Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 01/04/2011 01:40, cập nhật lần cuối 26/04/2011 18:09


Tin tức


Năm học mới, học phí mới

Ngày 6.9, 15 triệu học sinh cả nước, ở các độ tuổi từ mầm non, tiểu học, trung học đã bước vào năm học mới. Ngoài những vấn đề đã cũ nhưng chưa được giải quyết: chất lượng giáo dục sa sút, trường sở xuống cấp, giáo viên và học sinh bỏ học hàng loạt vì đời sống khó khăn..., năm nay báo chí trong nước nêu bật một vấn đề mới: học phí. Ngày 24.5.1993, chính phủ đã ra quyết định 241/TTg “về việc thu và sử dụng học phí” đối với tất cả học sinh, sinh viên theo học các trường “công lập” (trừ bậc tiểu học) từ năm học 1993-1994. Một tháng trước ngày nhập học, báo Tuổi Trẻ (3.8) đăng phỏng vấn bộ trưởng giáo dục Trần Hồng Quân. Xin trích đoạn liên quan tới vấn đề này.

Hỏi : ... Mức học phí là bao nhiêu, có nhiều so với thu nhập người lao động? Chỉ còn một tháng, năm học mới đã bắt đầu rồi. Tại sao đến nay bộ chưa có hướng dẫn cụ thể?

Đáp : Tôi xin nói ngay : thu học phí người đi học và kèm theo đó, Nhà nước có chính sách xã hội với những người thuộc diện chính sách, về nguyên tắc là đúng. Điều mà tôi cần nói rõ: Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) không phải là người có quyền quyết định vấn đề học phí, mà chỉ đề nghị, bàn lạc thôi. Trong đó có bàn về mức học phí và cách sử dụng học phí.

Học phí là vấn đề lớn, đụng đến toàn xã hội. Phải có thời gian chuẩn bị. Bộ GD-ĐT và bộ Tài chính đang bàn. Về phổ thông, bộ GD-ĐT đề nghị giữ mức lệ phí học đường trước đây; cấp 2 : 4000 đồng/tháng? cấp 3: 6000 đồng/tháng.

Hỏi : Mức đó đã được đồng ý?

Đáp : Được chấp nhận hay không, chưa biết.

Ngày 20.8, trên mặt báo Người Lao Động, ông Ngô Thế Trọng, phó giám đốc sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vẫn “đang chờ thông tư liên bộ Tài chính - Giáo dục” về mức thu học phí. Ông cũng cho biết, theo dự thảo thông tư của bộ gửi vào “hỏi ý kiến các địa phương”, mức đó là: “Tuỳ theo địa phương, tỉnh, thành phố, mức thu hệ cấp 2 công lập từ 6.000 đến 8.000 đồng/tháng, hệ cấp 3 công lập từ 10.000 đến 12.000 đồng/tháng”.

Đó là những tuyên bố của nhà chức trách. Thực tế ra sao?

Một bài báo Sài Gòn giải phóng ngày 4.9 cho biết vài thông tin.

“Ở quận 1, các cháu mẫu giáo ở phường Cầu Kho phải đóng ngay từ đầu năm học 187.000 đồng/cháu, phường Tân Định 200.000 đồng/cháu, khiến nhiều phụ huynh phải cho cháu ở nhà. Các phường Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho, Tân Định... là những phường nghèo, nhưng tiền cơ sở vật chất cho học sinh cấp 1 phải đóng một lần từ 60.000 đến 150.000 đồng/năm, trong khi qui định chung chỉ cho phép thu 15.000 đồng (thu làm hai đợt) (...).

Nhiều trường cấp ba trong thành phố cũng đã tổ chức thu tiền hàng trăm ngàn đồng/em với một biên lai chung chung: học phí - cơ sở vật chất - bảo hiểm... Ở trường cấp hai Quang Trung (Tân Bình), học sinh muốn vào học phải đóng lệ phí 35.000 đồng. Nhiều phòng giáo dục, học sinh nơi khác chuyển đến phải đóng 50.000 đồng, cũng gọi là lệ phí (?)”.

Đó là chưa kể, cũng theo bài báo trên, ở nhiều trường “có tiếng là dạy giỏi”, phụ huynh học sinh được cho con em vào học phải ký tên “đóng góp xây dựng trường” với hình thức “sổ vàng”. Một phụ huynh, thức từ hai giờ sáng mới xin được một tờ đơn xin học cho con, nhắm mắt ghi vào sổ số tiền mình hứa đóng: 100.000 đồng, nhưng cuối cùng đơn vẫn bị bác “vì hết chỗ”. “Tìm hiểu kỹ, té ra, không phải vì hết chỗ mà vì có quá nhiều người ký sổ vàng đến 6 con số 0 (!)”. Bài báo kể tên một số trường đòi mức đóng “sổ vàng” từ 200.000 đến 3 triệu đồng.

Trong Diễn Đàn số tới, chúng tôi sẽ xin thông tin tiếp về vấn đề học phí ở bậc đại học...


Quy hoạch 3 địa bàn kinh tế trọng điểm

Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch ba “địa bàn kinh tế trọng điểm” ở ba miền đất nước. Tại miền bắc, đó là tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ở miền Trung, “địa bàn” này kéo dài từ Đà Nẵng, phía bắc ra tới Huế và phía tây đến biên giới Việt - Lào. Tại miền nam, là tam giác thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Bà Rịa, Vũng Tàu.

Theo thủ tướng Võ Văn Kiệt, cần chấm dứt tình trạng xây dựng kinh tế cục bộ mà ông gọi là “phát huy thế mạnh mạnh ai nấy làm”, làm suy yếu nội lực của nhau. Đồng thời, ông Kiệt cho rằng Việt Nam cần rút kinh nghiệm của các nước đi trước “không nên tập trung hoá các đô thị mà phải xây dựng các điểm kinh tế trên một địa bàn trọng điểm”.

Chính phủ cũng xác định tam giác tăng trưởng của phía nam có một cơ cấu kinh tế vượt những vùng khác hàng chục năm và sẽ trở thành địa bàn phát triển hàng đầu của cả nước. Hiện nay, địa bàn này đã chiếm trên 30% tổng sản phẩm quốc nội (viết tắt theo tiếng Anh: GDP), tốc độ tăng trưởng 17% (cả nước: 7%) và GDP bình quân đầu người vào khoảng 548 đôla (466 đôla nếu không kể dầu khí), so với 220 đôla trong cả nước.

Dự án quy hoạch ước tính việc phát triển địa bàn trọng điểm phía nam từ đây đến năm 2000 sẽ đòi hỏi một khối lượng đầu tư rất lớn, khoảng 22 tỉ đôla, song không nói rõ những nguồn vốn nào. Tổng số vốn nước ngoài thực sự được triển khai ở địa bàn cho tới nay, sau năm năm thực hiện luật đầu tư, chỉ có 1 tỉ đôla. Những phát biểu của thủ tướng cũng cho thấy chính phủ nhắm huy động nguồn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước (xem tin dưới đây).

Một cải tổ quan trọng trong quản lý kinh tế của nhà nước được ông Kiệt nhấn mạng là sự “xoá bỏ ranh giới hành chính trong quản lý kinh tế”: xoá bỏ sự phân biệt quản lý giữa trung ương và địa phương, xoá bỏ chế độ chủ quản của các bộ. Ông cũng đề ra chủ trương tiến tới hình thành những tập đoàn doanh nghiệp lớn, những hiệp hội doanh nghiệp có thực chất mà ông gọi là “nhân dân hiệp hội” chứ không phải “quốc doanh hiệp hội”.

Theo giới quan sát, các nỗ lực quy hoạch về phát triển kinh tế ở Việt Nam vấp phải tình trạng cát cứ của các chính quyền địa phương. Cách đây một năm, khi sửa đổi hiến pháp, ông Kiệt đã thất bại trong việc giành cho chính phủ trung ương quyền được chỉ định người đứng đầu chính quyền tỉnh và thành phố. Quyền này vẫn ở trong tay các tỉnh uỷ và thành uỷ đảng cộng sản Việt Nam. Có thể nói, công cuộc phát triển kinh tế đòi hỏi một quyền lực của nhà nước trung ương mà hiện nay thủ tướng chính phủ không nắm được.

(Theo Lao Động 15 và 22.8, Tuổi Trẻ chủ nhật 15.8.1993)

Đầu tư nước ngoài: chỉ mới 1,6 tỉ đôla

Theo Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, tính đến tháng 6 năm nay, tổng số vốn thực đầu tư vào Việt Nam là 1 ,6 tỉ đôla, chỉ bằng một phần tư tổng số vốn đầu tư được đăng ký (6,3 tỉ đôla), và còn xa hơn con số 13 tới 14 tỉ đôla mong đợi từ đây tới năm 2000.

Đánh giá tình hình này, bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, chủ nhiệm Uỷ ban, thừa nhận tiến trình góp vốn chậm, “chủ yếu” là do các thủ tục hành chính sau khi cấp giấy phép đầu tư quá rườm rà. Theo ông, có đến 16 thủ tục đang gây khó khăn cho nhà đầu tư, trong đó phiền hà nhất là các thủ tục về đất đai và xây dựng. “Thông thường, từ khi có giấy phép đầu tư đến khi được giấy phép xây dựng phải mất một năm”. Ông cũng cho biết, dù đã có tới 90 luật và văn bản dưới luật về đầu tư, vẫn thiếu những đạo luật về lao động, thương mại, mua bán bất động sản và về xí nghiệp phá sản.

(Tuổi Trẻ chủ nhật 15.8, Thời báo kinh tế Sài Gòn 26.8 và AFP 19.9.1993)

Được phép mở tài khoản

Ngày 1.9, thống đốc ngân hàng Việt Nam Cao Sỹ Kiêm đã thông báo quyết định của chính phủ Việt Nam cho phép dân thường được mở tài khoản cá nhân ở các ngân hàng quốc nội hoặc ngân hàng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Trước đó, chỉ những cơ sở kinh tế hoặc các tổ chức mới được phép mở tài khoản ở ngân hàng. Quyết định này được công bố sau vụ vỡ hụi lớn ở thành phố Hồ Chí Minh hè vừa qua (xem Diễn Đàn số 22), là một phần trong nỗ lực hiện nay của chính phủ để cải tiến các hoạt động ngân hàng, nhằm thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân vào các dự án kinh tế.

Đồng thời, một đạo luật về đầu tư của công dân Việt Nam đang được soạn thảo, với những điều khoản đảm bảo vốn đầu tư như đối với người nước ngoài. Các quan chức chính phủ, kể từ thủ tướng, cũng bắt đầu nói nhiều về ý tưởng không thể chỉ trông cậy ở vốn nước ngoài trong việc xây dựng kinh tế. Ông Cao Sĩ Kiêm ước lượng rằng trong khoảng 40 tỉ vốn đầu tư cần thiết cho các mục tiêu kinh tế từ đây tới năm 2000, ít ra là một nửa phải là vốn từ các nguồn trong nước.

(Theo AFP 1, 7 và 13.9.1993)

Quỹ tín dụng nhân dân

Trong một chiều hướng khác, chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ tín dụng nhân dân và tiến hành thí điểm tại nông thôn 13 tỉnh, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Năm 1990, có trên 6000 hợp tác xã tín dụng hoạt động tự phát ngoài sự quản lý của nhà nước, rồi sụp đổ hàng loạt vì mất khả năng chi trả. Đến nay, chỉ có 62 hợp tác xã tín dụng và 10 ngân hàng cổ phần nông thôn còn tồn tại sau đợt giải thể, sắp xếp lại.

(Tuổi Trẻ 28.8.1993)

Điện, nước thất thoát...

Theo báo Hà Nội mới, trên một khối lượng 300.000 m3 nước sản xuất hàng ngày, thủ đô Hà Nội hiện đang làm thất thoát đến 66% (khoảng 200.000 m3!). Sự thất thoát xảy ra trong quá trình truyền dẫn nước vì nhiều đường ống quá cũ bị rò rỉ, và do việc sử dụng nước không có đồng hồ (cả Hà Nội chỉ mới có 10.000 đồng hồ nước). Trong khi đó, 4 quận nội thành vẫn thiếu nước sinh hoạt ở mức trầm trọng và có đến 10 điểm phải sử dụng xe chở nước phân phối cho dân.

Hà Nội mất nước, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh lại mất điện. Theo báo Lao Động (25.7), lượng điện bị mất ở Hải Phòng có tháng lên đến 59%, tương ứng với 15,3 triệu kwh. Trong khu vực sinh hoạt, tổn thất tháng cao nhất là 80%. Nguyên nhân chính là trên 100.000 hộ sử dụng điện, chỉ có 30.000 có gắn đồng hồ điện và trên số đó có tới 90% bị vô hiệu hoá! Kết quả là mỗi hộ gia đình ở Hải Phòng bình quân hàng tháng được nhà nước “trợ cấp” 100.000 tiền điện. Ngoài ra, số dư nợ tiền điện mà thành phố không thu được lên đến 35 tỉ đồng. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 28.7.93, tỷ lệ thất thoát điện được ước tính là 20%, trong đó tổn thất về kỹ thuật là 18%, còn lại là tổn thất qua kinh doanh.


...Vũ khí bị mất cắp

Số liệu thống kê của bộ nội vụ cho biết đã có đến 1040 vụ mất cắp tại các kho vũ khí mà nhà nước quản lý (580 khẩu súng, hàng vạn viên đạn, 14 tấn thuốc nổ, 46 nghìn kíp nổ...). Chỉ tại 12 kho vũ khí của quân đội được kiểm tra, 475 khẩu súng các loại, 20.000 viên đạn, 10 quả đạn pháo lớn, 32 quả mìn định hướng, 34 quả bom... đã không cánh mà bay!

Thị trường vũ khí trong nước (và từ Việt Nam đi đâu khác?) sôi động hẳn lên, với hàng trăm vụ buôn bán vũ khí được phát hiện trong hai năm 1991-1992. Nghiêm trọng hơn, công an vừa bắt được, qua hai cuộc kiểm tra giữa trung tâm Hà Nội, gần 20 kg uranium buôn lậu. Báo Hà Nội Mới ngày 20.9 đưa tin này còn cho biết nhóm buôn lậu có cả công an đi hộ vệ nhưng không đưa thêm chi tiết là bao nhiêu người bị bắt, họ buôn uranium từ đâu, đi đâu, v.v...


Khi hải quan hợp thức hoá buôn lậu

Đầu tháng 9 vừa qua, toà án tỉnh Kiên Giang tiến hành xét xử vụ án tham nhũng của ban giám đốc hải quan Kiên Giang đã hợp thức hoá bằng hồ sơ giả việc nhập lậu 1578 xe gắn máy và 24 ô tô, làm thất thu cho ngân sách nhà nước 4,2 tỉ đồng. Trong hai năm 1991-92, các bị can khai đã nhận hối lộ hơn 200 lượng vàng và 100 triệu đồng: từ 1,5 đến 3,5 chỉ vàng cho một xe gắn máy và từ 10 đến 11 chỉ cho một xe du lịch.

Trong 17 bị cáo, có giám đốc hải quan Kiên Giang Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc phụ trách nghiệp vụ kiêm bí thư chi bộ đảng Trịnh Hoàng Cầu, phó giám đốc phụ trách tổ chức Phạm Văn Thọ, phó giám đốc phụ trách chống buôn lậu (!) Nguyễn Văn Thuỷ. Toà án đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hùng và Trịnh Hoàng Cầu mỗi người 20 năm tù, năm cán bộ hải quan khác bị án từ 1 đến 12 năm tù, tất cả phải liên đới bồi thường số vàng và tiền nhận hối lộ. Các bị cáo khác đóng vai trò đầu nậu buôn xe lậu và môi giới bị xử từ 2 đến 20 năm tù.

Tiếp theo vụ án buôn lậu - tham nhũng của hải quan sân bay Tân Sơn Nhất (xem Diễn Đàn số 22), Viện kiểm sát nhân dân đã khởi tố giám đốc sở nhà đất Lê Thanh Hải về tội tham nhũng (nhận hối lộ một xe gắn máy Dream 2 và một ký vàng) trong việc cấp và hoá giá nhà cho giám đốc hải quan Phan Anh Tuấn. Tên của một số nhân vật khác cũng đã xuất hiện trong những lời khai báo tại các phiên toà đầu tháng 8. Đó là: phó tổng cục trưởng hải quan kiêm phó ban đặc nhiệm chống buôn lậu trung ương Lâm Văn Độ (đã nhận hối lộ một xe gắn máy Dream 2, một người con ông Độ, bà Lâm Ngọc Cẩm Lệ, cán bộ hải quan Tân Sơn Nhất cũng vừa bị phạt 16 năm tù về tội buôn lậu và nhận hối lộ), các trách nhiệm công an quận Tân Bình Đoàn Công Chánh và Hồ Tấn Cảnh, giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất Trần Minh Châu và phó giám đốc Lê Hải. Dư luận cũng đặt câu hỏi về thái độ của tổng cục trưởng hải quan Trương Quang Được, đã không đình chỉ chức vụ giám đốc hải quan thành phố của Phan Anh Tuấn khi vụ án bị khởi tố, tạo điều kiện cho ông này cản trở hoạt động điều tra, tẩu tán tài sản.

(Lao Động 8.8, 16.9 và Phụ Nữ TPHCM 11.8.1993).

Bán trung tâm Hà Nội?

Kế hoạch của sở Nhà đất Hà Nội về việc thu hồi và sang sửa lại 150 biệt thự ở trung tâm thành phố để cho các công ty nước ngoài thuê đã được chính phủ bật đèn xanh. Khoảng 1000 hộ gia đình sẽ bị buộc phải di chuyền khỏi các biệt thự nói trên, thuộc các phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Du và Phan Chu Trinh. Chi phí bồi thường và di chuyển các hộ đó được ước lượng khoảng 100 tỉ đồng (gần 10 triệu đôla), 150 tỉ đồng khác được dự trù cho việc cải tạo, sang sửa các biệt thự. Theo nhiều nguồn tin từ Hà Nội, thời hạn cho thuê các biệt thự có thể lên đến 99 năm! Tiền thuê một biệt thự nhỏ, tương đối tốt ở trung tâm Hà Nội, hiện nay lên tới 5.000 đôla một tháng.

Một dự án khác cũng đang được sở Nhà đất Hà Nội trình lên chính phủ là việc xây dựng 100.000 m2 nhà mới, cũng để cho người nước ngoài thuê. Theo dự án này, 2.000 hộ khác cần phải di chuyển khỏi chỗ ở hiện nay của họ, tại các phố Pháp cũ, cũng trong trung tâm thành phố nhưng tình trạng nhà cửa xấu hơn, không thể cải tạo mà phải phá đi xây lại. Chi phí bồi thường và di chuyển các hộ này lên tới 28,2 triệu đôla.

Theo một cuộc thăm dò của uỷ ban nhân dân Hà Nội, 40% những người liên hệ tới các dự án nói trên chấp nhận được bồi thường để đổi chỗ ở, 30% khác từ chối, còn lại là những người chờ xem, chưa trả lời.

(Thời báo Kinh tế Việt Nam 9-15.9 và AFP 7.9.1993)

Báo tư nhân: người trước ta sau

Luật báo chí Việt Nam vẫn chưa cho phép ai khác ngoài các cơ quan, đoàn thể của đảng được ra báo..., nhưng điều đó không cấm cản các nhà tư bản nước ngoài đầu tư vào những cơ sở báo chí ở Việt Nam! Từ năm 1991, một công ty Úc đã đầu tư vào tờ báo tiếng Anh Vietnam Investment Review. Từ 4 tháng nay, tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, tiếng là Cơ quan trung ương của Hội kinh tế Việt Nam, nhưng thực chất đã vào tay của tập đoàn xuất bản Thuỵ Sĩ Ringier (người mua báo dài hạn được yêu cầu gửi ngân phiếu về Ringier AG, Dufourstrasse 23, CH- 8008 Zurich). Tập đoàn này dự trù ra tiếp một bản tiếng Anh của Thời báo, đồng thời cũng sẽ ra một nguyệt san về thời trang. Công ty Thái Lan Manager Public Co. đã nhận hợp tác với Thông tấn xã Việt Nam để hiện đại hoá nhật báo tiếng Anh Vietnam News. Nhà tư bản Úc khét tiếng trong lĩnh vực xuất bản, ông Rupert Murdoch đã tới Hà Nội tìm hiểu thị trường, trước mắt là khả năng mở ra sự hợp tác với Vô tuyến truyền hình Việt Nam. Đài BBC, một nhà tư bản Úc khác Kerry Packer và nhiều công ty xuất bản Pháp cũng nhăm nhe thị trường quảng cáo trên truyền hình Việt Nam...

Chắc hẳn mọi người đều hiểu là các nhà tư bản nước ngoài đó nghĩ đến tương lai dân trí của Việt Nam hơn những nhà tư bản và trí thức trong nước?

(Theo AFP, 12 và 20.9.1993)

Mỹ: nới nhưng chưa bỏ cấm vận

Rút cục thì ngày 14.9.1993 chưa được đánh dấu là ngày mở ra mối quan hệ mới giữa Mỹ và Việt Nam. Dưới áp lực của các tổ chức gia đình những quân nhân bị mất tích (MIA) và nhiều phe phái bảo thủ khác (một “tài liệu Liên Xô” về việc Hà Nội không nói đúng số tù binh Mỹ trong chiến tranh lại được tung ra vào đầu tháng 9...), tổng thống Clinton đã quyết định tiếp tục chính sách cấm vận, tuy có nới lỏng đôi chút: các công ty Mỹ chưa được phép trực tiếp làm ăn với Việt Nam, nhưng được phép đấu thầu để tham gia những công trình xây dựng sử dụng vốn do các định chế tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB) cho vay. Một số công ty xây dựng lớn, như tập đoàn Bechtel Corp. có thể hưởng lợi trong các công trình nói trên, song những công ty dầu mỏ, viễn thông, hàng không, v.v... của Mỹ còn phải chờ khi cấm vận được bãi bỏ. Trong khi chờ đợi, điều đó không ngăn cản Nhà Trắng cho phép một công ty Mỹ, công ty San Rafael thành lập “Quỹ đầu tư vào Việt Nam” để bắt đầu huy động vốn... cho các hoạt động tương lai.

Hà Nội đã phản ứng nhẹ nhàng về quyết định của tổng thống Clinton. Một thông báo của bộ ngoại giao Việt Nam cho rằng đây là “một bước nhỏ, rất nhỏ, trong chiều hướng tốt”, và nhắc lại “cấm vận là đi ngược lại quyền được phát triển kinh tế của các dân tộc”.

Trước đó, trong tháng 8, lần đầu tiên một nhà ngoại giao Mỹ đã được cử tới Hà Nội nhận một nhiệm vụ ngoại giao thường trực ở Việt Nam: “giúp đỡ những du khách Mỹ và thân nhân những gia đình MIA đi thăm Việt Nam”.

Trong những tháng tới, nhiều phái đoàn doanh nhân Mỹ vẫn có dự định đi Việt Nam tìm hiểu thị trường, chuẩn bị làm ăn.

(Tổng họp nhiều tin thông tấn trong tháng 8 và 9.1993)

IMF (tiếp theo kỳ trước)

Khi số báo này in xong, chắc việc giải quyết món nợ 140 triệu đôla của Việt Nam tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), mở đường cho việc vay những số tiền lớn khác (xem Diễn Đàn số 22) đã được giải quyết. Ngày 22.9, một tổ hợp ngân hàng quốc tế, đứng đầu là Ngân hàng ngoại thương Pháp (BFCE) và gồm nhiều ngân hàng của nhiều nước châu Á, Úc, Trung Cận Đông đã ký với chính phủ Việt Nam một thoả ước mở 85 triệu đôla tín dụng vào việc này. Hai ngày sau Thuỵ Điển cho biết sẽ đưa thêm vào đó 10 triệu đôla, v.v... Các nhà quan sát cho rằng mọi việc sẽ được giải quyết xong trong kỳ họp ngày 27.9 tới đây của IMF. Hà Nội đang chờ đón tiếp ông tổng giám đốc IMF Michel Camdessus vào đầu tháng 10.


Bỉ xoá nợ

Ngày 10.9, tại Hà Nội, ông Eric Derycke, bộ trưởng phụ trách về hợp tác và phát triển của Vương quốc Bỉ đã ký với chính phủ Việt Nam một nghị định thư xoá bỏ một món nợ 368 triệu FB (10 triệu đôla) của Việt Nam đối với nước này. Đổi lại, Hà Nội cam kết thiết lập một quỹ bằng tiền đồng, tương đương với 86 triệu FB, để tài trợ cho những chương trình xã hội và tạo công ăn việc làm. Bỉ cũng sẽ viện trợ song phương cho Việt Nam 150 triệu FB mỗi năm, trong các lĩnh vực y tế giáo dục, giao thông, năng lượng và nông nghiệp.

Theo ông Eric Derycke, hai chính phủ đã ký kết một thoả ước trên tinh thần “ tôn trọng dân chủ, các quyền con người, và tình hữu nghị”, ông cho rằng “về vấn đề này (nhân quyền), Việt Nam đang đi vào đường tốt, tuy vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết”. Ông cho biết, Cộng đồng châu Âu cũng sẽ ký kết với Việt Nam một thoả ước trên tinh thần này, trước cuối năm nay.


Suy dinh dưỡng

Theo Lá thư hàng tháng (tháng 9.93) của UNICEF, phân bộ Pháp, tình trạng thiếu ăn vẫn đáng lo ngại ở Việt Nam, và 42% trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng ở nhiều mức độ. Trong lứa trẻ dưới 5 tuổi, 50% cháu bé bị loạn chức năng tăng trưởng (troubles de croissance): 40% cháu không đủ số cân trung bình và 9% suy dinh dưỡng trầm trọng.

Một thông tin khác, từ Viện răng hàm mặt Hà Nội, cho biết Việt Nam hiện có 7 triệu trẻ em bị bệnh răng, miệng, chủ yếu ở lứa tuổi mẫu giáo và phổ thông cơ sở, trong đó khoảng 60% trẻ bị sâu răng và 95% bị viêm lợi.

Theo UNICEF, mới có 21% dân chúng ở nông thôn và 45% dân thành thị có nước sạch trong sinh hoạt. Năm 1992, tổ chức này đã giúp Việt Nam 14.800 máy bơm nước.


Huế: nứt, sụt đất

Trong tháng 8 vừa qua, đất ở một số vùng ngoại ô thành phố Huế bị nứt và sụt. Riêng tại xã Hương Hồ, trên vài ba cây số, có đến 30 vết nứt, độ mở đến 40cm, sâu từ 1,5m đến 5m và chạy dài đến 50m. Nhiều vết nứt, sụt băng qua nhà dân và trường học.

Dư luận Huế cho rằng do nắng hạn kéo dài, các mạch nước ngầm khô cạn, đất co lại sinh ra hiện tượng này. Mùa hè năm 1953, ngoại ô Huế đã xẩy ra sự kiện đất nứt, sụt, đến cuối năm mưa lớn, đất núi lở, gây trận lụt chưa từng có ở Huế.

Cuối tháng 8, những trận mưa lớn đầu mùa đã xuất hiện từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế.

(Lao Động 2 và 5.9.93)

Giải thưởng văn học 1993

Hội nhà văn Việt Nam đã trao giải Văn 1993 cho tập truyện ngắn Con mèo Fujita của Nguyễn Quang Sáng. Hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài, các tập truyện ngắn Con gái thuỷ thần của Nguyễn Huy Thiệp, Heo may gió lộng của Ma Văn Kháng, Mối tình chàng Lung Mù của Từ Nguyên Tính và Cát Đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ đã vào chung khảo.

Về thơ, có hai tập được giải: Sự mất ngủ của lửa, của Nguyễn Quang Thiều và Xúc xắc mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm. Tỉnh giấc mùa xuân của Đỗ Minh Tuấn là tập thứ ba vào chung khảo.


Phim Việt Nam tại Hà Lan và Nhật

Một “ Liên hoan phim Việt Nam” tại Hà Lan sẽ giới thiệu các phim truyện và tài liệu Bao giờ cho đến tháng mười (Đặng Nhật Minh, 1984), Chuyện tử tế (Trần Văn Thuỷ, 1986), Ngọn đèn trong mơ (Đỗ Minh Tuấn, 1987), Gánh xiếc rong (Việt Linh, 1988), Tướng về hưu (Nguyễn Khắc Lợi, 1988), Người tìm vàng (Đào Bá Sơn, 1989), Không có đường chân trời (Khánh Dư, 1989), Hồ Chí Minh, chân dung một con người (Bùi Đình Hạc, 1990), Dấu ấn của quỷ (Việt Linh, 1992), Anh chỉ có mình em (Đới Xuân Việt, 1993). Các bộ phim sẽ được chiếu trong hai tháng 10 và 11 tại các thành phố Amsterdam, Rotterdam, Den Haag, Nijmegen, Vlissingen, Middelburg, Goes, Delf, Eindouven, Wageningen (để biết thêm chi tiết, xin liên hệ với Gate Foudation ở Amsterdam, đ.t. 31-20 62 08 057)

Bộ phim “Dấu ấn của quỷ” của đạo diễn Việt Linh đã đoạt giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương, ở Fukuoka (Nhật) đầu tháng 9 vừa qua.


Tin ngắn

* Quỹ trợ giúp cho Giáo dục Việt Nam, do một số công ty Mỹ đóng góp, đã đề ra một dự án 20 triệu đôla nhằm giúp Việt Nam cải tiến sách giáo khoa, đào tạo giáo viên và chuyên gia giáo dục.

* Trung tâm Phân tích thí nghiệm thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một hệ thống máy cộng hưởng từ hạt nhân (RMN) do chính phủ Pháp tài trợ. Đến nay, Trung tâm đã nhận được 12 triệu FF máy móc, thiết bị của Pháp. Nhiều nhà khoa học Việt kiều đã tham gia quá trình xây dựng trung tâm này.

* Nhà tạo mẫu thời trang kiêm đại sứ thiện chí của UNESCO, ông Pierre Cardin sẽ đến Việt Nam để tổ chức một chương trình biểu diễn thời trang với người mẫu và ca sĩ Pháp, lấy tiền cho quỹ bảo trợ trẻ em mồ côi, bất hạnh.

* Trong hai tuần, cuối tháng 8 và đầu tháng 9, người ta đã ghi nhận hai trường hợp tử vong vì bệnh dịch tả ở Huế. 444 người khác được đưa vào chăm sóc ở các bệnh viện Huế, trong đó 291 người ở ngay tại thành phố. Cũng trong tháng 9, trường hợp đầu tiên bị nhiễm vi khuẩn SIDA đã được phát hiện ở Hà Nội.

* Úc và Thái Lan sẽ hợp tác để giúp Việt Nam trong chương trình Kế hoạch hoá gia đình và cải thiện tình trạng sức khoẻ của các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Theo dự tính, sẽ có việc phân phối miễn phí thuốc ngừa thai và bao cao su trong nông thôn.

* 7050. Đó là con số chính thức những xí nghiệp quốc doanh còn tồn tại vào tháng 6.1993, sau những đợt giải thể và sắp xếp lại và chuyển đổi sang khu vực ngoài quốc doanh được tiến hành từ năm 1990. Những đợt tổ chức lại này đã làm giảm số xí nghiệp quốc doanh khoảng 5.000 đơn vị, trong đó có 2.000 đã được đưa ra ngoài.

* Ngày 8.9, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định khởi tố “vụ án truyền bá văn hoá đồi truỵ: sáng tác, xuất bản và phát hành quyển tiểu thuyết Nổi Loạn của Đào Hiếu”. Cơ quan an ninh đã đến khám xét nhà ở của nhà văn Đào Hiếu.

* Dưới hình thức một thông báo của Uỷ ban nhân dân TPHCM ngày 16.9, Việt Nam đã không chấp nhận việc Toà thánh Vatican bổ nhiệm giám mục Huỳnh Văn Nghi – giáo phận Phan Thiết – làm giám quản tông toà giáo phận thành phố, thay vì làm Tổng giám mục phó với quyền kế vị Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Thông báo cho rằng Vatican vẫn muốn giữ ý định sẽ bổ nhiệm giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục giáo phận TPHCM, một người không được chính quyền chấp nhận.

* Ngày 20.9, Hà Nội một lần nữa lên tiếng đòi Trung Quốc rút đi tàu Nam Hải 05 đang thăm dò dầu mỏ ở một vùng thuộc chủ quyền Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Năm ngoái, để chuẩn bị chuyến đi Việt Nam của thủ tướng Lý Bằng, Trung Quốc đã gọi các tàu thăm dò ở những vùng tranh chấp về nước. Tháng 8 năm nay, các tàu này lại trở lại hoạt động ở những vùng nói trên. Tháng 11 tới đây, chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh sẽ sang thăm Trung Quốc.

* Một số người trách nhiệm công ty dầu mỏ Mỹ Mobil Oil Co. đã gặp thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Hà Nội đầu tháng 9, đưa hồ sơ đấu thầu thăm dò và khai thác vùng mỏ Thanh Long, ở phía đông vùng Đại Hùng. Trước năm 1975, Mobil là công ty đầu tiên đã tìm thấy dầu ở ngoài khơi biển Việt Nam. Lần này trở lại, công ty liên kết với 3 công ty Nhật Japex, Impex và Nissho-Iwai.

* Chính phủ Việt Nam đã bật đèn xanh cho một tổ hợp do công ty Pháp Total đứng đầu (Total 30%, PetroVietnam cũng 30%, hai công ty Đài Loan khác phần còn lại) để nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng và khai thác nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Theo dự án, năng suất của nhà máy sẽ là khoảng 6,5 triệu tấn/năm. Ước lượng nhu cầu dầu lọc của Việt Nam vào năm 1995 khoảng 4 triệu tấn/năm.

* Từ ngày 25.10, hãng hàng không Pháp Air France sẽ cho Việt Nam thuê 3 chiếc Airbus A320 và 21 phi công để thực hiện những chuyến bay nội địa và liên vùng. Từ tháng 1.94, sẽ có thêm hai chiếc A320 và 14 phi công khác. Hợp đồng này mang lại cho Air France 350 triệu FF trong hai năm tới.

* Công ty xây dựng Hà Nội và công ty Malaixia Renong đã ký kết một hợp đồng để xây dựng một khu chế xuất (zone franche) ở cách Hà Nội 45 km về phía bắc. Đây là một liên doanh có thời gian hoạt động 70 năm, với số vốn đầu tư 388 triệu đôla, trong đó 70% là của Renong. Hai bên hy vọng có thể khởi công vào ba tháng tới, sau khi hợp đồng đã được chính phủ Việt Nam thông qua.

* Chính phủ Úc đã quyết định bỏ ra 5 triệu đôla Úc (3,2 triệu đôla Mỹ) trong hai năm tới để giúp Việt Nam sản xuất lúa gạo tốt hơn. Chương trình sẽ tập trung vào việc huấn luyện nông dân Việt Nam những phương pháp sinh thái học để kiểm soát sâu bọ mà không cần dùng thuốc trừ sâu hoá học.

* Tỉnh Kiên Giang đã chọn công ty Xingapo Koh Brothers để hợp tác xây dựng đảo Phú Quốc. Công ty này sẽ đầu tư 500 triệu đôla để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đảo (sân bay, cầu, cảng, hệ thống giao thông, nhà máy điện, nước). Đổi lại, công ty được cấp đất để xây cất công trình kinh doanh (khách sạn, khu du lịch, khu công nghiệp hải sản), khai thác trong thời gian 50 năm.

* Nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh đầu tiên của Việt Nam sẽ được xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh, với công suất 150 tấn/năm. Đây là một công trình liên doanh giữa Xí nghiệp dược phẩm 24 và công ty Nam Triều Tiên Woopyung, với vốn đầu tư 3,75 triệu đôla, trong đó công ty Nam Triều Tiên bỏ ra 51%.

* Ngân hàng thế giới (World Bank) đã chấp thuận cho ngành cao su Việt Nam vay 30,9 triệu đôla (với lãi suất 0,79%) trong vòng 40 năm (bắt đầu trả từ năm thứ 11). Chương trình này nhằm giúp đỡ cho việc phục hồi và chế biến cây cao su tại 4 tỉnh Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss