Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 24 / Phỏng vấn ban điều hành VNHELP

Phỏng vấn ban điều hành VNHELP

- Nguyễn Lộc — published 02/04/2011 00:50, cập nhật lần cuối 27/04/2011 23:00

Phỏng vấn ban điều hành VNHELP

Nguyễn Lộc

 

Tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã may mắn có dịp nói chuyện với chị Trần Kim Ánh ( giám đốc điều hành), chị Đỗ Anh Thư ( giám đốc các dự án) và anh Bùi Văn Đảm (điều hợp viên chương trình học bổng Nguyễn Trường Tộ) về tổ chức VHHELP (Hoa Kỳ). Sau đây là một số câu hỏi và trả lời được ghi lại qua buổi nói chuyện.

Nguyễn Lộc

 

Diễn Đàn: Những người sáng lập và điều hành VNHELP là ai? Cũng xin giới thiệu tổng quát về VNHELP.

Đỗ Anh Thư: VNHELP, tức là Việt Nam Health, Education and Literature ProjectsQuỹ Y tế Giáo dục Văn hoá VNHELP, được chính thức thành lập vào tháng 7 năm 1991 sau khi một số anh chị em sống tại Hoa Kỳ về Việt Nam thăm gia đình, thấy tình trạng nghèo nàn và cực khổ mà người dân Việt Nam đang chịu đựng và cảm thấy phải làm một việc gì đó vừa với khả năng của mình như một cách tạo điều kiện xoá bỏ những cảnh đó trên quê hương.

Hiện nay, những người trong ban điều hành VNHELP đều là người Việt sống tại Mỹ, làm những ngành nghề khác nhau như kỹ sư, giáo sư, nhân viên công tác xã hội, nhân viên y tế, v.v... Chúng tôi làm việc trên tinh thần tự nguyện. Trong suốt hai năm qua, anh chị em đã đóng góp tài chính, thì giờ để điều hành, và vận động sự ủng hộ của các vị hảo tâm cho các chương trình trợ giúp tại Việt Nam.

Về mặt pháp lý, VNHELP là một tổ chức thiện nguyện bất vụ lợi được chính phủ liên bang Hoa Kỳ và tiểu ban California công nhận theo điều khoản 501 (c) 3.

Để thông tin, báo cáo đều đặn các hoạt động, nhu cầu của VNHELP đến những người hảo tâm, chúng tôi có Bản tin VNHELP ( VNHELP Newsletter, một ấn phẩm song ngữ Anh Việt) phát hành mỗi ba tháng. Đến nay, Bản tin VNHELP đã ra được đến số 8 – Hè 1993.

: Xin giới thiệu khái quát về các dự án.

Bùi Văn Đảm: Trong thời gian qua, VNHELP đã tài trợ những dự án ưu tiên trong hai lãnh vực y tế và giáo dục. Nguyên tắc chung cho những dự án là (1) mang sự trợ giúp đến tận tay người cần được giúp đỡ, và (2) nâng cao khả năng tự túc phát triển ở ngay tại địa phương.

Về y tế, VNHELP đã giúp trang bị dụng cụ y tế cho bệnh viện Sông Bé, quyên góp sách và hợp tác với Hội y dược Cần Thơ soạn in các tài liệu y tế phổ biến trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về giáo dục, VNHELP cấp học bổng cho sinh viên giỏi, có khó khăn tài chính tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ; giúp tài liệu giảng dạy cho giáo viên và sách vở cho học sinh của trường trung học ở Hà Tĩnh; tài trợ các buổi giáo dục đạo đức lễ nghĩa, nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình trên Chương trình Phát thanh Học đường; giúp lớp huấn nghệ cho trẻ khuyết tật ở Hà Nội và Cần Thơ; giúp nhạc cụ cho Trung tâm Văn Thể Mỹ ở Huế và tài trợ một số buổi sinh hoạt nghệ thuật cho các em tại Trung tâm.

: Nhiều người vẫn ngại là sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ và vô vị lợi không chắc đã đến tay người thụ hưởng. Xin các anh chị cho biết VNHELP có phương cách cụ thể nào để bảo đảm sự giúp đỡ của những người hảo tâm không bị mất mát, hao hụt trước khi đến tay người nhận?

Đỗ Anh Thư: Chúng tôi thấu hiểu sự lo lắng rất chính đáng và có cơ sở này của nhiều người! Đây cũng chính là một trong những điều VNHELP quan tâm và cẩn trọng nhất trong lúc làm việc để không phụ lòng tin cậy của các vị hảo tâm. VNHELP rất vui sướng thưa với anh rằng trong suốt hai năm qua, VNHELP cố gắng sử dụng tiền đóng góp của quí vị ân nhân sao cho có hiệu quả nhất, và đã dùng toàn bộ số tiền các vị ân nhân đóng góp vào các chương trình ở Việt Nam. Riêng về chi phí điều hành được giữ ở mức tối thiểu, và hoàn toàn do anh chị em trong VNHELP đóng góp.

Chúng tôi luôn luôn duyệt xét các dự án thật cẩn thận như về tận Việt Nam để quan sát và tiếp xúc với những người có liên hệ hoặc có ý kiến về các dự án mà chúng tôi dự định sẽ giúp. Tất cả các kế hoạch và chi thu đều phải được trình bày trên giấy trắng mực đen ở cả Việt Nam cũng như tại Mỹ! Những món hiện kim và hiện vật đều được giao tận tay người nhận, không qua một trung gian nào! Các hình chụp, các băng video do các vị hảo tâm hoặc anh chị em VNHELP, qua những dịp về thăm Việt Nam thay phiên nhau đến thăm tận nơi đã nhận sự trợ giúp, thường là những bằng chứng cụ thể về những thành quả đạt được.

: Xin thử mô tả cách làm việc ấy qua một dự án cụ thể mà các anh chị đánh giá là thành công tốt đẹp.

Trần Kim Ánh: Một trong những dự án VNHELP đang trợ giúp dài hạn và có kết quả rất tốt đẹp là Học bổng Nguyễn Trường Tộ. Từ 1991 đến 1993, VNHELP đã cấp 125 học bổng cho các sinh viên học nhiều ngành khác nhau thuộc các trường đại học tại Sài Gòn, Hà Nội, Huế và Cần Thơ. Mỗi sinh viên được nhận từ 5 đôla đến 10 đôla mỗi tháng trong niên học 10 tháng. Chúng tôi xin vui mừng thông báo là trong niên học 1993-1994, VNHELP tăng số học bổng lên 105, nhờ sự đóng góp rất rộng rãi của các vị hảo tâm.

Ngoài ra, VNHELP đã tạo được nhịp cầu liên lạc chặt chẽ giữa Ban điều hành Học bổng Nguyễn Trường Tộ, các vị bảo trợ và sinh viên trong nước. Trong thời gian qua, có các vị bảo trợ về Việt Nam trao tận tay số tiền học bổng cho sinh viên, đồng thời gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu khả năng và nhu cầu ở trong và ngoài nước, để tìm cách đóng góp sâu rộng hơn trong lĩnh vực giáo dục, nhất là trong những ngành còn tương đối mới ở Việt Nam như tin học, kinh tế, luật... Chúng tôi cũng thường xuyên nhận được thư từ các em sinh viên bày tỏ tâm tình của mình và gần đây nhất, các em nhận học bổng Nguyễn Trường Tộ đã có ý định lập nhóm công tác xã hội như một cách gửi lời biết ơn đến các ân nhân đã giúp các em.

: Cuối cùng rồi mình cũng phải chạm tới từng mảng đời thật, những buồn vui ở quê nhà. Xin anh chị thử mô tả trường hợp điển hình của vài em sinh viên được học bổng Nguyễn Trường Tộ.

Bùi Văn Đảm: Qua những lần gặp gỡ với các em sinh viên, qua những lá thư đơn sơ đầy chân tình của các em, chúng tôi rất xúc động khi đọc thư của em Nguyễn Văn Bé Mười, sinh viên đại học Cần Thơ, với số tiền 25 đôla nhận lần thứ nhất em có thể mua thêm một bộ quần áo mới ngoài sách vở, vì em chỉ có hai bộ để thay đổi. Chúng tôi cũng được nghe những băn khoăn lo lắng của các em sinh viên trước những thay đổi của xã hội. Xin để anh xem vài lời thư tâm tình của các em gửi sang.

Em Trần Đức Thông, năm IV Quản trị - Kinh doanh: “ Thiếu sách, thiếu thông tin, đối với em là một sự bất lực. Thêm vào đó là nỗi băn khoăn trong việc bổ sung kiến thức khoa học quan trị, một chuyên ngành mới ở nước ta. Mọi việc đều phải dò dẫm và tìm tòi... ”.

Em Trần Nguyễn Anh Thư, năm III, Kinh tế: “Học bổng này đã giúp tôi thêm tin tưởng ở cuộc sống hôm nay. Giữa thời đại kim tiền, hãy tin vẫn có những tấm lòng son, hiểu và thông cảm cho sinh viên. Bởi đã có những lúc quá mệt mỏi, tôi tưởng chừng đã phải bỏ học trước những gánh nặng của cuộc sống. Nhưng bây giờ tôi hiểu, mình phải học, để làm việc, để mai sau thực hiện được giấc mơ của tôi, của mỗi thanh niên: xây dựng đất n ước...”

ĐĐ : Còn những người ở tại địa phương chịu đứng ra giúp đỡ, theo dõi việc thực hiện dự án cho VNHELP, họ là ai? Vai trò cụ thể của họ là những gì?

Trần Kim Ánh: Trong hai năm qua, VNHELP hợp tác chặt chẽ với những người trẻ làm công tác xã hội đầy nhiệt tình ở Sài Gòn, Huế và Hà Nội; những thầy cô giáo ở trường trung học Hà Tĩnh, Cần thơ; anh hiệu trưởng rất tận tuỵ với công tác giáo dục trẻ em ở Huế; những nhân viên y tế với tinh thần cầu tiến ở Sông Bé và Cần Thơ. Họ là những người đang làm việc trực tiếp ở ngay địa phương, đang đối phó với những khó khăn, những tiêu cực của xã hội, họ đã cố gắng hết sức mình dưới những khó khăn to lớn của nền “kinh tế thị trường” rất bạc bẽo đối với giới làm công tác giáo dục và xã hội như họ, và với công việc họ đang làm.

Điển hình là anh Bùi Văn Vuông và thầy cô ở trường dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ luôn bày tỏ mối quan tâm là làm sao các em khuyết tật hoà nhập vào xã hội. Và lời nhắn gửi chân tình của anh Ngô Văn Trân và các bạn trẻ ở Huế bày tỏ lòng mong muốn gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với các vị hảo tâm: “ Xin các anh chị “Gia đình VNHELP” nhín chút thì giờ đến thăm Huế để tận mắt thấy được hiệu quả của sự giúp đỡ của VNHELP”.

: Các anh chị có thấy cô đơn trong các nỗ lực của mình không?

Đỗ Anh Thư: Chúng tôi được biết rất nhiều hội đoàn ngoại quốc có chương trình giúp người Việt trong nước tương tự như VNHELP. Trong năm vừa qua, số hội đoàn người Việt tổ chức và điều hành đã gia tăng đáng kể và có một số kết quả nhất định. Cụ thể là ngay tại San José thường có những buổi văn nghệ lạc quyên giúp các nhà trẻ, viện mồ côi trong nước. Một số nỗ lực quyên góp cho các trại người bệnh phong (Hansen) ở miền Bắc và Trung. Các hội đoàn tôn giáo giúp trùng tu nhà thờ, đình chùa. Ngoài ra còn có những hội người đồng hương chung sức sửa sang lại trường ốc ở Cai Lậy, Hải Dương... Có “cô đơn” chăng là khi thấy có quá nhiều điều muốn làm, nhưng sức mình chỉ có hạn.

: Nếu được “phép lạ” ban cho ba điều ước, các anh chị trong VNHELP sẽ ước gì?

địa chỉ VN HELPVNHELP Newsletter:

P.O. Box 2882

CASTRO VALLEY, ca 94546, USA

Đt : (510) 426 7094

e-mail : vnhelp@mcimail.com

Federal Tax Exempt # 94-3169584

Trần Kim Ánh: Nếu chỉ giới hạn vào ba điều ước thì điều đầu tiên là Việt Nam có một môi trường chính trị, kinh tế, xã hội hợp lý, hợp với tình người, để mọi người có thể góp phần xây dựng đất nước mà không còn ngần ngại.

Hai là có được sự hiểu biết hỗ tương giữa người Việt, cả trong và ngoài nước, để không còn những nghi kỵ giữa anh em, đồng bào như đã xẩy ra từ mấy chục năm qua, để những vết thương trong quá khứ được hàn gắn, và để dồn mọi nỗ lực vào các công tác hướng thiện, tích cực, hơn là tiêu phí vào chuyện đập phá, tiêu cực.

Và cuối cùng, chúng tôi ước là Việt Nam sẽ có thể gia nhập hài hoà vào cộng đồng thế giới, đóng góp phần mình cho sự tiến bộ và hạnh phúc của con người mà không có những kiêu ngạo vô lối, hay những áp bức, bất bình đẳng giữa các quốc gia. Nếu được như thế thì có lẽ những công việc xã hội mà VNHELP đang làm sẽ không còn “quá sức” (cười) đối với những người “ăn cơm nhà, vác ngà voi” như hiện nay nữa.

: Xin cảm ơn các anh chị đã vui lòng nhín chút thì giờ để nói chuyện với Diễn Đàn. Trong khi chờ... phép lạ xẩy ra, có lẽ ta vẫn cậy trông vào tâm lực của mỗi con người mình là chính, xin cầu chúc nỗ lực của các anh chị tiếp tục đem lại những kết quả cụ thể và thật sự ích lợi cho những người nhận được sự giúp đỡ của các vị hảo tâm qua VNHELP.

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss