Bạt “Hậu chuyện kể năm 2000”

Dương Tường

BNT.BIA.1Tôi nài xin – gần như đòi – Bùi Ngọc Tấn cho tôi được viết lời bạt này. Bắt chước cách nói của Saint-Exupéry, tôi có hai lí do chính để nài xin như vậy: 1/ tôi là một trong những người đầu tiên được đọc, không phải chỉ một lần, tập hồi kí không ít dấu ấn của lịch sử này, từ dạng bản thảo được sưa đi sửa lại suốt mười năm, cho đến khi không còn chút gì để áy náy trong lương tâm, cho đến độ tột cùng trung thực; 2/ tôi cũng là một “nhân vật” của Bùi Ngọc Tấn trong hơn một cuốn sách, kể cả cuốn bạn đọc đang cầm trên tay.

Châu Diên bảo: “Mày phải viết lời bạt cho thằng Tấn (ở tuổi ngoài tám mươi cả rồi, chúng tôi vẫn không đổi được cách xưng hô này). Gói lại những gì bọn mình đã cùng nhau chia sẻ trong hơn nửa thế kỉ qua: vui sướng và đau buồn, ngọt bùi và cay đắng, tin yêu và tuyệt vọng, lí tưởng và ảo tưởng…, phải, tất cả những cái đó trong cái thời đầy biến thiên mà thằng bạn của chúng ta gọi là thời biến đổi gien …”

Năm ngoái, 2013, cũng vào độ này, ba đứa tôi – Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên và Dương Tương – những kẻ “cùng một lứa bên trời lận đận”, mượn cái đầu để Tìm lai thời gian đã mất, kiệt tác của Marcel Proust, đã có một cuộc trò chuyện giao lưu với hơn 100 khán giả tại Manzi, một trung tâm sinh hoạt văn hoá ở Hà Nội. Ít nhất, chín mươi phần trăm số người dự thuộc thế hệ 8x, 9x. Chúng tôi ngạc nhiên sung sương thấy không có rào cản nào giữa chúng tôi và các bạn trẻ ấy. Cảm giác chung của chúng tôi là họ dường như không mấy khó khăn để hình dung ra những bước nhọc nhằn chúng tôi đã trải trong hành trình tìm lại, mỗi người theo cách riêng, thời gian đã mất của mình, qua những trầm luân của lịch sử.

Một tuần sau, Thuỳ Hân, một nữ sinh viên Việt Nam của trường nghệ thuật Francfürt (Cộng hòa Liên bang Đức), có mặt trong buổi giao lưu ấy, như còn “thòm thèm”, đến nhờ tôi đưa xuống thăm vợ chồng Bùi Ngọc Tấn tại nhà riêng, cùng với khoảng mười bạn cùng khoá tại trường Francfürt. Có lẽ chưa bao giờ căn phòng nhỏ của Tấn lại tiếp một đoàn khách nhiều quốc tịch đến thế. Đó là các bạn: Clémentine (Pháp), Andrew de Freitas (New Zealand), Elisa (Ý), Yuki (Nhật Bản), Mahsa (Iran), Rasmus (Đan Mạch), Raphaela (Đức), Thùy Hân (Việt Nam), Trương Quế Chi đang học đạo diễn ở Pháp và một số bạn đọc ở Hà Nội đã dự buổi trao đổi Tìm lại thời gian đã mất. Một lần nữa, chúng tôi sung sướng cảm thấy giữa chúng tôi không hề có cái mà người ta gọi là generation gap. Trong một bức thư gửi hai chúng tôi ít ngày sau đó để bày tỏ nốt những cảm xúc chưa kịp nói ra, Andrew de Freitas, cậu sinh viên người New Zealand, viết: “Được gặp các bác, biết về cuộc đời của các bác, quả thực là niềm cảm hứng lớn để chúng cháu tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật vượt qua mọi hệ thống, không bị bó buộc trong chính trị, thực sư nhân văn và toàn cầu”.

Phải, ở bất kì đâu, vào bất kì thời điểm nào, Nhân Dân vẫn luôn là những người làm ra lịch sử và – như Bùi Ngọc Tấn đã dành cả một tham luận để nói về chủ đề này ở Massachussets (Mĩ) –đồng thời cũng là những người chịu đựng lịch sử. Âm thầm ghi lại những gì xẩy ra hôm nay để có thể có một bộ mặt chính xác của lịch sử. ghi lại thân phận bé mọn của những người chịu đựng lịch sử. Mỗi người đều mang lịch sử trong mình, mỗi người đều phản ánh lịch sử. Mỗi người qua đời là một bí ẩn của lịch sử biến mất. Hãy ghi lại những bí ẩn lịch sử qua những người ta quen biết, yêu thương, không để chúng rơi vào quên lãng. Đó là những điều chúng tôi đã chia sẻ với các bạn trẻ trong hai buổi giao lưu ấy. Đó cũng là thông điệp của Thời biến đổi gien.

Nhưng có một thứ năm ngoài tầm của sự biến đổi gien đại trà ấy, mãi mãi tồn lưu chừng nào nhân loaị tồn tại. Đó là NHÂN BẢN.

Chính sự vĩnh tồn ấy của NHÂN BẢN giúp ta duy trì niềm tin ở cuộc sống, bất chấp sự xụp đổ của mọi niềm tin khác.

 

Comments are closed.