Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 24 / Đi xem chèo ở Limogues

Đi xem chèo ở Limogues

- Văn Ngọc — published 02/04/2011 01:00, cập nhật lần cuối 27/04/2011 23:04

Đi xem chèo ở Limogues

Văn Ngọc

 

Được tin có đoàn Chèo của Nhà Hát Chèo Việt Nam sang tham gia Hội diễn quốc tế những nước nói tiếng Pháp tổ chức ở Limoges từ 23/9/93 đến 3/10/93, chúng tôi hai cặp bạn rủ nhau cùng đi xuống xem. Vượt gần 400 km để xem một đêm chèo, kể ra cũng là một thách thức lớn, nhưng sự khao khát của chúng tôi dường như còn lớn hơn, không biết có phải vì lòng hâm mộ nghệ thuật, hay vì một lý do tình cảm nào khác? Chúng tôi được biết thế nào đoàn cũng sẽ lên Paris trình diễn, nhưng trong những điều kiện nào, thì chưa được rõ lắm. Dù sao, đi xuống một tỉnh lẻ để xem chèo, chắc cũng có cái hay của nó. Trong bốn đứa chúng tôi, có người đã từng đi theo phục vụ trong cả tháng trời các đoàn nghệ thuật từ trong nước qua hồi những năm 1969, 1984, vv... Có người đã từng lên sân khấu thuyết minh, hay giới thiệu những tiết mục bằng tiếng Pháp cho khán giả Pháp. Riêng tôi rất thích chèo và muốn tìm hiểu thêm về chèo, về các làn điệu dân ca miền Bắc. Kỷ niệm về những buổi diễn chèo ở Paris hồi năm 1969 với các chị Diễm Lộc trong vai Suý Vân, Kim Liên trong vai Mõ làng, Mạnh Tuấn trong vai hề, vv... vẫn còn in đậm nét trong trí nhớ của mỗi người chúng tôi. Lần này, tôi muốn để ý xem, ở Hội diễn quốc tế này phản ứng của quần chúng người Pháp và người các nước khác ra sao khi xem những màn chèo của Việt Nam. Vào thời buổi giao lưu văn hoá đương phát triển này, tôi nghĩ các ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam chắc cũng phải cải tiến dần một số mặt để có thể trao đổi và đối thoại được với các nước khác, đồng thời cũng vừa là để cho khán giả ngoại quốc, những người không cùng một nền văn hoá với mình, hiểu được mình.

Thu xếp xong công việc nhà cửa và thuê trước được phòng ngủ ở Limoges rồi, sáng thứ bảy 2/10/93 chúng tôi lên đường, đầu óc không còn bận bịu về một chuyện gì khác nữa.

Trời đã vào thu, nhưng lá chưa vàng, có lẽ vì mưa nhiều từ mấy tuần nay. Chiếc xe Clio đời mới chạy êm trên những khúc xa lộ còn mới tinh, thay thế cho đường quốc lộ N20, đưa chúng tôi đi qua những vùng đồng quê bát ngát vừa mới gặt hái xong, với những ruộng hoa hướng dương mới ngày nào còn vàng loá mắt, nay đã khô quắt, đen ngòm và sũng nước. Nhìn đồng ruộng xứ người mà lòng tôi bỗng thấy nao nao. Giá mà chúng tôi đang được ở trên một con đường sang Bắc Ninh để đi nghe hát Quan họ, hay về Thái Bình, Nam Hà để xem chèo, có phải là sung sướng biết mấy!

Càng xuống tới gần vùng Limousin, cây cỏ càng xanh. Vùng này nhiều sông và nhiều đồi núi. Phong cảnh có chỗ giống hệt như phong cảnh ở sâu trong vùng Massif Central. Nông thôn ở đây chủ yếu sống về chăn nuôi, trông có vẻ nghèo hơn nhiều vùng khác ở Pháp. Kiến trúc nhà cửa không có gì đặc sắc, có khi hơi xuề xoà, tường thường trát vữa chứ không để trần gạch đá như ở các vùng phía dưới nữa một chút, có lẽ vì khí hậu ở đây ẩm ướt hơn và vì vùng này không có sẵn đá tốt.

Limoges, thủ phủ của vùng này, là một thành phố nổi tiếng từ xưa về đồ sứ và đồ men (émaux), đến nay vẫn còn nổi tiếng về những mặt hàng này, đặc biệt là đồ sứ trắng không có hình vẽ trang trí. Limoges ngày nay còn là một thành phố có trường đại học và có nhiều sinh hoạt văn hoá và du lịch. Hàng năm, vào mùa Hè, ở Limoges và nhiều thị xã, thị trấn lớn nhỏ ở xung quanh, đều có tổ chức những hội diễn nhạc, kịch, múa, xiếc và những cuộc triển lãm hội hoạ, nhiếp ảnh, đồ mỹ nghệ thủ công, vv... Chính Hội diễn quốc tế những nước nói tiếng Pháp đã ra đời tại Limoges trong bối cảnh chung đó cách đây mười năm. Đây là lần đầu tiên một đoàn nghệ thuật sân khấu Việt Nam được mời tham gia hội diễn này.

Tối thứ bảy 2/10/93. Đoàn chèo diễn ở Aixe-sur-Vienne, một thị xã cách Limoges 13 km. Từ ngày khai mạc đến nay, vừa được đúng một tuần, đoàn đã trình diễn tất cả năm lần, khi thì ở Limoges, khi thì ở các thị xã xung quanh. Lần này là lần thứ sáu, nghĩa là gần như ngày nào đoàn cũng diễn. Gian phòng vạn năng của Trung tâm văn hoá ở đây sức chứa độ khoảng 200 người, vừa vặn chật ních. Trên bao lơn có cả một chỗ dành riêng cho những người tàn tật có thể ngồi xem diễn trong xe đẩy. Sân khấu vừa rộng đủ để đặt vuông chiếu chèo cạp điều ở chính giữa và hai chiếc chiếu dài khổ hẹp, đặt chéo ở hai bên làm chỗ ngồi cho các nhạc công và dàn đế. Đây cũng vừa là chỗ ngồi chờ và nghỉ ngơi của những diễn viên chưa ra vai. Trần của sân khấu cũng cao vừa đủ để treo tấm màn phông màu thẫm có mô-típ trang trí truyền thống. Sự có mặt của tấm màn phông này, với đôi ngựa thờ màu trắng và hai chiếc lọng màu da cam ở hai bên, cùng với mấy vuông chiếu cạp điều đã làm cho cái không gian của sân khấu ấm cúng và nổi bật hẳn lên. Người ta không thể nào không nghĩ đến cái sân đình là cái sân khấu dân gian nguyên thuỷ của chèo, chỉ khác là ở đây chưa phải là sân khấu ba mặt như cái sân đình.

Mặc dầu ở cửa vào có bán chương trình giới thiệu khá đầy đủ và mỹ thuật tất cả các tiết mục, diễn viên, nhạc công, nhạc cụ nhưng hình như ban tổ chức vẫn thấy cần thiết phải có mấy lời giới thiệu bằng tiếng Pháp qua micro đặt ở ngay trong phòng. Rất tiếc là những lời giới thiệu này khá sơ lược và không giới thiệu được những gì cần phải nói thêm trong các trích đoạn chèo, điều mà trong cuốn chương trình của Nhà hát Chèo lẽ ra có thể làm được.

Buổi diễn được mở đầu bằng màn dẹp đám truyền thống. Hai anh hề mồi cầm đuốc ra dẹp đám. Hai ngọn lửa làm bằng vải điều, trông xa như lửa thật. Màn dẹp đám rất tượng trưng này bao giờ cũng gây được một không khí vui nhộn rất chèo. Y phục và hoá trang của hai anh hề cũng được thực hiện rất khéo. Mỗi điệu bộ, cử chỉ của họ đều theo đúng nhịp trống phách. Trên thực tế, đám ở đây đã ngồi yên cả ở dưới phòng, nghĩa là ngoài sân khấu, ngoài chiếu chèo rồi! Mặt khác các diễn viên chèo chỉ biểu diễn trong cái vuông chiếu chèo mà thôi. Ai ra khỏi vuông chiếu là coi như đã ra khỏi sân khấu. Đây cũng là một ước lệ độc đáo và đáng yêu của sân khấu chèo. Trong chèo, màn dẹp đám là một tiết mục quan trọng không kém gì các màn khác. Nó giàu cái chất vui nhộn lạc quan của chèo. Các vai hề thường do những diễn viên có tài đóng. Chẳng hạn như ở đây, một trong hai anh hề là anh Mạnh Phóng, ba mươi lăm tuổi nghề, lát nữa sẽ đóng vai Phù Thuỷ rất hay trong trích đoạn Suý Vân giả dại. Anh Mạnh Phóng sẽ còn đóng vai trai làng trong màn hát Quan họ. Anh hề thứ hai, anh Ngọc Minh, cũng sẽ là một trong ba giọng nam hát Quan họ. Lẽ dĩ nhiên, trong trường hợp đặc biệt của đoàn chèo này, có nhiều lý do khiến cho các diễn viên đều phải đa tài, đóng được nhiều vai, làm được nhiều việc khi cần thiết. Chẳng hạn như, khi chương trình đòi hỏi, một diễn viên múa hát như Kiều Oanh vẫn đóng được vai Đào Huế. Cũng như Đức Nghiệp vừa là diễn viên đóng vai Tuần Ty, lại vừa có thể làm nhạc công được. Lý do chính là vì đoàn chỉ được mời có 13 người đi, không kể ông giám đốc và người phiên dịch (cũng đồng thời là đạo diễn sân khấu). Trong mười ba người này, có năm nhạc công và tám diễn viên, bốn nữ và bốn nam. Ở trong nước, thường phải cần tới hai chục người. Như vậy là khi đi sang đây bó buộc đã phải chọn những người đa khả năng.

Màn Thị Mầu lên chùa, trích đoạn từ vở diễn Quan Âm Thị Kính, một trong tám hay chín vở chèo cổ xuất sắc nhất, với Vân Quyền trong vai Thị Mầu,Thuý Ngần trong vai Chú Tiểu, đã được khán giả rất hoan nghênh. Vở Quan Âm Thị Kính vốn khá dài, cốt truyện lại phức tạp, đây có lẽ là trích đoạn đẹp nhất, dễ hiểu và dễ thưởng thức nhất trong cả vở đối với khán giả, nhất là khán giả ngoại quốc. Hình tượng tương phản giữa hai nhân vật chính Thị Mầu và Thị Kính (chú tiểu), hình thức đối đáp sinh động và lẳng lơ giữa Thị Mầu và các chị em bạn, tài diễn xuất và múa hát tinh thục của Vân Quyền, thêm vào đó, chất lượng rất cao của dàn nhạc đệm và bộ gõ, tất cả những yếu tố này đã góp phần làm cho màn chèo có sức hấp dẫn.

Tôi cho rằng, một trích đoạn chèo được chọn lọc khéo, có thể chinh phục được khán giả, không phải vì nó tiêu biểu cho cả vở diễn về mặt nội dung, mà vì nó thể hiện được tính cách của một hay nhiều nhân vật, trong một tình huống đặc biệt nào đó giàu kịch tính và cho phép kết hợp được tất cả những hình thức biểu hiện của sân khấu chèo: hát, nói, múa, nhạc, hoạ... và những nét đặc thù của chèo đứng về mặt nội dung như: tính chất châm biếm, đả kích tự do, vui nhộn, lạc quan, vv...

Vân Quyền và Thuý Ngần là hai diễn viên trẻ xuất sắc hiện nay của sân khấu chèo. Người ta sẽ thấy rõ thêm tài năng của Vân Quyền trong trích đoạn Ba giá chầu văn, cũng như của Thuý Ngần trong trích đoạn Suý Vân giả dại.

Trong Suý Vân giả dại, trích đoạn từ vở Kim Nham, cũng là một vở chèo truyền thống nổi tiếng, phong cách diễn xuất của Thuý Ngần trong vai Suý Vân không khỏi làm cho những ai trước kia đã từng được xem, nhớ đến Diễm Lộc, ngôi sao của ngành chèo cách đây hơn hai chục năm. Trên thực tế, lớp diễn viên trẻ và nổi tiếng ngày nay như Vân Quyền và Thuý Ngần đều đã được những nghệ nhân bậc thày như Diễm Lộc, Dịu Hương, vv... trực tiếp truyền nghề. Tuy nhiên, mỗi diễn viên tài năng, khi trưởng thành, đều có mỗi người một cá tính, một phong cách riêng để chinh phục khán giả. Đứng về mặt diễn xuất cũng như về các mặt múa, hát, nhất là múa, Thuý Ngần quả xứng đáng là một ngôi sao hiện nay của ngành chèo.

Cũng trong trích đoạn Suý Vân giả dại, vai Phù Thuỷ đã làm cho người xem đặc biệt hứng thú. Mạnh Phóng đã làm cho người ta cười vì cái tài đóng hề rất khéo, nhưng đồng thời họ cũng phục cả cái tài hát nhại và đánh trống của anh.

Nói chung, các màn Thị Mầu lên Chùa, Suý Vân giả dại, Phù thuỷ là những màn đặc sắc của sân khấu chèo truyền thống do kết hợp được tất cả các mặt: diễn xuất, ca, múa, nhạc, để tạo nên những hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, chuyên chở một nội dung đả kích, châm biếm, tuy nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng sâu sắc.

Giữa hai trích đoạn Thị Mầu lên chùa Suý Vân giả dại là tiết mục Hát lót cửa đình Hát bỏ bộ do các chị Minh Thu, Kiều Oanh,Thuý Ngần và Vân Quyền trình bày. Tiết mục hát và múa quạt này vừa sinh động, lại vừa đượm một vẻ trang nhã cổ kính đặc biệt. Đây là một tiết mục thường được trình diễn nơi cửa đình vào những ngày hội hè đình đám. Bốn chị mặc áo tứ thân, tóc bỏ đuôi gà, đứng dàn thành hàng ngang trên một sân khấu hẹp, vừa đủ ánh sáng, trông như bốn cô Tố Nữ vẽ trên tranh.

Tiết mục Hò Quan Họ Bắc Ninh được trình diễn giữa hai trích đoạn Suý Vân giả dại ba giá chầu văn với các chị Minh Thu, Vân Quyền, Thuý Ngần và các anh Khắc Tư, Ngọc Minh, Mạnh Phóng, cũng đã được khán giả hết sức hoan nghênh.

Màn Hát xẩm cho phép khán giả thưởng thức giọng hát dân ca điêu luyện và nhuần nhuyễn của Minh Thu. Cũng như tiết mục độc tấu đàn bầu đàn nguyệt đã cho phép người ta đánh giá tài năng của Thu Hiền và của Công Hưng. Những tiết mục hát dân ca và độc tấu nhạc cụ dân tộc, xen kẽ với các trích đoạn chèo không những có tác dụng bổ sung về chiều sâu, mà còn làm cho không gian sân khấu luôn luôn sinh động. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng những tiết mục như Hát xẩm, Hát ả đà, Hát chầu văn, Hát Quan họ, độc tấu đàn bầu, đàn nguyệt, đàn đáy, sáo, nhị, trống, vv... tự chúng có đủ sức hấp dẫn, đối với những khán giả biết thưởng thức, để có thể được gom lại thành những chương trình hát riêng. Đây cũng là một ý kiến đáng được chú ý.

Màn Ba giá chầu văn hay Ba giá đồng (lên đồng), xứng đáng là màn kết thúc cho buổi diễn, không phải vì nó có một nội dung đạo lý, hay ý nghĩa thần bí gì đặc biệt, mà chỉ vì đứng về mặt biểu diễn sân khấu thuần tuý, nó là màn nhộn nhịp và sinh động nhất, lại không thiếu kịch tính, cũng như không thiếu cái tính chất châm biếm đặc thù của chèo. Nó cũng là màn giàu màu sắc nhất, dùng nhiều y phục, múa, hát và nhạc nhất. Ba giá đồng, ba lần thay đổi y phục và nhịp điệu ca, nhạc, đi mạnh dần và mau dần từ Giá Cô Ba Thuỷ Cung, đến Giá Cậu Hoàng Ba, rồi đến Giá Cô Đôi Thượng Ngàn, để kết thúc bằng tiết mục ban lộc cho khán giả. Tiết mục này là một sáng kiến hay, vừa phù hợp với cái tinh thần vui nhộn của chèo, lại vừa tạo được cái nhịp cầu giao lưu, gần gũi giữa diễn viên và khán giả.

Ngay sau buổi diễn, tôi gặp những người bạn Pháp ngồi hàng đầu, giải thích cho họ ý nghĩa của những gói “lộc” (đây là những túi mứt hạt sen gói bằng giấy bóng!). Tất cả những người Pháp mà tôi được tiếp chuyện ở trong phòng, ai cũng khen hay và người ta khen thực lòng, chứ không phải xã giao. Ông bà chủ nhà người Pháp, người cho chúng tôi thuê phòng ở ngoại ô thành phố Limoges, cuối cùng cũng đã đi xem kịp tối chèo này và cũng hết lời khen ngợi. Một cặp vợ chồng người Phi châu, bạn của ông bà chủ nhà, cũng tỏ ra rất thích. Đây là lần đầu tiên họ được xem một buổi diễn chèo của Việt Nam. Điều mà, phần đông, người ta nhất trí khen ngợi, trước hết là cái tính chất sống động hấp dẫn của các trích đoạn chèo. Sau đó, lẽ dĩ nhiên, là tài diễn xuất, ca, múa của các diễn viên, cũng như chất lượng hiếm có của dàn nhạc đệm.

Những buổi hát chèo truyền thống, với những trích đoạn lấy từ những vở chèo cổ hay nhất từ xưa đến nay, được chắt lọc lại với một quan niệm thẩm mỹ hiện đại, với những tiêu chuẩn cao về tính chất biểu diễn sân khấu, về nội dung, cũng như về kỹ thuật diễn xướng, chắc chắn sẽ ngày càng hấp dẫn được đông đảo khán giả người Việt cũng như người nước ngoài, bởi vì cái đẹp, cái hay của sân khấu chèo qua tiếng đàn, tiếng trống, qua tiếng hát dân ca với những làn điệu phong phú, qua những điệu múa dân gian lành mạnh, duyên dáng, qua màu sắc tươi vui của những bộ y phục truyền thống, cũng như cái tiếng cười có tính châm biếm sâu sắc của chèo, bao giờ cũng vẫn là những giá trị phổ biến và bền vững.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss