Kể thêm về sinh nhật ông Võ Văn Kiệt

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

 

Sáng nay gã tới Cafe Sỏi đá gặp nhà văn Nguyên Ngọc cùng các nhà văn trong Văn đoàn Độc lập. Rõ vui vì mọi người được ôm hôn thắm thiết nàng thi sĩ xinh đẹp Ý Nhi thành viên của Văn đoàn Độc lập vừa được trao giải thưởng thơ danh giá của Thụy Điển. Rõ vui vì Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cơ quan xuất bản chính thức của Hội Nhà văn chính thống vừa xuất bản tập thơ “Bài hát chính tôi” của Walt Whitman do nhà thơ Hoàng Hưng dịch. Tuần vừa rồi nhà thơ Hoàng Hưng – một “chiến sĩ tiên phong” của Văn đoàn Độc lập – đã được chính Hội Nhà văn chính thống mời đến trụ sở của mình giới thiệu tập thơ. Gã nói với nhà văn Nguyễn Quang Thân và nhà văn Lê Phú Khải ngồi bên gã, đó chính là sự cởi mở Hòa giải dân tộc, hòa nhập thế giới mà ông Võ Văn Kiệt đeo đuổi.

Thế rồi theo gợi ý của nhà văn Nguyễn Quang Thân muốn gã kể lại tường tận buổi kỉ niệm ngày sinh của ông Võ Văn Kiệt mà gã được dự và đã có trích một khúc trong bài viết “Câu chuyện dành cho ngài Chủ tịch An Giang”.

Thì kể cho ra ngô, ra khoai.

***

Gã có một lần cùng nhà báo Lý Quý Chung cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa thời tướng Dương Văn Minh đến nhà ông Võ Văn Kiệt trên đường Tú Xương. Không ngờ đó lại đúng ngày sinh của ông. Nhiều đoàn dân đến chúc mừng lắm, nhiều hoa lắm. Lúc ngơi khách ông Kiệt kể nhõn gã nghe, khi chưa 20 tuổi ông đã tham gia một cuộc chiếm bốt của người Pháp ở Vĩnh Long quê ông. Đi đánh nhau gì mà chả biết cầm súng, bắn súng, chả biết kế hoạch, bố trí lực lượng gì hết ráo. Bảo đi là đi. Đến nơi hỏi nhau, mình mần gì heng?

Ông cười.

Với ông hình như xưa nay đã cười chỉ là… cười, sảng khoái một tiếng cười.

Đến đoạn không cười, ông gay gắt phê phán cách tiếp tổng thống Mỹ Clinton của các vị lãnh đạo lúc ấy, theo ông là rất dở, không có tầm nhìn xa về thế giới phát triển, không thấy hết những vấn đề cốt lõi của mở cửa để phát triển đất nước và các âm mưu, áp lực từ Trung Quốc.

Thế rồi, ngày 23 tháng 11 vừa rồi, gã được mời dự sinh nhật ông Kiệt tại nhà giáo sư Tương Lai.

Không còn ông Kiệt.

Chỉ một tấm hình ông đang cười vẫn nụ cười rất sảng khoái. Ông Tương Lai ở tuổi 80 mang trọng bệnh, lại vừa mổ mắt nữa vẫn săng sái chuẩn bị lễ sinh nhật của ông Kiệt như chuẩn bị sinh nhật của mình. Các ông Lê Công Giàu, Tô Lê Sơn và gã đến sớm phụ giúp với ông bê bàn ghế. Bạn bè, những người từng là cộng sự của ông Kiệt, những người yêu thương ông Kiệt lần lượt xuất hiện: Tống Văn Công, Võ Viết Thanh, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Tấn Mẫm, Kha Lương Ngãi, Huỳnh Sơn Phước, Kim Hạnh, Nguyễn Thị Cúc, Võ Văn Thôn, Hạ Đình Nguyên… và Hiếu Dân, con gái ông Kiệt.

Gía như, bắt đầu là hai chữ “giá như” ấy, giáo sư Tương Lai nén xúc cảm chân thành nhất của mình để nói tiếp câu “…hôm nay ông Sáu Dân của chúng ta còn sống…”.

Thì.

Thì…

Giời ạ! Tại sao thời cuộc, thế sự, vận mệnh, số phận, tương lai của dân tộc cứ phải gắn với hai chữ “giá như” và nhiều chữ “giá như” nữa như “giá như” kia? Giời ạ! Tại sao đằng sau chữ “thì” lại là cả một khoảng trống mênh mông đến xót lòng người còn, kẻ mất?

Tuy vậy, giáo sư Tương Lai khẳng định, mặc dù ông Sáu Dân không còn nữa, nhưng tư tưởng của ông, tầm tư duy của ông vẫn đồng hành cùng những người yêu nước và vẫn là ánh sáng chỉ đường cho những bước ngoặt của đất nước hôm nay. Không phải tự dưng ông là nhà lãnh đạo của Việt Nam bị nhà cầm quyền Trung Quốc ghét nhất, căm thù nhất. Vì ông nhìn ra nguy cơ đất nước bị lệ thuộc không chỉ nền kinh tế bẩn của Trung Quốc mà còn bị trói buộc ý thức hệ… bẩn của Trung Quốc.

Gã ngồi một góc lẩm nhẩm một mình: Và ngược lại, không phải tự dưng ông là nhà lãnh đạo của Việt Nam được nhiều người dân yêu thương nhất.

Vì…

Huỳnh Bửu Sơn, chàng chuyên gia kinh tế có bộ ria kẽm người cùng với các chuyên gia kinh tế trong nhóm tư vấn Thứ Sáu của ông Kiệt đã nêu bật tư tưởng đổi mới quyết liệt của ông Kiệt. Theo ông Sơn thì ông Kiệt chính là nhà thiết kế chính, quan trọng nhất cho tiến trình đổi mới mở cửa với ASEAN, hòa nhập với thế giới, cho tiến trình kết nối chặt với các nước văn minh, cho tiến trình nhận thức rõ vai trò của Mỹ đối với sự phát triển của đất nước. Ông Sơn khẳng định thời gian đã chứng minh những thiết kế của ông Kiệt là đúng đắn nhất. Và TPP có thể nói chính là một sản phẩm từ tư tưởng mở cửa của ông Kiệt.

Phan Chánh Dưỡng tác giả của Khu chế xuất Tân Thuận và đô thị Phú Mỹ Hưng ngạc nhiên vì sao một con người như ông Kiệt xuất thân nông dân, không học hành bao nhiêu lại có thể có được những tầm nhìn về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị cao đến như thế. Điều gì đã làm nên tầm vóc của một Võ Văn Kiệt?

Mọi người lần lượt kể những kỉ niệm của mình với ông Kiệt, và những câu chuyện kể ấy đã góp phần giải đáp câu hỏi rất thú vị của Phan Chánh Dưỡng.

Nhà báo Tống Văn Công khi là lãnh đạo công đoàn và báo Lao Động thường xuyên có mặt trong các cuộc tiếp xúc của ông Kiệt ở các nhà máy, xí nghiệp, kết luận rằng, ông Kiệt là người luôn trăn trở tìm lối thoát đói nghèo lạc hậu cho đất nước. Mọi tâm trí của ông đều dồn vào đó. Đến đâu ông cũng lắng nghe, tìm hiểu rất kĩ những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp, chủ nhà máy, công nhân gặp phải và cùng họ tìm cách tháo gỡ.

Nhà báo Kim Hạnh nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cùng một số người khác nói nhiều đến cái tình với dân của ông Kiệt. Chính vì cái tình ấy mà ông dũng cảm chống lại bất cứ chủ trương nghị quyết nào sai trái của Đảng, của Chính phủ cản trở sự đổi mới của đất nước. Thấy dân đô thị thiếu gạo vì tình trạng ngăn sông cấm chợ, ông ra tuyến đầu phá bỏ những rào chắn thông thương. Thấy rõ cơ chế quan liêu bao cấp cản trở phát triển kinh tế, ông đương đầu với những kẻ bảo thủ rạch đường máu kinh tế thị trường. Ông biết rõ một đất nước muốn đi lên phải tôn trọng trí thức, nhân tài, ông đứng ra bảo lãnh những trí thức nhân tài vượt biên bị bắt giam, đưa họ về, khuyên họ nếu có đi thì đừng vượt biển nguy hiểm đến tính mạng rồi trao trọng trách và tạo điều kiện sống làm việc cho họ.

Xin mở ngoặc ở đây một tẹo. Gã từng nghe ông Huỳnh Kim Báu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, từng là Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước Sài Gòn kể rằng, chính ông là người được ông Kiệt ủy quyền đi các trại giam cứu các trí thức, nhân tài vượt biên bị bắt trong đó có giáo sư Võ Tòng Xuân…

Ông có vợ và hai con bị bom chết mất xác, rồi một con trai hy sinh trong chiến tranh nhưng ông hiểu đất nước muốn hùng mạnh thì phải thống nhất, không chỉ thống nhất bờ cõi mà thống nhất lòng người. Ông tuyên bố ngày 30 tháng Tư hàng triệu người vui cũng có hàng triệu người buồn vì vậy ông giương cao ngọn cờ Hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Ông Võ Viết Thanh, nguyên Thượng tướng phụ trách an ninh một thời, nói rằng, khi là người cao nhất phụ trách an ninh của Bộ Công an noi theo tư tưởng vì dân, tinh thần hòa giải dân tộc của ông Sáu Dân mà ông ra những quyết định tạo điều kiện tốt nhất cho Việt kiều trở về thăm quê hương và cho người Việt Nam ra nước ngoài thăm thân nhân hoặc tìm cơ hội làm ăn. Và với tư cách một nguyên Ủy viên Trung ương Đảng ông Võ Viết Thanh đề cao tinh thần dân chủ của ông Kiệt. Ông Thanh tán đồng ông Kiệt khi ông Kiệt cho rằng dân chủ trước hết phải ở trong Đảng. Đảng không có dân chủ thì làm sao Đảng chấp nhận cho dân có dân chủ?

Cứ thế chuyện về ông Kiệt như không bao giờ có thể dứt… cái tình, cái tình với dân mà ông đã đặt bí danh của ông là Sáu Dân và đặt tên cho cô con gái duy nhất của ông là Hiếu Dân.

Kết thúc ghi chép này cho trọn vẹn gã xin được một lần nữa ghi lại lời kể của chị Cúc một doanh nhân về ông Kiệt mà gã đã ghi trong bài viết “Câu chuyện dành cho ngài chủ tịch An Giang”.

“Ông Sáu đến xưởng của tôi. Tôi đóng cổng không cho ông vô. Ông cứ đứng ngoài chờ. Ba mươi phút sau thấy ông vẫn đứng ngoái nắng chờ, tôi mới mở cổng cho ông vô. Tôi bảo, đầy tớ đến nhà bà chủ làm gì? Bà chủ này nghèo mời đầy tớ uống nước lọc vậy. Ông Kiệt không tỏ ra giận dữ trước những lời châm chọc sâu cay của tôi. Ông bình tĩnh ngồi xuống ghế rồi uống nước.

Cùng trong phòng của tôi lúc ấy có hai cô giáo đang chăm chú làm việc. Tôi bảo, đây là hai bà chủ vì đi dạy học không đủ sống nên đến đây làm thêm đó đầy tớ à. Ông Kiệt bần thần một lúc rồi đến bên hai cô giáo, ông hỏi các cô dạy học ở đâu, lương bao nhiêu. Nghe xong, ông bảo, lãnh đạo không chỉ có mình tôi, nhưng tôi xin hứa sẽ đem sự thật này ra để thuyết phục các lãnh đạo khác phải quan tâm thật sự đến đời sống giáo viên.

Phía ngoài có một chị bị tàn tật ngồi bệt trên sàn cặm cụi đan lát thủ công. Chị muốn được nhòm thấy mặt ông lãnh đạo Đảng và nhà nước, nhưng không dám vào phòng. Tôi kéo chị ấy vô ngồi lên ghế. Chị ấy không chịu ngồi lên ghế. Tôi nói. Chị này tàn mà không phế, chứ các ông, tôi chỉ ông Kiệt, các ông không tàn mà đã bị phế.

Ông Kiệt bảo, cháu ơi,cháu ngồi lên ghế đi, bà Cúc đây chửi tôi đau lắm rồi cháu đừng làm tôi đau thêm nữa.

Ông Kiệt ôm lấy chị tàn tật ấy rớm nước mắt.

Khi chia tay, ông bảo tôi, tôi hiểu vì sao chị giận tôi. Ông nắm chặt tay tôi”.

Kể xong câu chuyện chị Cúc khóc rồi chị bảo với giáo sư Tương Lai là chị xin phép phải về nhà ngay vì chồng chị đang trong cơn hấp hối. Gã đã nắm chặt tay của chị rồi đưa chị ra thang máy, tiễn chị. Sự thật lúc ấy gã muốn được ôm chị quá, chị Cúc ơi!

27. 11. 2015.

Comments are closed.