- Phải dứt khoát tư tưởng rằng việc gì nhân dân ta có thể làm được, chúng ta sẽ làm, từ cái ít khó đến cái khó nhất mà người khác có thể làm. Đừng để “tiền” cũng như vũ lực có thể khuất phục nhân dân ta - nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

LTS: Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển VN gửi tới VietNamNet bài viết của bà, trong đó gắn bài học của Cách mạng tháng Tám với suy nghĩ về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước hiện nay. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Cách mạng tháng Tám, kết quả của bao nhiêu năm chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng Cộng sản VN đã mang lại độc lập dân tộc cho nhân dân ta nhưng cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền quốc gia sẽ thường xuyên và lâu dài, chúng ta không bao giờ được xa rời nhiệm vụ thiêng liêng đó.

{keywords}
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Phong Doanh

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta phải bắt tay vào xây dựng đất nước nhưng đã phải đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước. 

Trong nhiều năm nay, đặc biệt từ năm 2009 khi nước ta gửi Báo cáo quốc gia lên LHQ về ranh giới ngoài thêm lục địa của VN theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), và ngay sau đó TQ cũng gửi lên LHQ yêu sách về chủ quyền của mình theo “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Tranh chấp giữa VN và TQ về biển đảo bước vào một giai đoạn căng thẳng, phức tạp.

Đầu tháng 5/2014, TQ bất ngờ đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 đặt sâu vào thềm lục địa của VN, vi phạm chủ quyền của VN và trái với Công ước LHQ về Luật biển 1982 mà TQ là một bên tham gia. Chúng ta mong muốn có quan hệ tốt với TQ, có môi trường hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển. Mong muốn của chúng ta chân thành và thiết tha nên khi xảy ra sự kiện “giàn khoan” nhiều người trong chúng ta cảm thấy bị “bất ngờ”.

Tình hình trong mấy tháng qua ở Biển Đông làm cho chúng ta không thể không đặt câu hỏi rằng đây có phải là hành vi “trỗi dậy hòa bình” cùng hợp tác để phát triển như TQ từng công bố hay đó là chiến lược bành trướng nước lớn, muốn độc chiếm Biển Đông để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”?

“Đường lưỡi bò 9 đoạn” nay là “10 đoạn” phi lý mà TQ tuyên bố chủ quyền bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, xâm phạm sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN và 4 nước ASEAN ven Biển Đông, giành quyền kiểm soát giao thông hàng hải của cả Biển Đông.

{keywords}
Nguyên Phó chủ tịch nước chỉ ra mối đe dọa về chủ quyền, biển đảo với sự gây hấn của TQ

Cộng đồng quốc tế rất lo ngại trước hành động bất chấp luật pháp của TQ, ảnh hưởng đến an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực. Ngày 15/7 vừa qua, TQ di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. Điều này có ý nghĩa gì?

Về phía VN như nhiều lần chúng ta đã tuyên bố, sau khi TQ rút giàn khoan khỏi thềm lục địa của VN, chúng ta sẵn sàng đàm phán hòa bình trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nhưng liệu có thể đàm phán hòa bình hay là một chiến thuật của TQ để xoa dịu, giảm căng thẳng rồi có những hành động lấn tới mạnh hơn?

Liệu TQ có thể xử sự như một nước lớn có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định của khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước LHQ về Luật biển 1982 để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong lúc tìm mọi cách hợp thức hóa đường lưỡi bò 9-10 đoạn? Chúng ta mong muốn có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với TQ. Điều đó chỉ có thể có từ thiện chí của cả hai bên.

Nội lực phải vững mạnh

Dù muốn hay không muốn, nhân dân ta đã bước vào một giai đoạn mới, vừa phải xây dựng đất nước vừa phải đấu tranh để bảo vệ đất nước. Chúng ta phải kiên trì và khôn ngoan, không để bị động trong mọi tình huống. 

Chúng ta phải bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám và thành quả to lớn của 2 cuộc kháng chiến mà nhân dân ta đã đổ bao nhiêu xương máu mới giành được, đồng thời chúng ta phải thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

{keywords}
Nội lực của một đất nước còn là vấn đề chất lượng con người

Chúng ta phải khắc phục cho được những mặt yếu kém, mạnh lên, vững hơn thì mới có điều kiện để bảo vệ đất nước. Nói cách khác, chúng ta phải có nội lực vững mạnh. Nội lực trước hết và quan trọng nhất là sức mạnh của lòng dân, là ý chí đoàn kết dân tộc với sự lãnh đạo vững vàng, kiên định.

Đó là bài học xương máu và quý báu nhất chúng ta có được từ lịch sử mấy ngàn năm, từ cuộc Cách mạng tháng Tám, đặc biệt từ hai cuộc kháng chiến chống xâm lược ác liệt nhất vừa qua.

Ngày nay không những chúng ta cần phát huy truyền thống yêu nước đó mà phải nâng cao nó lên thành ý chí quật cường, tinh thần dân tộc mạnh mẽ, với khát vọng xây dựng một nước VN thực sự độc lập, tự do, dân chủ và phát triển, không thua kém ai, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân. Đó cũng là tương lai mà chúng ta xứng đáng được hưởng.

Nhưng nội lực không những về tinh thần, mà nó phải bao hàm cả một nền kinh tế ngày càng phát triển với công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công, một xã hội dân chủ, công bằng văn minh, một nền an ninh quốc phòng đủ mạnh.

Trong mấy yếu tố trên, vấn đề đường lối kinh tế độc lập tự chủ, không bị lệ thuộc vào bất cứ nước nào, đồng thời tích cực chủ động hội nhập ngày càng mở rộng có ý nghĩa rất quyết định. 

Tóm lại để giữ vững chủ quyền quốc gia, chúng ta cần phải mạnh lên về kinh tế. Tinh thần yêu nước phải thể hiện trên tinh thần tự chủ tự cường trong mọi hoạt động lao động sản xuất nhằm tạo ra sức mạnh vật chất ngày càng vững bền cho đất nước.

Phải dứt khoát tư tưởng rằng việc gì nhân dân ta có thể làm được, chúng ta sẽ làm, từ cái ít khó đến cái khó nhất mà người khác có thể làm. 

Đừng để “tiền” cũng như vũ lực có thể khuất phục nhân dân ta. Kinh tế phải luôn luôn gắn với an ninh quốc phòng. Không được để tình trạng lơi lỏng hiện nay, chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy cái hại lâu dài, chạy theo một số dự án bằng bất cứ giá nào.

Nội lực của một đất nước còn là vấn đề chất lượng con người, là nguồn nhân lực. Muốn có một nước tự chủ phải có những con người tự chủ, vì vậy vấn đề giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học cần phải đẩy mạnh hơn nữa với những mục tiêu phấn đấu cụ thể, rõ ràng để trong một thời gian không xa chúng ta có những thế hệ thanh niên đủ sức đủ tài để gánh vác trọng trách của đất nước.

Và một điều không thể không xem trọng, đó là vấn đề đoàn kết quốc tế. Tuy tình hình quốc tế có nhiều thay đổi, nhưng bài học về sức mạnh đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đã được Đảng ta vận dụng tài tình trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trước đây vẫn có giá trị quan trọng của nó. 

Ngày nay, cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia, và cũng là cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và công lý chúng ta có lẽ phải và pháp lý. Chúng ta tin rằng nhân dân các nước sẽ ủng hộ VN.

Chúng ta cũng cần có quan niệm đúng và thực tế về sự hợp tác quốc tế. Trong khi chủ trương không liên minh chính trị, quân sự với bất cứ nước nào để chống lại nước thứ ba, chúng ta hoàn toàn có quyền chính đáng để hợp tác, liên kết về an ninh, quốc phòng với các nước khác, để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia. Chúng ta cũng cần tận dụng và phát huy quan hệ song phương với các đối tác chiến lược.

Chắc chắn tại Đại hội XII tới, Đảng sẽ phải đề ra những chủ trương và nhiệm vụ mới, có tính chất bước ngoặt phù hợp với cục diện tình hình hiện nay để nhân dân ta vững bước tiến tới.

Nguyễn Thị Bình