Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 86 - 06.1999 / Vài lời về anh Bùi Mộng Hùng

Vài lời về anh Bùi Mộng Hùng

- Bùi Trọng Liễu — published 24/05/2009 01:45, cập nhật lần cuối 24/05/2009 03:06

 

Vài lời về anh Bùi Mộng Hùng

 
Bùi Trọng Liễu

 

Tôi quen biết anh chưa tới 30 năm nay, khởi thuỷ vào cái thời còn đang đấu tranh chống chiến tranh, cho hoà bình và giải phóng đất nước... nghĩa là tôi biết anh ít hơn một số anh chị em khác. Về cuộc đời của anh, về những công trình của anh trong nghề nghiệp, những đóng góp của anh trong phong trào, trong xã hội... xin để các anh chị em khác nói tới. Tôi chỉ xin qua mấy dòng này, nhắc lại chút kỷ niệm về quan hệ riêng giữa anh và tôi.

Anh hơn tôi vài tuổi, đối với tôi anh là “ đại lão tiên sinh ”, chưa từng suồng sã nhưng quan hệ thân ái. Có lẽ sự gần gũi là do đồng hội đồng thuyền, và nhất là cùng viết bài đăng báo, cái thời của báo Đoàn Kết thuở trước, báo Diễn Đàn sau đó, và báo Thời Đại ngày nay. Cùng viết bài, nhưng ý kiến không cứ phải giống nhau. Tôi trọng anh ở chỗ ưu tiên tìm những điểm tương đồng để gần gũi chứ không tìm sự khác biệt để loại trừ.

Tôi nghe nói anh có thời là Phật tử, cũng như tôi cảm thấy hình như anh gắn bó với một học thuyết chính trị cao xa mà tôi là kẻ bên ngoài. Những niềm tin đó – nếu có – thuộc riêng anh. Nhưng tôi hoàn toàn chia sẻ với anh niềm tin ở lòng vị tha, ở những giá trị nhân bản, những đạo đức thông thường và lòng thiết tha đối với quê hương đất nước.

Có lần tâm sự, anh hỏi tôi nghĩ gì về những bài viết của anh đăng trên báo. Tôi trả lời đùa : có người viết cả trăm câu mà chỉ diễn tả được một ý, còn cách viết của anh thì trăm ý mà cứ muốn gói lại trong một câu. Anh cười vì anh hiểu tôi muốn nói tới văn “ thượng từ ” và văn “ thượng ý ”. Có thể là tôi ngộ nhận chăng, nhưng hình như sau đó, anh cắt câu ngắn hơn cho dễ đọc. Đến lượt tôi hỏi lại anh nghĩ gì về cách tôi viết bài. Anh cười bảo : phần chú thích dài hơn cả thân bài. Nhận xét của anh rất đúng, nhưng tôi không sửa cách viết, vì tôi có ẩn ý.

Trao đổi với anh, tôi cũng tiếp thu được nhiều điều : khi thì hỏi anh về một cuốn sách cổ, khi thì hỏi anh xuất xứ của một bài thơ, khi thì hỏi anh về tự dạng một vài chữ nôm, khi thì hỏi ý anh về một từ “ mới ” cần phải chế biến để diễn tả một khái niệm chưa thông thường trong xã hội Việt Nam... Những dịp dó, dù bận anh cũng mất công tìm kiếm để trả lời.

Nhưng nói tới anh, tôi không thể không nhắc tới một “ chặng đường ” mà anh và một số chị em khác đã cùng đi với tôi, đó là sự đóng góp cho Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long hồi 1988-1992. Nhắc lại là thuở đó, sau mười mấy năm điều trần cho một cuộc cải cách đại học trong khuôn khổ của hệ thống quốc lập – hệ thống duy nhất tồn tại ở Việt Nam lúc đó – sự trì trệ do tình hình khách quan và do tư duy của một số người, làm tôi không còn con đường nào khác là kiến nghị thí điểm giải pháp “ dân lập ”. Cũng may là gặp vào lúc thoạt đổi mới, cho nên việc mới thành. Trong người Việt ở nước ngoài, chỉ một nhúm người – trong đó có anh – hiểu được ý nghĩa và tầm cỡ của việc này và ủng hộ. Trong cuộc sống thanh đạm của anh chị, bốn năm đó là bốn năm đóng góp thuỷ chung, cũng như nhúm người kể trên. Điều trớ trêu là thí điểm này lại gặp sự ủng hộ của những người “ tán thành hệ giáo dục công lập ” (partisans de l'en-seignement public), lý do là vì sở nguyện là thí điểm để minh hoạ cho một cải cách hệ giáo dục quốc lập. Nhưng sau đó con đường đã uốn theo lối khác, mà hậu quả đang tồn tại là trường dân lập và tư lập tràn lan, trong khi trường quốc lập chưa vực lên được. Đó không phải là chiều hướng phù hợp với sở nguyện ban đầu ; nó để trong lòng tôi một chút xót xa như một món nợ không trả được đối với những người bạn đồng hành trong “ chặng đường ” kể trên.

Bạn bè của anh thì đông. Những người không đồng ý với anh tất cũng có ; đây cũng là chuyện tự nhiên và chấp nhận được. Nhưng cũng không khỏi có đôi người phê phán anh, vì cái nhìn của họ hạn hẹp – những người “ thong manh ” theo nghĩa bóng. Nói điều này để kể việc sau đây. Tôi không phải là nhà thơ, dù là nghiệp dư ; tôi chỉ đôi lúc vui đùa, tập “ ghép chữ theo vần ”. Cách đây hơn 3 năm, vào dịp anh nhuốm bệnh, sắp lên bàn mổ, tôi có gửi tặng anh tám câu bảy chữ, tóm tắt vài sự việc, là một cách tỏ tình cảm của tôi đối với anh. Anh đã mất. Tưởng nhớ anh hôm nay, xin chị Vân và gia quyến cùng các bạn bè năm châu của anh, cho phép tôi được ghi lại ở đây :

Họ Bùi đất Pháp được có anh.
Thày quyền, võ thuật vốn nổi danh.
Y học đông tây, nghề nghiên cứu.
Hội đoàn chức vụ, chẳng cần ganh.
Đoàn Kết, Diễn Đàn, dù bị phán,
Người hùng chẳng ngại kẻ “ thong manh ”.
Mộng “ thiền ” đã nhập vào tâm trí,
Việc đời, gạt “ trọc ” chỉ giữ “ thanh ”.

   
Ngày 25/5/1999

Bùi Trọng Liễu


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: bmh-ban
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss