Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 25 / Xem tranh PHAN NGUYÊN

Xem tranh PHAN NGUYÊN

- HOÀI VĂN — published 03/04/2011 01:40, cập nhật lần cuối 10/07/2023 16:28

Xem tranh PHAN NGUYÊN

HOÀI VĂN

 

Trong hội hoạ, nói chung, người ta hoàn toàn có thể cảm nhận được cái đẹp một cách trực tiếp thông qua nhỡn quan và, lẽ dĩ nhiên, thông qua trí tuệ. Nhưng nếu người ta có thể miêu tả, hoặc giải thích được tranh tượng hình (figuratif) một cách tương đối dễ dàng, thì ngược lại, đối với tranh trừu tượng (abstrait), điều đó lại không phải là dễ, bởi vì ngôn ngữ thông thường không cho phép diễn đạt những khái niệm, hoặc những tín hiệu mà nó không quen nhận biết.

Tranh Phan Nguyên căn bản là tranh trừu tượng, đặc biệt đợt tranh anh vẽ gần đây và đã được triển lãm ở Trung tâm văn hoá Pháp-Việt từ 5-11-93 đến 5-12-93, trong đó có loạt tranh khổ nhỏ mà tác giả đặt cho cái tên chung là Fractus (mảnh) đã được nhiều người chú ý.

Nếu chỉ xét về mặt hình thức, tranh Phan Nguyên không phải là một trường hợp ngoại lệ trong nền hội hoạ trừu tượng thế giới từ trước tới nay. Người ta có thể nhận biết, qua tranh của anh, luồng tư tưởng của trường phái trừu tượng xuất hiện vào những năm 40 với : Wols, Pollock, và những năm 60 với : Zao Wou Ki, Appel,vv...Tranh của Phan Nguyên có đầy đủ những yếu tố thẩm mỹ của những trường phái này: nhịp điệu (rythmes), bố cục (composition), nét vẽ, màu sắc, chất liệu. Song, tranh của anh không chỉ là những cái gì hữu hình ở trên bề mặt. Nó không chỉ là kết quả của động tác vẽ, mà còn là sự kết tinh của một quá trình hoạt động nội tâm. Tranh của Phan Nguyên xuất phát từ một trạng thái thiền, từ đó bộc phát ra một sức mạnh nội tâm, mà anh gọi là xung lực. Ta hãy nghe anh giải thích quá trình sáng tạo của mình:

"Đầu óc thanh thản, tứ chi mềm mại, tâm thần thiền định, trống vắng. Một màu vải trắng tinh như bông giúp ta lắng nghe mọi rung động, cảm xúc đến từ cõi sâu kín. Âm vang nội tâm được phóng vào vũ trụ vô tận, dội trở lại những tín hiệu mơ hồ nào đấy, thấm vào lòng, chuyển qua tim, lan đến từng thớ thịt, bật ra thành nét vẽ. Người đời thường gọi đó là xung lực. Mức độ thiền định càng sâu thì xung lực càng mạnh. Nó chỉ đến trong phút chốc để rồii chuyển hoá thành màu sắc...”.

Quá trình sáng tạo của Phan Nguyên là một cuộc hành trình đi từ cõi vô thức đến cõi ý thức, từ cái vô hình đến cái hữu hình. Cái chất trừu tượng trong tranh của anh do đó cũng mang một màu sắc siêu hình rõ rệt, đồng thời nó cũng không vượt ra ngoài cái nội dung triết lý này.

Trở lại cái đẹp hữu hình trong tranh của Phan Nguyên. Trước hết, đó là cái đẹp, cái chất thơ mộng, hài hoà của nhịp điệu. Nhịp điệu là một khái niệm căn bản trong nghệ thuật tạo hình, gần như một quy luật, không biết có từ bao giờ, có thể từ xa xưa lắm, từ những nền nghệ thuật nguyên thuỷ. Trong nghệ thuật kiến trúc, chẳng hạn, nó đã được biết đến và được sử dụng song song với khái niệm tỷ lệ, ít ra cũng từ thời trung cổ, xuyên qua các nền kiến trúc lớn ở Châu Âu, từ Gothique, Renaissance, đến Baroque và nhiều nền kiến trúc khác trên thế giới, như Islam, Ấn Độ, vv... Nhưng phải chờ đến đầu thế kỷ XX, khái niệm này mới được khám phá ra lại và được áp dụng trong các ngành nghệ thuật tạo hình. Trong kiến trúc, nó đã dần dần hạ bệ khái niệm tỷ lệ ngự trị suốt từ thời kỳ cổ đại Ai Cập, Hy Lạp cho đến thời kỳ cổ điển ở Âu châu. Nhịp điệu thể hiện cái đặc thù của sự vật. Nó là cái tinh thần, cái nét chính toát ra từ một tổng thể hài hoà hay hỗn loạn, trong thể tĩnh hay trong sự chuyển động của nó. Người hoạ sĩ vẽ tranh tĩnh vật hoa lá. Anh thể hiện nhịp điệu của hoa lá qua sự rung cảm của tâm hồn. Vậy thì cũng có thể nói rằng anh đã thể hiện chính những nhịp điệu của tâm hồn mình trên bức tranh? Bằng nhịp điệu và màu sắc, Phan Nguyên ghi lại những tín hiệu mơ hồ dội lại từ những cõi xa xôi của tiềm thức, hay từ những khoảng không bao la của vũ trụ, đưa người ta lạc vào cõi vô thức, với những không gian tưởng tượng, hoặc được tạo nên bằng trực giác, đầy thơ mộng và giàu tính thẩm mỹ.

Tranh của Phan Nguyên, với nét vẽ tung hoành tự do, với những nhịp điệu bay bổng, nói lên một tâm hồn khoáng đạt, lạc quan. Anh đã từng nói: tranh của anh là những giây phút hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ mà anh ước ao chia sẻ cùng mọi người.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss