Chuyến đi của Thủ tướng Dũng và quan hệ Việt-Ấn

Chuyến đi của Thủ tướng Dũng là chuyến đi thứ ba trong loạt trao đổi cấp cao ba tháng qua của lãnh đạo hai nước

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Chuyến đi của Thủ tướng Dũng là chuyến đi thứ ba trong loạt trao đổi cấp cao ba tháng qua của lãnh đạo hai nước

Chuyến thăm tuần này của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ chứng tỏ quan hệ ngày càng thân thiết giữa hai quốc gia.

Ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ chính sách hướng Đông của Ấn Độ và chính sách kết nối về mọi mặt của Ấn Độ tại khu vực.

Còn Thủ tướng Narendra Modi nói Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ.

BBC có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Rahul Mishra, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Các vấn đề Thế giới của Ấn Độ (Indian Council of World Affairs - ICWA).

Tiến sĩ Rahul Mishra: Chuyến đi quan trọng ở ít nhất là năm điểm. Thứ nhất, nó nhằm đưa các quan hệ kinh tế song phương lên một mức mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa theo một phái đoàn hùng hậu với 50 doanh nhân, và điều đó cho thấy ông ấy rất muốn đạt quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng hơn với Ấn Độ.

Đáng chú ý là hai bên đã đạt vượt mức mục tiêu thương mại song phương cho năm 2015 là 8 tỷ đôla Mỹ.

Thứ nhì, ngoại giao năng lượng dường như đang đóng vai trò quan trọng khiến cho Ấn Độ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn. New Delhi và Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường hợp tác năng lượng kể từ khi Việt Nam mở các lô dầu khí ngoài khơi cho các nước khác vào đầu tư.

Việt Nam gần đây đã chào mời năm lô dầu khí cho Ấn Độ. Trong vấn đề này, công ty ONGC Videsh Limited (OVL) của Ấn Độ và PetroVietnam đã ký Thư Bày tỏ Quan tâm trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Ấn Độ Mukherjee hồi tháng Chín 2014.

Thứ ba, chuyến đi của Thủ tướng Dũng là chuyến thứ ba trong loạt các trao đổi cấp cao trong thời gian ba tháng qua, và là sự đáp lễ đối với các chuyến đi của Sushma Swaraj, Ngoại trưởng, và của Tổng thống Pranab Mukherjee.

Thứ tư, về khía cạnh hợp tác quốc phòng thì khả năng Việt Nam bán Brahmos cho Việt Nam đang được đưa ra thảo luận. Hỏa tiễn tuần du siêu thanh Brahmos do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển sẽ là một tài sản lớn cho Việt Nam, bởi nó giúp tăng cường năng lực quốc phòng.

Thêm nữa, các thảo luận về việc Việt Nam mua bốn tàu tuần tra trên biển được trông đợi là sẽ đạt kết quả tích cực. Với việc Việt Nam có thể dùng 100 triệu đôla tín dụng mà Ấn Độ đưa ra, giao dịch này nhiều khả năng là sẽ trở thành hiện thực.

Hồi tháng Chín, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã đón tiếp Tổng thống Mukherjee tại Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Hồi tháng Chín, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã đón tiếp Tổng thống Mukherjee tại Hà Nội

Cuối cùng, kết nối là một lĩnh vực quan trọng, có tính then chốt trong các hợp tác tương lai giữa hai quốc gia. Tôi đã luôn nhấn mạnh về mối kết nối trên bộ, trên biển và trên không giữa Ấn Độ với Việt Nam. Một bước tiến lớn trong lĩnh vực này là quyết định của hãng hàng không Jet Airways trong việc bắt đầu có các chuyến bay nối New Delhi – Mumbai với TP Hồ Chí Minh kể từ ngày 5/11. Vietnam Airlines cũng sẽ bắt đầu đường bay New Delhi - Hà Nội trong 2015.

BBC:: Hầu hết các nhà quan sát đều nhấn mạnh tới quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, với Hoa Kỳ hoặc với Nga. Ấn Độ có cho rằng mình đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn đối với Việt Nam không?

Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một nước đầy tự tin, bỏ qua hành trang lịch sử về quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong mối quan hệ Ấn Độ – Việt Nam thì các thực tế đã tự chứng minh cho mối quan hệ đó.

Sự tập trung chiến lược đáng ghi nhớ và sự hiểu biết chung sâu sắc là yếu tố định hình mối quan hệ Ấn – Việt.

Chẳng hạn như trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, New Delhi đã ủng hộ Việt Nam trong Cuộc chiến Việt Nam

Quan điểm của New Delhi đã khiến Hoa Kỳ tuy khó chịu nhưng cũng chẳng mấy quan tâm. Sau đó, trong việc Việt Nam can thiệp quân sự vào Campuchia để cứu nước này khỏi chế độ Pol Pot, Ấn Độ đã dám làm mất lòng ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, là các thế lực khi đó đều chống lại Việt Nam.

Ngày nay, quan hệ Ấn – Việt được dựa trên một nền tảng vững chắc, được thể hiện qua sự hợp tác kinh tế và quân sự chặt chẽ.

Do vậy, trong lúc cả Ấn Độ và Việt Nam đều luôn là các đối tác đáng tin cậy thì việc Ấn Độ trỗi dậy như một cường quốc trên diễn đàn thế giới đã mở ra một viễn cảnh mới về sự hợp tác song phương giữa hai quốc gia.

BBC: Ấn Độ là một nền dân chủ, các chính phủ có thể ra đời hay phải ra đi sau mỗi kỳ bầu cử. Điều đó có ảnh hưởng tới việc Ấn Độ nhìn nhận ra sao về Việt Nam và Trung Quốc không?

Ý tưởng cùng tồn tại ‘liên tục và có thay đổi’ thể hiện rõ trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ. Trong hệ thống dân chủ Ấn Độ, các đảng phái lên nắm quyền rồi ra đi, nhưng hệ thống hành chính và chính sách chung vẫn không đổi.

Các chính sách lớn được đưa ra sau khi được quốc hội Ấn Độ, tức Lok Sabha (Hạ viện) và Rajya Sabha (Thượng viện), chuẩn thuận.

Một số dân thành viên trong Quốc hội Ấn Độ, những người giữ các vị trí then chốt trong chính phủ hiện thời, trước đây trên thực tế từng giữ vai trò phản biện đối với các vị trí bộ trưởng, họ theo dõi sát sao các chính sách của chính quyền cũ.

Các đảng đối lập nay đang đóng vai trò tương tự. Hệ thống “kiểm tra và cân đối”, tức cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp kiểm tra lẫn nhau nhằm đảm bảo các quyết định chính sách được đưa ra nhằm phục vụ đất nước một cách tốt nhất.

Tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, luôn là chủ đề được quốc tế quan tâm

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, luôn là chủ đề được quốc tế quan tâm

BBC: Các chính khách và học giả Ấn Độ có kế hoạch gì không cho việc Ấn Độ sẽ phản ứng ra sao nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông?

Không nghi ngờ gì, các tuyên bố chồng chéo nhau về chủ quyền lãnh thổ và các bước đi khiêu khích đã dẫn đến tình thế mong manh ở Biển Đông. Các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương không phải là có thể không bị ảnh hưởng gì từ cuộc tranh cãi hiện nay.

Ấn Độ luôn ủng hộ cho việc tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế trong lúc duy trì quan điểm là vấn đề Biển Đông phải được giải quyết một các hòa bình, sao cho các bên liên quan đạt được một giải pháp chấp nhận được.

Trong tình huống có xung đột, điều có lẽ sẽ có xảy ra trong tương lai gần, thì Ấn Độ sẽ giữ vững quan điểm đã nêu, đó là mọi thái độ hung hăng, bắt nạt cần phải bị kiềm chế ở mọi diễn đàn.

Mặc dù còn quá sớm để dự đoán về bản chất và quy mô xung đột ngay cả cho trong giai đoạn từ trung hạn tới dài hạn, rõ ràng là Ấn Độ sẽ không ngần ngại trong việc ủng hộ cho sự toàn vẹn của Việt Nam trong lúc tuân thủ nguyên tắc không can thiệp và nguyên tắc Panchsheel (năm ràng buộc) của Pandit Jawaharlal Nehru.