Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Bên kia sông

Hồi ức tuổi thơ: Bên kia sông

- Văn Ngọc — published 27/03/2011 22:49, cập nhật lần cuối 27/03/2011 23:08
- Chương 19 -

Bên kia sông


Văn Ngọc

Tình cờ một hôm, ngay giữa Paris, tôi gặp được một người đồng hương Hà Nam Ninh, không những cùng làng, cùng họ, mà ông cụ còn biết rõ cả gia đình nhà tôi. Nhân nói chuyện đến con sông chảy qua làng, tôi mới được biết đến cái tên chữ của nó : Châu giang. Cái tên nghe sao mà thơ mộng, chẳng bù với cái tên nôm na mà hồi tản cư về đây năm 1947, tôi vẫn thường nghe người dân địa phương gọi là sông Tắc, hay Tắc giang. Ông cụ người làng, hồi trẻ chắc có được học đôi chút chữ nho, cứ ngâm đi ngâm lại mãi : "Châu giang nguyệt... Châu giang nguyệt", chắc hẳn đó phải là một bài thơ chữ nho nào đó của các cụ ở quê tôi ngày xưa. Con sông này một đầu thông với sông Đáy, một đầu trước kia đổ thẳng ra sông Hồng, nhưng từ lâu rồi, có lẽ đến cả hàng trăm năm nay, đã được ngăn với sông Hồng bởi một con đê lớn. Con đê này đi ngang qua huyện Nam Xang cũ, tức huyện Lý Nhân bây giờ. Ở đó có cái chợ huyện khá đông vui. Những ngày mới tản cư về đây, tôi đã được lên đây chơi nhiều lần trước khi cả dãy phố huyện bị tàn phá. Đây cũng là khúc đường chiến lược trong kháng chiến lần thứ nhất, quân địch vẫn thường dùng thay cho đường số 1 hay bị đánh mìn phá hỏng, để đi từ Hà Nội xuống Nam Định.
Đầu năm 47, khi bọn chúng bắt đầu đánh ra khỏi Hà Nội và đi về luôn qua đây, thỉnh thoảng lại đổ xuống các làng để càn quét. Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng ầm ì của xe tăng từ phía trên đê vọng về, và chưa thấy báo động, nghĩa là bọn chúng chỉ đi qua thôi, không càn, thế là chúng tôi lại ra bờ sông sau nhà, đứng nép mình sau những bụi tre, bụi ruối, nhìn lên đê để quan sát, và đếm từng chiếc xe tăng đi qua. Con đê này còn có một vai trò rất quan trọng về mặt thuỷ lợi, nó che chở cho cả hai huyện ở giáp bên, là Lý Nhân và Duy Tiên lúc mùa nước lên.
Con sông chảy qua làng tôi có dòng nước quanh năm trong xanh in bóng những rặng tre và những ruộng mía, ruộng ngô mọc sát tới tận bờ nước. Khi bài Làng tôi của Văn Cao ra đời, và được phổ biến ở khắp hậu phương, cũng là lúc chúng tôi còn ở đây, cứ mỗi lần hát bài này lên lại thấy rưng rưng xúc động, vì hình ảnh cái làng trong bài hát sao mà giống cái làng của chúng tôi thế, cũng có dòng sông, khung thuyền, cũng có bóng tre, bóng cau, cũng có nhà thờ đạo...
Trên dòng sông, từ lúc trời còn mờ sương, đã có những chiếc thuyền giăng lưới đánh cá, nhịp gõ vào mạn thuyền nghe đều đều, ròn rã, lúc xa lúc gần, làm vang rộn cả một khúc sông.Tôi không bao giờ quên được những mẻ lưới đầy những con cá dầu, mình trắng loá như bạc, những mẻ cá tươi rói, ngon lành, mà chúng tôi đứng chờ từ sớm với cái rổ để mua ở ngay bờ sông.
Đi đến một chỗ có hàng quán, có bán cả thịt chó, trông thấy mấy chú cầy đã được thui sạch, luộc chín, treo lủng lẳng ở trên cái sào tre trước quầy, bác và cậu tôi chắc thèm cái món này lắm, và như để thoả mãn óc tò mò của chúng tôi, hai người lẳng lặng ngồi xuống ghế, gọi mấy đĩa cho cả chúng tôi cùng được thưởng thức. Lần đầu tiên trên đời tôi được ăn thử mấy miếng thịt chó và dồi chó, thấy ngon lạ, so với thịt gà hay thịt lợn, thật hơn hẳn một bậc. Nhưng thịt chó có cái hương vị riêng của nó, nghĩa là khá mạnh, và có lẽ chỉ những người nào thích nhắm nháp với ly rượu đế, hay thích nếm những "của ngon vật lạ", mới có thể mê được.
Vào những buổi chiều yên ả, mặt sông phẳng lặng như một tấm gương, phản chiếu những màu sắc êm dịu của hoàng hôn...
Quê tôi ở hai bên bờ con sông đó. Làng tôi tên chữ là Dũng Kim, nhưng tên nôm lại là Đặm, ngày xưa chia làm Đặm Cả, Đặm Hai. Cái tên nôm na này có thể đã có từ lâu lắm, nhưng chính xác vào thời nào, thì không ai biết, chỉ biết là có ít ra là từ trước thời Gia Long.
Làng gồm có bốn thôn : thôn thượng, hay xóm trên ; thôn hạ, hay xóm dưới ; thôn Nguyễn Xá ở bên kia sông; và xóm chài, hay vạn chài, ở ngay trên sông.Tất cả dân làng đều cùng một họ Phạm, trừ dân vạn chài từ nơi khác đến, nghe đâu từ trong Thanh, trong Nghệ ra. Giáp giới với làng tôi có làng Phúc Thuỷ họ Lã và làng Mạc, phần đông họ Nguyễn. Ngày trước, các cụ trong làng, những lúc chè chén vui vẻ ở ngoài đình, hay ở nhà thầy tôi, vẫn hay thích nhắc đến cái câu chữ nho "nhất xã tứ thôn", như thể một bằng chứng rằng làng mình đã được ghi trong văn tự là như thế, không thể nào khác được. Mặc dầu biết mình nghèo khổ, "khố rách áo ôm" đấy, nhưng các cụ vẫn rất hãnh diện với làng quê của mình. Các cụ vẫn tin rằng đã có một thời làng Dũng Kim trù phú lắm, đất đai sang đến tận bên Hưng Yên, "tiền xanh xếp làm vách" kia mà !
Cái tên Dũng Kim cũng có cái sự tích của nó. Tương truyền, một hôm vua Gia Long đi kinh lý qua đây, thấy cảnh đẹp, ruộng đất phì nhiêu, bèn phong cho làng cái tên Dũng Kim. Theo các cụ, chữ "Dũng" ở đây nghĩa là "dùng" (?), còn "Kim" là "vàng" ! Có cụ lại bảo rằng trước kia tên làng là "Lũng kim" , nghĩa là "lũng vàng" ! Nhưng còn cái tên Đặm kia, thì không ai biết nguồn gốc từ đâu, cũng có thể chỉ là từ chữ đậm, như đậm nét, đậm đà, mà ra.
Trên thực tế, dân Dũng Kim ngày xưa chỉ nổi tiếng nhất là qua câu ngạn ngữ : "Trộm làng Mạc, bạc làng Dũng Kim" ! Bạc đây là cờ bạc, nhưng bạc cũng có cả cái nghĩa bạc bẽo, "ăn xổi ở thì" nữa. Tuy nhiên, nói đến cờ bạc, thì ngày trước làng nào mà chẳng cờ bạc, rượu chè, đâu chỉ riêng gì làng Dũng Kim ! Nhưng đúng là dân Dũng Kim thích cờ bạc, rượu chè. Tôi còn nhớ mãi những lần xảy ra cãi nhau, đánh nhau ở ngoài đình, hay trong lối xóm, khi các cụ đã ngà ngà say. Còn cái máu cờ bạc, thì cứ nhìn đám trai làng đi lên Hà Nội làm ăn, cũng đủ thấy. Vào những ngày tết nhất thường kéo dài đến cả tháng, họ thức thâu đêm để đánh bạc, có được đồng lương nào là nướng vào cờ bạc. Cũng may mà làm việc với thầy tôi ngày ấy theo kiểu gia đình, nên ăn ở họ không phải lo gì hết.
Ăn trộm, ăn cướp, thì cũng không riêng gì làng Mạc mới đi ăn trộm, ăn cướp. Những năm 44-45 đói kém, và trước đó nữa, ngay cả dân Dũng Kim đêm hôm cũng bôi nhọ mặt đi ăn cướp lẫn nhau, không kiêng nể gì nhà bà con họ hàng mình ở ngay cùng xóm. Người ta nhận ra được cả mặt mũi của những ông chú, ông bác, những người có tên tuổi trong làng, cầm đầu đám cướp, nhưng không ai dám hé răng, mở miệng nói ra, vì sợ bị trả thù.

Hồi tản cư về đây, trong hai năm ròng, tôi đã có dịp biết mặt những tay "đầu trộm đuôi cướp" ở cái làng này. Thực ra, đó không phải là cái tính bẩm sinh ra của người dân vùng quê này, mà chỉ là do nghèo khổ lâu đời và thất học, nên mới trở thành như vậy.
Thầy tôi, ngày xưa thường hay "ta thán" (ca thán) về cái "dân tình bạc nhược" ở quê mình. Nhưng đây lại là một chuyện khác, một nghĩa khác nữa của chữ bạc.
Còn bạc, là bạc bẽo, thì chẳng biết dân Dũng Kim có bạc thật không, nhưng nghèo thì nghèo xơ, nghèo xác. Chả thế mà vào những năm đầu thế kỷ này, thầy tôi đã phải kéo cả làng lên Hà Nội dạy cho làm nghề đồ da để sau làm việc với cụ. Sau này, lành nghề rồi, một số người đã vào Sài Gòn lập nghiệp và mở ra những cửa hiệu làm và bán đồ da đầu tiên ở phố Lê Thánh Tôn. Trong một ngôi nhà ở phố này, người ta còn để cả chân dung, bài vị thờ thầy tôi, không chỉ như một người họ hàng bề trên, mà còn như người thầy của họ, tổ sư của nghề làm đồ da.
Đúng là dân Dũng Kim chỉ giỏi cái việc đi làm ăn xa. Thầy tôi vẫn thường dùng cụm từ "tha phưong cầu thực" để chỉ cái thân phận của những người họ hàng quê mình. Ngày xửa, ngày xưa, đã có người sang đến tận bên Tân Calêđôni.
Đất Dũng Kim ngày trước không có được mấy người biết chữ nghĩa, và gần như chẳng có ai đỗ đạt cao. Nhưng có một điều rất lạ, và cũng lại rất dễ hiểu, là đất này đã đẻ ra được một Phạm Tất Đắc, người thanh niên đã làm ra bài thơ "Chiêu hồn nước" lúc chưa đầy 18 tuổi ! Có lẽ phải tìm nguyên nhân ở trong chính những điều kiện sống, trong sự cùng khổ của con người ở vùng quê này.

Dũng Kim thượng, hay xóm trên, tức Đặm Cả cũ, nơi có đình chùa, miếu mạo, và cũng là nơi chôn rau cắt rốn của gia đình họ nội nhà tôi từ đời tổ tiên. Đây cũng là thôn nghèo nhất trong bốn thôn, vì đất chật người đông. Thời trước, mỗi suất đinh được có chưa đầy ba sào ruộng để cày cấy, sau này mới được chia thêm đến bốn năm sào.
Dũng Kim hạ, hay xóm dưới, khá hơn, có nhà có con được gửi lên tỉnh đi học. Xóm dưới cách xóm trên một cánh đồng đất bồi dài gần ba cây số, nằm dọc theo bờ sông, nhưng lại không thuộc về đất Dũng Kim. Nguyên hồi trước, còn thời Pháp thuộc, có một tay lý trưởng tên là Lý Lượng, hay lên chợ uống rượu, rồi nợ nần nhiều quá, không có tiền trả, một hôm y đành phải gửi lại cho nhà hàng...cái địa bạ trong đó có bản đồ ranh giới đất đai của làng mình ! Rồi chưa kịp chuộc lại, thì một tay láu cá ở làng bên biết chuyện, mua ngay lại của nhà hàng cái địa bạ đó, và cho xây lên ở giữa cánh đồng nọ một cái miếu, và bảo đấy là đất của họ. Đến khi thưa kiện lên phủ, lên huyện, thì làng Dũng Kim không còn bằng cớ gì nữa, vì địa bạ đã bị mất rồi !
Thôn thứ ba của xã Dũng Kim ở bên kia sông, có tên gọi là Nguyễn Xá. Thôn này theo đạo Ki-tô và là thôn giàu nhất, vì đất rộng mà người lại thưa. Thời trước, mỗi suất đinh được tới hơn một mẫu ruộng. Thôn này cũng có cái sự tích ly kỳ của nó, xuất phát từ cái câu chuyện tay Lý Lượng đánh mất địa bạ của làng, làm cho một số đất đai của làng Dũng Kim ở bên kia sông rơi vào tay những làng khác, trong đó có làng Tường Thuỵ. Nghe nói ở bên làng này có một ngôi đình trước kia là đình làng Dũng Kim ! Việc xảy ra dưới triều một vua nhà Nguyễn. Sau kiện tụng mãi không được, làng mới đi nhờ một ông cố đạo có thế lực chạy chọt giúp cho, mới lấy lại được một phần đất, là thôn Nguyễn Xá, với điều kiện là những ai muốn sang ở bên ấy và theo đạo Ki-tô thì được chia thêm ruộng đất. Cái tên Nguyễn Xá cũng chỉ mới được đặt vào dịp đó.
Thôn thứ tư, là xóm chài, còn được gọi là vạn chài, hay vạn Nghệ, sống ở trên sông Tắc. Dân vạn chài nghe đâu từ trong Thanh, trong Nghệ ra, trước kia có công chở thuyền lính cho vua Gia Long đi "khai sáng", nên sau được vua cho nhập vào làng này.
Hồi chạy càn năm 47, gia đình nhà chúng tôi đã được xuống ở dưới thuyền với dân vạn chài trong mấy hôm. Cuộc sống trong những khoang thuyền quả là rất đặc biệt. Từ cái dáng đi đến hình dạng của những người dân chài đều khác với người ở trên bờ, do ảnh hưởng của những động tác ở trên thuyền : ngồi, đứng, đi lại, chèo chống, lặn lội. Những ngày sống ở thuyền, tôi không nhớ rằng đã một lần nào được ăn cá ! Ngược lại, không hiểu vì thói quen, hay vì muốn biệt đãi gia đình nhà chúng tôi, mà người ta chỉ mời chúng tôi ăn rặt những món thịt và trứng !
Sông nhiều cá, nên dân chài ở đây làm ăn khấm khá, trong khi dân ở trên bờ, nhất là dân xóm trên, nhiều năm đói khổ, người lớn, trẻ con manh áo cũng không có mà mặc, đến bữa chỉ có nồi cháo cám, hay củ dong, củ riềng để ăn thay cơm.

Điều mà mãi sau này tôi mới biết tiếc rẻ và ân hận, là suốt trong hai năm trời tản cư về đây, tôi đã chỉ biết có xóm trên, xóm dưới và xóm chài, còn thôn Nguyễn Xá ở bên kia sông, chưa bao giờ tôi được đặt chân tới ! Trong khi đó, gần như hàng ngày chúng tôi vẫn bơi lội ở trên sông, và đôi khi sang đến tận sát bờ bên kia. Không những thế, nhiều lần, người mà tôi gọi là "chú Phó Vinh" ở bên ấy sang chơi với thầy tôi, vẫn thường hỏi tôi có muốn sang chơi xem lò mật của chú không, vì chú biết tôi thích xem trâu kéo mía và rất thích ăn mật mía.
Phải rất nhiều năm về sau, do một sự tình cờ bắt tôi phải suy nghĩ, tôi mới chợt nhận thấy sự thiếu sót này. Đây chính là một trong những điều nói lên cái thơ dại của tôi ngày ấy. Lẽ ra tôi phải sang chơi bên Nguyễn Xá ít ra một lần, cho biết bộ mặt của cái xóm đạo làng mình, cho biết nhà chú Phó Vinh và cái lò mật của chú, cho biết bên kia sông và xa hơn nữa, đằng sau thôn Nguyễn Xá, còn có cái gì. Tôi thấy sao ngày ấy mình lại có thể thiếu tò mò đến thế được ! Chính một nửa làng mình đó, cách có một con sông nhỏ, mà mình không biết tìm sang thăm. Có lẽ vì ngày đó, muốn sang sông, bình thường vẫn phải đi đò, và nếu muốn đi bộ sang, phải đi vòng khá xa, lên đến chỗ bãi đất bồi ở tận đầu làng, nên tôi cũng ngại. Nhưng cái lý do chính, vẫn là ngày đó, tôi không thấy được sự cần thiết phải sang bên kia sông làm gì ! Ngày đó, quả là tôi còn chưa biết suy nghĩ. Tôi đã sống một cách hồn nhiên theo bản năng, và thiếu hoàn toàn óc tìm hiểu.
Hình ảnh thôn Nguyễn Xá, đối với tôi, cho đến ngày nay vẫn chỉ là những rặng tre um tùm soi bóng xuống dòng sông, và vượt lên khỏi những ngọn tre là cái gác chuông nhà thờ quét vôi màu nhạt. Còn thôn bên ấy giàu có ra sao, cây cối, ruộng vườn, nhà cửa, có giống hai thôn ở bên này sông không, tôi vẫn không làm sao hình dung được.
Trong nhiều năm, tôi đã không bận tâm đến cái điều mình đã lỡ không làm ấy, và tôi đã quên đi như biết bao nhiêu chuyện khác. Cho mãi đến gần đây, cái điều không có gì là quan trọng ấy bỗng nhiên trở thành một câu hỏi day dứt. Những gì mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt ở bên kia sông lại chính là những điều tôi cần được biết bây giờ, để tự giải thích cho mình một vài sự kiện, tuy cũng chẳng có gì là quan trọng cả, nhưng nếu không thì không sao hiểu được.

Mùa hè năm 1984, khi tôi có dịp trở về thăm làng Dũng Kim lần đầu tiên sau 37 năm xa cách, trong số những chuyện đổi thay ở làng quê, tôi được người làng cho biết hai sự kiện mà lúc đó tôi cũng chỉ nghe thoáng qua, không chú ý, vì tôi cũng chỉ ở lại Dũng Kim có vài giờ, rồi đã phải lên Hà Nội có việc ngay. Lần đó tôi cũng không có đủ thì giờ để nghĩ đến chuyện sang thăm bên Nguyễn Xá ! Sự kiện thứ nhất là Thể, đứa cháu đích tôn của thầy tôi, sau khi anh cả tôi mất, đã bán hết cả ruộng vườn và cái nhà tây hai tầng của thầy tôi ở Dũng Kim cho một người trong làng từ vài ba năm nay.
Sự kiện thứ hai, là Thể bây giờ là đại tá đã về hưu và về sống ở dưới Nam Định. Vào những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, Thể lúc đó đương là trung tá pháo binh, đã đem cả một trung đoàn về đóng ở bên Nguyễn Xá và rất ít khi sang bên này sông, là nơi có nhà ông nội mình.
Hai sự kiện không có gì liên quan với nhau lắm, và cũng không cùng một tầm quan trọng.
Khi nghe cái tin thứ nhất, tôi hơi sửng sốt và cảm thấy có một cái gì không ổn, và mặc dầu tôi không trách gì Thể, vì tôi vẫn quý Thể từ hồi nhỏ, nhưng trong bụng cũng thấy hơi buồn buồn, như cảm thấy một sự mất mát. Nhưng nguyên do nào đã khiến cho người cháu con anh cả tôi phải lấy quyết định bán mảnh vườn, miếng đất, và ngôi nhà của ông cha đi, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết rõ. Có những lỗ trống trong hiểu biết của tôi về hoàn cảnh gia đình, họ hàng, và nói chung, về quê hương vào những năm ấy, làm cho tôi nhiều khi không tự giải thích cho mình được một số hiện tượng.
Cũng như việc tôi chưa bao giờ đặt chân sang bên kia sông, và do đó không thể hiểu được vì sao Thể đã chọn vị trí thôn Nguyễn Xá để đóng quân, vì một trung đoàn pháo binh không phải là ít, mà nếu đất bên ấy cũng hẹp như đất bên Dũng Kim thượng, thì đứng cũng không có chỗ, chứ đừng nói gì đến đóng quân và ăn ở trong một thời gian dài ! Theo tôi hiểu, ngày đó, Thể đem quân về đây cốt để bảo vệ quãng đê Nga Khê -Tắc giang, đồng thời cũng là để mở rộng trận địa phòng không bảo vệ cả miền Bắc. Việc Thể được phân công cùng với trung đoàn pháo binh của mình về bảo vệ quãng đê này hẳn không phải là một chuyện ngẫu nhiên, và cái lý do khiến Thể đóng quân ở bên kia sông, chắc cũng chỉ là một lý do kỹ thuật. Vì tôi tin chắc rằng Thể rất nắm địa hình, địa thế của vùng này. Những năm trước đó, tôi có nghe nói Thể vẫn hay về Dũng Kim.
Có nhiều điều mà tôi vẫn muốn tìm hiểu, để nhìn thấy rõ hơn vùng quê nhỏ bé của mình, cũng như để biết rõ hơn những người thân trong cái đại gia đình nhà mình hồi nhỏ.
Nhiều khi dĩ vãng và hiện tại trải ra trước mắt tôi như một bức hoạ lớn, trong đó có những phần mà tôi biết rõ đến từng chi tiết nhỏ, nhưng đây đó vẫn có những khoảng trống, như những mảnh puzzles còn thiếu. Đây không phải là những điều mà tôi đã quên đi, mà là những điều tôi đã không được sống, hoặc không được chứng kiến tận mắt.
Bên kia sông tượng trưng cho tất cả những gì mà tôi đã không được sống ở quê nhà và không được tận mắt nhìn thấy trong quãng đời đã qua.
Đó cũng là cái tuổi thơ mà tôi đã sống dang dở, để lại đằng sau bao nhiêu niềm ước mơ, mà không biết đến ngày nào mới thực hiện được.
Tôi vẫn ước mong bao giờ được trở lại Dũng Kim, để lấy đò sang bên kia sông, và đi thăm cái nửa quê hương mà khi xưa mình chưa bao giờ đặt chân tới.

Hết.

Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại
Chương 11: Tết Trung Thu
Chương 12: Giấc mơ xưa
Chương 13: Những nhớ thương ngày cũ
Chương 14: Cái chất lãng mạn tuyệt vời
Chương 15: Dạo chơi hồ Tây một chiều chủ nhật
Chương 16: Đồng chiêm
Chương 17: Về thăm quê cũ
Chương 18: Quê ngoại

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss