Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / B.Clinton chấm dứt cấm vận

B.Clinton chấm dứt cấm vận

- Diễn Đàn — published 05/04/2011 02:20, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:28
3.2.94

Tổng thống Mỹ B.Clinton
chấm dứt cấm vận Việt Nam


Khi Washington biết nắm thời cơ

Nhìn lại những bước chuẩn bị từ cuối năm 1993 cho đến 17 giờ ngày 3.2.1994 (giờ miền đông Hoa Kỳ), là lúc tổng thống Clinton chính thức tuyên bố chấm dứt cấm vận Việt Nam, có thể nói Nhà Trắng – sau những vấp váp về đối ngoại trong năm 1993 – lần này đã tạo ra và nắm thời cơ, và khôn khéo chuẩn bị dư luận.

Liên tiếp các chuyến đi Việt Nam của trợ lý ngoại trưởng W. Lord, đô đốc C. Larson và nhiều thượng hạ nghị sĩ đã chứng nhận sự hợp tác tích cực của phía Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề quân nhân Mỹ mất tích. Một báo cáo chung của các cơ quan tình báo dân sự và quân sự Mỹ kết luận dứt khoát rằng “vụ tài liệu mật Liên Xô” (tung ra hồi tháng 3.93) là nguỵ tạo. Bộ tư pháp minh xác cho bộ trưởng thương mại Ron Brown bị tố oan đã nhận hối lộ 700.000 đôla để “vận động bỏ cấm vận”. Và cuối cùng, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu với đa số 213 (của cả hai đảng) khuyến nghị tổng thống chấm dứt cấm vận vì bỏ cấm vận... “ là cách tồt nhất để đạt những tiến bộ mới trong vấn đề quân nhân mất tích”.

[Hay thật! Người đánh máy bất giác nhớ tới cái lưỡi không xương trong ngụ ngôn của cụ Esope. Trong hơn 10 năm, Mỹ kéo dài cấm vận vì vấn đề MIA, nay Quốc hội Mỹ cũng vì vấn đề MIA mà đòi bỏ cấm vận. Âu đó cũng là một cách dí dỏm để chấm dứt một màn kịch ma quái của các chính quyền nối tiếp ở Mỹ: dùng thương đau của gia đình quân nhân Mỹ mất tích để biện minh cho chính sách thù nghịch đối với Việt Nam. Y chang như tay phù thuỷ tung âm binh rồi khó rút về. Tổng thống Bush có nhiều lợi thế hơn người kế tục để chấm dứt cấm vận ngay từ cuối năm 1992, nhưng không dám, và đã trao lại cho TT. Clinton món quà tẩm thuốc độc đó].

Được lời như cởi tấm lòng, tổng thống Clinton tuyên bố chấm dứt cấm vận, và cẩn thận nói thêm: với sự nhất trí của bộ tư lệnh liên quân Quân lực Hoa Kỳ, Hội đồng an ninh và của các bộ trưởng chủ chốt. Rồi ông nhấn mạnh: động cơ của quyết định này là vấn đề MIA, hoàn toàn không có tính toán nào khác.


Cuộc chiến tranh Cola

Không có tính toán nào khác? Tất nhiên đó là cách nói của chính khách, để khỏi phải đề cập tới các kích thước chính trị, chiến lược (xem bài Thời kì sau cấm vận) và kinh tế.

Tổng thống Clinton tuyên bố vào 5 giờ sáng 4.2 giờ Việt Nam. Non hai giờ sau, công ty Pepsi Cola tung một quả bóng bay khổng lồ (hình cái lon Pepsi) lên vùng trời thành phố Hồ Chí Minh, và phát không những lon Pepsi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam. Phải ngày hôm sau, Coca Cola mới xuất hiện trong một cuộc biểu diễn nhạc rock do hãng này bảo trợ. Giới báo chí Mỹ bình luận: Pepsi đã thắng trận đầu trong cuộc chiến tranh Cola vừa khơi mào.

Thực ra, hơn 100 công ti Mỹ đã có mặt ở Việt Nam. Hàng chục công ti khác đang chạy sang để kịp chuẩn bị Hội chợ triển lãm hàng Mỹ đầu tiên sẽ khai mạc tháng 4.1994. Theo Hội đồng kinh doanh và công nghệ Mỹ-ASEAN, giới doanh nghiệp Mỹ hi vọng kim ngạch thương mại và đầu tư tại Việt Nam trong hai năm tới sẽ đạt con số 2 ,6 tỉ đôla, và năm năm nữa, sẽ lên tới 8 tỉ, tập trung chủ yếu vào cơ sở hạ tầng (sản xuất năng lượng, vận tải, thiết bị dầu khí, viễn thông, cầu đường, sản phẩm điện tử và tin học). Các công ti Mỹ vừa qua đã tạo sức ép khá lớn để bỏ cấm vận, vì họ ý thức được là Mỹ đã bị chậm chân bốn năm năm so với Đài Loan, Hồng Kông, Nam Triều Tiên, Nhật, Pháp và Úc (mà tổng giá trị các phương án đầu tư từ năm 1988 đã lên tới gần 8 tỉ đôla).

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và các nước này sẽ gay go trong nhiều lãnh vực. Thí dụ điển hình là thị trường máy bay, với hai đối thủ lớn là Airbus (Cộng đồng châu Âu) và Boeing: trong vòng 10-15 năm tới, Việt Nam cần mua khoảng 60-80 phi cơ dân dụng.

Bất luận thế nào, bỏ cấm vận là một quyết định có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Còn đối với Việt Nam? Ngày nào chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ, chưa có hiệp ước thương mãi với điều khoản tối huệ quốc (Most Favored Nation), hoặc Việt Nam chưa gia nhập Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), thì hàng hoá Việt Nam vẫn bị hàng rào quan thuế Mỹ hạn chế ngặt nghèo, khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc hay Thái Lan. Nói khác đi, cấm vận mới bãi bỏ đối với hàng Mỹ (vào Việt Nam), mà chừng nào vẫn còn với đối với hàng Việt Nam (vào Mỹ)! Tuy nhiên, quyết định của Mỹ có hai tác dụng tích cực quan trọng: (1) nó đánh tan sự e ngại của giới đầu tư các nước, (2) nó tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn cấp tín dụng cho những phương án dài hạn và trung hạn.


Những vấn đề tồn đọng trong quan hệ tay đôi

Ngày 28.2.94, cuộc đàm phán Việt-Mỹ đã mở đầu tại Hà Nội, tập trung vào hai vấn đề: (1) chuẩn bị mở phòng liên lạc của hai nước tại Washington và Hà Nội, (2) trao trả tài sản của mỗi bên đã bị bên kia phong toả từ năm 1975. Mặt khác, sắp tới, hai bên cũng sẽ hội đàm tại New York về vấn đề nhân quyền. Phía Mỹ đánh tiếng sẽ gắn liền tình hình nhân quyền ở Việt Nam với việc để Việt Nam hưởng điều khoản tối huệ quốc trong việc buôn bán với Mỹ. Phía Việt Nam tuyên bố sẵn sàng “trao đổi ý kiến” về nhân quyền song không chấp nhận có “sự can thiệp vào công việc nội bộ”.

Về tài sản bị phong toả: người ta ước tính giá trị tài sản Việt Nam (chủ yếu là nhà cửa và tiền bạc ký gửi của chính quyền miền Nam trước 1975) khoảng 250-300 triệu đôla, còn tài sản của Mỹ (kể cả tài sản của các công ti Mỹ) khoảng 200-230 triệu. Giới quan sát cho rằng vấn đề tế nhị nhất là tài sản của các công ti tư nhân vì Việt Nam không muốn tạo ra tiền lệ để những công ti nước ngoài khác cũng đòi bồi hoàn của cải. Tuy nhiên họ cho rằng có khả năng sớm giải quyết, vì chính các công ti hữu quan Mỹ cũng nóng lòng kinh doanh ở Việt Nam nên không dại gì mà làm găng.

Ngược lại, nhiều nhà quan sát cho rằng vấn đề nhân quyền có thể sẽ kéo dài quá trình bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss