GS.Nguyễn Minh Thuyết: "Hổ lớn không bắt được, hổ con sẽ lại sinh sôi"

06/12/2014 06:35
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) -Một bộ phận cán bộ, công chức, ở ta hiện nay tiếng là phục vụ nhân dân nhưng thực tế lại khác.

Ngày 3/12 vừa qua, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia / vùng lãnh thổ. Năm nay, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một điều đáng chú ý là điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba 3 năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.

Để có thêm những góc nhìn đa chiều về cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc của GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Chẳng ai tự nhiên đưa tiền cho nhau

Theo Giáo sư, đánh giá này của Tổ chức minh bạch Quốc tế có công bằng không?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Bảng đánh giá xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế dựa trên nhiều khảo sát, nghiên cứu khác nhau, vì vậy tôi cho rằng nó có căn cứ. Nhìn vào bảng xếp hạng này, chúng ta thấy điểm số đánh giá Việt Nam gần như không thay đổi, nó cũng phản ánh đúng tình hình thực tế chống tham nhũng ở nước ta: từ nhiều năm nay, cuộc đấu tranh này chưa có chuyển biến nào đáng kể.

Báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội tại các kỳ họp bao giờ cũng chỉ có một vài câu ngắn gọn là đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và nêu ra những giải pháp mang tính định hướng, nhưng trên thực tế những vụ việc tham nhũng do các cơ quan chức năng nhà nước phát hiện ra thì ít mà do dư luận phát hiện ra hoặc do nội bộ ăn chia không  thống nhất, tố cáo lẫn nhau thì nhiều. Đa số các vụ việc chỉ tập trung vào một số cán bộ giữ các chức vụ nhỏ, hoặc cán bộ đã nghỉ hưu, trong khi đó câu chuyện tham nhũng chính sách được đề cập nhiều năm qua thì chưa phát hiện ra vụ nào. Tham nhũng vặt thì quá nhiều và dẫn đến bức xúc cho người dân.

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Chỗ nào cũng thấy người dân nói phải chi tiền, việc nhỏ thì tiền nhỏ, việc lớn thì tiền lớn. Ảnh: Ngọc Quang.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Chỗ nào cũng thấy người dân nói phải chi tiền, việc nhỏ thì tiền nhỏ, việc lớn thì tiền lớn. Ảnh: Ngọc Quang.

Nhân chuyện này nhiều người sẽ nhớ lại một chuyện khá hài hước, đấy là một vị lãnh đạo ngành lên truyền hình nói rằng cán bộ của ngành ấy chưa bao giờ đòi dân hối lộ mà tại dân cứ đưa. Giáo sư nghĩ về chuyện này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ai cũng biết ở trên đời, tự đưa tiền một cách vui vẻ thì chỉ có bố mẹ cho con, chứ chẳng có ai lại tự nguyện đưa tiền cho nhau nếu không phải trường hợp có đi có lại hoặc có quan hệ xin - cho.

Vì sao người dân cứ phải đưa tiền cho những người đang giải quyết công việc hoặc có khả năng giải quyết công việc cho người ta? Đó là có sức ép buộc người ta phải đưa tiền, nó ẩn dưới rất nhiều vỏ bọc khác nhau: Có thể người dân bị dọa dẫm bóng gió dẫn tới sợ và đưa tiền, cũng có thể họ nghe những người đã trải qua trước đó cho biết là phải đưa tiền mới được việc; rồi có những trường hợp cán bộ gợi ý đưa tiền, nếu không chịu đưa thì có khi chuốc lấy tai họa.

Qua những việc như vậy, chúng ta thấy rất rõ là thái độ phục vụ người dân từ bộ máy công quyền có những vấn đề không bình thường, nhưng nói mãi mà vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu.

Có nghĩa là chúng ta phải nhanh chóng chuyển hướng quản lý sang phục vụ người dân một cách thực chất hơn nữa, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Chắc chắn là phải như thế. Tại Quốc hội khóa XII, tôi đã từng phát biểu về chuyện này. Tôi kể câu chuyện là có lần đi cùng một đoàn cán bộ sang Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất. Nước này chỉ có khoảng 800 nghìn dân, nhưng có tới 4,8 triệu người lao động nước ngoài, tham gia vào rất nhiều lĩnh vực, kể cả làm cảnh sát, hải quan.

Có thể dễ dàng nhận thấy những người làm cảnh sát, hải quan ở nước này rất mẫn cán và lịch sự, bởi vì họ hiểu rõ vị trí của mình là làm thuê cho dân, phục vụ dân. Đến bao giờ cán bộ, công chức, viên chức từ lớn đến nhỏ ở nước ta hiểu được như vậy thì dân mới được nhờ.

Một số cán bộ, công chức, viên chức ở ta hiện nay tiếng là phục vụ nhân dân nhưng dân cứ động việc gì cần đến là khó lắm.

Tham nhũng lớn đẻ ra tham nhũng vặt

Có một điều rất dễ thấy đó là những quốc gia có nền hành chính lành mạnh thì cán bộ nhà nước sống đàng hoàng được bằng đồng lương, còn ở ta ngay lương của Bộ trưởng cũng chỉ hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Cử nhân tốt nghiệp đại học thì chưa được nổi 3 triệu mỗi tháng. Nếu chúng ta không giải quyết được chuyện này cũng có nghĩa là không thể chống tham nhũng thành công, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là đồng lương không đủ sống thì người ta phải tìm cách xoay sở, mà xoay mãi rồi thành thói quen, cho nên có những người giàu rồi cũng vẫn tham nhũng.

Nhưng vì sao lương của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấp? Đó là vì bộ máy quá cồng kềnh. Ở các nước họ chỉ có một bộ máy chính quyền, còn ở ta thì rất nhiều, bộ máy nọ chồng lên bộ máy kia. Ngoài cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền từ trung ương trở xuống thì còn có cán bộ, viên chức trong bộ máy của Đảng và các đoàn thể; một loạt các hiệp hội, các hội cũng ăn lương nhà nước, thậm chí lương và chế độ phục vụ của các vị đứng đầu những tổ chức này cũng ngang ngửa cỡ Bộ trưởng, Thứ trưởng. Nói thẳng ra không có ngân sách nước nào có thể nuôi nổi bộ máy quá lớn như vậy.

Vừa rồi, tổ chức ILO đánh giá năng suất lao động tại Việt Nam thấp là có lý của họ. Năng suất được tính theo công thức lấy GDP chia cho số người lao động. Số người lao động trong nông nghiệp nước mình đông, năng suất thấp đã đành, nhưng đặc biệt là số cán bộ, công chức, viên chức rất nhiều, cho nên chia bình quân ra thì thấp là đúng rồi.

Tôi chỉ lấy ví dụ về cách báo cáo thành tích của nước ta để thấy một khía cạnh của chuyện này: Cứ cuối năm là chính quyền và các đoàn thể phải báo cáo kết quả công tác của mình. Ở một địa phương, Thanh niên báo cáo trồng được 100 cây chuối, nuôi 100 con lợn thì các tổ chức Phụ nữ, Công đoàn cũng nêu đúng số liệu như thế. Mới đầu nghe thì tưởng là địa phương ấy trồng được vài trăm cây chuối, nuôi được vài trăm con lợn, nhưng hóa ra chỉ có 100 cây chuối, 100 con lợn được nhân trên giấy nhiều lần thôi.

Cách đây ba kỳ họp, có Đại biểu Quốc hội đã đánh giá rằng “tham nhũng vặt tràn ngập khắp các ngõ ngách”. Giáo sư thấy tình hình hiện nay có thay đổi gì không?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ở đâu bây giờ người dân cũng nói rằng cứ có việc phải đến các cơ quan nhà nước từ chuyện xin dấu ở phường, cho đến đi bệnh viện, xin cho con đi học đều phải chuẩn bị tiền. Việc nhỏ thì tiền nhỏ, việc lớn thì tiền lớn. Khi tôi còn công tác ở Quốc hội, có vợ một đồng chí Vụ trưởng chuẩn bị hồ sơ để phong Nhà giáo ưu tú. Vợ bận nên anh ấy phải ra phường xin chứng nhận của địa phương. Ra đến phường, chỉ để xác nhận có một câu là vợ anh ấy sinh sống ở phường, chấp hành pháp luật tốt, nhưng người ta lấy đủ mọi lý do, không xác nhận ngay cho.

Anh ấy ra về chưa biết làm cách nào thì gặp một chị bán rau. Nghe kể lại câu chuyện, chị bán rau bảo ông Vụ trưởng của Văn phòng Quốc hội: “Anh trông giúp gánh rau, em lên  phường xin cho.” Và chỉ một lúc sau, chị hàng rau đem về cho hồ sơ có xác nhận đàng hoàng. Hóa ra, chị này chỉ cần cho cán bộ của phường một, hai trăm nghìn gì đó, thế là được việc ngay.

Cũng bởi cách làm việc như thế nên mới có những chuyện giả mạo cán bộ này hay con cán bộ kia để làm tiền doanh nghiệp và người dân.

Sở dĩ tham nhũng vặt tràn lan khắp nơi là vì có tham nhũng lớn, mà muốn triệt tham nhũng thì những người đứng đầu phải có quyết tâm cao và có thực lực, giải pháp. Nếu chỉ có quyết tâm mà không có thực lực cũng như giải pháp hữu hiệu thì không thể làm gì được. Hổ lớn không bắt được thì hổ con sinh sôi nảy nở là chuyện bình thường. 

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Ngọc Quang (Thực hiện)