- Lúc 22h30 tối 27/7, tâm bão số 1 chính thức đổ bộ vào Thái Bình - Ninh Bình với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11-13.

Như vậy chỉ trong vòng 3 tiếng, bão số 1 (tên quốc tế Mirinae) đã mạnh thêm 1 cấp.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay, hiện tại trên địa bàn tỉnh bị mất điện. Mưa và gió đã giảm. Thống kê ban đầu, không có thiệt hại về người; 5 tàu cá của ngư dân bị đánh chìm; nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng.

Trên các tuyến phố, nhiều cây xanh bị quật gãy; một số tuyến phố bị ngập úng, các phương tiện di chuyển gặp khó khăn.

Ninh Bình:

Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho hay, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đến 5h sáng nay không có thiệt hại về người; khoảng 36.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Hiện tại, một số quận, huyện đang bị mất điện. Nhiều cây cối bị đổ, nhà bị tốc mái.

Lượng mưa từ 19h ngày 27/7 đến 06h ngày 28/7: Cúc Phương: 153,9mm; Nho Quan: 127,7mm; Gián Khẩu: 166,9mm; TP. Ninh Bình: 234,9mm; Tam Điệp: 156,9mm; Bến Đê: 199,7mm.

Thái Bình:

Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay, nhiều cây xanh có đường kính 20 cm ở thành phố Thái Bình gục đổ sau khi bão đổ bộ.

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi mới ghi nhận thiệt hại ban đầu về cây đổ, mái nhà tốc, diện tích hoa màu bị ngập. Chưa ghi nhận thiệt hại về người khi bão đổ bộ. Trên địa bàn, mưa đã ngớt, gió nhẹ”, ông Diên cho hay. 

Nam Định: Hàng loạt nhà tốc mái, cột điện đổ

Thông tin với VietNamNet, anh Nguyễn Văn Phong (thị trấn Hải Thịnh, Nam Định) cho biết, bão số 1 đổ bộ vào Nam Định mạnh nhất từ 12h đêm hôm qua và rạng sáng hôm nay.

Tại thị trấn Thịnh Long, hàng loạt nhà dân bị tốc mái, cột điện bị đổ, cây cối bị gió cuốn bật gốc ngổn ngang.

Theo anh Phong, toàn bộ hoa màu ở thị trấn Thịnh Long đã bị bão quật đổ. Lực lượng phòng chống lụt bão đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão. 

0h30 ngày 28/7: PV Vũ Tiến Phòng đang ở Thái Bình cho biết, bão rất to, gió giật liên hồi. Đường từ huyện Tiền Hải về TP Thái Bình dây diện, mái tôn, bồn nước bay la liệt ngoài đường, cây cối đổ hàng loạt. Ô tô muốn di chuyển phải đi tốc độ 10km/h.

“Nhiều tuyến phố đã bị ngập sâu, cộng thêm cây đổ rạp đường nên xe không thể di chuyển. Toàn tỉnh đã bị mất điện, một số vùng mất sóng điện thoại”, anh Phòng thông tin.

Theo anh Phòng, bão hiện đang di chuyển rất chậm, gần như đứng im nên mức độ tàn phá càng khủng khiếp.

Bạn Phạm Oanh đang ở Thái Bình cũng chia sẻ, gió mạnh cảm giác nhà rung lắc như động đất.

0h45: Tỉnh Ninh Bình cũng có mưa và gió rất lớn.

{keywords}
Cây cối đổ la liệt trên một số tuyến phố Thái Bình. Ảnh: VTC

Dự báo trong đêm nay, trên đường di chuyển, bão số 1 cũng sẽ quét qua thủ đô Hà Nội với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 gây mưa to 100-200mm.

{keywords}

Mưa to kèm gió mạnh tại ven biển huyện Tiền Hải, Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Đang có mặt tại huyện miền biển Tiền Hải (Thái Bình), anh Nguyễn Lương Bằng cho biết, bắt đầu từ 17h ngày 27/7, khu vực này đã có gió to nổi lên, kèm theo mưa. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên đã trực tiếp xuống huyện Tiền Hải để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 1.

{keywords}

Người dân phải dùng thanh gỗ lớn để cài cửa chống bão tại Thái Bình. Ảnh: Đặng Tuấn - Otofun

Lúc 21h ngày 27/7,

Trong khi đó, tại huyện Hải Hậu, Nam Định, trời đang mưa rất to, tuy nhiên trời lặng gió trước khi đón bão. Anh Trần Văn Tú đang ở thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) cho biết khu vực này đang mất điện.

Chìm 3 tàu của ngư dân

Lúc 23h, tại huyện Giao Thuỷ (Nam Định), gió đang giật cấp 11-12, quật đổ nhiều cây xanh và biển chỉ dẫn, mưa lớn kèm sấm chớp.

Tại Vũ Thư, Thái Bình, bạn Trần Loan Anh cho biết, toàn khu vực bị cắt điện, gió giật mạnh, nhiều cây xanh bị gãy. “Từ bé đến giờ chưa bao giờ em chưa chứng kiến cơn bão nào lớn thế”.

Trước đó, vào chiều 27/7, tại khu vực ven biển Nam Định, sóng lớn đã đánh chìm 3 tàu của ngư dân, rất may tất cả ngư dân trên tàu đều được đưa vào bờ an toàn.

Rủi ro thiên tai cấp độ 3

Dự báo trong 3-12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7h ngày 28/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-60km/h), giật cấp 7-8.

Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc Đông Bắc, Việt Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Thúy Hạnh - Kiên Trung - Nhị Tiến - Hiền Anh