Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 24 / Đại học Việt Nam: vài con số và sự kiện

Đại học Việt Nam: vài con số và sự kiện

- Hà Dương Tường — published 02/04/2011 00:30, cập nhật lần cuối 27/04/2011 22:52

Nhân mùa khai giảng


Đại học Việt Nam:
vài con số và sự kiện

 

Tình hình đại học Việt Nam trước thềm năm mới không có gì sáng sủa. Cả về tổ chức, phương tiện, con người, nền giáo dục được xây dựng từ những quan điểm giáo điều, lạc hậu, tỏ ra không thể đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cấp bách của nền kinh tế - xã hội. Không muốn, hoặc không được phép đụng đến những quan điểm ấy, các quan chức hữu trách của bộ giáo dục Việt Nam lúng túng đưa ra những biện pháp vá víu mâu thuẫn, không đủ hiệu lực thi hành đối với ngay cả những cán bộ hành chính cấp dưới. Một vài con số và sự kiện dưới đây, rút từ những tin tức thời sự mấy tháng qua, chỉ phản ánh thực trạng đáng buồn đó.


1. Học phí trả bằng...?

Khoảng mười năm trước, cuốn tiểu thuyết Học phí trả bằng máu của nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã một thời làm xôn xao dư luận. Nhưng, đó không phải là một cuốn sách viết về nền giáo dục Việt Nam, mà về cuộc đấu tranh chống Mỹ của sinh viên các thành phố miền Trung. Bây giờ thì... câu hỏi về học phí đang đặt ra gay gắt với rất nhiều cô, cậu tú Việt Nam năm nay đứng trước ngưỡng cửa trường đại học.

Tuần báo Thanh Niên số ra ngày 5.9.1993 đưa tin học sinh Hồ Hữu Xuyên ở Huế, thủ khoa kỳ thi tuyển vào trường đại học Kiến trúc thành phố HCM, nhưng không thể vào học, vì với món học phí 1 triệu đồng phải đóng ngay 1 lần “ gia đình chỉ có cách cầm cố căn nhà chứ không có cách nào khác”. Xuyên cũng đậu thứ nhì vào đại học Bách Khoa Đà Nẵng, nhưng tới cận ngày nhập trường vẫn chưa biết xoay xở ra sao, tuy rằng trường này cho đóng tiền học (1,2 triệu) làm hai lần. Báo Phụ Nữ thành phố, ngày 29.9 cũng nêu trường hợp học sinh Nguyễn Hồng Khang, đậu thủ khoa vào trường đại học Kinh tế - Tài chính, may nhờ học bổng 500.000 đồng của Hội Liên hiệp thanh niên mới đóng được học phí một kỳ, còn kỳ tới... “sẽ tính sau”.

Tất nhiên, còn bao nhiêu người khác mà chính sách thu học phí ở mức độ cao đang làm choáng váng (trung bình 100 ngàn đồng/tháng, xấp xỉ 1/4 lương giáo sư đại học. Hầu hết các trường đều muốn thu gộp một lần ngay từ đầu năm, bất chấp “hướng dẫn” của bộ là thu làm nhiều lần). Có phải vì thế mà đến ngày 23.9, theo báo Tuổi Trẻ, đã có 4 trường đại học thành phố HCM phải hạ điểm chuẩn tuyển sinh mà vẫn không tuyển đủ sinh viên vào học như chỉ tiêu đã định? Trường đại học Kinh tế - Tài chính, nơi thu hút nhiều nguyện vọng vào học nhất hiện nay, mới được 620 sinh viên nhập học trên chỉ tiêu 2.100 người. Trường đại học Ngoại thương, với chỉ tiêu 327 sinh viên, mới có 100 đến trường. Trường đại học Nông - Lâm, mới được 400 trên chỉ tiêu 500...

Và không thể không nêu riêng trường hợp các trường Sư phạm! Trường đại học sư phạm Thành phố, sau lần đầu hạ điểm chuẩn, mới tuyển được 300 sinh viên trên con số dự trù 950. Tới lần hạ điểm thứ ba, trường vẫn mới chỉ tuyển được hơn nửa chỉ tiêu. Còn trường Trung học sư phạm, điểm chuẩn thi tuyển được hạ xuống còn 4,5 trên 20 cho thí sinh nội thành, và 0/20 cho thí sinh ngoại thành, cũng chỉ tuyển được gần 80% chỉ tiêu 700 người, và đang phải tổ chức lớp “bổ túc văn hoá” cho khoảng 100 “tân sinh viên” có số điểm kiểm tra hai môn văn, toán dưới 3/20 (trong đó gần 30 giáo sinh đạt điểm không, nhưng chắc là có tiền đóng học phí!). Những con số thí sinh được không điểm trong các kỳ thi tuyển ấy có liên quan gì tới những con số 95%, 97%... học sinh đỗ tốt nghiệp phổ thông, chẳng phải đỗ vì sức học đủ mà vì các “lãnh đạo địa phương” muốn thế (xem Tuổi Trẻ ngày 8.8.1993)? Dĩ nhiên, nghề giáo với đồng lương chết đói (năm học 1992-93, 2.382 giáo viên thành phố HCM bỏ việc) đã chẳng còn gì hấp dẫn lớp trẻ, song, như các báo chí trong nước nêu lên, tại sao trong điều kiện thiếu thầy, cô giáo như thế mà trường đại học sư phạm vẫn đòi thu học phí cả triệu đồng ngay đầu năm học, và chấp nhận cả những học sinh rất xa mới đủ trình độ vào học?


2. Ngạc nhiên

Một tuần sau khi những tin tức nói trên được báo chí đưa ra, một nhân vật có vai vế trong đảng, ông Trần Bạch Đằng ngạc nhiên “chưa thấy cơ quan và hệ thống quản lý ngành lên tiếng, nhất là đưa ra biện pháp trước mắt và dự kiến biện pháp lâu dài” ( Tuổi Trẻ 2.10, bài viết đề ngày 28.9). Nhưng cũng báo Tuổi Trẻ, ngày 30.9, đã đăng một phát biểu của bộ trưởng giáo dục và đào tạo Trần Hồng Quân trên đài truyền hình trung ương. Bộ trưởng nhận định “Do đời sống và địa vị xã hội của người thầy quá thấp, học sinh giỏi không muốn vào ngành sư phạm. Từ giáo sinh yếu, tất yếu sẽ được đào tạo thành giáo viên yếu. Cái vòng xoáy trôn ốc ấy kết cục dẫn đến chất lượng giáo dục giảm sút là đương nhiên” . Chấm hết. Không thấy chi tiết nào về các biện pháp được đưa ra (chí ít là dưới dạng đề nghị khẩn cấp để chính phủ quyết định)!

Tại sao người đứng đầu một ngành được chính thức coi là “ quốc sách hàng đầu” lại không thể đưa ra ngay một biện pháp nào trước tình thế nói trên, một chỉ thị không cho phép hạ thấp chỉ tiêu chất lượng về tuyển sinh chẳng hạn? Người ta còn nhớ (xem Diễn Đàn số trước), ông bộ trưởng cho biết bộ giáo dục đã đề nghị mức thu học phí ở trung học, nhưng không có thẩm quyền quyết định, và một tháng trước ngày nhập học ông vẫn “ chưa biết đề nghị đó có được chấp thuận hay không”!

Ngạc nhiên?


3. Người học, người dạy và sách vở...

Thời sự đã rọi đèn chiếu vào các vấn đề học phí và sư phạm, soi sáng thêm vài khía cạnh của một cuộc khủng hoảng giáo dục nói chung (xem bài của Bùi Mộng Hùng, Diễn Đàn số 4). Mùa khai giảng đại học trong năm chuẩn bị “cải cách”, xin trở lại vài nét chung hơn của ngành.

Một cuộc “hội thảo quốc tế về lựa chọn chính sách cải cách giáo dục đại học” vừa được tổ chức cuối tháng 8.93 tại Hà Nội (một “hội nghị tư vấn chuyên đề về cải cách giáo dục đại học VN: chính sách và chiến lược thực hiện” cũng đã được loan báo cho tháng 2.94 sắp tới). Tại hội thảo, ông Lâm Quang Thiệp, vụ trưởng vụ đại học bộ giáo dục và đào tạo, cho biết Việt Nam năm 1992-93 có “khoảng 161.691 sinh viên” (sic), kể tất cả những loại hình đào tạo, dài hạn, ngắn hạn, bổ túc, công, tư, trong 103 trường đại học và cao đẳng, tức là khoảng 23 sinh viên trên một vạn dân. Nếu không kể học sinh các trường trung học sư phạm và kỹ thuật, con số thực có lẽ gần hơn với ước lượng của tuần báo Kinh tế Viễn Đông (FEER, trong Asia Yearbook 1993): 130.000 sinh viên, tức 18 người/1 vạn dân. Nhưng dù có tính tất cả, con số 23 sinh viên/1 vạn dân vẫn là quá ít ỏi so với nhu cầu của nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng, thấp hơn rất nhiều lần so với những chỉ số tương đương của các nước lân cận (vẫn theo Yearbook của FEER, Thái Lan có 153, Xingapo 214 và Philippin 280 người).

Bản báo cáo của ông Thiệp không có phần đánh giá chất lượng học tập của sinh viên đại học Việt Nam. Tuy nhiên, vài con số về đội ngũ giáo chức và phương tiện học tập cho phép mường tượng những giới hạn hiển nhiên:

Trong số hơn 20.000 “cán bộ giảng dạy đại học”, chỉ có 2.590 người (12,4%) có trình độ tiến sĩ, phó tiến sĩ hoặc tương đương, 87% những người này đã trên 50 tuổi (chưa kể, một phần khá lớn những người này, được đào tạo ở nước ngoài, không còn tiếp tục nghiên cứu khoa học từ khi trở về nước – dĩ nhiên không phải vì hết muốn là chính). Về phần sinh viên, 75% đi học không có sách và tài liệu in ấn, và chỉ có 15,6% thường xuyên lui tới các thư viện, 8% khác không hề biết thư viện là gì (tình hình các thư viện và các phòng thí nghiệm cũng không được nhắc tới trong một bản báo cáo làm nền cho một cuộc hội thảo về giáo dục đại học!).

Theo báo Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 29.8, bộ trưởng Trần Hồng Quân cho rằng năm học 1993 - 94 này là năm “ chuyển trọng tâm cải cách giáo dục đại học sang đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo”, và đặt ra yêu cầu “phải dạy những điều mà nền kinh tế - xã hội cần có ở người học hơn là chỉ dạy những điều mà người thầy đang có”. Hay quá (tất nhiên, trong một nghĩa rộng, các yêu cầu của “nền kinh tế - xã hội” bao gồm cả việc mở mang kiến thức nói chung cho lớp trẻ). Nhưng làm sao đạt “yêu cầu lý tưởng” đó với đội ngũ giáo chức như trên? Hay ông bộ trưởng cho rằng một “cán bộ giảng dạy” chuyên về kinh điển Mác-Lênin có thể mau chóng giảng dạy những quy luật của kinh tế thị trường, về kỹ thuật ngân hàng, về quản lý xí nghiệp không bao cấp? Một nhà giáo tiếng Nga có thể chuyển ngay sang dạy tiếng Anh? Một nhà giáo đã quá quen lập lại những bài được in trong sách giáo khoa có thể dễ dàng tập cho sinh viên tinh thần thảo luận tự do và thói quen suy nghĩ độc lập? Hay đó không phải là những điều xã hội đang đòi hỏi?

Những câu hỏi lẽ ra không cần đặt ra, nếu như người ta được thấy chính phủ ban hành những biện pháp, với những bước đi cụ thể kèm theo các lời tuyên bố ý muốn đẹp đẽ của mình. Quyết định đầu tư bao nhiêu cho các thư viện đại học, bao nhiêu cho đội ngũ giáo chức cập nhật hoá kiến thức của mình, tổ chức sự cập nhật hoá đó ra sao, chẳng hạn. Đúng hơn, cũng có một biện pháp được thông báo: nhà nước sẽ dành 10 tỉ đồng trong năm học này để “biên soạn lại giáo trình”. Tinh thần không thay đổi: một số nhà giáo được chọn lọc để tham gia công tác biên soạn kia, và những người khác “giảng” theo, cuối năm sinh viên sẽ làm bài thi được chọn trong một tập bài cũng đã được “biên soạn” sẵn! Cần nói rõ, người viết bài này, cũng đã trải qua gần ba chục năm trong nghề giáo, không hề có ý coi thường những đồng nghiệp của mình trong nước đang phải hành nghề trong những điều kiện vật chất và tinh thần hết sức khó khăn. Cuộc “cải cách giáo dục”, dù mục tiêu và nội dung đào tạo ra sao, sẽ chẳng có hiệu lực gì nếu họ không có được những điều kiện tối thiểu để thực hiện sứ mạng của mình, nếu những lực lượng tiếp nối không được xây dựng nghiêm chỉnh, như một vài thông tin trên đây cho thấy. Chính vì thế mà không thể không nói: một trong những nguyên nhân của khủng hoảng giáo dục, chế độ sách giáo khoa quốc doanh, cho cả người dạy và người học, không thể đáp ứng những yêu cầu đào tạo sinh viên, đào tạo một đội ngũ giáo chức có khả năng trả lời những thách đố của xã hội. Phải chăng, đó cũng là một vấn đề mà “hội nghị tư vấn” tháng 2 tới đây cần thảo luận để ít ra là đưa ra được vài “dự kiến biện pháp” thay đổi?


4. Trường tư, trường công

Người ta cũng không được biết, qua bản báo cáo của ông vụ trưởng, những con số về ngân sách dành cho giáo dục đại học (tỉ lệ so với ngân sách quốc gia, tổng số tiền chi cho các khoản nhân sự, nghiên cứu...). Theo FEER, toàn bộ ngân sách giáo dục của Việt Nam năm 1992 chiếm khoảng 12% ngân sách Nhà nước (quốc phòng 16%). Khả năng tăng ngân sách giáo dục hẳn có, với một chọn lựa chính sách quốc gia khác đi (ngoài quốc phòng, còn phải kể bộ nội vụ, với nhiều bộ phận có thể giảm nhẹ hoặc bãi bỏ, như công an tư tưởng, công an văn hoá...), và khả năng điều tiết lại việc sử dụng ngân sách ấy cho có hiệu quả hơn cũng hẳn có. Song dẫu sao, phần ngân sách ấy chẳng thể tăng lên quá mức của nền kinh tế, và ngoài quyết định thu học phí, nhà nước đã buộc lòng phải bỏ qua những giáo điều cũ kỹ của “chủ nghĩa xã hội”, bắt đầu chấp nhận các hình thức trường đại học bán công và tư thục, để huy động thêm nguồn tài chính cho công tác đào tạo đại học. Rõ ràng, quyết định này đã được xã hội hưởng ứng mau chóng. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 31.7.1993, hai tháng sau quyết định về quy chế đại học tư thục, đã có 11 dự án thành lập đại học tư được nộp cho bộ xem xét: ĐH tư thục Hà Nội, ĐH tổng hợp công nghệ Marie Curie (cũng ở Hà Nội), ĐH thương mại Hà Nội, ĐH kiến trúc - xây dựng Hà Nội, ĐH dân lập miền Trung, ĐH tư thục “Thế Hệ” - Vũng Tàu, Viện y khoa Chiropractic Biên Hoà (do một Việt kiều đứng tên), ĐH ngoại ngữ Sài Gòn, ĐH tin học và ngoại ngữ Sài Gòn, ĐH kỹ thuật công nghiệp Thủ Đức, ĐH tư thục mỹ thuật công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn phải kể một dự án ĐH khoa học ứng dụng Sài Gòn của giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn và một nhóm đồng nghiệp, ra đời sau khi đại học dân lập Thăng Long được thành lập ở Hà Nội năm 1989, nhưng chưa gặp thời thế. Cho tới tháng 9, hai dự án đại học đứng đầu danh sách nói trên đã được phép hoạt động.

Một nhận xét: đứng đầu hội đồng sáng lập các trường tư này, ít ra là trên danh nghĩa, không phải là những nhà tư bản có vốn lớn, có hoài bão góp vốn đó vừa làm ra lãi, vừa góp phần xây dựng nền giáo dục, mà phần lớn là những giáo sư ở các đại học, các viện nghiên cứu nhà nước. Như trường ĐH tư thục Hà Nội, với các ông Nguyễn Duy Quý, viện trưởng viện Khoa học xã hội Việt Nam, Nguyễn An, nguyên hiệu trưởng đại học tổng hợp Hà Nội; trường Marie Curie, ngoài ông Nguyễn Cơ Thạch, nguyên bộ trưởng ngoại giao làm chủ tịch danh dự, còn có tên nhiều giáo sư, viện sĩ ở Hà Nội như các ông Đào Vọng Đức, Nguyễn Châu, Trần Văn Nhung, Nguyễn Văn Bửu, Phạm Văn Hạp, trường ĐH ngoại ngữ Sài Gòn có các ông Hoàng Như Mai, Nguyễn Mạnh Hùng, Lý Hoà, v.v..., đều là giáo sư đại học tổng hợp thành phố. Trong điều kiện lương giáo sư nhà nước không đủ sống, các giáo sư ra mở thêm trường ngoài cũng là một cách giải quyết, nhưng họ sẽ dành bao nhiêu thì giờ dạy tư, bao nhiêu thì giờ cho trường công? Và, vắng mặt những nhà doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, liệu các trường mở ra đứng được bao lâu?

Mạng lưới trường đại học công lập sẽ được tổ chức lại như thế nào, khi một số trường tư đứng vững được lâu dài, huy động được những giáo sư giỏi và thu hút nhiều sinh viên? Câu hỏi có vẻ không được đặt ra dưới dạng đó, nhưng nhà nước đã bắt đầu tiến hành bước tổ chức lại ấy với quyết định thành lập hai trường “đại học quốc gia”, một ở Hà Nội và một ở thành phố Hồ Chí Minh, tập trung ở mỗi nơi một số trường có sẵn nhằm “tăng thêm hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng giáo dục”. Quyết định được công bố tháng 8 vừa qua, không lâu sau khi chính phủ đã quy hoạch “ ba địa bàn kinh tế trọng điểm ở ba miền đất nước” (xem Diễn Đàn số trước). Như vậy, hai trên ba “địa bàn trọng điểm” sẽ có đại học quốc gia mạnh hỗ trợ, một không. Các “trọng điểm” có tỉ trọng khác nhau, hay đơn giản hơn, hai quyết định đã được soạn thảo độc lập với nhau, như người ta có cảm tưởng khi đọc các tin trên báo chí trong nước, về địa bàn kinh tế hoặc về đại học quốc gia? Trong cả hai giả thuyết, người dân Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung cũng sẽ phải tính tới việc thắt lưng buộc bụng nếu muốn gửi con vào đại học, trong Nam, ngoài Bắc, hay tư thục!

Hơn lúc nào hết, khi nền kinh tế đang chuyển mạnh vào cơ chế thị trường, một nền đại học đích thực, với những sứ mệnh thường được chấp nhận của nó (xem bài của giáo sư Bùi Trọng Liễu, Diễn Đàn số 23), cần được xây dựng trên những cơ sở khoa học, với sự tham gia thảo luận tự do và dân chủ của toàn dân. Điều đó đòi hỏi vượt qua cái khuôn khổ cũ kỹ, lỗi thời “đảng lãnh đạo trí thức”, vừa được trịnh trọng nhắc lại trong buổi đại hội Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ngày 27.9 vừa qua (báo Quân đội nhân dân ngày 28.9.1993). Một khuôn khổ đã mục rữa, không còn thuyết phục được ai, kể cả bản thân nhiều người trong bộ máy đảng, nhưng vẫn có sức công phá mà một vài thông tin trên đây cho thấy. Giáo dục cần trở thành “quốc sách hàng đầu”. Nhưng thực tế hôm nay còn rất xa xôi với yêu cầu đó.


Hà Dương Tường

(Giáo sư đại học Compiègne)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss