Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 38 / Một người bạn hiếm

Một người bạn hiếm

- Trần Đạo — published 03/01/2011 01:35, cập nhật lần cuối 14/05/2011 15:17

Một người bạn hiếm


Trần Đạo

 

“ Mình đã gần năm mươi tuổi, còn sống được chẳng bao nhiêu năm. Nhiều hay ít, phải sống cho ra người”. Hương nói với tôi như thế. Khi chị cười, chị tươi rói, lộng lẫy. Khi chị không cười, gương mặt chị đầy nghị lực, phảng phất buồn và cô đơn.

Có lẽ vì thế, trong môi trường Việt Nam, một hành động tầm thường của Dương Thu Hương như đi Pháp thăm gia đình, bè bạn, gặp độc giả, tìm mối đầu tư cho phim Mộng Du, cũng khơi nhiều xáo động, nhiều ý nghĩa, nhiều giá trị.

Đầu những năm 80, Dương Thu Hương có cơ hội để đi Mỹ sống một cuộc sống ấm áp, sung túc: chị từ chối, lựa chọn sống và tranh đấu tại quê hương. Đã 16 lần chị được mời dự sinh hoạt ở các nước Tây Âu. Một mặt, chị không ưa xin xỏ thẻ thông hành, mặt khác, chị cũng không có nhu cầu đi. Do đó, chị chưa bao giờ đòi đi. Năm nay, chị muốn đi một chuyến xem sao, chị đòi cái quyền công dân của chị. Chuyện bình thường ấy, nhiều nhà văn Việt Nam khao khát thực hiện, nhưng hồ sơ cứ loanh quanh trong các bộ, các cơ quan. Riêng đối với Dương Thu Hương, phải giải quyết nơi bộ chính trị. Chính vì chị công khai đòi quyền công dân của mình mà cuối cùng, chị được cấp hộ chiếu, chẳng cần đổi chác bất cứ gì.

Điều nổi bật trong chuyến Tây du của Dương Thu Hương ở Pháp là sự tin cậy, trìu mến của bạn bè, công chúng, Việt Nam và ngoại quốc. Trong suốt thời gian năm tháng, cần gì, thích gì, chị đều sẵn có người muốn lo cho.

Tuần đầu, chị vui sum họp gia đình ở Bretagne. Tuần sau, và tới khi về, chị đi thắng cảnh Paris với bạn, xem điện đài, bảo tàng, nghe nhạc, xem phim, thăm những khu phố xinh đẹp, kín đáo của thành phố, nếm các món ăn tứ xứ. Tuần thứ ba, chị viếng bờ biển Địa Trung Hải, thăm bảo tàng Maeght, ngắm tượng của Giacometti, tranh của Braque. Rồi thăm núi Jura, vui chơi, chuyện trò ở một làng hẻo lánh với một nhà xuất bản và một số nhà văn Pháp và Thụy Sỹ. Trở về Paris, chị có chỗ ở độc lập, không gian riêng của mình, giữa đảo Saint Louis cạnh nhà thờ Notre Dame, và luôn luôn có bè bạn, nhà văn, trí thức Việt Nam và ngoại quốc quây quần, mời đến nhà, đi xem Opéra, đi nghe Đặng Thái Sơn đánh piano... Nhà toán học Laurent Schwartz, tuy đã hơn 80 tuổi, không ngại dự hai buổi sinh hoạt với chị. Các nhà báo Pháp, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Mỹ... tìm chị phỏng vấn. Hội Société des Gens de Lettres tiếp đón chị tại Maison des Ecrivains. Bè bạn, độc giả, nhà văn, tới chật kín cả hai phòng để đàm luận với chị. Hiếm có một buổi ký sách hào hứng và thành công như thế ở đó. Hai buổi gặp độc giả Mỹ tại các tiệm sách Brentano's và Village Voice đều tốt đẹp như thế. Chủ tiệm Brentano's đặt mua cấp tốc bản tiếng Anh truyện Những Thiên Đường Mù từ Mỹ mang qua. Chỉ một buổi cuối chiều, bán sạch. Chị thăm và chuyện trò với Việt Kiều ở Lyon, Grenoble, ở Paris tại đại học Paris 7. Buổi nào cũng chật ních và hào hứng. Tại Aix en Provence, các giáo sư, sinh viên, và kiều bào cũng đến chật giảng đường dự buổi bàn tròn về văn học Việt Nam. Đài France Culture, mục văn chương nổi tiếng Les nuits magnétiques phát thanh một chương trình một giờ chung quanh con người và tác phẩm của Dương Thu Hương. Báo Le Nouvel Observateur mời chị thảo luận với năm nhà văn Jorge Semprun (Tây Ban Nha), Mario Vargas Llosa (Pérou), Wole Soyinka (Nobel văn chương, Nigéria), Allen Ginsberg (Mỹ) và Jean Daniel (Pháp) tại khách sạn Ritz, và chiêu đãi chị cùng với hàng trăm nhà văn và trí thức các nước ngay trong điện Louvre. Sau cuộc thảo luận, Jorge Semprun nắm tay chị: “Merci d’avoir survécu et d’avoir écrit” (cảm ơn bà đã sống sót và đã viết văn). Festival des 3 Continents mời chị đến ở thành phố Nantes suốt một tuần để xem phim Á, Phi, châu Mỹ La tinh. Chị dự buổi gặp gỡ ủng hộ Talisma Nasreen tại Không gian Cardin trên đại lộ Champs Elysées. Bạn bè ở Ý và Bỉ cũng mời chị sang chơi. Giám đốc văn học của nhà xuất bản Mỹ William Morrow lấy máy bay từ New York qua Paris để gặp và ăn cơm Việt Nam với chị.

Có lẽ chưa có nhà văn Việt Nam nào thăm Pháp mà được nhiều người quý trọng, trìu mến, thiết tha như Dương Thu Hương.

Một điều nổi bật nữa ở Dương Thu Hương là tính công khai trong cuộc sống, hành động, lời nói. Nghe tin chị qua Pháp, nhiều người ngạc nhiên, có người nghĩ chị đã thoả hiệp với chính quyền nên được phép đi. Câu chuyện vừa đơn giản vừa quyết liệt hơn: chị cương quyết đòi quyền công dân của mình, sẵn sàng đấu tranh công khai cho nó. Thế là được đi. Gặp bạn bè, nhà báo, độc giả, chị luôn trình bày thẳng thắn quan điểm, ý nghĩ trung thực của mình, không hề vuốt đuôi ai. Khi Bộ Văn hoá Pháp gợi ý trao tặng danh hiệu Chevalier des Arts et des Lettres, chị nhận với nghi lễ công khai. Chị không hề chạy theo các thứ danh hiệu, danh vọng. Nhưng, là nhà văn bị o ép, không còn được đăng ở ngay trong nước mình, hiện có một tiểu thuyết chờ giấy phép xuất bản từ hơn ba năm nay, chị muốn chứng tỏ: chị vẫn có thể sống tự do vì chị sẵn sàng trả giá. Sau nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, hoạ sĩ Lê Bá Đảng, bà Kim Lefèvre, chị là người Việt Nam thứ tư, và là nhà văn Việt Nam (trong nước) đầu tiên, được trao tặng danh hiệu đề cao sự đóng góp quý báu của một người nghệ sĩ cho văn học và nghệ thuật chung của nhân loại. Trong buổi sinh hoạt do các hội Hữu nghị Pháp-Việt và Bạn của Đông Nam Á, ngày 3-12-1994, tại viện bảo tàng Guimet, ông Cù Huy Cận, người vừa lên án (ở Việt Nam) việc trao tặng danh hiệu Chevalier des Arts et des Lettres cho Dương Thu Hương, khi đọc diễn văn về văn chương Việt Nam hiện đại, đã khéo lờ Bảo Ninh, nhưng không dám quên tên Dương Thu Hương! Thế là hiểu đời, là khôn. Vặt.

Chuyện hồi hương của Dương Thu Hương cũng thú vị. Chị được giấy xuất cảnh 3 tháng. Vì công việc bề bộn, chị đánh fax về Việt Nam xin gia hạn thêm hai tháng. Dĩ nhiên, không có trả lời, chỉ có lời hăm doạ gia đình chị. Chị lại đánh fax yêu cầu Nhà nước làm việc nghiêm chỉnh, trả lời chị bằng công văn. Cuối cùng Nhà nước không trả lời, Đại Sứ và Lãnh Sự Việt Nam tại Pháp lẩn trốn. Chị liền công bố ngày về, chuyến bay của mình. Tới Nội Bài, họ khám xét 4 valy của chị trong 3 tiếng đồng hồ, giữ lại một caxét nhạc, một số báo Croissance, một lá thư của dịch giả Hà Lan đã dịch Những Thiên Đường Mù Tiểu Thuyết Vô Đề! Tội nghiệp. Chị tới Paris với 1 valy. Chị về Việt Nam mang thêm 3 valy đầy quà cho bạn, không mang quà cho chính mình.

“Phải sống cho ra người”. Tôi nhớ mãi lời của chị. Đi chơi nhiều với chị, tôi hiểu vì sao, tuy rất đơn độc, chị vẫn sống được cho ra người. Chị có mấy đặc tính ít khi gặp trong cùng một người: không biết ganh ghen, luôn luôn ngay thẳng, không có nhu cầu chinh phục người khác, cho được gì là cho, đặc biệt thuỷ chung với bạn, và tự giải phóng được mình khỏi sự sợ hãi. Một con người tự do. Một người bạn hiếm.

Những tác phẩm của Dương Thu Hương xuất bản tại ngoại quốc

1. Chuyện tình kể trước lúc rạng đông: Pháp, Đức

2. Những Thiên Đường Mù: Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan , các nước Anh ngữ (Penguin Books)

3. Tiểu Thuyết Vô Đề: Pháp, Mỹ. Sắp ra: Đức, Hà Lan.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss