Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / Thư ngỏ của Đỗ Trung Hiếu

Thư ngỏ của Đỗ Trung Hiếu

- Đỗ Trung Hiếu — published 05/04/2011 00:15, cập nhật lần cuối 04/05/2011 12:18

Thư ngỏ của Đỗ Trung Hiếu



LTS. Đỗ Trung Hiếu tham gia Cách mạng từ năm 1956. Vì kiên trì hô hào “đổi mới toàn diện và triệt để” từ sau đại hội 6 đảng cộng sản Việt Nam (1986), đặc biệt trong khuôn khổ Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ do ông Nguyễn Hộ là chủ nhiệm, Đỗ Trung Hiếu đã bị Thường vụ thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh khai trừ khỏi đảng năm 1992. Tuy thế, ông vẫn tiếp tục tin tưởng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vốn đã “từng xã thân lãnh đạo dân tộc Việt Nam kháng chiến thành công”, sẽ có đủ bản lãnh, kinh nghiệm và “dũng cảm” để “chuyển chế độ chuyên chính vô sản sang chế độ dân chủ pháp trị”, nếu biết “đặt Tổ quốc và dân tộc lên trên hết”. Lập trường của ông trình bày trong bức thư ngỏ đăng dưới đây phải nói là khá ôn hoà và chung thuỷ. Dù vậy, trong tình hình kềm kẹp nghiêm ngặt về tư tưởng và công luận hiện nay, ông đã không thể phát biểu công khai ý kiến của mình qua báo chí và những phương tiện truyền thông khác ở Việt Nam. Đó là lý do khiến chúng tôi đăng lại toàn văn bức thư ngỏ này, dù chúng tôi thấy có một số câu chữ cần viết lại cho hoàn chỉnh hơn (như: “Nguyễn Ái Quốc khóc và la lớn giữa bầu trời giá buốt Paris...” (!), “ 4 chiếc dây thòng lọng siêu điện tử...” (?!), ...), cũng như một số ý kiến trình bày chưa rõ hoặc cần được thảo luận thêm (chẳng hạn: “thế giới không có đường biên giới quốc gia, chỉ có tuyến khống chế” (?), “Việt Nam là trọng điểm của chiến lược châu Á - Thái Bình Dương” (?!) “Việt Nam thực sự là điểm nóng mà 4 cường quốc đều quan tâm” (?!) ...), thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau (nếu tình hình sau Đại chiến thế giới thứ hai chỉ là “loài người bị chìm đắm vào cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn diện giữa cộng sản và tư bản.”, thì cả đoạn nói về cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc” có ý nghĩa gì?...).

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12.02.1994

Kính gửi:       

– Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam

– Bạn bè thân hữu

Lúc 05 giờ 00 – giờ Việt Nam – ngày 04.02.1994 (tức lúc 17giờ 00 – giờ Hoa Kỳ – 03.02.1994) Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bỏ lệnh cấm vận buôn bán với Việt Nam.

Như thế là sau nhiều cuộc vận động bí mật, công khai, Hà Nội và Washington đã đạt được thoả thuận. Chắc chắn trong thời ngắn Việt Mỹ sẽ lập lại bang giao. Và ngay sau đó, Mỹ sẽ dành cho Việt Nam tối huệ quốc (MFN). Bởi vì đây là đường lối chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam trong Châu Á - Thái Bình Dương, và Việt Nam cũng đã thay đổi chiến lược, sẽ hoà nhập hoàn toàn vào cộng đồng thế giới.

Trước tình hình này, với tư cách là công dân Việt Nam, là người cựu kháng chiến Việt Nam, tôi xin trình bày ý kiến của mình.


1. Kỷ nguyên mới bắt đầu:

Năm 1992, khi đã từ chức tổng thống Liên Xô, Gorbatchev sang thăm Mỹ. Đến đâu người Mỹ đều hỏi ông: “Kỷ nguyên Gorbatchev đã chấm dứt chưa?” . Ông trả lời: “Kỷ nguyên Gorbatchev mới bắt đầu”.

Vâng, kỷ nguyên Gorbatchev, tức kỷ nguyên “công khai dân chủ, loài người cùng mái nhà chung trong một xã hội nhân ái công bằng” mới bắt đầu.

Trái với công khai dân chủ là bí mật độc tài, trái với mái nhà chung là phân chia cát cứ, trái với xã hội nhân ái công bằng là xã hội hận thù bất công. Nhưng điều này đã được nhiều người đặt ra từ Cách mạng Mỹ 1776, Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc và Cách mạng tháng 10.1917 ở Liên Xô. Nhưng đến cuối thế kỷ 20, khi Gorbatchev đặt lại, nó trở thành ngọn triều cách mạng nóng bỏng ở Liên Xô, Đông Âu và chấn động toàn cầu. Bởi vì sau Đại chiến thế giới thứ hai, loài người bị chìm đắm vào cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn diện giữa cộng sản và tư bản. Cả hai phía đều nói về dân chủ, nhân ái và công bằng và nhân danh lý tưởng cao đẹp đó chống lại đối phương. Nhưng trong thực tế cả hai đều không làm đúng những điều mình nói, và chỉ có người dân vừa là đối tượng tranh giành vừa là nạn nhân của cuộc chiến ý thức hệ.

Trong chế độ tư bản văn minh, dân có pháp luật bảo vệ, được quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền tỏ thái độ chống chính quyền bằng hội thảo, mít-tinh, biểu tình, đình công để đòi quyền lợi của mình, tố cáo sai phạm chính trị và tội ác chính phủ nếu có. Người dân có quyền tư hữu, tự do phát huy cá tính. Trong chế độ cộng sản, ngược lại, chỉ có tập thể, cá nhân bị huỷ diệt. Đảng cộng sản là đại biểu của tập thể cao nhất. Cho nên, đảng viên nào cũng thấy mình có quyền, nhưng thực chất chẳng có ai có quyền, chỉ có tổng bí thư có mọi quyền, nhưng không trọn vẹn, vì phải lệ thuộc vào một số qui định của tập thể vô hình mà không xác định ai là người chịu trách nhiệm.

Bất hạnh cho dân tộc Việt Nam, hơn nửa thế kỷ qua đã là chiến trường của cuộc chiến ý thức hệ đó dưới nhiều dạng thức. Những người Việt Nam ở bên này hay bên kia giới tuyến, nói cho cùng đều là đồng bào ruột thịt, là những người bị thiệt hại và đáng thương hơn cả.

Khi Nguyễn Ái Quốc đọc luận cương giải phóng dân tộc của Lênin đã khóc và la lớn giữa bầu trời giá buốt Paris “Đây là cái dân tộc tôi cần”. Đúng là tấm lòng chân thành yêu nước của người Việt Nam mất nước đi tìm đường cứu nước. Rồi Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành người cộng sản. Nhưng yếu tố yêu nước vẫn là nền tảng xuyên suốt trong Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh. Trong bản tuyên ngôn người đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 02.09.1945, tinh thần yêu nước, yêu tự do, nhân ái bộc lộ rõ:

“... Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

“... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập”( 1).

Hành trang của Hồ Chí Minh là lòng yêu nước và xuất thân từ một gia đình nho giáo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, người luôn luôn tìm hiểu và sử dụng tất cả những gì có thể đem lại lợi ích cho cuộc giải phóng dân tộc. Vì vậy, người ta dễ thấy có cái gì như hiền triết, như thơ, đượm chất phương Đông trong nhà chính trị thiên tài này. Điều đó đã giúp người, với những kỹ xảo tuyệt diệu, vượt qua những khó khăn và sai phạm chính trị nghiêm trọng một cách dễ dàng mà người khác không làm nổi. Luồng gió cách mạng vô sản Liên Xô và Trung Quốc thổi sang Việt Nam, mang theo tư tưởng Stalin và Mao Trạch Đông từ những thập niên 20, 30 thu hút nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước đi làm cách mạng, đồng thời cũng gieo mầm mống độc hại từ ấy. Hầu hết những người Việt Nam đến với chủ nghĩa cộng sản bằng con đường yêu nước. Không có người Việt Nam yêu nước không có Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ vĩ đại khi ở trong lòng dân tộc và làm đúng nguyện vọng của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam ghi ơn Đảng cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam đánh đuổi xâm lược giải phóng xứ sở. Đảng cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phải ghi ơn dân tộc Việt Nam đã sản sinh và cưu mang mình.

Không thể nói chỉ có người cộng sản là yêu nước. Không thể kết luận số phận của dân tộc Việt Nam gắn liền với chế độ cộng sản. Không thể cho rằng sự mất còn của chế độ cộng sản cũng là sự mất còn của dân tộc Việt Nam. Lịch sử trung thực và công bằng đã chứng minh trải qua bao thời đại thăng trầm, số phận của mỗi triều đại có giới hạn. Nhưng dân tộc thì vĩnh hằng. Dân tộc Việt Nam còn nghèo khổ, xin Đảng cộng sản Việt Nam đừng tập trung sức của nhân dân Việt Nam để xây dựng chủ nghĩa cộng sản cho riêng Ban chấp hành trung ương Đảng.

Cuộc đối đầu giữa cộng sản và tư bản bằng xương máu của hàng chục triệu con người trên địa cầu suốt 74 năm đã đủ cho loài người mở mắt lắm rồi. Ngày 19.8.1991, Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tan rã toàn khối Đông Âu, đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản trên bình diện thế giới. Đây là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trước lòng dân, do nhân dân trong các nước xã hội chủ nghĩa đứng lên tự giải phóng mình là chính. Đây cũng là cuộc thức tỉnh, nhìn thẳng nhìn sâu vào chính mình, chấm dứt hận thù, mở rộng hợp tác thương yêu trong tinh thần hoà hợp, để chống lại những hiểm hoạ thời đại của toàn nhân loại: chiến tranh hạt nhân và vi trùng, nạn nhân mãn và thiếu lương thực, bệnh sida, nạn ô nhiễm môi trường...

Chỉ một trong những hiểm hoạ trên xảy ra đều có thể đưa nhân loại đến ngày tận thế. Cuộc chiến đấu chống những hiểm hoạ trên chưa có hiệu quả cao, nên kỷ nguyên mới cần phải phát động thành cao trào rộng rãi khắp địa cầu.


2. Việt Nam trong chiến lược toàn cầu:

Thời đại vi tính làm thay đổi toàn diện xã hội nhân loại với tốc độ phát triển chóng mặt. Không ai dám quyết đoán những gì sẽ xảy ra, cũng không một quốc gia nào đứng vững được trong thế riêng lẻ. Biên giới quốc gia bây giờ rất tương đối “Thế giới không có đường biên giới quốc gia, chỉ có tuyến khống chế ”(2). Tính khu vực và tính toàn cầu ngày càng thể hiện phong phú dưới nhiều dạng thức. Trí tuệ sung mãn của con người mới được sử dụng khoảng 30%. Ngày nào đó nó được sử dụng cao hơn hoặc được phát huy toàn thể thì nền văn minh nhân loại chắc sẽ bay bổng đến những biên giới mới.

Thế giới đang hình thành nhiều khu vực phát triển. Khối thị trường chung Âu Châu (EC), khối Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), khối thị trường tự do Bắc Mỹ (AFTA). Hết thảy đều khai thác thế mạnh liên minh trong sự phát triển của thế kỷ 21 là khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APEC). Năm 1985, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Gorbatchev đã phát biểu về chiến lược Châu Á Thái Bình Dương tại thành phố Vladiamia-Vostov, thu hút hầu hết sự quan tâm của các nước trong vùng và toàn thế giới. Trong Châu Á Thái Bình Dương có 4 cường quốc: Mỹ, Nhật, Nga, Hoa, trong đó Mỹ, Nhật thuộc nhóm nước G7. Việt Nam là trọng điểm của chiến lược Châu Á Thái Bình Dương. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược phát triển thế kỷ 21.

Ngày nay và mãi mãi về sau bốn cường quốc Mỹ Nhật Nga Hoa luôn luôn giành thế chủ động và thượng phong trong chiến lược Châu Á Thái Bình Dương. Có một số sự kiện, là người Việt Nam, cần phải quan tâm. Tháng 12.1993, tổng thống Mỹ Bill Clinton dự hội nghị Châu Á Thái Bình Dương tại Seattle và đã gặp chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại đó. Ngày 16.01.1994, đô đốc Charles Larson, tư lệnh các lực lượng vũ trang ở Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ đã đến thăm Việt Nam và họp báo tại Hà Nội. Đô đốc nói: “Về lâu dài, tôi nghĩ rằng Mỹ có thể cùng Việt Nam bàn đến sự hợp tác với nhau trong lĩnh vực quân sự để duy trì và bảo đảm sự ổn định ở khu vực năng động này”. Trong lúc ấy, Nga vẫn giữ độc quyền đóng quân tại cảng Cam Ranh, một cảng lớn có điều kiện thiên nhiên lý tưởng không kém gì cảng San Francisco của Mỹ.

Việt Nam thực sự đã là điểm nóng mà bốn cường quốc đều quan tâm. Việt Nam có thể nương vào sức mạnh của họ để cất cánh bay cao, bay xa. Nhưng cũng có thể sẽ là nạn nhân tự đưa đầu vào 4 chiếc dây thòng lọng siêu điện tử . Hoạ hay phúc là do dân tộc Việt Nam tự định đoạt số phận của mình là chính. Đó là thách thức của trí tuệ, lòng dũng cảm và biết nắm thời cơ, để đưa Việt Nam bay lên bầu trời quang đãng trong chiến lược toàn cầu, hay gãy cánh nằm bẹp dưới mặt đất, và tiếp tục đi chân đất nhiều thập niên nữa.


3. Thử tìm lối ra:

Tạo hoá sắp xếp cho Việt Nam cọ xát với các cường quốc hàng đầu thế giới, đương nhiên dân tộc Việt Nam phải có tư duy ngang tầm thời đại. Điều cần và đủ là Việt Nam phải biết vận dụng trí thông minh, lòng dũng cảm, nhìn thẳng vào vấn đề không cao ngạo tự ti, Việt Nam chắc sẽ tìm ra lối ra.

Những điều cần tránh là giáo điều, sùng bái cá nhân, bảo thủ, độc tài tham nhũng... Trong xu thế Việt Nam hoà nhập vào cộng đồng thế giới, thì nên tiến thêm một bước mạnh mẽ nữa là chuyển chế độ chuyên chính vô sản sang chế độ dân chủ pháp trị.

Đảng cộng sản Việt Nam từng xả thân lãnh đạo dân tộc Việt Nam kháng chiến thành công, thì cũng có dũng cảm từ bỏ vị trí độc tôn, đặt Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, để làm cuộc “Đổi mới chính trị”, hoàn thành công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để. Như vậy Đảng cộng sản Việt Nam giữ được vị trí của mình trong lòng dân tộc, giải quyết được quốc nạn tham nhũng hối lộ, cửa quyền, cuộc sống sa đọa của một đảng đương quyền đang bị căn bệnh trên hành hạ nguy cơ đến tính mạng. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam cứ khăng khăng nếp cũ, giống kiểu vua Tự Đức, thì dân tộc Việt Nam rơi vào bất hạnh, tụt hậu với các nước trên thế giới và Đảng cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ sụp đổ và bị lịch sử nguyền rủa muôn đời.

Cuộc đổi mới chính trị này cần nội dung gì, tiến hành ra sao, Đảng cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm làm việc đó. Đảng cộng sản Việt Nam đã từng tổ chức hội nghị Tân Trào, đã từng thành lập Mặt trận Việt Minh, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lập Chính phủ liên hiệp năm 1945. Những mặt trận và chính phủ đó thực sự tiêu biểu và được quần chúng tin cậy. Mặt trận đó có sức mạnh, chính phủ có năng lực và điều hành công việc, quản lý xã hội có hiệu quả. Ngày nay Đảng cộng sản Việt Nam còn có khả năng và điều kiện để làm được hoặc làm hơn thế nữa. Điều tiên quyết là Đảng cộng sản có thực lòng, có quyết làm hay không?

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thuận với đồng bào cả nước tiến hành cuộc đổi mới chính trị toàn diện và triệt để, thì tất cả các thành phần trong xã hội cũng vì tổ quốc và dân tộc mà biết tự chế, xoá bỏ hận thù trong quá khứ, hướng về tương lai, giữ sự phát triển trong ổn định và ổn định trong sáng tạo và phát triển. Bởi nếu không, chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ bị thiệt hại trước tiên và nhiều nhất.

Mong rằng những người từng nằm gai nếm mật, từng vào sinh ra tử, chịu đựng gian lao nguy hiểm, sẽ không bao giờ quên dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra mình và đùm bọc mình, sẽ không bao giờ quên những đồng đội, đồng bào đã ngã xuống cho ngày nay và ngày mai, sẽ có dũng cảm và rộng lượng, bình tâm, để quyết định sáng suốt: Tổ quốc và dân tộc trên hết.

Kính gửi đến Quí vị và Bạn hữu lời chào Hoà hợp đầu xuân Giáp Tuất.


Đỗ Trung Hiếu

7D Phùng Khắc Khoan Quận I
Thành phố Hồ Chí Minh



(1) Tuyên ngôn độc lập 02.09.1945

(2) Cuộc đấu tranh giành giật “biên giới mềm” của Thôi Húc Thần (Nhà xuất bản, giáo dục Tứ Xuyên 1992)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss