; nhà điện ảnh Vũ Huy Cương... Danh sách này có thể kéo dài vô tận. Bất kì ai có quan điểm, tư tưởng mới, cấp tiến, không phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin hoặc khác với đường lối của nhà nước đều bị qui kết là xét lại (hoặc chịu ảnh hưởng xét lại) và bị trừng trị khắc nghiệt.

3 Cần lưu ý một điều là những vấn đề mới mẻ nhất này (ở đây chỉ ghi dưới dạng vắn tắt) – được phía giáo điều gọi là chủ nghĩa xét lại hiện đại đã được tất cả các đảng cộng sản và công nhân thảo luận kĩ càng và nhất trí đưa vào hai bản Tuyên bố chung Maxcơva 1957 và 1960, và được coi là “Cương lĩnh chung của tất cả những người cộng sản trên thế giớí” (xã luận báo Nhân Dân, 7.12.1960).

Tuy nhiên, sự thật lại không suôn sẻ như vậy. Phía giáo điều mà Trung Quốc là kẻ khởi xướng đã công khai lên tiếng ngày 22.4.1960 trong tác phẩm Chủ nghĩa Lênin muôn năm! phê phán quyết liệt Nghị quyết đại hội XX và Ban chấp hành Trung ương ĐCS Liên xô là “chủ nghĩa xét lại hiện đại”.

4 Trung Quốc và những đảng đứng về phía Trung Quốc đã in và phát hành rất nhiều sách báo chửi rủa và lên án chủ nghĩa xét lại hiện đại - Liên Xô liền hàng chục năm bắt đầu từ thập kỉ 1960. Trên kia chỉ là vài nét khái quát các quan điểm chủ yếu quan trọng nhất của Trung Quốc trong giới hạn chống chủ nghĩa xét lại hiện đại - Liên Xô.

5 Ngày 27.8.1993, kỉ niệm lần thứ 360 ngày Pháp đình Giáo hội Thiên chúa giáo xử Galileo Galilei “tội” truyền bá học thuyết nhật tâm. Gần đây Toà thánh La Mã đã huỷ bỏ án tích đó và khôi phục danh dự cho nhà bác học vĩ đại. Một sự kiện đáng suy ngẫm!

20 năm biệt giam và quản chế

Đó là tổng cộng thời gian ông Hoàng Minh Chính,  đảng viên cộng sản, đã bị tù và quản thúc dưới chế độ “xã hội chủ nghĩa” Việt Nam: hai lần tù 11 năm (1967-72, 1981-87), hai lần quản chế (1972-78, 1987-90), nhưng chưa bao giờ có quyết định nào của toà án.

Đó là chưa kể mấy năm tù dưới chế độ thực dân. Bản khiếu tố mà Diễn Đàn công bố bên đây còn là một chứng từ quan trọng về mấy mảng tối trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam (vị trí của đảng này trong cuộc xung đột Liên Xô - Trung Quốc, vai trò của ông Lê Đức Thọ, người đứng đầu bộ máy đàn áp, tác hại của chủ nghĩa Stalin và Mao ở Việt Nam...).

Chứng nhân Hoàng Minh Chính là ai? Sinh khoảng năm 1925, Hoàng Minh Chính hoạt động cách mạng từ trước 1945. Những năm kháng chiến, ông tham gia Quân đội Nhân dân. Từng được tướng Giáp gắn huân chương vì đã chỉ truy cuộc tấn công táo bạo vào sân bay Gia Lâm, đúng ngày mở đầu chiến dịch Điên Biên Phủ (8.3.1954).

Sau khi theo học Trường Đảng cao cấp ở Liên Xô (1957-60), ông được cử làm Viện trưởng Viện triết học. Cho đến năm 1967, khi nổ ra vụ án “xét lại chống Đảng”, cũng là năm ông viết tác phẩm 200 trang “Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam”. Ngoài những chi tiết về cá nhân trong phần IV, bạn đọc có thể tham khảo bài “Góp ý kiến về Dự thảo Cương lĩnh” của Hoàng Minh Chính đăng trên Đoàn Kết bộ cũ số 433 (tháng 4.1991).

Năm 1981, đơn khiếu tố của ông được ông Lê Đức Thọ đáp lại bằng 9 năm giam cầm, quản chế. Năm 1991, chính quyền trả lời kiến nghị của ông bằng sự im lặng và theo dõi của công an mật.

Thái độ của chính quyền đối với thư ngỏ năm 1993 này sẽ là thước đo thực tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss