09/07/2016 18:53 GMT+7

Đánh thức... hoàng hậu từ kịch sinh viên

PHAN NGỌC thực hiện - Ảnh: Đình Khang
PHAN NGỌC thực hiện - Ảnh: Đình Khang

TTO - Vở Tấm và Hoàng hậu vừa được công diễn tại sân khấu Hồng Hạc (TP.HCM) đánh dấu sự hợp tác mới mẻ giữa sân khấu này và những tác phẩm chất lượng của người trẻ.

 Bà bầu Việt Linh: "Tôi tin thông điệp “đánh thức quyền lực” của vở sẽ khiến nhiều “Hoàng hậu” tự vấn"

Tấm và Hoàng hậu vốn là tác phẩm của nhóm kịch CKT của Đại học khoa học xã hội và nhân văn mà Hồng Hạc Art Gallery đứng ra sản xuất. Đạo diễn - biên kịch Việt Linh - người sáng lập sân khấu Hồng Hạc - dành cho chúng tôi cuộc trao đổi:

* Nhiều người cho đây là quyết định liều lĩnh của chị khi đưa kịch sinh viên lên sân khấu chuyên nghiệp?

- Tôi không thấy từ liều lĩnh và từ chuyên nghiệp thích hợp lắm trong sự kiện này. Thứ nhất, tiêu chí của Hồng Hạc ngay từ đầu, là ngoài sản phẩm riêng, sẽ chia sẻ đam mê của người trẻ - đồng hành cùng những ý tưởng đẹp, mạnh dạn trao cơ hội cho lớp trẻ trong vai trò phát hành những dự án chất lượng của người trẻ.

* Còn chuyên nghiệp?

- Nghệ thuật là sáng tạo cá nhân. Trừ những bộ môn đòi hỏi nhiều kỹ lý chính xác như xiếc, âm nhạc, múa…; những nghệ thuật nghe nhìn khác như điện ảnh, sân khấu… chủ yếu dựa vào sự chiêm nghiệm, trao dồi thực tế và cảm xúc thẩm mỹ. 

Gọi chuyên nghiệp mà cũ kỹ, sơ sịa, thì tôi thích cái (gọi là) không chuyên nhưng sâu sắc, chăm chút của các em, dù không tránh vụng về. Kỹ thuật bổ túc, chỉnh đốn được, nhưng cảm xúc, thẩm mỹ là chuyện của trái tim và văn hóa. Cái đó quý hiếm lắm.

Giống như một bậc thầy nhiếp ảnh ví von: máy ảnh mấy chấm không quan trọng bằng cái đầu mấy chấm. Chuyên nghiệp hay không xét cho cùng được nhìn ở sản phẩm, chứ không phải/chỉ ở quy mô, môi trường sản xuất.

Tấm và Hoàng hậu dựng lên những giả thiết về phạm trù đạo đức nội tại

* Tại sao chị và ê kíp thích Tấm và Hoàng hậu, khi mà xem kịch, thấy rõ Hồng Hạc phải chật vật hòa nhịp nguyên bản vào không gian của mình?

- Đầu tiên là câu chuyện mới lạ, giàu tính triết lý, nhân văn: Chuyện kể Cám không âm mưu tranh ngôi Hoàng hậu của Tấm. Chuyện cũng kể suốt 10 năm mang phận Nam cung Hoàng hậu, Cám không bước qua ranh giới sắc dục với chồng chị,  mong ngóng chị trở về.

Tấm và Hoàng hậu dựng lên những giả thiết về phạm trù đạo đức nội tại. Nàng Tấm xưa nay định danh hiền lành nết na, thế nhưng sự ghen tuông ích kỉ, ham muốn quyền lực đã tàn phá trái tim trong sáng.

Nó khiến ta liên tưởng nhiều dị bản thế nhân, thế sự: Có những thứ viên thành tuyệt đẹp, nhưng ta không biết trân giữ, đến khi đối diện mất mát thì cuống cuồng níu kéo, gây thêm hệ lụy, tiêu vong bản chất. Một ý tưởng thông minh sâu sắc phải không? Đặc biệt cái nhìn đó lại từ các bạn trẻ.

Chúng tôi thật sự cảm kích, muốn giới thiệu vở diễn ra công chúng rộng rãi hơn. Tôi tin thông điệp “đánh thức quyền lực” của vở sẽ khiến nhiều “Hoàng hậu” tự vấn.

Nguyên bản Tấm và Hoàng hậu của nhóm kịch CKT đã diễn thương mại thành công khá lâu trong giới sinh viên

* Nhưng thích và thực hiện là hai chuyện khá xa. Hồng Hạc can thiệp, biến hóa gì trên nguyên bản của sinh viên để cho ra một sản phẩm thương mại?

- Thật ra nguyên bản Tấm và Hoàng hậu của nhóm kịch CKT diễn thương mại thành công khá lâu trong giới sinh viên. Nhưng Hồng Hạc muốn giới thiệu tác phẩm mình đánh giá cao ra nhiều tầng lớp khán giả hơn.

Như mỗi vùng đất có riêng phong sắc, Tấm và Hoàng Hậu nguyên bản đáp ứng 70%  yêu cầu của chúng tôi về nội dung, thẩm mỹ. Chúng tôi biên tập 20%  cho vở diễn chỉn chu hơn, cụ thể cô đọng nội dung, thay nhạc, thay một số diễn viên, trau chuốt bối cảnh. Còn 10% phong sắc sinh viên thì chúng tôi cố giữ.

Sự pha trộn - mà độ chênh không tránh khỏi - có thể gây lý thú nhưng cùng lúc có thể khiến nhiều người bị gợn. Nhưng biết làm sao, khi chúng tôi chỉ muốn nâng đỡ chứ không tiếm chất.

Nghệ thuật vốn là cửa hẹp, không dễ tìm đồng cảm số đông trong thời gian ngắn. Chúng tôi chỉ tâm niệm tận nghiêm, tận tâm sức. Và được là chính mình.

"Bà bầu" Việt Linh

* Sau Tấm và Hoàng hậu, sắp tới Hồng Hạc Art Gallery còn đưa lên sân khấu khách mời không chuyên? 

- Dĩ nhiên có, vì đó là tiêu chí, tâm niệm của chúng tôi. Nhưng mọi việc chỉ thành khi hội đủ chất lượng nghệ thuật của khách và khả năng tài chính của chủ - một sân khấu mới, nhỏ và nghèo (cười).

* Qua hợp tác đầu tiên nghe đâu khá gập ghềnh, chị và ê kíp rút ra kinh nghiệm gì? Chị có chia sẻ nào với các bạn trẻ?

- Gập ghềnh không, nhưng đôi lúc bối rối. Nghệ thuật vốn riêng tư và chủ quan, mỗi người/đơn vị có đặc tính riêng luôn bảo vệ, quen thuộc.  Không dễ gì tác giả lẫn khán giả (đã xem nguyên bản) chấp nhận “món ăn” mình yêu quen bị đôi chỗ khác vị.

Cân nhắc căng thẳng, nhưng bằng sự tôn trọng lẫn nhau của những người yêu văn hóa, yêu cái đẹp; chúng tôi đã trình ra được sự hòa trộn tối ưu, với những thỏa hiệp mà mỗi bên thấy thỏa đáng. Sự cọ xát thực tế trong môi trường (tạm gọi) chuyên nghiệp hẳn cho các bạn sinh viên nhiều trải nghiệm hữu ích.

Chia sẻ gì ư? Hãy tiếp tục sáng tạo, điềm tĩnh trước mọi hướng dư luận. Luôn tự tin, tự vấn và tự trọng.

Cảnh trong vở Tấm và hoàng hậu

Vở Tấm và hoàng hậu (biên kịch: Tiến Phát, Đạo diễn: Thiên Huân) vừa công diễn vào ngày 2 và 8-7, sẽ tiếp tục đến với khán giả trong xuất diễn vào 20g ngày 29-7 tại sân khấu Hồng Hạc, TP.HCM.

Vở có sự tham gia của các diễn viên: Lê Bê La, Hoài Thương, Bảo Trung, Công Danh, Huỳnh Như, Ngọc Phước, Nam Anh, Nhã Thi, Ái Linh, Tường Vi...

PHAN NGỌC thực hiện - Ảnh: Đình Khang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên