Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 37 / Lá thư đầu năm

Lá thư đầu năm

- Diễn Đàn — published 02/01/2011 00:20, cập nhật lần cuối 14/05/2011 11:35

Lá thư đầu năm



20.50.- 5.

Tuỳ theo thời điểm qui chiếu, 1995 theo phong tục hiện đại là một năm “chẵn” của những sự kiện đáng hoặc cần nhắc tới. 20 năm kể từ ngày đất nước thống nhất; 50 năm từ cuộc Cách mạng tháng Tám ngất lòng người dân Việt; và còn 5 năm nữa là tới năm 2000, một cột mốc với tính tượng trưng được cả thế giới nhìn nhận. Vậy, trước thềm năm mới, người Việt Nam có thể chờ đợi, ước mong những gì?

Những lễ lộc vui tươi chăng? Chắc ít ai phủ nhận, với những “đổi mới” từ mấy năm nay, kinh tế đã khá hơn, cả về các chỉ số vĩ mô và trong cuộc sống hàng ngày bớt chật vật. Sự chuẩn bị gia nhập ASEAN cũng đang diễn ra tích cực, tạo những điều kiện khách quan mới ngăn chặn các bước lùi về những chính sách giáo điều tai hại của một thời đã qua. Song, nếu các thế lực ngoại bang có trách nhiệm chính đã gieo tang tóc chiến tranh suốt 30 năm trời, nhức nhối hơn vẫn là những vết thương chia rẽ do những bộ phận của dân tộc gây ra đối với chính bản thân đồng bào, anh em mình. Nhất là khi chúng không những không được thừa nhận mà còn tiếp tục được đào xới, mỗi bên dùng những đối thủ cực đoan nhất của mình làm bình phong để trốn tránh trách nhiệm của chính mình. Và khi những người ở địa vị thắng trận, cầm quyền bính trong tay, tưởng có thể ngự trị độc tôn như những hoàng đế nông dân của nhiều thế kỷ trước, ép mọi người phải qui phục, miệt thị những đòi hỏi dân chủ thông thường nhất của xã hội ở cuối thế kỷ 20 này. Những ngày lễ đang được chuẩn bị với sự tăng cường các biện pháp “an ninh” mang đầy tính chất đối phó với những tiếng nói phản kháng. Các nhà tù tiếp tục giam giữ nhiều công dân có tội danh duy nhất là đòi thực thi các quyền tự do ghi trong chính bản Hiến pháp của chế độ. Giữa khi cần động viên ở mức cao nhất tài sắc và thiện chí của mọi người vào việc giải quyết hàng loạt những vấn đề lớn của đất nước đang đứng trước “ nguy tụt hậu” đối với thế giới chung quanh và ngay cả đối với bản thân cuộc sống của dân tộc!

Không phải chỉ là những vấn đề trực tiếp liên quan tới phát triển kinh tế, như tiền vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, việc giải quyết thất nghiệp, nạn tham nhũng, buôn lậu, v.v... Một ví dụ nổi cộm: sự xói mòn nghiêm trọng của môi trường sống, mà những chính sách kinh tế ăn xổi ở thì không thể góp phần ngăn chặn. Các trận bão lớn vẫn cứ thường xuyên gây lụt lội lớn hơn các thời kỳ trước, khi rừng tiếp tục bị tàn phá. Báo chí trong nước thường xuyên nêu các ví dụ phá huỷ môi trường, và những cái lắc đầu chán ngán, bất lực của những người hữu trách thường chẳng có bao nhiêu quyền hạn trong bộ máy!

Có thể kể nhiều vấn đề khác, song có lẽ, nhức nhối hơn cả vẫn là sự tiếp tục xuống cấp của nền giáo dục, kéo theo những giáo lý cơ bản về phép ứng xử, đạo đức trong cuộc sống hàng ngày. Sự “đào tạo” vội vã, ăn xổi, của các trường lớp dạy tiếng Anh, tin học, quản lý chưa đủ sức cung cấp các cán bộ thừa hành cho những công ty ngoại quốc, không nói tới những việc lấp các lỗ hổng kiến thức của những viên chức có nhiệm vụ điều hành công việc của nhà nước, mà chỉ một phần công việc là giao dịch với các công ty nước ngoài ấy. – Chưa kể sự ưu tiên chọn lựa người vào các chức vụ quan trọng của nhà nước, không phải dành cho những người có tài năng và lòng trung thành với đất nước, mà trước hết cho những kẻ biết cúc cung, tận tuỵ với sự nghiệp của đảng cầm quyền... và với cấp trên. Những ưu tiên không thể được thay đổi một cách cơ bản khi sự độc quyền của đảng vẫn là chủ thuyết chính thống, sẽ tiếp tục làm thui chột những hoài bão của các thế hệ trẻ, mà không một lời kêu gọi nào cứu vãn được. Báo Tuổi Trẻ chủ nhật số ra ngày 4.12.1994 viết bài về “tuyển dụng công khai trí thức trẻ” báo động sự bất cập của ngành giáo dục đại học, khiến cho “ 12.000 sinh viên tốt nghiệp trong cả nước vẫn chưa được thị trường chấp nhận”. Qua bài viết, người ta hiểu là thị trường lao động ở đây chỉ nói tới các công ty kinh tế. Chẳng ai đặt vấn đề vào những cơ quan điều hành nhà nước, là những nơi đảng tịch mới là mảnh bằng tiến thân!

Một nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày Việt Nam long trọng tuyên bố với thế giới quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc của mình. Và 20 năm sau khi chiến tranh đã chấm dứt, ai còn có thể được thuyết phục rằng tình trạng lạc hậu, thiếu thốn tự do ngày nay là do những thế lực ngoại bang chi phối?

Sự độc chiếm quyền lực của một đảng chính trị, sự từ chối những quyền tự do, dân chủ của xã hội, rõ ràng là lý do chính của tình hình kinh tế-xã hội khốn đốn làm sụp đổ các nước “xã hội chủ nghĩa hiện thực” ở châu Âu. Những giải pháp đổi mới kinh tế cộng với một thế chính trị mạnh mà đảng Cộng sản Việt Nam có được sau chiến tranh đã cho phép đảng tránh được sự sụp đổ tương tự. Yêu cầu của người dân cũng không nhất thiết là xảy ra sự sụp đổ đó. Song, nghĩ về những mốc thời gian của năm 1995 và hiện tình đất nước, có thể nào không mong mỏi và tự nhủ cần cố gắng cho những đổi thay đích thực hơn, góp phần tạo điều kiện để giải quyết bao nhiêu khó khăn còn đợi chờ trước mắt.


Diễn Đàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss