Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Việt Nam trong tương lai gần

Việt Nam trong tương lai gần

- Vũ Huy Quang — published 01/04/2011 01:55, cập nhật lần cuối 26/04/2011 18:20

Để có đề tài đối thoại giữa người Việt với nhau


Việt Nam trong tương lai gần

Vũ Huy Quang

 

 Có ai tưởng tượng được 1900, Âu châu trên đỉnh của thịnh vượng, ổn cố, mà 1920, triều Kaiser sụp đổ ở Đức, rồi cách mạng đã bùng nổ ở Nga? Chỉ 20 năm sau, 1940, Đức trỗi dậy, Pháp quỵ, Anh trối chết đánh nhau để tìm đường sống? Rồi 1960, Âu châu chia cắt bởi Nga và Mỹ, các đế quốc Anh Pháp bị xóa sổ? Lạ hơn, là 20 năm sau, 1980, bị Việt Nam đánh bại, Mỹ đồng minh với Trung Quốc? Nếu trong thập niên 80 ấy, có ai tiên đoán chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, hẳn bị coi là ngớ ngẩn – nhưng sự việc cứ thế xảy ra. Cho nên dự báo về một cuộc chiến tranh trong tương lai gần, trong thập niên 1990, giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ không phải là điều không bị bảo là ngớ ngẩn bởí những người bảo thủ có tầm suy nghĩ ngắn.

(Theo George Friendman:
The Coming War With Japan
, St Martin’s Press, 4-1992)

– (...) Bộ trưởng Bộ Kỹ Nghệ và Mậu Dịch Quốc Tế Nhật Bản, ông Naohiro Amaya, thường sính dùng danh từ Hậu Mỹ (Ko-Bei) để chỉ nước Mỹ hiện tại. Còn nước Mỹ vào trước khi chiến tranh Việt Na m kết thúc, ông gọi là Tiền Mỹ (Zen-Bei). Cũng như người ta gọi triều đại cổ ở bên Tàu, có nhà Hậu Hán vậy.

Takashi Inoguchi (Four Japanese Scenarios For the Future:
International Politic
Economy, tr. 413)

 

Chính trị mỗi nước tuỳ thuộc địa lý mỗi nước. Khi Chiến Tranh Lạnh đã đi vào lịch sử, càng rõ ra các trục kinh tế mới. Nhật bắt buộc phải được độc lập trong việc sử dụng các tuyến chiến lược trên biển Thái Bình để xuất và nhập cảng mới sống còn nổi. Điều này sẽ va chạm với quyền bá chủ trên mặt biển của Mỹ, trong chiến lược của Mỹ. Khối mậu dịch quốc tế qua Đại Tây Dương đã kém hơn khối mậu dịch quốc tế qua ngả Thái Bình Dương, và Mỹ sẽ phải đương đầu với sự sợ hãi là Đông bán cầu sẽ ngự trị Tây bán cầu. Nhật thì sợ đất hẹp dân đông, Tây phương bao vây, Á châu đè bẹp mình. Cho nên chỉ còn một đường sống là tự chủ trên tuyến xuất nhập cảng trên Thái Bình Dương.

Với đà tiến từ chiến tranh Cao Ly, Nhật thấy rõ rằng muốn sống còn, họ phải duy trì hệ thống tài chính ổn cố. Muốn như vậy, cần nhập cảng nguyên liệu. Sự tuỳ thuộc Mỹ về nhập cảng đã đến lúc phải tách riêng. Trong lịch sử, để kiểm soát tuyến đường biển, đã làm Nhật phải chiếm Phi, đánh Trân Châu Cảng, và đặt chân tới Đông Dương. Lần này, lịch sử sẽ được lập lại.

Vì vị trí Việt Nam trong khu vực Vòng Đai Thái Bình Dương sẽ làm Việt Nam đóng ví trí nào trong cuộc tranh chấp sắp tới? Ta có tự cô lập được không? Ngoại bang sắp xếp cho số phận chúng ta hay chính ta quyết định lấy?

Việt Nam có 4 lựa chọn:

– Tiến lên bằng 4 tiểu hổ Châu Á

– Tiến đến phát triển kỹ nghệ hoá

Trở thành thuộc địa

– Hi vọng các nước lớn lờ mình đi trong cuộc xâu xé sắp tới

– Giải pháp thứ nhất, Việt Nam không thể có mô hình phát triển như 4 tiểu hổ được. Singapore chỉ có 643 km2. Đài Loan đã được che dù trong thế chiến tranh Lạnh. Việt Nam không có một chuẩn bị nào để được phát triển như các nước nói trên. Thời đối đầu lưỡng cực để lợi dụng phát triển, tận dụng nhân công rẻ, trong kế hoạch sản xuất dây chuyền đã qua.

– Kế tiếp trở thành thuộc địa kinh tế.

Đây là điều không ai muốn, vả lại còn huyền thoại đánh thắng 3 đế quốc còn nóng hổi. Điều này làm một số người tự hào – và tự mãn. Nhưng, dù cho “Mẹ đã đào hầm từ thuở tóc còn xanh”, nhưng cày cuốc để giữ nước ở địa đạo thì được, để phát triển đất nước thì không được. Trên đấu trường kinh tế với các quy luật kinh tế, với các định ước tinh vi về phân phối sản phẩm (GATT), thì son phấn tiện nghi tiêu dùng có sức huỷ diệt lòng người hơn là bom đạn. Vì bom đạn còn làm lửa căm thù thêm cao, nghèo đói làm quyết tâm thêm sắt đá. Nhưng, các khẩu hiệu không tác dụng gì trước sức mạnh cám dỗ của kinh tế: Hiện diện của lính ngoại quốc không đáng sợ bằng hiện diện của tiện nghi ngoại quốc.

Bài học Nhật Bản với sản phẩm của họ, làm cho người ta không thấy lính Nhật, mà cũng cảm thấy sức mạnh của Nhật. Nếu không chuẩn bị kịp, Việt Nam sẽ thành thuộc địa kinh tế. Nhưng thuộc địa kinh tế có nghĩa thoát được thảm khốc không? – Chiến tranh súng đạn (Nóng) bắn phá cầu, đường, công xưởng. Chiến tranh Lạnh chia cắt tận trong mỗi gia đình, mỗi đầu óc nạn nhân. Chiến tranh kinh tế (chiến tranh Im Lặng - Silent War) tàn khốc hơn. Nó sẽ huỷ diệt nhà thương, cả bào thai trong bụng mẹ. Thực dân tài nguyên không tàn ác bằng thực dân chia vùng. Thực dân chia vùng không ác bằng thực dân kinh tế.

– Hi vọng được để yên.

Nhưng đây chỉ là chiến thuật của các con đà điểu. Các thế liên lập mới trên thế giới đang chuyển mình một cách đáng sợ cho Việt Nam: Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Dương, Nhật Bản... đều đã có kế sách liên kết rất bất ngờ. Hi vọng được để yên, điều này là điều không xảy ra khi trông chờ lòng nhân đạo của ngoại cường.

Khi mức quan trọng của tuyến đường Đại Tây Dương đã ngã về Thái Bình Dương, thì một trận sống mái giữa Mỹ - Nhật trên Tây Thái Bình Dương là điều không tránh được. Đây là sự sống còn của cả hai đế quốc kinh tế. Với vị trí của các cảng Hải Phòng, Cam Ranh, Vũng Tàu, và dãy bờ biển được gọi là bao lơn trông ra Thái Bình Dương, Việt Nam không bao giờ được để yên. (Căn cứ không quân Clark cách Quảng Ngãi 850 dặm, cảng Hải Phòng là ngả tiếp vận đường biển chính cho toàn vùng Hoa Nam...) Nhật đã đốt lúa để trồng đay gây ra nạn đói năm Ất Dậu, chưa thể quên được.

– Chỉ còn giải pháp thứ ba. Muốn vậy, phải trở thành độc lập trong cuộc đấu tranh kinh tế, kể cả đấu tranh quân sự tại Thái Bình Dương bằng súng đạn, giữa điểm giao thoa của tuyến biển Singapore - Papau New Guinea - Đối Mã của Nhật và tuyến biển Panama - Magdalena - Honolulu - Guam - Manila của Mỹ. Như vậy Việt Nam phải sớm canh tân hoá.

Canh tân hoá đất nước phải khởi đầu bằng canh tân hoá đầu óc mỗi người dân.

Có nghĩa là phải nhìn đường dài. Tiến đến kỹ nghệ hoá, bằng cách lợi dụng mâu thuẫn chưa thành hình của các siêu cường lực này để chuẩn bị. Bên ngoài hoà với tất cả thế giới đã đành, bên trong hoà gấp người Việt với nhau. Can đảm nhìn nhận điều này sẽ thực hiện nổi các điều sau:

a – Thanh lọc hàng ngũ nội bộ Đảng. Khi đổi quốc hiệu, can đảm chôn xác ông Hồ. Thời kỳ tuyên truyền đã qua đi, hãy nói lên sự bất công đã gây ra. Cần có ít ra một người “dâng sớ” cho Đảng “chém 7 người nịnh thần”. Hiến Pháp phải được công khai thảo luận.

b – Khôi phục danh dự cho những người yêu nước thực sự. Không ai tin Đảng, nếu những đau thương còn sống không được hàn gắn thông cảm. Người Việt sẽ còn nghi ngờ nhau mãi, đã không những oán nhau, mà còn đang sợ nhau.

Mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, trong hàng ngũ trí thức, trong và ngoài nước, giữa Nam Bắc... là những điều có thật. Không giải ảo quá khứ, không minh định được hiện tại, không có hướng cùng đi đến tương lai. Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm phải được minh bạch. Không giấu giếm với cán bộ và nhân dân rằng Đảng khủng hoảng chủ thuyết lãnh đạo, để trí thức cùng nhau với chỉ một mục đích là Yêu nước, vạch một chủ thuyết lãnh đạo thích nghi với tình thế cho Việt Nam. Không một đối thoại, đối diện... nào được đặt ra, nếu thiện chí của Đảng không được sáng tỏ. Bạn ra thù, thù ra bạn đang được diễn ra trên trường quốc tế từng ngày từng giờ; tinh thần băng hoại giữa người Việt Nam với nhau chỉ được điều chỉnh bằng nhiệt tâm với đất nước. Phải vứt bỏ ý-thức hệ, Đảng-cấp tính, địa-phương tính. Quét sạch mờ ảo quá khứ sẽ dẫn tới đoàn kết, sẽ cùng ý thức chung về hiểm hoạ đất nước.

Thành thật công bố sai lầm của lãnh đạo để lập lại lòng tin. Lúc ấy, khó khăn của đất nước sẽ được toàn dân chung lưng đâu cật. Muốn như vậy, phải...

c – Nâng cao dân trí bằng giáo dục.

Không phải do tài nguyên, không phải do dân số mà thành cường quốc. Khi Paris được coi là kinh đô ánh sáng, Pháp có 19 triệu người. Khi đế quốc Anh manh nha, dân số họ có 5 triệu rưỡi người. Nhật và Đức rất nghèo về tài nguyên thiên nhiên.

Giáo dục, kiến thức là bước đầu để kiến thiết. Hãy cho đối thoại ngay trong nước, mở tung cánh cửa ngay ở trong nước.

“ Hoà giải hoà hợp” , “ Đổi mới hay là chết”, hãy phải thực hiện bằng không phải Hoà giải Hoà hợp với nhà cầm quyền, mà là nhân dân với nhau. “ Đổi mới” hay là “ chết”, không phải nói về sự sống chết của Đảng, mà là nỗi nguy nan của dân tộc trong tình thế mới.

Tất cả, phải khởi đầu bằng kiến thức của toàn dân.

Đừng dấu tư tưởng nào cả – kể cả của Trốt Ky. Làm minh bạch, sáng tỏ cả “thế nào là Mác”, “thế nào là Tư bản”. Hãy tìm hiểu định nghĩa “thế nào là xã hội chủ nghĩa” của Harrington, Toffler (những người Mỹ)... Cũng vậy Hoà giải Hoà hợp ngay bằng lý tưởng, bằng lý trí giữa người Việt với nhau, đặt trên căn bản là lòng yêu nước, ý thức về nỗi hiểm nguy của đất nước. Tư tưởng của từ Trần Đức Thảo, Tạ Thu Thâu ngày xưa, đến Hoàng Văn Chí (Duy Văn Sử Quan), Phạm Văn Viêm (dịch Chế độ Phát Xít của Jeliu Jeiev)... bây giờ. Đảng phải biết từ bỏ độc quyền nắm diễn đàn yêu nước, độc quyền giải thích kinh thánh Mác, chủ nghĩa xã hội... (theo kiểu Trường Chinh hoặc Vatican).

Những giải thích cũ kỹ ấy, đã là Hư văn, không phải là Thực văn. Không phải một sớm một chiều Nhật, Mỹ, Anh, Pháp... đã thành cường quốc. Sự hiểu biết và bàn cãi công khai của toàn dân mới thành sức mạnh và tạo nhất trí. Muốn vậy, phải thoả mãn nhu cầu khát khao hiểu biết của người Việt.

Ngu dân cũng tạo sức mạnh, nhưng không bao giờ bền. (Năm 1920, Nhật có 3 nhật báo phát hành 1 triệu rưỡi ấn bản hàng ngày. Người Nhật đã cùng nhau học hỏi, thu nhập và phát triển văn hoá đến tột độ rồi mới phát triển sức mạnh để vượt qua bao nhiêu thung lũng đen tối trong lịch sử của họ). Trí thức Việt Nam phải được bảo đảm quyền phát biểu. Và phát biểu của họ phải được quảng bá hơn lúc nào hết.

Không gì quan trọng hơn bộ môn văn hoá, mà dịch thuật đang là ưu tiên hàng đầu, để đem lại tư tưởng và cung cách suy nghĩ của thế giới đến cho người Việt Nam. Bưng bít chỉ là tự đào hố chôn mình. Hiểu biết là bước đầu để tiến bộ. Rồi tất cả sẽ cùng nhau đi trên con đường khó khăn tưởng như không thể, là cùng nhau thắt lưng buộc bụng, hi sinh lẫn cho nhau – chứ không ích kỷ hướng đến sản phẩm tiện nghi tiêu dùng – để nỗ lực cùng nhau tiến tới kỹ nghệ hoá Việt Nam với lòng tự hào. Bởi vì độc lập Chính trị chỉ có khi có sức mạnh riêng về Chiến Lược, mà nền tảng là tiềm lực thực sự về Kinh Tế.

Đấy là cách chuẩn bị tốt nhất để giữ nước – trước các cuộc xung đột trong tương lai gần – không những giữa các toé lửa của cuộc đụng độ sắp đến gây ra bởi các siêu cường kinh tế, mà còn giữ mình đối với bất cứ thế lực lớn nhỏ nào muốn ngấm nghé Việt Nam.


Vũ Huy Quang 

(8.93)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss