Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 25 / Điểm sách Hoàng Chí Bảo

Điểm sách Hoàng Chí Bảo

- Lê Văn Cường & P.Q. — published 03/04/2011 00:40, cập nhật lần cuối 29/04/2011 09:17

Điểm sách

Hoàng Chí Bảo: “Chủ nghĩa xã hội
hiện thực: khủng hoảng, đổi mới
và xu hướng phát triển”



Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1993, (120 trang).


Mục đích của Hoàng Chí Bảo, trong cuốn sách này, là biện minh, sau khi phân tích cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, cho sự thực hiện và phát triển của chủ nghĩa xã hội, với một số “cải tổ, cải cách và đổi mới” trong quản lý kinh tế (cần có thị trường, nhiều thành phần kinh tế), và mở rộng dân chủ. Nhưng sau khi đóng sách lại, không ít người sẽ phân vân vì không biết tác giả và người đọc có ở cùng một làn sóng hay không. Quả thật lạ lùng, với gần 120 trang, tác giả không đưa ra một định nghĩa rõ ràng của chủ nghĩa xã hội. Sự mập mờ này làm người đọc lúng túng suốt cuốn sách.

Trong chương hai, theo ý tác giả, những nguyên do của sự khủng hoảng là tính chất giáo điều (bỏ qua kinh tế thị trường, “xem việc xác lập chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất và thiết lập chuyên chính vô sản như những yếu tố đủ để có chủ nghĩa xã hội” (trang 44), sao chép máy móc mô hình xây dựng và tình trạng “ nhà nước hoá” chính quyền... Nhưng tác giả không cho biết rõ hình dáng của một chủ nghĩa xã hội kết hợp được với kinh tế thị trường mà không qua tư bản chủ nghĩa, và không đặt câu hỏi là “nhà nước hoá” chính quyền có phải là hệ quả của một quan niệm nào đó về chuyên chính vô sản hay của chính quan niệm lãnh đạo qua chuyên chính vô sản hay không?

Trong chương ba, bàn về “Công cuộc đổi mới ở Việt Nam...”, người đọc không khỏi “khó chịu”, cũng vì thiếu định nghĩa như đã nói phía trên, khi tác giả tách biệt dân chủ và chủ nghĩa xã hội qua câu “nếu cải tổ, cải cách, đổi mới để có nhiều dân chủ hơn, có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn thì việc xác định mục tiêu đó là lành mạnh” (trang 60).

Trong chương năm, bàn về xu hướng và triển vọng lịch sử của chủ nghĩa xã hội, tác giả đánh giá rằng “mô hình chủ nghĩa xã hội Tây Âu không thể là sự lựa chọn có triển vọng, không phải là lối thoát của khủng hoảng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và giải phóng con người” (trang 105). Tại sao? Vì nó không thể “ xoá bỏ, vượt qua” (trang 106) chủ nghĩa tư bản. Ở đây, tác giả lại quên một định nghĩa: vượt qua. Vượt qua có bắt buộc là đánh gục chủ nghĩa tư bản hay làm cho nó biến tướng để phù hợp với quá trình phát triển? Người đọc không thể không đặt câu hỏi: nếu diễn dịch Hoàng Chí Bảo, phải chăng chế độ xã hội chủ nghĩa trong đó có kinh tế thị trường và chế độ xã hội dân chủ khác nhau trên hai điểm cơ bản:

– một bên quan niệm thị trường là chủ yếu do các xí nghiệp quốc doanh tạo nên, một bên quan điểm là do tư nhân;

– chế độ chính trị khác nhau: một đảng độc quyền lãnh đạo / đa đảng.

Cả hai luận điểm đều cần được bàn cãi với lập luận rõ ràng. Nhưng chỉ xin lưu ý là điểm thứ nhất đặt vấn đề động cơ để làm cạnh tranh. Trong xã hội tư bản, cạnh tranh dựa lên sự mong muốn tối đa hoá lợi nhuận. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa theo quan niệm của Hoàng Chí Bảo, tại sao các chủ xí nghiệp, mặc dầu là cán bộ nhà nước, lại dốc sức cạnh tranh?

Chương bốn là chương tương đối “hấp dẫn” nhất vì tác giả đưa ra nhiều ý có thể bàn luận, tuy tác giả không, hoặc thiếu lập luận:

– trang 90: “phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và hình thành nền kinh tế thị trường, vận động theo cơ chế thị trường ở nước ta... chính là cơ sở vật chất cần thiết để lấp đầy khoảng trống do hình thái phát triển rút ngắn ( không qua chủ nghĩa tư bản)” (người đọc đánh đậm).

– trang 90: “dân chủ hoá mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó dân chủ hoá kinh tế là quyết định”

– trang 91: “các phương tiện giải phóng và các dòng chuyển động vật chất tinh thần của xã hội để thực hiện các mục tiêu giải phóng đó... hội tụ các yếu tố để ra đời một xã hội công dân, một nhà nước pháp quyền mạnh nắm lấy công cụ và kỹ thuật quản lý xã hội bằng pháp luật, dân chủ và tiến bộ”

– trang 99: “chế độ hợp đồng lao động nếu được bổ sung bỏi sự hoàn thiện các nhân tố kích thích vật chất, các chính sách xã hội và được bảo đảm về pháp luật, sẽ biểu hiện tính ưu việt hơn hẳn của nó so với chế độ biên chế”

– trang 95: có lẽ câu hay nhất của cuốn sách là: “ chủ nghĩa xã hội là mục tiêu hay phương tiện của phát triển?”, với điều kiện là đã định nghĩa chủ nghĩa xã hội và các mục tiêu của phát triển.

Đọc xong cuốn sách, chúng ta không thể nào không bị ám ảnh bởi những câu hỏi sau đây:

– Phát triển ở Việt Nam vì hay qua chủ nghĩa xã hội? Với nội dung nào? Và nó có thể kết hợp với kinh tế thị trường mà không qua chủ nghĩa tư bản?

– Vai trò của xã hội công dân trong quá trình này.

Biết đâu, trong các số tới của Diễn Đàn, sẽ có một vài bài trả lời ít hay nhiều, những thắc mắc đó.


Lê Văn Cường

cấm & đoán


Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia là tên mới của Nhà xuất bản Sự Thật. Hoàng Chí Bảo, phó tiến sĩ triết học, là viện trưởng Viện chủ nghĩa xã hội khoa học, thuộc Học viện Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, cơ quan nghiên cứu lý luận trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam. Cuốn sách nói trên, sau khi xuất bản, đã bị thu hồi và cấm lưu truyền.

Thật là chuyện khó hiểu. Cuốn sách có mục đích bảo vệ đường lối đổi mới và kiên trì chủ nghĩa xã hội của lãnh đạo Đảng cộng sản. Bị thu hồi chẳng lẽ vì nó bảo vệ quá dở? Thật tội, vì về mặt này, nó không dở hơn hàng trăm bài báo và cả chục cuốn sách cùng mục tiêu được xuất bản từ mấy năm nay; ngược lại là khác! Vả lại, tài năng nào bảo vệ được một cái mà chính các nhà lãnh đạo Đảng cũng nói là không có mô hình, và đang mày mò tìm kiếm.

Đọc kỹ cuốn sách bằng con mắt soi mói của người gác cổng về tư tưởng, tất nhiên cũng có thể moi ra vài điều phạm huý, chẳng hạn tác giả đã viết rằng, sau thời kỳ NEP của Lênin, Stalin (mà ông không nêu tên – Stalin và đa nguyên là hai danh từ huý kỵ ở Việt Nam) đã đưa Liên Xô tới một “ chế độ cực quyền [totalitaire], bóp nghẹt dân chủ, đàn áp tự do tư tưởng và sáng kiến cá nhân” (trang 28), mà “đầu mối” “tình trạng đảng trị” (tr. 48). Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực, theo tác giả, đều diễn ra tình trạng “ song trùng nhà nước”, “đảng - nhà nước” hay “ nhà nước - đảng”, đảng là “một nhà nước vô hình nắm quyền lực” còn nhà nước thì “hữu hình không thực quyền” (tr. 51). Thật ra, đó cũng chỉ là những sự thật hiển nhiên. “Tội” của ông Hoàng Chí Bảo là đã viết những điều mà nhiều người đã phát biểu miệng.

Theo những nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội, thì những cái “tội” trên chẳng qua là những cái cớ. Qua “vụ” Hoàng Chí Bảo, người ta nhằm đánh viện trưởng Viện Mác-Lê-Hồ Chí Minh là ông Đặng Xuân Kỳ (con cả ông Trường Chinh), và có lẽ cao hơn ông Kỳ nữa. Đặng Xuân Kỳ còn bị trách là đã chủ trì một cuộc thảo luận và để cho nhà toán học Phan Đình Diệu phát biểu về dân chủ hoá (xem bài trong số này). Một “trọng tội” nữa là ông Kỳ coi việc tái lập các ban cán sự Đảng ở các bộ là “quay 1800 trở lại cơ chế cũ”.

Điều chắc chắn là, kè kè bên cạnh ông Kỳ, người ta vừa cử ra một Viện phó thứ nhất tên là Đào Duy Quát, con trai của ông Đào Duy Tùng, uỷ viên Bộ chính trị, phụ trách khối tư tưởng. Bước chuẩn bị cho kịch bản cách chức?


P.Q.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss