Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / TẢN MẠN VỀ MỘT DÒNG THƠ

TẢN MẠN VỀ MỘT DÒNG THƠ

- VĂN NGỌC — published 05/04/2011 02:35, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:31

TẢN MẠN VỀ MỘT DÒNG THƠ

VĂN NGỌC

 

Trong một cuộc gặp gỡ ở Huế ngày 14-5-1988 giữa Trần Dần, Phùng Quán với vài ba nhà văn, nhà thơ đất Thần kinh, có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập, Vĩnh Nguyên, Ngô Minh, nhà thơ Trần Dần đã trả lời nhà thơ Ngô Minh về vấn đề thế hệ các nhà thơ trẻ như sau: "Thế hệ trẻ à? Tôi cứ đợi mãi. Nó bị trong vòng vây của văn chương Cung đình, tôi sốt ruột đợi lớp trẻ đủ sức lớn lên để chôn bọn tôi, như chúng tôi đã chôn tiền chiến". Câu nói thẳng, không câu nệ, cũng không quá đáng. Chữ “chôn” ở đây phải hiểu theo nghĩa: làm khác đi và nếu có thể, vượt xa hơn. Chôn không phải là không thèm biết đến nữa, vì ở một chỗ khác, Trần Dần nói: "Ca dao là một ông thầy phải đặt ngang như Nguyễn Du, Cao Bá Quát. Phải học, để mà chôn đi" cũng là nói trong ý đó.

Câu trả lời của Trần Dần về thế hệ trẻ, nêu ở trên, tóm lược một cách khá cô đọng tất cả cái quá trình phát triển cũng như ngưng đọng của thơ Việt Nam hiện đại.

Thật ra, những nhà thơ "trẻ", hiểu theo cả hai nghĩa, nhất là nghĩa bóng, tức là xông xáo, không công thức, không sáo rỗng, dám nghĩ, dám nói, đã có mặt trên thi đàn từ một số năm nay, mặc dầu không đông lắm, kể từ những người đã thành danh như: Nguyễn Duy, Việt Phương, Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Bùi Minh Quốc, Trần Vàng Sao, v.v... Ngoài ra còn không biết bao nhiêu tài năng "trẻ" khác, ở trong cũng như ở ngoài nước, mà người ta chưa đánh giá được hết.

Ở đây tôi cũng xin mở một dấu ngoặc: trong bài này tôi sẽ không nói đến cả một thế hệ nhà thơ đã có những đóng góp không nhỏ cho nền thi ca Việt Nam từ sau Cách mạng tháng tám, trải qua hai cuộc Kháng chiến cho tới bây giờ, những nhà thơ mà tôi đã yêu thích một thời và ngay cả đến bây giờ thỉnh thoảng họ vẫn có những bài thơ mà tôi thích, mặc dầu không ở trong dòng thơ mà tôi muốn giới thiệu với bạn đọc hôm nay. Tôi cũng sẽ không nói đến những trường phái thơ đã tồn tại ở những thành thị miền Nam từ giữa thập kỷ 50 cho đến 1975 do không có đủ tài liệu để tra cứu.

Dưới đây là một số trích đoạn thơ của những nhà thơ trẻ đã nêu tên ở trên mà tôi cho là đã thoát khỏi những "clichés" sáo rỗng hiện đang vẫn còn tràn ngập trên thi đàn từ mấy thập kỷ nay, trong đó người ta không bắt gặp được những tư tưởng, tình cảm thật, những rung động, những nỗi trăn trở, vui, buồn và khát vọng của con người sống trong thời đại mình.

Trước hết là bài thơ Cuộc đời như vợ của ta ơi của Việt Phương. Bài thơ này có cái lai lịch anh dũng của nó: Việt Phương hồi đó là thư ký riêng của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau khi cho xuất bản nó trong tập thơ Cửa Mở của anh năm 1970, anh đã bị mất chức. Việt Phương là một trong những người đầu tiên đã dám nói lên những sự thật trái tai ngay trong giữa thời kỳ văn học "minh hoạ" và xưng tụng:

Năm xưa ta nói rất nhiều về “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp là ta nói chân thành rất mực
Chưa hiểu rằng
"trời" còn xanh hơn cả "trời xanh"
Ta thiếu sự trầm lặng cũng do bởi nhiệt tình.
Ta cứ nghĩ là đồng chí rồi không còn ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ dành chỗ cho yêu thương
Đã
chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa
Mạc Tư Khoa
còn hơn cả Thiên đường. . .

Cửa Mở, 1970

Nguyễn Duy, một nhà thơ bộ đội, dày dạn ở chiến trường miền Trung trong nhiều năm, đã có những bài thơ được chú ý ngay từ những năm 72-73, với tập thơ Cát trắng (1973). Nhưng anh chỉ bắt đầu đề cập đến những vấn đề đời thường từ những năm 80 trở đi. Người ta có thể thấy được cái phong cách đặc biệt, hơi đùa cợt và bất cần đời của Nguyễn Duy trong bài Đánh thức tiềm lực và nhiều bài khác cùng loại:

Tiềm lực còn ngủ yên
trong lớp da biếng lười cảm giác
Năng động
lên nào
từ mỗi tế bào, từ mọi giác quan
Cố nhiên cần lưu ý tính
năng động của cái lưỡi.
Cần lưu ý
lời nói thật thà có thể bị buộc tội
lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương
đạo
đức giả có thể thành dịch tả
lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường. .
. . . .

Cái trăn trở nhức nhối trong thơ Nguyễn Duy còn được thể hiện qua những câu thơ tuy dí dỏm, nhưng thật ra cay đắng. Nhìn từ xa... Tổ Quốc là một bài thơ anh sáng tác trong một chuyến đi sang Mạc Tư Khoa:

Có một thời ta hát đồng ca
chân thành và say đắm
ta
là ta mà vẫn ta
Vâng -
đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm
Vâng
- một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược dòng
Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên thum
thủm cả tim gan . . .

Nhìn từ xa..Tổ Quốc, 1988

Cũng trong một trường hợp tương tự, Trần Mạnh Hảo có bài Đêm phương Bắc nhớ về Tổ Quốc:

Nửa nước tôi giờ này cuốn trong rơm rạ
Biển dạ dày cồn sóng Thái Bình Dương
Tiếng mọt nghiến đêm kèo nhà đói võng
Từ đỉnh cao tập bước xuống đời thường
Đất nước tôi thuyền vỏ trấu vờn đỉnh sóng
Số phận neo người v
ào bóng Trường Sơn...

1988

Thơ Trần Mạnh Hảo hay có những ý và hình tượng độc đáo. Dưới đây là bài Vĩnh biệt nói lên thân phận con sáo bị cắt lưỡi để nói tiếng người:

Vĩnh biệt
Còn hơn cả sự chết
Khi kéo người
cắt lưỡi tôi
Một nỗi đau khôn xiết
Sao tôi lại phải khóc cười
?
Ôi tiếng hót tuyệt vời người không hiểu
tiếng người nào tôi hiểu người ơi
Tôi có còn 1à con sáo
Khi phải học tiếng người!
. . . . . . .

Vĩnh biệt tiếng hót, 1983, Sông Hương số 31

Thanh Thảo, một tài năng độc đáo, cũng đã từng là nhà thơ bộ đội. Thơ anh xúc tích, giàu hình tượng, giàu suy nghĩ, giàu ý nghĩa tượng trưng:

trên đất nước trận bão đen tàn hại
bầy châu chấu từ đâu về che kín
mặt trời
lúa te tướp
mặt người xanh xám
dài làm sao những buổi chiều trống rỗng
bụng quắt queo kiến bò
cái đói thật tình xuống hai hàng nước mắt
nào phải chuyện văn thơ

Đêm trên cát - Một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát, 1984

Thanh Thảo có một ngôn ngữ thơ phong phú. Thơ anh khi có vần điệu, khi không có vần điệu. Nhưng ngay cả khi không có vần điệu, thơ anh vẫn giàu nhịp điệu:

giờ là thời những tiếng to
những bụng
to
những
hợp đồng to
chìm lim lỉm những gì bé nhỏ
trong bóng tối trong
hẻm trong xóm
nuốt
xuống
yoga câm lặng.
. . .

Buổi sáng, 1993, Diễn Đàn số 23

Bùi Minh Quốc, mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu qua bài thơ Cảm tác trong đêm Đà Lạt trên Diễn Đàn số 24, cũng là một nhà thơ có nhận thức nhạy bén trước những vấn đề xã hội. Trong bài Những ngày thường đã cháy lên anh đã nêu lên một trong những vấn đề này:

Không có ai
Không có ai
Có thể ngẩng nhìn trời
Bình tâm mỗi sáng
Khi
những thằng đểu còn trong Đảng. . .
Những người lính vô danh
Những người mẹ vô danh
Đã
ngã xuống những nẻo đường dằng dặc chiến tranh
Mắt các Người làm sao
nhắm được?
Xương máu các
Người đã nhào nên đất nước
Từ dưới mồ trừng mắt nhìn lên
:
Ai đổ máu
xương cho Đảng cầm quyền?
Khi bọn đểu còn trong Đảng
Ai có thể bình tâm mỗi sáng!
......

Những ngày thường đã cháy lên, 1988

Tôi xin tạm kết thúc phần giới thiệu không đầy đủ này, với nhà thơ Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Đính. Thơ anh, từ khi xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Sông Hương số 16 (12-1985) cho đến gần đây, vẫn cùng một mạch thơ không vần điệu lạnh lùng, hiện thực đến mức tàn ác, dữ dội, khẳng định một phong cách, một dòng suy nghĩ độc đáo:

trời hãy mưa hãy mưa cho to
mầy đói mà chết được đâu
hề ơi
con lợn lòi vật vã thân thể
kêu thét từng cơn
tôi không thấy gì nữa
tôi la thật to
và bước ra ngoài sân khấu
tôi rớt hoài trong một vũng đen sâu
trời vẫn không mưa được cho mát

Khoảng trống ngoài sân khấu, 1986

Thơ trước tiên là ngôn ngữ của cảm xúc. Mỗi thời kỳ văn học đều có dòng cảm xúc riêng của nó, từ thơ Đường, thơ Mới, đến thơ Cách mạng - Kháng chiến. Nhưng nói đến cảm xúc là nói đến những động cơ của cảm xúc, những điều thiết thân đối với con người: cơm áo, tự do, hạnh phúc, tình bạn, tình yêu, v.v... Do đó, thơ cũng là tiếng nói của tư duy và của lương tri con người.

Đặc điểm chung của những nhà thơ kể trên là gì nếu không là một nỗi đau, một sự trăn trở, suy nghĩ về tự do, hạnh phúc của con người, về tương lai của cái xã hội trong đó họ đang sống. Đây chính là một dòng cảm xúc, một dòng tư tưởng mang tính thời đại. Tôi cho rằng, dòng thơ "trẻ" nói trên, nếu đã đi được vào lòng người, chính là nhờ cái cốt lõi nhân bản đó. Nó được thể hiện lên qua từng câu, từng chữ. Vẫn là một thứ ngôn ngữ tinh tế đấy, nhưng nó không còn trát phấn, trát son, không còn cường điệu, cũng như không còn uốn éo, uỷ mị nữa. Nó nói thẳng lên cái điều nó muốn nói. Tôi cho rằng, sau thơ Mới và thơ Cách mạng - Kháng chiến, ngôn ngữ của thơ cần được đổi mới theo cái hướng đó: giản dị (sobre) và cô đọng . Ngay trong văn xuôi cũng đã có những biến đổi trên chiều hướng này rồi. Lẽ dĩ nhiên, tự do vẫn là cái phương châm chung cho mọi sáng tạo. Và tôi vẫn tin tưởng vào một sự thống nhất giữa hình thức và nội dung, nhất là ở trong thơ. Thơ hôm nay là cảm xúc cộng với tư duy. Cảm xúc thật đòi hỏi một ngôn ngữ thật và chỉ có như thế, những câu, những chữ mới làm cho người ta xúc động được. Mặt khác, tư duy có đúng, có sâu sắc, thì mới chinh phục được sự đồng tình, đồng ý của người đọc thơ.

Chỉ cần nhìn vào những sáng tác thơ có tính cách thử nghiệm về mặt ngôn ngữ từ trước tới nay, ở trong cũng như ở ngoài nước, người ta có thể có ít ra một nhận xét: gần như không có một hình thức ngôn ngữ nào có thể đứng vững được, nếu nó không chứa đựng một nội dung có khả năng thuyết phục, hoặc làm rung động trái tim người đọc... Một bài thơ dở không phải vì nó có vần điệu hay không, mà vì những câu chữ của nó hoặc vô nghĩa, hoặc chuyên chở những tư tưởng, tình cảm sáo rỗng, lạc hậu.

Trong bài phỏng vấn nhà thơ Trần Dần đã nêu ở trên, có đoạn đối thoại như sau:

Vĩnh Nguyên: "Nhật Bản có thơ Haiku (3 câu ; anh có thơ Mini ngắn hơn (thí dụ: Mưa rơi không cần phiên dịch hoặc Mỗi người một vụ án - Mỗi người chôn sống một chân mây). Có người nói thơ Haiku ngắn nhưng dễ hiểu.Vậy thơ Mini định bắt người đọc tới đâu?"

Trần Dần: "Thơ Haiku mọi người biết rồi. Thơ Mini ai cũng chưa biết. Chúng tôi cũng chưa biết nó là gì. Nên không thể so sánh... Chống công thức là đi tìm cái chưa biết. Cái mới là cái chưa biết. Tôi đi tìm cái mới nên tôi cũng chưa biết thơ Mini là gì "

Nhà thơ đích thực chính là người luôn luôn đi tìm cái mới, không chỉ là cái mới về mặt hình thức mà còn cả về nội dung, về cảm xúc. Người ta bảo thơ có chức năng "dự báo" là thế. Nhà thơ phải là người nhạy cảm trước tiên trước mọi hiện tượng liên quan đến cuộc sống con người.

Chẳng thế mà những kiện tướng thơ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm như Hữu Loan, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Dương Tường... ngay từ sau những năm gặp hoạn nạn, vẫn tiếp tục đi tìm cái mới và đã có những cống hiến đáng kể cho nền thi ca của thập kỷ 90, với những tập thơ vừa mới được xuất bản những năm gần đây. Trong những nhà thơ của phong trào này, lẽ dĩ nhiên, phải kể cả nhà thơ Hoàng Cầm mà Trần Dần gọi đùa là "thằng lãng mạn" (mà Hoàng Cầm quả vẫn lãng mạn thật!). Tôi tự hỏi không biết đến bao giờ thế hệ "trẻ" mới "chôn" nổi những "ông già" này ?


Văn Ngọc

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue dé Ecoles, Paris 5
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss