Đau mà thương

(Tiểu thuyết 1989.vn của Nguyên Hương)
(Rút từ facebook của Huy Đức)

Một “nhà nghỉ khép kín” – có toilet trong phòng – thay cho hố xí hai ngăn nằm cách phòng ngủ một con đường ngoằn ngoèo ngổn ngang gỗ củi, đánh dấu một cuộc cách mạng về tư duy của không chỉ người đứng đầu một đơn vị “sự nghiệp có thu” thuộc vùng Tây Bắc.
Nhưng để chạm đến cái ranh giới “1989” đó là một hành trình.
Năm 1989, Hòa Bình 13 tuổi. Tên cô được đặt ở thời điểm mà nhiều người dân Việt Nam vẫn còn tin bắt đầu có hòa bình. Nhưng nếu bắt đầu ở thời điểm ấy với tuổi 13 như Trang, dì của Hòa Bình, thì những trải nghiệm sau đó là vô cùng khốc liệt.
Tác giả cuốn sách là nhà văn Nguyên Hương, một người Tây Nguyên có thời gian sống ở Tây Bắc.
Đọc đến gần cuối mới biết câu chuyện được bắt đầu từ ngày Buôn Mê Thuột nhốn nháo, hoảng sợ khi “quân giải phóng” tiến vào; bắt đầu một thời kỳ lãnh thổ quốc gia thì thống nhất nhưng nhiều gia đình và lòng người thì ly tán.

Theo lời giới thiệu đầu sách thì 1989.vn thuộc thể loại tiểu thuyết, được viết bằng “bút pháp hiện thực nghiêm ngặt”. Không ai trong cuốn sách này nói chuyện chính trị. Các nhân vật của của cuốn sách thì cũng chỉ “công tác” ở một vị trí ít quan tâm tới “vĩ mô”. Có cảm giác như tác giả không cố ý, chỉ là do quan sát quá tinh tế và viết quá hiện thực mà người đọc thấy mồn một những gì mà người Việt Nam từng chịu đựng.
Cái cách tác giả đặc tả cục xà bông tự nấu và để cho một gia đình người vợ lính – trước đó gần như chỉ nhẩn nha thoa son, đánh phấn; nhìn thỏi son quý bị gãy lại chỉ hít hà tí chút rồi trầm trồ nhắc đến “bộ phim sẽ chiếu tối nay” – phải “giặt đồ bằng trái bồ hòn” đủ thấy biến cố của người miền Nam sau ngày “giải phóng”.
Cái cách tác giả “mở băng ghi âm” hai cuộc đối thoại ngắn ở “viện vệ sinh dịch tễ” – khi người mẹ không dám khai ra “địa chỉ gia đình Ngụy”; khi nhân viên y tế cấp cứu một đứa bé bị sốt uốn ván thay vì nói ngay không có thuốc lại làm mất thời gian bằng cách hoạnh họe địa chỉ với nhân thân – đủ thấy đỉnh cao của sự quan liêu và sự khốn cùng của dân chúng.
“Chị mang ơn gã hải tặc không biết để đâu cho hết”.
Gấp cuốn sách lại mà vẫn không thôi bị ám ảnh bởi câu nói đó, câu nói buột ra như không của một người vợ lính VNCH lỡ có con với một người lính của bên thắng cuộc.
“Chị” chỉ thực sự “trở lại làm người” khi trên đường vượt biên bị cướp, “anh” đứng đó, chứng kiến “chị” bị hãm hiếp bởi bọn hải tặc mà không thể làm gì để rồi thấu hiểu sự bất lực của “chị” khi không thể thủ tiết trước những chủ nhân mới trong những ngày “anh” đi cải tạo.
Có thể nhìn thấy trong cuốn sách tiến trình thống nhất bằng cách lấp dần những khoảng cách.
Có những khoảng cách dần dần được lấp đơn giản khi những nhân viên của một nhà nghỉ miền Bắc hiểu người miền Nam gọi mẹ là má; gọi cái phích nước là bình thủy, gọi lạc là đậu phụng… Có những khoảng cách chỉ có thể dùng một nhịp cầu bắc qua nỗi đau tột cùng từ một vết thương vĩnh viễn.
Đau mà thương.

Comments are closed.