Bây giờ, đội ngũ đó, có không ít vị lại là cán bộ 2Đ - đất, đôla, thì nước tuy độc lập nhưng… vận mệnh của sự phát triển sẽ ra sao?

Những ngày này, khi trên các báo điện tử, các trang mạng XH còn nóng hổi chuyện tiếp xúc cử tri, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là tệ nạn tham nhũng, thì có một vấn đề khác cũng nổi bật không kém- đó là hiện tượng người Việt ăn cắp ở nước ngoài.

Tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm

Cứ tưởng cái “khẩu hiệu” vừa hài hước vừa tự chế giễu bản tính xấu của người Việt chỉ là của những năm tháng đói khổ đã lụi tàn. Không ngờ, những năm tháng này, khi mà đời sống vật chất của người Việt, ngay ở trong nước nói chung đã nâng cao đáng kể, thì ở một số quốc gia, nơi những giá trị văn minh hiện diện như một điều bất biến, có không ít người Việt ngụ cư ở đó học tập, lao động, sinh sống, cái khẩu hiệu vô duyên và lố bịch này bỗng sống vui, sống khỏe, sống…có ích cho những kẻ tham lam, tham vặt hơn lúc nào hết.

Dưới đầu đề “Nỗi đau đứng thứ nhất về… trộm cắp ở Nhật”, báo Một thế giới, ngày 17/5 đưa thông tin: Năm 2014, tổng số vụ việc phạm pháp do người nước ngoài gây ra ở Nhật là 15.215 vụ, có đến 2.488 vụ liên quan đến người VN, chiếm 16,3%. Số người nước ngoài bị cảnh sát Nhật bắt giữ là 10.689, trong đó người Việt là 1.548, chiếm 14,48%(!). Tính ra, số người Việt bị bắt ở Nhật chỉ đứng sau người Trung Quốc (hai quốc gia có tệ nạn tham nhũng đáng nể), nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số VN ít hơn TQ 15 lần, thì số lượng người Việt trộm cắp ở Nhật là nhất thế giới. Trong số đó, 54,2% trường hợp phạm tội là những người đang du học.

{keywords}

Biển cảnh báo bằng tiếng Việt được chụp lại trong một shop thời trang tại Nhật

Mà đâu chỉ có Nhật Bản? Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…, đều là những quốc gia mà cảnh sát có việc làm bất đắc dĩ với người  Việt xung quanh chuyện tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm này.

Thành phần người Việt ăn cắp vặt cũng đa dạng vô kể. Không chỉ có những người Việt trẻ du học, mà còn có cả cán bộ thành đoàn đi học. Không chỉ có nam, mà có cả nữ. Không chỉ có người đi trên mặt đất, mà còn có cả phi công bay bổng trên trời xanh, cũng làm cánh tay nối dài cho những kẻ ăn cắp tại xứ người.

Bạn sẽ nghĩ gì, nếu đi công tác, hay du lịch xứ người, bất chợt bắt gặp những biển báo bằng chữ Việt cảnh báo người Việt ăn cắp?

Không chỉ thế, mà còn có cả những biển hiệu ở những nhà hàng ăn tự chọn (buffet), cảnh báo người Việt lấy đồ ăn quá nhiều, thừa mứa, bằng chữ Việt?

Chả lẽ, cái miệng tham ăn tham uống của người Việt nó…đói, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, tệ đến mức làm nhục cả thanh danh dân tộc Việt đến độ này?

Tham lam có thể là bản năng bẩm sinh của con người. Nhưng chắc chắn nó sẽ được chế ngự, thậm chí trở thành ý thức và lòng tự trọng, liêm sỉ một con người nếu được giáo dục chu đáo từ trong gia đình, đến nhà trường, nếu được sống trong môi trường XH lành mạnh, được điều chỉnh bởi luật pháp thượng tôn, để trở thành con người có văn hóa sống.

Và nếu soi rọi vào những điều nói trên, thì dường như tất cả những ‘cái nôi” văn hóa đó nuôi dưỡng tâm tính, phẩm cách người Việt đều đang có vấn đề?

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ VN từ cổ xưa, có biết bao câu ca dao, lời hay ý đẹp răn dạy người Việt sống cho đàng hoàng: Giấy rách giữ lấy lề/ Đói cho sạch rách cho thơm…. Nhưng người viết bài có thể khẳng định một điều- giáo dục gia đình, nằm trong mắt xích gia đình- nhà trường- xã hội, luôn là mắt xích lỏng lẻo nhất, yếu ớt nhất, cho dù bậc cha mẹ nào cũng rất thương yêu con. Có điều, thương yêu và biết giáo dục con lại là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Nhà trường là môi trường được trao sứ mệnh dạy người. Cũng tiếc thay, ngành giáo dục nước Việt, vắt từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, đến giờ, vẫn loay hoay trong vòng cương tỏa: Học để thi, chưa phải học làm người.

{keywords}
Học để thi, chưa phải học làm người

Sản phẩm yếu ớt của giáo dục- người Việt trẻ- khi ra đời, lại sống trong một môi trường XH mà tệ nạn hối lộ, mua quan bán tước, tham nhũng vặt, tham nhũng lớn hoành hành. Họ sẽ suy nghĩ, nhận thức và soi mình ra sao trước những tấm gương mờ, xám xịt lòng tham? Hay rồi chính họ cũng tự diễn biến trở thành những kẻ tôn sùng lối sống chỉ có đồng tiền là trên hết?

Môi trường XH nào cũng cần có pháp luật thượng tôn, điều chỉnh lối sống của con người. Thế nhưng nếu hệ thống tư pháp trong XH, do đặc thù tổ chức, còn phải chịu quá nhiều áp lực chi phối, thì rút cục cán cân công lý nước Việt… nghiêng về đâu? Người Việt trẻ sẽ đặt niềm tin còn đầy biến động của họ vào đâu để miễn dịch trước cái xấu?

Đó là những nguyên nhân sâu xa.

Nhưng có một nguyên nhân trực tiếp, trước mắt và quan trọng không kém trong cái hiện tượng ăn cắp vặt xấu hổ này. Đó là sự quản lý lỏng lẻo, thả nổi các mặt hàng gọi là “xách tay” ở trong nước. Loại hình kinh doanh này đang có xu hướng ngày càng phình to, len lỏi trong đời sống con người thời IT, cũng đã trở thành một cánh tay nối dài cho những kẻ ăn cắp, buôn gian bán lận người Việt tại xứ người. Không phải vô lý khi có ý kiến cho rằng, cần ngăn chặn các loại hình kinh doanh trốn thuế và bất hợp pháp kiểu này trong nước, sẽ chặn được những hiện tượng ăn cắp, trộm cắp của người Việt ở xứ người.

Có thể, hiện tượng này chỉ là của một số người Việt tham lam, thiếu tự trọng. Nhưng nó diễn ra liên tục, ở nhiều quốc gia văn minh, vô tình thành một “tập hợp hình ảnh” cực xấu và đáng hổ thẹn về người Việt. Đó mới chính là nỗi tủi nhục và đáng bất bình nhất cho đa số người Việt chính trực trong nước và nước ngoài.

Xin đừng cạn nghĩ, đừng tưởng rằng, cái cách ăn cắp vặt, khôn ranh ma mãnh kiểu đó không làm hại đến thanh danh đất nước nếu không ai biết.

Có một dạo, các trang mạng xôn xao về phát biểu của một giám đốc người Nhật ở một công ty liên doanh tại VN. Xin được trích đăng lại: Các anh (người VN) chỉ biết nghĩ đến lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không quan tâm đến cái lợi lớn của tập thể.  Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000 đ mà rơi xuống đất thì công nhân VN các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất chỉ vì nó không phải của các anh.Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc đang hút dở giá 1000 đ thì các anh sẵn sàng nhặt lên hút tiếp cho dù nó có bị bẩn, chỉ vì nó là của các anh. Cuộn cáp điện chúng tôi nhập về với giá vài triệu/m,nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn/m.

Tất cả những việc đó mang lại chút lợi lộc nhỏ cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoặc nhập thừa so với cần thiết. Các anh nên biết rằng, lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000 đ,thì chúng tôi chỉ tăng 200.000 đ. Còn 300.000 đ thì chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt, gian dối hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh mà thôi.

Đọc mà thấy đỏ đến tận chân tóc. Điều người giám đốc Nhật biết quá rõ tâm lý khôn vặt, chỉ biết mỗi bản thân mình của người Việt- cái tâm thế của kẻ quen làm thuê và không  vì người khác. Cũng tức là chưa bao giờ có thể vì cộng đồng mình, vì XH mình. Mà như vậy, đất nước mãi mãi phận… đi sau.

Cán bộ 2 Đ và cơ chế công khai minh bạch?

Có một vấn đề, thuộc loại biết rồi khổ lắm, nói mãi, mà những ngày này, lại được xới lên. Đó là tham nhũng và chống tham nhũng.

Nói cho công bằng, khi nhận ra hậu họa của loại giặc “nội xâm” này, nước Việt đã bao lần vào cuộc, tìm kiếm bao giải pháp, huy động trí tuệ, sức dân, “sức mạnh của hệ thống chính trị” để chiến đấu chống lại loại giặc… chết người.

Gọi là chết người, là bởi loại “giặc” này nghênh ngang mũ áo ngựa xe, mà người dân không biết ẩn nấp ở đâu. Chỉ khi thành án cụ thể, người ta mới có thể trông mặt bắt hình dong. Còn bình thường, có khi bắt tay với “giặc”, “chăm phần chăm” với “giặc”, hỉ hả cười nói với “giặc” mà chả hay. Đó là đặc điểm sang trọng của “giặc nội xâm”.

Những thông tin tổng hợp mới đây của cơ quan chống tham nhũng lớn nhất, cho thấy những kết quả phòng chống tham nhũng bước đầu: Từ năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý 04 vụ việc, 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đến nay đã xét xử sơ thẩm 09 vụ/90 bị cáo, với 08 án tử hình (07 đối tượng), 09 án chung thân, một đối tượng 30 năm tù, 06 đối tượng 20 năm tù...(Chinhphu.vn, ngày 15/5).

Chính vì thế, nỗi nhức nhối không phải của riêng ai.

{keywords}{keywords}
Tham nhũng luôn là vấn đề gây bức xúc

Báo VietNamNet, ngày 15/5 đưa tin, tại cuộc tiếp xúc với người đứng đầu nước, cử tri Q1, t/p HCM "khi nói về cán bộ, thì họ cho rằng bây giờ phần lớn là các cán bộ 2Đ - cán bộ đất và đô la thôi”, một khái niệm mới về cán bộ tha hóa thời kinh tế thị trường. Người đứng đầu đất nước cũng phải thẳng thắn thừa nhận: Đây là một điều hết sức day dứt, ai cũng bức xúc cả. Tôi cũng xin khẳng định lại những điều mà người dân nói là có thật. Chắc chắn rằng những ông bà 2Đ này phải đưa ra ngoài!

Cán bộ là cái gốc của mọi việc. Khái niệm đó không hề mới mẻ gì. Nó đã được minh chứng từ lúc vận mệnh đất nước như ngàn cân treo trên sợi tóc, vượt qua muôn ngàn hiểm nguy, giành tự do độc lập, nhờ có nhân dân và đội ngũ cán bộ “vì nước quên thân”. Vậy nhưng bây giờ đội ngũ đó, có không ít vị lại là cán bộ 2Đ. Thì nước tuy độc lập nhưng … vận mệnh của sự phát triển sẽ ra sao?

Để chống lại loại giặc “nội xâm” quý tộc này, nước Việt đã có quá nhiều giải pháp.

Cơ quan chống tham nhũng lớn nhất vừa đề xuất 10 nhiệm vụ lớn. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tạo sức mạnh, áp lực xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 04 bộ và 10 tỉnh, thành, v.v… và v.v…

Người dân cũng được huy động vào cuộc chống tham nhũng với mức tiền thưởng trên trời- 3,4 tỷ đồng. Đủ biết cuộc chiến này khó khăn và… đắt giá đến độ nào.

Thậm chí, phía ngành tư pháp, mới đây Dự thảo mới nhất của Bộ luật Hình sự sửa đổi (dự thảo lần thứ 5) còn đưa ra quan điểm, các đối tượng tham nhũng chỉ cần nộp lại một nửa số tiền tham nhũng là có thể thoát khỏi án tử hình. Cũng là một cách khuyến khích tham nhũng… “hoàn lương” (tuy nhiên dự thảo này đã gây ra những tranh luận, bất đồng quan điểm gay gắt).

Và quan trọng nhất, là chủ trương kê khai tài sản các quan chức trong diện đối tượng.

Trả lời phỏng vấn của VOV.VN, ngày 18/5, ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ cho rằng, "có người kê khai đúng, có người đưa những tài sản cho vợ, con, cháu, rể đứng tên, vậy thì chúng ta phải làm rõ khối tài sản ấy nằm ở đâu. Vì vợ, con, cháu của các cán bộ lãnh đạo không thể bỗng dưng giàu có được. Giàu chính là tiền của người cán bộ đó đưa cho vợ, con, cháu; hoặc người cán bộ đó tạo điều kiện cho con, cháu làm ăn phi pháp, buôn lậu, núp dưới những bóng “minh quân” nào đó để được mua cổ phiếu, tham gia cổ phần các doanh nghiệp, làm chủ hoặc tham gia lãnh đạo ngân hàng...

Phải phát động dân chủ hóa, công khai vấn đề chi tiêu, lương bổng, phụ cấp và những quyền lợi của người cán bộ. Có cán bộ có cổ phần ở ngân hàng nhiều tỷ đồng không rõ nguồn gốc phát sinh hợp pháp, hoặc lĩnh lương trên dưới cả trăm triệu đồng không xứng đáng với đóng góp cá nhân, thì điều đó là vô lý".

Quan điểm như vậy là khá rõ ràng. Tuy nhiên xét cho cùng, tư duy của các giải pháp vẫn có phần nặng về duy ý chí.

Phải nói thẳng, đã qua rồi cái thời phát động phong trào, tuyên truyền, vận động con người tự giác làm theo… Đã là thời sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, thì một công cuộc lớn như chống tham nhũng chắc chắn phải có những giải pháp định lượng, không thể mãi theo cách định tính.

Tình cảm người dân chống tham nhũng là đáng quý, đáng trọng, nhưng cả một bộ máy chính quyền, cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra đồ sộ, mà chống không xuể, nói chi đến người dân chỉ có hai tay không, làm sao "bắt giặc"?

Việc kê khai tài sản các vị thuộc diện đối tượng sẽ trở nên vô nghĩa, nếu như về bản chất, nhà nước, cơ quan chức năng không nắm được rõ ràng minh bạch nguồn gốc tài sản đó từ đâu ra? Thì việc kê khai đó, xét cho cùng vẫn không phải là công khai minh bạch.

Nếu như pháp luật, vẫn phải chịu đựng đủ thứ áp lực, thì công lý sẽ… đứng đâu cho đúng vị thế thượng tôn?

Và nước Việt đang đứng ở đâu trong con mắt nhân loại thời hiện đại và văn minh?

Kỳ Duyên