Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 29 / Hoàng Minh Chính, thư ngỏ thứ 2

Hoàng Minh Chính, thư ngỏ thứ 2

- Hoàng Minh Chính — published 05/04/2011 05:25, cập nhật lần cuối 07/05/2011 12:14

Trước thái độ chính quyền “lặng thinh, chẳng có gì hết”



Ông Hoàng Minh Chính
công bố thư ngỏ thứ 2



Diễn Đàn số 23 (10.1993) đã công bố thư ngỏ đề ngày 27 tháng 8. 1993 của ông Hoàng Minh Chính. Từ đó, Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của nhà nước cũng như lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn lặng thinh. Không những thế, cuối tháng 11.1993, công an phường Lê Đại Hành (Hà Nội) còn “theo lệnh cấp trên” công khai đe nẹt ông Chính với những lời lẽ thô bạo, vô giáo dục. Sự việc này cho thấy cuộc sống tinh thần và thân thể của ông có thể bị đe doạ, nhất là khi báo chí của nhà nước tiếp tục kêu gọi “cảnh giác”, chống “ diễn biến hoà bình”. Dưới đây chúng tôi đăng toàn văn thư ngỏ số 2 của ông Hoàng Minh Chính:



Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1993

Kính gửi Quốc hội khoá IX, kì họp thứ tư

Đồng kính gửi : Ban chấp hành trung ương ĐCSVN, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong mặt trận, Hội luật gia Việt Nam, các cơ quan truyền thông, các bạn hữu, họ hàng... (để đề nghị giúp vào việc thúc đẩy thực hiện đúng pháp luật).

Thưa Quí Vị,

Ngày 27.8.1993, tôi công dân Hoàng Minh Chính, nguyên Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, nguyên Tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, sĩ quan thương binh đã gửi đơn khiếu tố về Vụ án Xét lại – C hống Đảng, thường gọi là Vụ Hoàng Minh Chính, tới các cơ quan pháp luật cấp cao nhà nước – Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Quốc hội khoá IX – đồng gửi Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội Luật gia Việt Nam, các cơ quan truyền thông, các bạn hữu (để đề nghị thúc đẩy giải quyết theo đúng Hiến pháp và pháp luật).

Suốt bấy lâu nay, dư luận rộng rãi trong và ngoài nước đều quan tâm theo dõi kết quả giải quyết vụ nghiêm trọng đó đã kéo dài suốt 30 năm qua chưa dứt. Nhiều nhà trí thức, nhà văn nhà báo (thí dụ thư ngỏ của nhà văn Bùi Minh Quốc), các vị lão thành cách mạng và nhiều người có lương tri trong sáng đã không ngừng thăm hỏi tôi, trực tiếp hoặc gián tiếp xem các cơ quan hữu trách nhà nước đã trả lời và giải quyết ra sao.

Đáng tiếc là tôi chỉ có thể trả lời: “Lặng thinh, chẳng có gì hết”. Điều đó làm mọi người sửng sốt.

Vụ án xét lại – chống Đảng thuộc phạm trù pháp luật. Tôi xin phép gợi đôi điều luật pháp làm cơ sở cho suy ngẫm và giải quyết:

Hiến pháp năm 1960, điều 29 viết: “Công dân có quyền khiếu nại và tố cáo... Những việc khiếu nại và tố cáo phải được xét và giải quyết nhanh chóng”.

Hiến pháp năm 1992, điều 74, viết: “Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan nhà nước xem xét và giải quyết”.

Vụ án xét lại – Chống Đảng tạo dựng bởi ông Lê Đức Thọ và các Ban của ông hoàn toàn vô căn cứ, hoàn toàn phi pháp vô đạo lý nhân văn, vu khống nhiều chục, nếu không nói là cả trăm người vô tội gồm các nhà khoa học, nhà văn nhà báo, nam nữ, các sĩ quan, các tướng lĩnh, các bộ thứ trưởng, các uỷ viên Trung ương Đảng, các lão thành cách mạng...

Suốt 30 năm qua tới tận ngày nay, hàng nghìn đơn khiếu tố của những người trong vụ này gửi tới hết thảy các cơ quan hữu trách trung ương. Có người gửi vài chục đơn khiếu tố (thí dụ Thiếu tướng Đặng Kim Giang), có người gửi cả trăm đơn (như bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên Anh ngữ đại học). Tuy nhiên các đơn từ đó đều gặp phải bức tường im lặng suốt 30 năm dài.

Trước tình hình ấy, bất kì công dân nào cũng có quyền hỏi: Vậy Hiến pháp và các luật pháp được ban bố để làm gì? Các cơ quan hữu trách pháp luật nhà nước có chức năng, nghĩa vụ gì? Ở nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người dân Việt Nam có được Độc lập, Tự do, Hạnh phúc như tiêu ngữ ghi trên Quốc hiệu không? Số phận người dân bình thường sẽ ra sao?

Nhiều bạn hữu và nhiều người trung trực thường hỏi tôi: Liệu đơn khiếu tố ngày 27.8.1993 gửi các cơ quan hữu trách trung ương có bị rơi vào cảnh ngộ như vậy không, có bị các cơ quan pháp luật làm ngơ không?

– Pháp lệnh về khiếu tố năm 1991, điều 34, viết: “ Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân có trách nhiệm giải quyết t ố cáo”. Điều 36 viết: “1) Cơ quan tiếp nhận tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình phải thụ lý trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận... 2) Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 60 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo”. Điều 21 viết: “Cơ quan nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mình thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được phải báo cho người khiếu nại biết”. Điều 22 viết: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại”

– Luật tố tụng hình sự năm 1988, điều 24, viết: “ Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét và giải quyết nhanh chóng các khiếu nại và tố cáo, thông báo bằng văn bản kết quả cho người khiếu nại và tố cáo biết”.

Từ ngày tôi gửi đơn khiếu tố 27.8.1993 tới các cơ quan pháp luật hữu trách cao nhất của nhà nước CHXHCNVN tới nay đã trên ba tháng trời, vượt xa mọi thời hạn quy định của Hiến pháp và luật pháp kể trên đối với các cơ quan pháp luật phải tuân thủ.

Tuy nhiên, tôi không hề nhận được một “giấy báo đã tiếp đơn” (accusé de réception) theo thủ tục tố tụng thông thường. Tôi cũng không nhận được một thông báo bằng văn bản nào (hoặc bằng miệng) của bất kì cơ quan nào là đã xét đơn hoặc kết quả ra sao.

Như vậy, các cơ quan hữu trách cấp cao nhà nước đáp lại đơn khiếu tố hợp hiến pháp của công dân bằng sự im lặng tuyệt đối – vi phạm công nhiên Hiến pháp và luật pháp hiện hành.

Điều đó đã gây ra hai giả thuyết như các vị trí thức và lão thành cách mạng bàn luận:

1. Vụ án này lớn quá, sai quá và nghiêm trọng quá, nên chẳng ông to nào dại gì đưa nó ra mà xem xét, để rồi mang vạ vào thân.

2. Nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của Vụ án Xét lại Chống Đảng cũng giống như các vụ án tầy trời khác, nếu đưa ra xét xử, chả hoá ra tự mình xoá sổ mình à. Thà cứ lờ đi là thượng sách.

Còn ý kiến riêng tôi, trong sáu lần các đại diện Viện Khoa học xã hội Việt Nam và sau cùng là đại diện Ban Tổ chức Trung ương Đảng tới gặp tôi trong hai năm 1991 và 1992, tôi đã phát biểu rõ rằng:

– Căn cứ trên các sự kiện lịch sử 30 năm qua và trên các văn bản của cả 4 bản Hiến pháp và các sắc lệnh cùng các luật pháp đương thời và hiện hành, Vụ án Xét lại Chống Đảng là hoàn toàn vô căn cứ, phi pháp và phi đạo lý. Cách giải quyết đúng nhất, hợp hiến hợp pháp, hợp lòng dân là công khai tuyên bố huỷ bỏ bản án đó đi. Như vậy vãn hồi được phần nào lòng tin của dân. Chỉ có như vậy mới chứng minh được rằng nhà nước và đảng mong muốn thật sự xây dựng một nhà nước pháp quyền, tự do dân chủ, công bằng xã hội.

Bằng không, nếu cứ giữ Quyết định cũ về Vụ án Xét lại Chống Đảng, thì nên công bố công khai tội lỗi của những người bị quy kết cho quốc dân đồng bào được biết. Có nhiều người và cả chi bộ đảng đã yêu cầu như vậy. Làm như vậy đàng hoàng hơn, hợp pháp hơn. Tuy nhiên, muốn làm bất kì cách nào cũng đều phải phục tùng pháp luật – như Hiến pháp năm 1992, điều 4, câu cuối có viết: “ Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Không phải ngẫu nhiên, một tờ báo của Việt kiều ở Paris đã đưa ra một nhận xét có giá trị, hoàn toàn phù hợp với ý của tôi (tôi muốn đồng thời làm một thử nghiệm – test), báo đó viết: “Thái độ của chính quyền đối với thư ngỏ năm 1993 này (của công dân Hoàng Minh Chính) sẽ là thước đo thực tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền” [chú thích của toà soạn: tác giả trích báo Diễn Đàn số 23, tháng 10.93, trang 27].

Nhất trí với ý kiến sâu sắc đó của tờ báo, tôi kiên tâm chờ đợi kết quả cuộc thử nghiệm. Đồng thời tôi vẫn giữ đầy đủ quyền hợp pháp của bên nguyên đơn. Tuy nhiên, tôi không phải là người cố chấp, tôi sẵn sàng thương thảo, nhưng không chấp nhận bất kì sự áp đặt bạo lực nào.

Vừa mới rồi xảy ra một vụ Công an kiếm chuyện, đe nẹt tôi. Xin vắn gọn như sau:

Mọi người đều biết rằng, trong nghiên cứu khoa học, việc làm photocopy tư liệu và trao đổi với nhau là điều cần thiết sống còn của tất cả những người làm công tác khoa học. Lâu nay tôi vẫn photo ở cửa hàng 157A Bà Triệu, giá rẻ. CA mật thường xuyên theo dõi tôi đều biết rõ. Bỗng nhiên, chiều 26.11.1993, có tới năm người CA phường Lê Đại Hành tới nhà hàng 157A Bà Triệu đòi kiểm tra văn hoá các tư liệu tôi vừa photo xong. Tôi đồng ý cho họ kiểm tra trước mặt cả chục người dân phố. Tôi ôn tồn giải thích cho họ rằng đó là các bản nghiên cứu khoa học, các bài báo và văn nghệ hợp pháp như của giáo sư Phan Đình Diệu, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là những nhà khoa học nổi tiếng quốc tế, hoặc của nhà văn Bùi Minh Quốc, phó tiến sĩ sinh học Hà Sĩ Phu [bút hiệu của ông Nguyễn Xuân Tụ, chú thích của toà soạn]... Nghe tới tên ông Hà Sĩ Phu, một CA viên nổi nóng: “Thằng Hà Sĩ Phu, khoa học cái gì? Cả Lữ Phương nữa!” Tôi bình tâm giải thích họ rằng các tài liệu đều thuộc bình diện khoa học. Một CA viên nói: đưa về đồn xét, đồn cũng nghiên cứu khoa học. Tôi nói: “ Nghiên cứu khoa học là thuộc các viện khoa học còn đồn công an là làm trật tự an ninh chứ”. Người CA kia chỉ tay vào mặt tôi: “ Mày câm mẹ cái mồm mày đi!” . Tôi liền phân bua: “Bà con dân phố làm chứng giúp tôi, người CA này chỉ bằng tuổi con tôi lại chửi tôi “ Mày câm mẹ cái mồm mày đi!” Hắn liền chối phắt: “Tôi có nói như thế đâu!”. Tôi phân bua tiếp: “ Bà con thấy đấy, anh ta vừa mới buông mồm lăng nhục tôi, rồi lại chối phắt liền, chẳng còn nhân phẩm gì cả”. Họ buộc tôi về đồn.

Tại đồn CA, tôi bảo với họ rằng: Các anh hành động rất sai trái, kiếm chuyện tôi, thoá mạ tôi, bà con khu phố sẽ chê cười các anh. Biên bản viết thật rõ ràng vào để tôi còn photo làm nhiều bản đưa cho các bạn hữu, các nhà cách mạng lão thành xem biết. Các anh tưởng ngày nay bắt người dễ dàng à?

Người viết biên bản nói: “Cháu có thoá mạ cụ đâu. Đó là người khác đấy chứ. Cụ xem đấy, cháu rất lễ độ với cụ. Chúng cháu phải chấp hành lệnh của cấp trên”. Viết xong, anh ta đưa cho thủ trưởng ký. Lúc đó tôi mới rõ rằng người lăng nhục tôi và thoá mạ ông Hà Sĩ Phu lại chính là Đồn trưởng Đồn CA phường Lê Đại Hành tên là Nguyễn Văn Giản. Cho tới nay các tư liệu của tôi họ vẫn giữ chưa trả lại cho tôi.

Việc làm như trên của đồn CA này không phải là ngẫu nhiên. Như họ nói, họ thực hiện “theo lệnh cấp trên”.

Hiến pháp năm 1992, điều 60, viết: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học”, điều 69 viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận... có quyền được thông tin”, điều 71 viết: “ Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể... Nghiêm cấm mọi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.

Những hành vi như trên của đồn CA có coi luật pháp nhà nước ra gì không?

Trước tình hình đó, tôi lo ngại rằng việc nghiên cứu khoa học của tôi sẽ bị ngăn trở, đời sống tinh thần tôi sẽ bị gây nhiễu loạn và an ninh thân thể tôi cũng bị đe doạ.

Đáng buồn thay! Suốt đời vì nước vì dân, vì tự do dân chủ đích thực, vì công bằng tiến bộ xã hội – mà lại được các cơ quan nhà nước đối xử nghiệt ngã làm sao!!

Thưa Quí Vị đại biểu Quốc hội,

Tôi hi vọng rằng, các Quí Vị sẽ vui lòng “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân thủ theo Hiến pháp, luật pháp (như điều 84, Hiến pháp năm 1992 viết) – thật công minh chính đại, công khai Vụ án Xét lại Chống Đảng như đơn khiếu tố ngày 27.8.1993 và đơn này của tôi. Xin cảm ơn.

Kính,


Công dân Hoàng Minh Chính

(nơi ở: 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss