Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 39 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 05/01/2011 00:00, cập nhật lần cuối 14/05/2011 21:31

Bạn đọc và Diễn Đàn


Ấn kiếm đó là của nước ta

Vừa qua tôi có đến siêu thị Le bon marché Rive Gauche (Paris) xem cuộc triển lãm Le Vietnam des Royaumes và cuộc triển lãm bán hàng mỹ nghệ Việt Nam và sản phẩm của 5 nhà tạo dáng (designers) gốc Việt Nam.

Hàng mỹ nghệ được chọn lựa phù hợp với khẩu vị Âu Tây nên bán rất chạy. Sáng tạo của Christian Đức, Quasar Khánh, Tan Giudicelli, Jean Đinh Văn và Pierre Lê Tân độc đáo và đa dạng, tất nhiên không phải trong tầm của mọi túi tiền. Một cái quần và một cái yếm (xem lại nhớ cái yếm... của Đặng Tiến, trong Diễn Đàn số 38) do Tan Giudicelli vẽ kiểu đề giá... 700F!

Đây tôi muốn viết về cuộc triển lãm Vietnam des Royaumes ở tầng hầm, rất tiếc Diễn Đàn không thông báo trước để bà con đi xem. Tuy không nhiều, nhưng đó là những bộ sưu tập quý giá: những hiện vật của nền văn hoá trống đồng Đông Sơn, điêu khắc Chăm, đồ gốm Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Giá trị không kém là bộ hình màu ghi lại các khía cạnh đời sống hồi đầu thế kỷ của Léon Busy (sưu tập thuộc Viện bảo tàng Albert Kahn), đương thời với tập tranh khắc gỗ do ông Ogier đặt làm và xuất bản (nếu tôi không lầm, cuốn Mémoire du Fleuve Rouge của các ông Nguyễn Dư và Vũ Văn Huân sắp xuất bản, có quảng cáo trong số 38, cũng sử dụng bộ tranh này) và bộ hình Hội An của nhiếp ảnh viên hai tạp chí Elle và Marie-Claire.

Vấn đề tôi muốn nêu lên là cái ấn và cái kiếm mà hoàng đế Bảo Đại đã trao tay ông Trần Huy Liệu, đại diện chính quyền cách mạng, ngày 25.8.1945 tại Huế. Trong tủ kính triển lãm Au bon marché, có trưng bày cái kiếm vỏ vàng, nói là của Bảo Đại, do hoàng tử Bảo Long cho mượn. Tìm hiểu sơ vụ này, tôi nghe nói là năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, đã chôn giấu ấn và kiếm ở vùng Hà Nội, đến năm 1954 tiếp quản thủ đô thì không tìm ra nữa. Trước đó, năm 1949, quân Pháp đã trao cho cựu hoàng Bảo Đại (khi đó làm quốc trưởng của chế độ “Quốc gia Việt Nam”) ấn và kiếm nói là đào được ở Hà Nội. Sau đó, bà Nam Phương mang các bảo vật này sang Pháp, khi bà mất thì hoàng tử Bảo Long giữ. Cách đây vài năm, có tin cựu hoàng và hoàng tử tranh chấp trước toà, cuối cùng đi tới thoả thuận là ông Bảo Đại giữ ấn, ông Bảo Long giữ kiếm. Điều này giải thích tại sao ở Au bon marché, chỉ thấy triển lãm kiếm mà không có ấn.

Tôi không bàn đến cuộc tranh chấp có tính cách riêng tư giữa cựu hoàng và con trai lớn. Điều tôi muốn nêu lên là: ấn kiếm không phải là tư hữu của hoàng gia, mà là bảo vật thuộc quyền sở hữu của quốc gia Việt Nam từ 50 năm nay. Chỗ của chúng là Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Không biết đại sứ quán Việt Nam tại Pháp có theo dõi cuộc triển lãm này không? Chắc là có, vì cuốn sưu tập Le Vietnam des Royaumes do Cercle d’Or xuất bản trong dịp này, đã trân trọng cám ơn đại sứ Trịnh Ngọc Thái trước khi kể tên hoàng tử Bảo Long (trang 6). Chúng ta mong rằng Nhà nước sẽ tiến hành những thủ tục cần thiết để thu hồi hai bảo vật lịch sử này.

H.V.T. ( Paris, Pháp)

* Chúng tôi cảm ơn ông và đồng ý với yêu cầu của ông. Thu hồi hai di vật lịch sử này là một hành động văn hoá mà Nhà nước Việt Nam nên làm, thay vì mất thời giờ ca cẩm chuyện huân chương mà ông Jacques Toubon trao tặng nhà văn Dương Th u Hương.

Vì được tin chậm trễ nên chúng tôi rất tiếc không kịp giới thiệu cuộc triển lãm này. Để bù lại, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc triển lãm

MONTAGNARDS DES PAYS D’INDOCHINE

tại Centre Culturel, 22 rue Belle-Feuille, BOULOGNE-BILLANCOURT (đóng cửa chủ nhật) từ ngày 15.2 đến ngày 13.5.1995 (từ 9 đến 21g).

Đây là những bộ sưu tập quý báu của Viện bảo tàng nhân học Paris (Musée de l’Homme) về các dân tộc miền núi, chủ yếu là Việt Nam và Lào: do các đoàn điền dã Cuisinier-Delmas, P. Rivet, G. Condominas, J. Dournes, B. Dupaigne... thu thập. Trình bày mỹ thuật, hấp dẫn, tránh được bệnh giải thích bác học.

Nhân dịp này, thị xã Boulogne-billancourt và nhà xuất bản Sépia phát hành tập ảnh giới thiệu, rất đáng mua.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss