- Khách tới quán, vỗ đùi, hô: “Tiểu nhị! Mang cho ta một bình Lục Thanh Tửu”. Lát sau,  phục vụ chạy tới, đặt lên bàn một bình nhỏ. “Thưa khách quan, đây là loại thức uống hảo hạng được chưng cất lâu năm, uống vào thanh mát lục phủ ngũ tạng, nhân sĩ giang hồ thường gọi là bia”...

Điểm "hạ sơn" của dân nghiền kiếm hiệp

Quán nhỏ là không gian gặp gỡ của những người hâm mộ truyện kiếm hiệp Kim Dung, Ngô Thừa Ân, Cổ Long,... hoặc thích trải nghiệm cảm giác mới lạ, cổ trang ở Sài Gòn.

Từ thiết kế đến không gian, vật dụng, đến phong cách nhân viên phục vụ,... tất cả đều theo phong cách kiếm hiệp độc đáo. Khách lui tới quán thường là cả nam và nữ, tuổi trên 25 và đam mê truyện kiếm hiệp.

Các món ăn tại đây được gọi bằng nhiều cái tên không xa lạ gì với giới nghiền truyện kiếm hiệp, như Tịch tà kiếm phổ (Xúc xích Đức), Nước mắt cô Long (Bò đẫm lệ); Đoàn Diên Khánh đá cầu (bò nướng Hoa Sơn) hay Cù Thiên Xích chơi lò cò (Bò cuộn nấm kim châm),...

Theo lời chủ quán, quán có tổng cộng 100 món ăn, là những món thất truyền xưa được hồi sinh bởi “trù sư 13 năm công lực” (bếp trưởng với 13 năm kinh nghiệm). Nguyên liệu làm món ăn tươi ngon hái từ đỉnh Hoa Sơn, được cắt gọt tỉa bởi Độc Cô Cửu Kiếm, trải qua lửa bằng nội công tâm pháp Cửu Dương Thần Công trong 3 lần 5 là 15 phút.

{keywords}

Khách tới quán uống bia bằng vò, bằng chén thay vì chai, ly.

Để đặt được những cái tên món ăn độc và lạ, các thành viên tạo dựng quán phải mất rất nhiều thời gian suy nghĩ và tìm điểm tương đồng giữa truyện và hương vị các món ăn. Ví dụ, món ăn có tên Nước mắt cô Long được làm chính từ nguyên liệu là thịt bò. Thịt bò được làm tái, còn vị cay, được quét thêm 1 lớp bù tạt, thêm 1 lần tương ớt rồi trải thêm 1 lớp cải xanh, cuộn tròn lại, đưa vào miệng nhai đủ 5 lần. Sau đó, khách há miệng, phả hơi ra ngoài, độ cay chạy lên não, vòng vòng quanh đầu, tức khắc nước mắt trào ra tự nhiên. Cảm giác này được lý giải như việc Dương Quá xa Cô Long 16 năm trời đằng đẵng.

Cùng với đó, đồ uống có nhiều cái tên như Nữ nhi hồng (Sài Gòn đỏ), Trúc Diệu Thanh (Sài Gòn xanh), Phục hổ Tửu Bạch (Tiger Bạc),... Thực khách sẽ uống bia bằng vò và chén thay cho chai, lon, ly. Mặc dù được gọi là "tửu lầu" nhưng quán không bán các loại rượu do thời tiết Sài Gòn nóng bức, các món ăn trong quán không phù hợp với rượu.

Ngoài ra, quán còn có các trò chơi thử thách các tình huống liên quan tới truyện kiếm hiệp. Có thể, khách tới quán bốc thăm một câu đố nho nhỏ từ chủ quán về nhân vật truyện, bí kíp võ công, tình tiết truyện,... nếu trả lời đúng sẽ được miễn phí món ăn. Ngược lại, nếu khách đố chủ quán bất kỳ một điều gì về truyện kiếm hiệp mà không trả lời được chủ quán sẽ bị phạt bằng cách trả tiền cho 1 món ăn. 

Trong không khí “uống bia luận anh hùng”, anh X. cùng các bạn tỏ ra khá hứng thú với không gian và cách phục vụ tại đây. Là khách quen của quán từ những ngày đầu, anh X. thường xuyên cùng bạn bè tới đàm đạo truyện kiếm hiệp và bình truyện, bình nhân vật. Đây cũng là địa điểm duy nhất ở Sài Gòn tạo dựng không khí kiếm hiệp trong quán ăn. Với anh X, điều thích nhất anh được kết giao nhiều bạn bè cùng sở thích và được bày tỏ sự quan tâm của mình về các hiệp khách và các môn võ công truyền kỳ.

Nhiều ý tưởng nhen nhóm

Anh Thông Phan, một trong ba thành viên sáng lập quán, kể về lý do để họ tạo dựng quán cũng vì tình yêu và đam mê với truyện kiếm hiệp. Anh nói, cả ba chơi thân thiết với nhau khoảng chục năm, nghiền ngẫm không sót một tập truyện kiếp hiệp nào. Rồi, ý tưởng tạo ra một sân chơi cho những người cùng sở thích nảy sinh. Họ cùng nhau mở quán ăn này.

Cả ba sau đó cùng nghỉ việc để lên kế hoạch, bắt tay thực hiện. Ban đầu, các anh gặp sự phản đối kịch liệt từ gia đình. Thậm chí, bố mẹ của một thành viên trong nhóm liên tục hỏi câu "lý do gì nghỉ việc" rồi hàng ngày lên quán ngó nghiêng, kiểm tra, không tin quán có thể hoạt động tốt, có lãi. Dần dà, các anh chứng minh bằng cách hàng tháng gửi hóa đơn, chứng từ thu chi về cho bố mẹ kiểm tra, lâu dần phụ huynh tin tưởng và không còn phản đối nữa. Anh Thông Phan khẳng định, nếu được chọn lại, anh vẫn sẽ làm và làm sớm hơn. 

{keywords}

Một trang thực đơn tại quán với cách đặt tên món ăn độc, lạ.

Anh Thông không khỏi bật cười khi nghĩ về ngày đầu mở quán. Để tạo trải nghiệm và không gian kiếm hiệp, các anh phải đặt mua những chiếc chén, chiếc vò từ các cửa hàng gốm, sứ trên đường Võ Thị Sáu. Tháng đầu tiên, anh mua 70 chiếc chén uống bia, giá hơn 30.000 đồng/chiếc. Sau một tháng, quán chỉ còn 30 chiếc do khách nghiền truyện kiếm hiệp, trong lúc bàn luận anh hùng, ngỡ mình là Tiêu Phong, uống xong là "choang" khiến nhiều phen chủ quán "rơi lệ".

Sau đó, thấy những chiếc chén này không được tráng men, khách hàng khi uống có thể bị sứt môi nên ba ông chủ bàn nhau mua loại chén khác được tráng men, giá 50.000 đồng/chiếc, mua kèm thêm 200 chiếc vò, mỗi chiếc giá 200.000 đồng.

Thời gian đầu, nhân viên trong quán chưa quen với những bộ trang phục trong phim kiếm hiệp, còn ngại ngần nên phục vụ khách chậm chạp. Các anh phải giành nhiều thời gian dạy bảo, động viên. "Ba tháng nay, khách hàng khá hài lòng về thời gian phục vụ của quán, không còn những than phiền về sự chậm trễ", anh Thông Phan cho biết.

Hiện quán có 3 nhân viên bếp, 4 nhân viên phục vụ. Mỗi ngày, quán chỉ có thể đón khoảng 60-70 khách. Sắp tới, các anh sẽ thuê thêm địa điểm để mở rộng quán, với diện tích khoảng 400m2, sau đó sẽ chia thành từng phòng riêng, mỗi phòng được bài trí để nói về một địa điểm chính trong truyện kiếm hiệp như Bãi sậy, Rừng tre, Tàng kinh các,...

Minh Thư