Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 27 / Vấn đề văn bản học văn học Phật giáo

Vấn đề văn bản học văn học Phật giáo

- Hà Văn Tấn — published 04/04/2011 00:45, cập nhật lần cuối 01/05/2011 21:34

Vấn đề văn bản học
các tác phẩm văn học
Phật giáo Việt Nam

Hà Văn Tấn *

 

Tôi được ban biên tập Tạp chí Văn học đề nghị viết một vấn đề gì đó về tư tưởng biểu hiện trong các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam. Điều đó làm tôi vô cùng bối rối.

Vì là một người làm sử, tôi không thể không chú ý đến độ tin cậy của các nguồn tài liệu mình dựa vào. Nhưng càng khảo sát các nguồn tài liệu tác phẩm Phật giáo Việt Nam, tôi càng thấy có nhiều nghi vấn. Mà không có những nghiên cứu nghiêm túc về văn bản thì làm sao có thể nói đến tư tưởng, triết học hay văn học? Chẳng hạn, xưa nay ta vẫn coi bài kệ này hay bài thơ kia là của một nhà sư nào đó, nhưng đến nay, ta thấy có khả năng đó là tác phẩm của người khác, thì làm sao còn có thể nói chắc về tư tưởng và văn chương của nhà sư ấy nữa, thậm chí của thời đại ấy nữa!

Mới đây thôi, có người dịch Lý hoặc luận của Mâu tử, coi là “bông hoa đầu mùa của Phật giáo Luy Lâu”, đã mở đầu bản dịch của mình với một dòng đơn giản: Lý hoặc luận là tác phẩm của Mâu Bác, người Giao Châu, sống vào khoảng cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III sau Công nguyên”1. Với một câu đó người đọc tưởng chừng đâu niên đại và tác giả của Lý hoặc luận thế là không còn vấn đề gì. Nhưng thực ra, quanh tác phẩm Phật giáo quan trọng này, đã có cuộc tranh luận kéo dài hơn bốn trăm năm mà vẫn chưa kết thúc, nếu ta kể từ ngày Hồ Ứng Lân (sinh năm 1551) nêu ra trong tác phẩm Tứ bộ chính nguỵ của mình ý kiến cho rằng Lý hoặc luận là một tác phẩm nguỵ tạo, do một tác giả thời Lục Triều, Tấn hoặc Tống. Lương Khải Siêu cũng cho rằng Lý hoặc luận là một tác phẩm do người thời Đông Tấn hay Lưu Tống làm giả2. Dư Gia Tích lại cho là tác phẩm này hình thành vào giữa đời Ngô thời Tam Quốc3. Trong khi đó, một học giả Nhật Bản là Tokiwa Daijô đưa ra giả thuyết Lý hoặc luận là do sư Huệ Thông làm giả khoảng năm 426-1784. Một nhà nghiên cứu Nhật Bản khác, Fukui Kôjun, trong một công trình khá công phu, Nghiên cứu Mâu tử, năm 1952, tuy cực lực bác lại thuyết của Tokiwa, nhưng lại đi đến kết luận là tác phẩm này được viết vào khoảng năm 2515.

Thực ra thì từ rất sớm, Henri Maspéro6 đã nhận ra những dòng viết về cuộc đời của Phật trong Lý hoặc luận là giống đến mức kỳ lạ với đoạn trong Thái tử thuỵ ứng bản khởi kinh, mà kinh này chỉ được dịch ở Trung Quốc trong khoảng năm 222-229, trong khi, theo phần mở đầu Lý hoặc luận, không sự kiện nào xảy ra muộn hơn năm 195. Mọi người biết rằng Lý hoặc luận lần đầu tiên được nhắc đến là trong sách Pháp luận của Lục Trừng (425-494), một thư mục được soạn vào khoảng năm 465. Mọi nghi ngờ do đó mà nảy sinh.

Gần đây hơn E. Zurcher, tác giả quyển Cuộc chinh phục của Phật giáo ở Trung Quốc lại đưa thêm những chứng cứ mới để nói rằng Lý hoặc luận không thể sớm hơn thế kỷ III, chẳng hạn ông tìm thấy trong phần 5 của sách này dấu vết của các kinh kiểu Vaipulya mà bản dịch xưa nhất ở Trung Quốc là Pañcavimsatisàhasrikà mà theo ông, văn bản xưa nhất ở Trung Quốc là trong Lục độ tập kinh, được dịch khoảng giữa các năm 247-280. Theo Zurcher, Lý hoặc luận đã ra đời vào khoảng giữa thế kỷ V7.

Tôi sẽ trở lại vấn đề Lý hoặc luận trong dịp khác. Ở đây chỉ muốn nói rằng, khi mở lịch sử Phật giáo Việt Nam, ta đã gặp ngay “bông hoa đầu mùa” với cái cuống “văn bản” đầy gai góc.

Thế rồi, khi nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII, các học giả đều dựa vào một tác phẩm quan trọng là Thiền uyển tập anh, quyển sách nói về các nhà sư thuộc hai phái Thiền từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam là Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Xen vào tiểu truyện các sư này là những bài kệ, bài thơ, những lời phát biểu hay những đoạn đối thoại về đạo Thiền. Có thể nói đây là quyển sách duy nhất còn lại ngày nay chứa đựng nhiều tác phẩm văn học Phật giáo trong giai đoạn nói trên.

Ai cũng biết rằng bản Thiền uyển tập anh sớm nhất mà ta có trong tay là bản in vào năm Vĩnh Thuật thứ 11 (1715). Nhưng có thể chấp nhận ý kiến cho rằng văn bản Thiền uyển tập anh đã được xác định từ đời Trần. Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đều ghi là Thiền uyển tập anh do người đời Trần soạn. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu cố gắng làm sáng tỏ nguồn gốc văn bản Thiền uyển tập anh, coi sách này là một tác phẩm đã hình thành qua nhiều giai đoạn, do nhiều tác giả, như từ các sư Thông Biện và Biện Tài, với sách Chiếu đối lục (hay Chiếu đối bản) đến sư Thường Chiếu với sách Nam tông tự pháp đồ... Nhưng ai là tác giả cuối cùng và chính thức của Thiền uyển tập anh với văn bản như hiện thấy thì chưa thể biết được. Hoàng Xuân Hãn đoán là An Không8. Lê Mạnh Thát ** cho là Kim Sơn9. Nhưng đó đều chỉ là giả thuyết. Điều đáng quan tâm đối với những người nghiên cứu văn học hay tư tưởng là tính xác thực của các bài thơ, bài kệ và các đoạn đối thoại về giáo lý đạo Phật trong Thiền uyển tập anh. Vì thế mà chúng ta cần đi sâu hơn vào việc phân tích văn bản.

Thực ra, về vấn đề văn bản ngay người soạn hay biên tập Thiền uyển tập anh cũng đã lưu ý chúng ta một số điều quan trọng, nhưng đáng tiếc là ít ai chú ý đến.

Trong Thiền uyển tập anh, ở cuối truyện Thiền sư Tịnh Không (1091-1170) có một dòng chú thích: “Lời đối đáp cơ duyên trong truyện này so với truyện Hoà thượng Giáp Sơn trong sách Truyền đăng có phần nào giống nhau. Xét sách Liệt tổ của Huệ Nhật thấy chép khác nhưng không dám cải chính”10

Ở cuối truyện thiền sư Nguyện Học (?-1181) cũng có một dòng chú thích “ Nguyên chú: Truyện này, giữa bản lưu truyền lâu nay và truyện Huệ Tư trong sách Truyền đăng hơi giống nhau. Nay theo như sách Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật đã chép”11.

Hai dòng chú thích này báo cho chúng ta biết rằng trong khi biên soạn Thiền uyển tập anh, tác giả đã tham khao một tác phẩm là Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật. Đến nay, chúng ta không biết gì về sách này và tác giả của nó. Nhưng điều quan trọng hơn, là chính người biên soạn Thiền uyển tập anh đã cho chúng ta biết rằng truyện Tịnh Không và truyện Nguyện Học có những điểm giống với truyện Giáp Sơn và truyện Huệ Tư được chép trong Truyện đăng.

Ai nghiên cứu lịch sử Phật giáo Trung Quốc cũng biết rằng Huệ Tư (514-577) và Giáp Sơn (805-881) là hai nhà sư nổi tiếng, và tiểu sử của họ được chép trong Cảnh Đức truyền đăng lục. Như vậy có thể biết sách Truyền đăngThiền uyển tập anh nhắc đến là Cảnh Đức truyền đăng lục. Tác phẩm này do nhà sư Đạo Nguyên đời Tống biên soạn vào năm 1004 (niên hiệu Cảnh Đức năm thứ nhất), gồm 30 quyển, nói về 5 phái, 52 đời truyền thừa của Thiền tông Trung Quốc, chép 1071 truyện các Thiền sư.

Được gợi ý từ lời chú thích trong Thiền uyển tập anh, chúng ta thử so sánh truyện Thiền sư Giáp Sơn ở Trung Quốc với truyện Thiền sư Tịnh Không ở Việt Nam. Tôi dịch lại ở đây một đoạn của truyện sư Giáp Sơn chép trong Cảnh Đức truyền đăng lục.

“Thiền sư Giáp Sơn Thiện Hội ở Lễ Châu, người quê ở Hiệp Đình, Quảng Châu. Sư họ Liêu, 9 tuổi xuất gia ở Long Nha Sơn , Đàm Châu. Năm ấy thụ giới. Sau sư đi Giang Lăng, học tập kinh luận (...) Khi mới đến Kinh Khẩu, một hôm Đạo Ngô chống gậy đến, gặp sư đang lên nhà giảng. Tăng hỏi: “Thế nào là pháp thân?”. Sư nói: “Pháp thân không hình”. Hỏi: “Thế nào là pháp nhẫn?”. Sư nói: “ Pháp nhẫn không vết”. Sư lại nói: “ Trước mắt không có pháp. Ý tại trước mắt. Không phải pháp ở trước mắt. Pháp là cái tai mắt không đến được”. Đạo Ngô liền cười. Sư sinh nghi, hỏi Ngô: “Cười cái gì?”. Ngô nói: “ Người xuất thế như Hoà thượng mà chưa từng có thầy. Hãy đến Chế Trung, huyện Hoa Đình, tham học Hoà thượng Thuyền Tử”. Sư hỏi: “ Đến tìm ông ta có được không?” . Đạo Ngô nói: “Ông thầy đó trên không tấm ngói che đầu, dưới không mảnh đất cắm dùi”. Sư bèn đổi y phục đi thẳng tới Hoa Đình” 12.

Rõ ràng đoạn đối thoại trên đây giống gần sát từng chữ với đoạn đối thoại giữa Thiền sư Tịnh Không và một vị tăng trong Thiền uyển tập anh13.

Thiền sư Giáp Sơn có một bài tụng:

Minh minh vô ngộ pháp,
Ngộ pháp khước mê nhân.
Trường thư lưỡng cước thuỵ,
Vô nguy diệc vô chân
14 .

(Sáng suốt thì không ngộ pháp,
Ngộ pháp tức là người mê.
Duỗi dài hai chân mà ngủ,
Không có giả cũng không có thực).

Thử so bài tụng của Giáp Sơn với bài kệ của Tịnh Không trong Thiền uyển tập anh:

Trí nhân vô ngộ đạo,
Ngộ đạo tức ngu nhân.
Thân cước cao ngoạ khách,
Hề thức nguỵ kiêm chân.

(Người trí thì không ngộ đạo,
Ngộ đạo tức là người ngu.
Làm kẻ nằm khểnh duỗi chân,
Không cần biết giả và thực).

Hai bài thật gần gũi nhau về nội dung. Câu chữ cũng chỉ thay đổi chút ít: “Ngộ pháp” và “ngộ đạo”, “mê nhân” và “ngu nhân”...

Bây giờ, ta lại theo lời chú thích trong Thiền uyển tập anh mà so sánh truyện Thiền sư Nguyện Học Việt Nam với truyện Thiền sư Huệ Tư Trung Quốc.

Trong truyện Thiền sư Huệ Tư ở Hành Nhạc hay (Nam Nhạc) chép trong Cảnh Đức truyền đăng lục15, có đoạn sau đây đáng chú ý:

“Sư nói với chúng tăng rằng :

Đạo nguyên bất viễn,
Tính hải phi dao,
Đãn hướng kỷ cầu,
Mạc tòng tha mịch,
Mịch tức bất đắc,
Đắc diệc phi chân.

(Nguồn của đạo không xa,
Biển của tính cũng không xa,
Chỉ nên hướng vào mình mà tìm
Chứ đừng tìm ở chỗ khác,
Có tìm cũng không được,
Có được cũng không phải là chân thực)

Có bài kệ rằng:

Đốn ngộ tâm nguyên khai bảo tạng,
Ẩn hiện linh thông hiện chân tướng.
Độc hành độc toạ thường nguy nguy,
Bách ức hoá thân vô số lượng.
Túng hợp bức tắc mãn hư không,
Khán thời bất kiến vi trần tướng.
Khả tiếu vật hề vô tỉ huống,
Khẩu thổ minh châu quang hoảng hoảng.
Tầm thường kiến thuyết bất tư nghì,
Nhất ngữ tiêu danh ngôn hạ đáng.”

(Đốn ngộ được nguồn tâm, mở được kho báu,
Linh thông ẩn hiện làm hiện lên chân tướng.
Đi một mình, ngồi một mình, vẫn ở nơi cao chon von,
Trăm ức hoá thân không đếm kể xiết. Tuy rằng nghẽn đầy cả hư không,
Nhưng lúc xem thì chẳng thấy được tướng nhỏ như hạt bụi.
Đáng cười là chẳng có vật nào so sánh được,
Miệng nhả ra ngọc minh châu sáng ngời ngời.
Thường ngày thấy nói không nghĩ nghì,
Một lời nêu danh nói cho thoả đáng).

Còn trong Thiền uyển tập anh, ta gặp đoạn nói với chúng tăng của sư Nguyện Học:

Đạo vô ảnh tượng,
Xúc mục phi dao.
Tự phản suy cầu,
Mạc cầu tha đắc,
Đắc tức bất chân
Thiết
sử đắc chân,
Chân hà thị vật?

(Đạo không có hình ảnh,
Đập vào mắt chứ không xa.
Phải tự quay lại tìm ở ta,
Chứ đừng tìm ở nơi khác.
Dẫu có tìm được, Thì cái được đó không phải là “chân”,
Mà nếu được “chân”,
Thì “chân” là vật gì?)

Nguyện Học cũng có bài kệ:

Liễu ngộ chân tâm khai tuệ nhãn,
Biến hoá linh thông hiện thực tướng.
Hình, trụ, toạ, ngoạ độc trác nhiên,
Ứng hiện hoá thân bất khả lượng.
Thế gian vô vật khả tỉ huống,
Trường hiện linh quang minh
lãng lãng.
Thường thường diễn thuyết bất tư nghì,
Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.

(Giác ngộ được thân tâm, mở được mắt tuệ,
Biến hoá linh thông hiện lên thực tướng.
Đi, đứng, nằm, ngồi riêng vẫn cao vút,
Hoá thân ứng hiện không thể lường được.
Tuy rằng đầy chật cả hư không,
Xem ra chẳng thấy có tướng gì cả.
Trên thế gian không có vật nào có thể so sánh,
Linh quang hiện ra mãi và chiếu sáng ngời ngời,
Thường ngày diễn thuyết không nghĩ nghì,
Không được một lời cho thoả đáng)16.

Đúng là lời “thị chúng” cũng như bài kệ của Nguyện Học khá giống với lời “thị chúng” và bài kệ của Huệ Tư.

Trước đây, tôi đã có lần lưu ý rằng bài kệ của sư Nguyện Học gần gũi với bài kệ của sư Cứu Chỉ, sống cách Nguyện Học hơn một trăm năm về trước17 và từng nghĩ rằng có lẽ Nguyện Học đã lặp lại tư tưởng của Cứu Chỉ. Nhưng giờ đây, sau khi đọc bài kệ của Huệ Tư, tôi ngờ rằng các bài kệ của Cứu Chỉ và Nguyện Học chỉ là những “dị bản” mà một ai đó đã cố ý tạo ra bằng cách thay đổi hoặc thêm bớt một số câu chữ bài kệ của Huệ Tư rồi gán cho hai nhà sư đời Lý. Không những Cứu Chỉ và Nguyện Học sống sau thời Huệ Tư, mà còn sống sau cả thời điểm quyển Cảnh Đức truyền đăng lục ra đời, tức năm 1004. Trường hợp bài kệ của Tịnh Không cũng như vậy, có lẽ là được sửa chữa từ bài tụng của Giáp Sơn. Rõ ràng Cảnh Đức truyền đăng lục có ảnh hưởng lớn đến việc biên soạn Thiền uyển tập anh. Ảnh hưởng đó có thể là trực tiếp, có thể là gián tiếp qua Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật mà người soạn (hay những người soạn) Thiền uyển tập anh đã nhắc đến.

Trên đây, ta chỉ mới xét hai trường hợp mà chính Thiền uyển tập anh lưu ý. Còn ảnh hưởng của Cảnh Đức truyền đăng lục đến tác phẩm này thì có thể nhận ra ở nhiều chỗ khác. Tuy nhiên, việc đánh giá tính chất và mức độ của ảnh hưởng này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Chẳng hạn đọc truyện Thiền sư Duy Nghiễm (751-834) trong Cảnh Đức truyền đăng lục, ta gặp bài thơ của thứ sử Lý Tường nói về tiếng cười vang của nhà sư này khi ông đi kinh hành trên đỉnh núi:

Tuyên đắc u cứ hiệp dã tình,
Chung niên vô tống diệc vô nghinh.
Hữu thời trực thướng cô phong đính,
Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thanh.

(Chọn được nơi vắng vẻ thoả thú quê,
Suốt năm chẳng phải đưa ai mà cũng chẳng đón ai.
Có lúc trèo thẳng lên đỉnh non côi,
Dưới trăng, rẽ mây, cất một tiếng cười.)18

Bài thơ này không thể không làm ta nhớ đến bài thơ của thiền sư Dương Không Lộ (?-1119) trong Thiền uyển tập anh:

Tuyể n đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nh ật lạc vô dư.
Hữu thời trực thướng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thành hàn thái hư.

(Chọn được đất thế long xà có thể ở được,
Tình quê suốt ngày vui không cùng.
Có lúc trèo thẳng lên đỉnh non côi,
Kêu dài một tiếng lạnh cả cõi thái hư).

Hai bài thơ có vần khác nhau, nhưng có nhiều chữ giống nhau và đặc biệt là câu thứ ba giống hệt nhau. Tôi rất thích bài thơ của Không Lộ, nhất là câu cuối. Nhưng điều đó vẫn không ngăn được mối băn khoăn, với những câu hỏi: Không Lộ đã chịu ảnh hưởng của Lý Tường, hay có người nào đó đã chữa bài thơ của Lý Tường rồi gán cho Không Lộ?

Dầu sao, dần dần chúng ta cũng nhận ra rằng việc làm biến đổi và tách bài thơ Vịnh nga của Lạc Tân Vương làm đôi rồi gắn vào lời đối đáp giữa Lý Giác và sư Pháp Thuận không còn là một trường hợp “vận dụng thơ cổ” đơn độc.

Về văn thơ Phật giáo từ đời Trần trở về sau, cũng lẫn lộn không ít tác phẩm Trung Quốc. Lê Mạnh Thát đã chỉ ra rằng hai bài thơ Xuân nhật tức sự, trước nay được coi là của nhà sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba phái Trúc Lâm, thực ra là của Thiền sư Trung Quốc Ảo Đường Trung Nhân (?-1203)19. Theo những chỉ dẫn trong bài viết của Lê Mạnh Thát, tôi đã tìm đọc lại các tài liệu Trung Quốc và thấy rằng ý kiến của ông là hoàn toàn chính xác. Lê Mạnh Thát còn cho biết là trong 40 bài thơ mà Lê Quý Đôn coi là của Thiền sư Hương Hải (1628-1715) và chép lại trong Kiến văn tiểu lục thì có đến 32 bài là của các tác giả Trung Quốc đời Tống 20. Trước Lê Mạnh Thát, Nguyễn Lang cũng đã chỉ ra hai bài thơ coi là của Hương Hải nhưng thực ra một bài là của Thiền sư Trung Quốc Thanh Nguyên Hành Tư (660-740) và một bài là của Thiền sư Trung Quốc Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975)21.

Việc khảo sát các tài liệu Trung Quốc để tìm ra những tác phẩm văn học Phật giáo không phải Việt Nam là rất cần thiết, những công việc này đòi hỏi một thời gian không nhỏ.

Chúng ta cũng biết rằng việc gạn ra các tác phẩm từ ngoài lẫn vào cũng như các tác phẩm nguỵ tạo chỉ là một phần của công việc văn bản học. Việc đối chiếu các bản sao, khôi phục lại bộ mặt đầu tiên của văn bản cũng là một công việc không kém phần nặng nhọc. Nhiều khi chỉ vì chép nhầm một chữ mà dẫn đến sự hiểu sai lớn. Chẳng hạn, bài văn bia chùa Linh Xứng do nhà sư Thích Pháp Bảo đời Lý soạn được công bố trong Thơ văn Lý Trần, có mấy chữ “thập phương cực quả” được dịch là “cực quả mười phương”22. Nhưng tôi đã dò lại bài văn này trên tấm bia Linh Xứng hiện cất giữ ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, thì mấy chữ đó là “thập lục cực quả” (chữ phương là chép nhầm từ chữ lục), có nghĩa là “mười sáu cực quả”, tức “mười sáu la hán”. Điều này cho ta biết trong một ngôi chùa thời Lý đã thờ mười sáu vị la hán. Chỉ chép nhầm một chữ mà ta mất đi một thông tin quan trọng.

Nhân đây, cần nói thêm là việc đính chính các bản sao bằng cách dựa vào các bi ký gốc là một công tác văn bản học cần thiết đối với nhiều tác phẩm Phật giáo hiện có. Ai cũng biết rằng sao chép thường dẫn đến sai lầm, cho dù là không cố ý. Đó là chưa kể những sự biến đổi văn bản có ý thức. Cứ thử so những bi ký hiện còn trên vách đá như bài thơ của Phạm Sư Mạnh ở hang Kính Chủ, bài Linh tế tháp ký của Trương Hán Siêu ở núi Non Nước với những bản sao có trong các tuyển tập, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy những chỗ đọc sai, bị sửa chữa hoặc bị cắt bỏ trong các bản sao. Đối với các tác phẩm Phật giáo có nguồn gốc bi ký cũng nên làm như vậy. Một trường hợp đáng lưu ý là Tam tổ thực lục. Sách này hiện có bản in sớm nhất năm 1765. Trong đó, theo lời tựa, truyện nhà sư Pháp Loa là “lược sao bài bia cổ ở chùa Hương Hải”. Bia chùa Hương Hải nói ở đây tức tấm bia có đầu đề Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích ký. Chùa Hương hải (nay thuộc xã Ái Quốc, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng) đã bị quân Pháp phá năm 1949, tấm bia này đã được chuyển về chùa Văn Xá, cách chùa Hương Hải hơn 2 km. Thơ văn Lý-Trần tập I, căn cứ vào lời ghi chú trong Tam tổ thực lục: “Đại Trị Nhâm dần điêu niên phả” (Năm Nhâm dần niên hiệu Đại Trị (1362) khắc bản niên phả này), nên cho rằng bia được khắc lại năm Chính Hoà thứ năm (1685) và dựng lại năm Tự Đức thứ chín (1856)23. Sự thực không phải như vậy. Mặt thứ tư của bia ghi rõ: “Chính Hoà ngũ niên (...) Huệ Nghĩa nam tả, Liễu Chàng xã Nguyễn Tiến Tước thuyên. Tự Đức cửu niên (...) trùng thuyên” (Chính Hoà năm thứ năm... Huệ Nghĩa nam viết, Nguyễn Tiến Tước người xã Liễu Chàng khắc. Tự Đức năm thứ chín... khắc lại). Như vậy là bia được khắc (chứ không phải khắc lại) vào năm 1685, và được khắc lại (chứ không phải dựng lại) vào năm 1856. Căn cứ vào tấm bia hiện tại, ta biết việc “khắc lại” năm 1856 cũng không phải là khắc sâu lại những chữ bị mờ mà thực sự đã tạo ra một bản sao mới, với những chữ huý thời Tự Đức. Và tất nhiên đó không phải là bài văn bia mà người soạn Tam tổ thực lục đã sao. Nhưng bài văn bia khắc năm 1685 cũng chỉ là một bản sao. Hiện nay, chúng ta đã biết bản gốc của bản sao này là bài văn ở tấm bia tháp Viên Thông chùa Thanh Mai đời Trần, khắc xong năm Đại Trị thứ năm (1362), được phát hiện năm 1979 trên sườn núi Tam Ban, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, Hải Hưng. Câu “Đại Trị Nhâm dần điêu niên phả” là để nói về tấm bia này mà vào thời gian công bố Thơ văn Lý-Trần tập I (1977) giới khoa học chưa phát hiện ra nó. So sánh bài văn bia này với Tam tổ thực lục, chúng ta có thể đính chính được nhiều chỗ trong truyện Pháp Loa của sách này. Đặc biệt là trên tấm bia tháp Viên Thông, còn có sơ đồ ghi những đồ đệ đắc pháp của Pháp Loa mà Tam tổ thực lục đã không vẽ lại.

Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có may mắn tìm được bản gốc. Song một sự đối chiếu cẩn thận các bản sao, chú ý đi sâu phân tích văn bản học, cũng có thể giúp ích được rất nhiều cho việc khôi phục văn bản. Chẳng hạn Hoàng Văn Lâu đã khôi phục bài ca của nhà sư Khuông Việt (933-1011) tiễn Lý Giác, sứ giả nhà Tống, bằng cách dựa vào điệu từ “Nguyễn lang qui” và các bản sao trong Thiền uyển tập anh Đại Việt sử ký toàn thư 24. Tôi nghĩ rằng việc làm này thật đáng hoan nghênh. Nếu ta không tin hẳn vào bản khôi phục thì ít ra chúng ta cũng có căn cứ để nghi ngờ những chữ thừa không hợp với điệu từ.

Dường như tôi đã nói quá dài mà vẫn chưa nói hết những điều muốn nói. Tóm lại, còn nhiều việc phải làm về văn bản các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam. Tôi không có ý nói rằng phải làm xong công việc về văn bản mới có thể bàn đến văn chương và tư tưởng. Nhưng chắc không ai nghi ngờ rằng những nhận định về các mặt này chỉ có thể chính xác khi dựa trên những văn bản đáng tin cậy.


Hà Văn Tấn*

( Tạp chí Văn học số 4, 1992, tr. 7-12)




* Giáo sư, Viện Khảo cổ học và Phân viện Phật học Hà Nội.

** Lê Mạnh Thát tức là Thích Trí Siêu. Sau 1975, ông có viết một số bài nghiên cứu được những người quan tâm đến văn hoá Việt Nam và Phật học chú ý. Hiện nay ông bị giam cầm vì tội có chính kiến. Việc g.s. Hà Văn Tấn nhắc đến Lê Mạnh Thát nhiều lần và với sự trọng thị là một dấu hiệu đáng mừng về sĩ khí ở Việt Nam (Diễn Đàn).

1 Trần Nghĩa: Lý hoặc luận, bông hoa đầu mùa của Phật giáo Luy Lâu. Tạp chí Hán Nôm, số 1-1991; tr. 85.

2 Lương Khải Siêu: Mâu tử Lý hoặc luận biện nguỵ, phụ lục 3 của Phật giáo chí sơ du nhập, Ẩm Băng Thất hợp tuyển chuyên tập, sách 14.

3 Dư Gia Tích: Mâu tử Lý hoặc luận kiểm thảo, Yên kinh học báo, số 20, tháng 12.1935; tr. 1-23.

4 Tokiwa Daijô: Kan Min gohosetsu no kenkyu (Nghiên cứu về việc cầu pháp thời Hán Minh Đế) Toyogakuho q. 10, số 1-1910; tr. 1-49. Cũng xem Tokiwa Daijô: Shina ni okeru Bukkyo to Jùkyo Dòkyo (Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo ở Trung Quốc) Tokyo, 1937; tr. 89-100.

5 Fukui Kojun: Mushi no kenkyù (Nghiên cứu về Mâu tử) trong Dòkyò no kiso teki kenkyu (Nghiên cứu cơ sở của Đạo giáo), Tokyo, 1952; tr. 327-435.

6 H. Maspéro: Le songe et l’ambassade de l’empereur Ming. Etude critique des sources. (Giấc mơ và sứ bộ của Hán Minh Đế, nghiên cứu phê phán các nguồn sử liệu) B.E.F.E.O. tập X, 1910; tr. 95-130.

7 E. Zurcher: The Buddhist conquest of China (Cuộc chinh phục của Phật giáo ở Trung Quốc). Leiden, E. J. Brill, 1972; tr. 13-15.

8 Hoàng Xuân Hãn: Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần-Lê, Tập san Khoa học xã hội số 7, tháng 10.1980; tr. 106.

9 Lê Mạnh Thát: Thiền uyển tập anh. Tu thư Phật học Vạn Hạnh, TP. Hồ Chí Minh, 1976; tr. 35-42.

10 Có thể xem bản dịch Thiền uyển tập anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga, Phân viện nghiên cứu Phật học và Nxb Văn học, Hà Nội, 1990; tr. 120.

11 Bản dịch trên; tr. 143.

12 Cảnh Đức truyền đăng lục, q. 15. Bản trong Đại Chính tân tu Đại Tạng kinh, q. 51; tr. 323-324.

13 Có thể xem bản dịch của Ngô Đức Thọ Và Nguyễn Thuý Nga, đã dẫn; tr. 324.

14 Cảnh Đức truyền đăng lục, đã dẫn; tr. 324.

15 Cảnh Đức truyền đăng lục, q. 27, bản trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, q. 51; tr. 431.

16 Nguyễn Lang dịch câu này là “Nhưng không lời diễn thuyết nào sánh được hai chữ “Vô đắc” (Việt Nam Phật giáo sử luận, q. 1, Lá Bối, Sài Gòn, 1973; tr. 168). Từ “Vô đắc” không có trong bài kệ của Huệ Tư.

17 Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988; tr. 176.

18 Cảnh Đức truyền đăng lục, q. 14, đã dẫn; tr. 312.

19 Lê Mạnh Thát: về tác giả bài thơ “Xuân nhật tức sự”. Tạp chí Văn học, số 1, 1984; tr. 164-167.

20 Lê Mạnh Thát, đã dẫn; tr. 164.

21 Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2. Lá Bối, Paris, 1978; tr. 133-134.

22 Thơ văn Lý-Trần, tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977; tr. 359 và 363.

23 Thơ văn Lý-Trần, tập I. Đã dẫn; tr. 119 và 120.

24 Hoàng Văn Lâu: Về bài từ ở thế kỷ X, trong Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm. Nxb. khoa học xã hội, Hà Nội, 1983; tr. 191-211.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss