Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 33 / Việt Nam, Asean và Đông Nam Á

Việt Nam, Asean và Đông Nam Á

- PHONG QUANG — published 13/04/2011 00:40, cập nhật lần cuối 12/05/2011 13:34

Bình luận


Việt Nam, Asean
và Đông Nam Á

 

Mùa xuân 1994 đã được đánh dấu bằng sự cải tiến quan hệ Việt-Mỹ với quyết định bỏ cấm vận. Sang mùa hè, nền ngoại giao Việt Nam tập trung vào hướng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Hai mốc quan trọng đánh dấu quá trình gia nhập ASEAN của Việt Nam:

– Ngày 28.7 tại Bangkok, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm gặp ngoại trưởng của 6 nước thành viên ASEAN. Sau cuộc hội đàm này, ASEAN tuyên bố chấp nhận “về mặt nguyên tắc” sự gia nhập của Việt Nam (từ hai năm nay, là quan sát viên) với đầy đủ tư cách thành viên. Còn lại là những vấn đề “kỹ thuật” (xem dưới) phải giải quyết, để tới sang năm, trong cuộc họp thường niên 1995 tại Brunei, ASEAN sẽ chính thức quyết định.

– Cuộc gặp gỡ nói trên diễn ra sau khi kết thúc Diễn đàn Khu vực của ASEAN (ARF: ASEAN Regional Forum), bao gồm 9 nước Đông Nam Á (6 nước ASEAN: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, 3 nước Đông Dương: Cambốt, Lào, Việt Nam; chỉ còn thiếu Miến Điện) và các đại diện của Mỹ, Liên hiệp châu Âu. Canada, Australia, New Zealand, Papua New Guinea, cũng như của Trung Quốc, Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) và Nga. Đây chỉ là một diễn đàn trao đổi ý kiến (một cách ngoại giao) về an ninh khu vực, song nó cũng đánh dấu vai trò quan trọng của Đông Nam Á trong khu vực Thái Bình Dương: sức sống của ASEAN, nhu cầu của bản thân ASEAN và ý muốn của 4 nước còn lại ở Đông Nam Á (3 nước Đông Dương và Miến Điện) tiến tới một hiệp hội ASEAN bao gồm toàn bộ 10 nước trong khu vực. Chính để đi tới mục tiêu này mà cuối tháng 5 vừa qua, đã đề ra ý kiến thành hình một Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á, coi đó là bước quá độ (chuyển tiếp) cần thiết do sự chênh lệch trong trình độ phát triển giữa 6 nước ASEAN và 4 nước kia.

Trong bối cảnh chung của Thái Bình Dương và của thế giới sau chiến tranh lạnh (mà hai nhân tố cơ bản là: (1) triển vọng to lớn của vùng châu Á - Thái Bình Dương, (2) sự phức tạp và tính cách hoàn toàn mới của các dữ kiện chiến lược – kinh tế quốc tế), sự thành lập một cộng đồng Đông Nam Á có một ý nghĩa quan trọng và cũng mang nặng những khó khăn và mâu thuẫn.

Đầu tiên là những vấn đề nội bộ của Đông Nam Á:

– Nếu về mặt địa lý, với tất cả sự đa dạng của thế đất và sự phân bố lục địa / hải đảo cũng như phân bố dân cư, Đông Nam Á rõ ràng là một thực thể, thì về mặt chính trị cũng như kinh tế trong lịch sử cận đại, nó chưa hề tồn tại. Cho đến những năm gần đây chưa có một ý thức Đông Nam Á.

– So với các khu vực châu Mỹ La tinh, Đông Âu, châu Phi, Tây Á, thì Đông Nam Á là một vùng tương đối (rất) ổn định – một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển –, song cũng không thiếu mầm mống xung đột vũ trang: Miến Điện, Cambốt, Đông Timor.

– Sự phát triển của ASEAN tự nó dẫn tới hai đòi hỏi mâu thuẫn nhau: một là phải tăng cường và nâng cao sự hợp tác (về mặt kinh tế, cụ thể là Hiệp định Mậu dịch Tự do ASEAN AFTA ưu đãi lẫn nhau về quan thuế), hai là phải mở rộng ASEAN cho cả 4 nước còn lại ở Đông Nam Á, mà trình độ phát triển còn tụt hậu, không thể nào kham nổi những quy ước hiện hành về mậu dịch, chưa nói chi đến những biện pháp củng cố đang dự kiến.

– Sự khác biệt còn khá lớn trong thể chế chính trị: 6 nước ASEAN nói chung là những chế độ chuyên chính thiên hữu đang phải thích ứng với quá trình dân chủ hoá đã trở thành yêu cầu của xã hội và của bản thân trình độ phát triển kinh tế; 3 nước Đông Dương và Miến Điện đang từng bước chuyển từ chế độ toàn trị “thiên tả” sang cơ chế kinh tế thị trường mà vẫn muốn duy trì chế độ độc đảng (trừ Cambốt) trong khi dân chủ hoá là đòi hỏi khách quan của phát triển kinh tế trong thời đại hiện nay, mặc dù đó chưa phải là đòi hỏi bức xúc trong ý thức xã hội. Các chính quyền “tả” cũng như “hữu” ở khu vực này đang tâm đầu ý hiệp về một quan niệm dân chủ nhân quyền đặc thù của châu Á rất mơ hồ (và không thể không mơ hồ) để phủ nhận vấn đề, song mâu thuẫn giữa xã hội đang biến chuyển sâu sắc và thể chế phi dân chủ sẽ là vấn đề nổi cộm ở Đông Nam Á trong thập niên tới đây. Hào quang thành công kinh tế chói lọi của một Lý Quang Diệu sẽ không át được ánh sáng hôm nay còn le lói của một Aung San Suu Kyi mảnh mai mà kiên định.

Trên bình diện quốc tế, ASEAN phải chuyển mình và cộng đồng Đông Nam Á phải hình thành trong bối cảnh phức tạp của một thế giới vùn vụt đổi thay. Song những dữ kiện mấu chốt cũng khá rõ nét chỉ cần tóm tắt sơ lược:

– quan hệ bất bình đẳng giữa phía Bắc và phía Nam địa cầu, trong đó có những vấn đề cụ thể thời sự: thoả ước chung GATT (phía Nam chấp nhận tác quyền trí tuệ và nhiều ràng buộc khác, nhưng ngược lại, vẫn phải chịu thiệt về giá cả nông sản), các nước công nghiệp Âu-Mỹ vẫn than thở về xu hướng dời chỗ doanh nghiệp (délocalisation).

– nhu cầu củng cố thế lực của Đông Nam Á trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để có thể đối trọng với khối Bắc Mỹ (NAFTA), Nhật Bản, Trung Quốc, châu Đại Dương

– chính sách của Trung Quốc, đặc biệt ở trên vùng biển, là nơi Trung Quốc tăng cường và phô trương lực lượng một cách lộ liễu, đồng thời sử dụng cả hải quân địa phương làm hải tặc (cũng không nên quên Trung Quốc bán súng đạn cho tập đoàn quân phiệt Miến Điện, và chưa hoàn toàn chấm dứt việc nuôi dưỡng Pol Pot). Chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên lãnh hải ở khu vực là hòn đá thử vàng của cộng đồng Đông Nam Á, và cũng là vấn đề đang đặt ra trong quan hệ của các cường quốc đối với Trung Quốc.

Đặt trong bối cảnh chung đó, chúng ta mới thấy rõ ý nghĩa và những hệ quả của việc Việt Nam gia nhập ASEAN.

Nhiều nhà ngoại giao ASEAN không ngần ngại nói rằng “chướng ngại lớn nhất ngăn cản Việt Nam trở nên thành viên đầy đủ của Asean không phải là chế độ chính trị, cũng chẳng phải là nền kinh tế” mà là tình trạng “ quan chức cao cấp Việt Nam thiếu người nói thạo tiếng Anh” (hàng năm, ASEAN có 200 cuộc họp lớn nhỏ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ làm việc) (AFP, 23.07.94).

Học tiếng Anh đúng là vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay, không chỉ riêng cho các quan chức cao cấp. Song, ngoài vấn đề ngôn ngữ, cơ chế kinh tế cũng là chướng ngại đáng kể trên con đường hội nhập của Việt Nam. Cụ thể là khả năng tuân thủ những nghĩa vụ kinh tế và tài chính của ASEAN. Trong khi Philippines sốt sắng tán thành việc kết nạp Việt Nam, thì thủ tướng Singapore, ông Goh Chok Tong, sau chuyến đi thăm tháng 3.94 còn tuyên bố “không có cảm tưởng Việt Nam sẵn sàng gia nhập ASEAN ngay lúc này”. Một thí dụ: như đã nói trên, hiệp định AFTA chủ trương giảm quan thuế trong mậu dịch giữa các nước ASEAN xuống mức 5% (trong vòng 15 năm, không những thế, Thái Lan còn đề nghị rút ngắn thời hạn này xuống 10 năm), trong khi đó, để cứu sống nền công nghiệp của mình, Việt Nam buộc phải tăng thuế nhập khẩu. Một vài nước ASEAN đã có ý miễn cho Việt Nam phải tuân thủ hiệp ước AFTA trong thời gian đầu. Ý kiến thiện chí và thực tế này có được toàn khối tán thành không? Cuộc họp các bộ trưởng kinh tế của ASEAN nhóm họp ngày 21.9 tới đây tại Chiang Mai (bắc Thái Lan) với sự tham gia lần đầu của Việt Nam có thể sẽ mang lại những yếu tố cho ta trả lời câu hỏi này.

Ít nhất về mặt chính trị các nhà quan sát đều cho rằng các chướng ngại chính đã được khắc phục về đối nội (sự chống đối của phe bảo thủ đã giảm hẳn đi) cũng như về đối ngoại (các nước ASEAN, đặc biệt là Singapore, không còn e ngại Việt Nam). Một đoạn đường xa dẫu sao cũng đã được vượt qua, nếu ta nhớ rằng ASEAN ra đời cách đây 27 năm, với mục đích là chống cộng ở Việt Nam, và trong thập niên 1980, được củng cố và tạo thế mạnh trong bối cảnh cô lập Việt Nam của Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Vẫn biết chính trị và kinh tế trước tiên và xét cho cùng là tương quan thế lực và thực lực. Song, mở đầu một thời kỳ mới trong một tinh thần mới, nhiều khi một cử chỉ một lời nói cũng có một giá trị quan trọng không kém vật chất. Chúng tôi xin mạo muội đưa ra một đề nghị:

Vùng biển ở Đông Nam Á mà hiện nay, ngoài Trung Quốc và Việt Nam, còn có 4 nước khẳng định chủ quyền, chưa có một tên gọi được quốc tế đồng tình. Trung Quốc gọi nó là Nam Hải, nhiều báo chí quốc tế dịch theo là Mer de Chine du Sud. Việt Nam gọi nó là Biển Đông, thật là đúng với cách nhìn Việt Nam, nhưng thật khó thuận tai người Philippines (không rõ họ có gọi ngược là Biển Tây chăng?).

Để khẳng định ý thức Đông Nam Á đang thành hình, tại sao Việt Nam không đề nghị và chủ động từ nay gọi Biển Đông là Biển Đông Nam Á (Mer de l’Asie du Sud-Est)?


PHONG QUANG

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss