Lên án Facebook gỡ ảnh 'Em bé Napalm'

Bức ảnh 'em bé napalm' được chụp hồi 1972 (Hình của phóng viên Nick Ut / AP)

Nguồn hình ảnh, BBC World Service

Chụp lại hình ảnh,

Bức ảnh 'em bé napalm' được chụp hồi 1972 (Hình của phóng viên Nick Ut / AP)

Facebook đảo ngược quyết định kiểm duyệt bức hình Chiến tranh Việt Nam nổi tiếng, sau khi chịu sự chỉ trích nặng nề, từ cả Thủ tướng Na Uy.

Thủ tướng Na Uy đã phản ứng trước việc Facebook nhanh chóng xóa bỏ bức ảnh "em bé napalm" nổi tiếng do phóng viên của AP chụp hồi Cuộc chiến Việt Nam khỏi mạng xã hội này.

“Do là hình ảnh biểu tượng có tầm quan trọng lịch sử, giá trị của việc cho phép chia sẻ cao hơn giá trị bảo vệ cộng đồng qua việc gỡ bỏ, chúng tôi quyết định cho phép lại hình này trên Facebook,” một phát ngôn nhân nói.

Sau khi bị Facebook xóa bỏ, tấm ảnh này đã được nhiều người Na Uy đăng lên Facebook để phản đối, và Thủ tướng Erna Solberg đã làm điều tương tự hôm thứ Sáu, hãng tin AP nói.

Facebook nhanh chóng xóa bỏ post của bà thủ tướng trong vài giờ sau đó, Sigbjorn Aanes, một trong những người thân cận với bà Solberg nói.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Facebook quyết định xóa bức ảnh do một cây viết người Na Uy, Tom Egeland, đăng minh họa cho bài viết The Terror of War.

Đây là bức hình cho phóng viên ảnh đoạt giải Pulitzer Nick Ut chụp hồi 1972 với cảnh cô bé 9 tuổi Kim Phúc trần truồng, gào thét, chạy trên đường làng sau khi bị bỏng do bom napalm.

Quyết định này khiến Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, đã bị một tờ báo lớn của Na Uy chỉ trích gay gắt.

Báo the Guardian của Anh nói rằng Espen Egil Hansen, tổng biên tập và là giám đốc điều hành của Aftenposten, cáo buộc ông Zuckerberg là "lạm quyền" một cách thiếu thận trọng trên mạng xã hội có đông người dùng trên thế giới khi kiểm duyệt bức ảnh lịch sử "em bé napalm" Phan Thị Kim Phúc, đồng thời kêu gọi Zuckerberg hãy làm đúng vai trò "chủ biên quyền lực nhất thế giới" của mình.

'Hạn chế quyền tự do biểu đạt'

"Tôi thấy buồn, thất vọng - thậm chí còn thấy sợ hãi - về chuyện ông sẽ làm gì đối với một trụ cột chính của xã hội dân chủ chúng ta," Hansen được báo the Guardian dẫn lời nói.

"Tôi thấy lo lắng rằng phương tiện quan trọng nhất thế giới lại đang hạn chế thay vì nới rộng quyền tự do, và rằng điều này thỉnh thoảng lại xảy ra theo cách thức chuyên quyền," ông nói thêm.

Bài của Egeland nói về "bảy bức ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh", trong đó gồm cả bức tranh "em bé napalm".

Egeland sau đó đã bị Facebook khóa tài khoản.

Sau khi Aftenposten báo cho Facebook về việc trên và chia sẻ bài viết cùng tấm hình trên trang Facebook của tờ báo, thì tòa soạn đã nhận được tin nhắn từ Facebook theo đó yêu cầu phải "hoặc xóa đi, hoặc làm mờ bằng kỹ thuật số" tấm hình.

"Bất kỳ ảnh nào chụp người để hở toàn bộ bộ phận sinh dục hoặc mông, hoặc để hở toàn bộ khuôn ngực phụ nữ, sẽ bị xóa bỏ," thông báo từ Facebook giải thích.

Trước khi Aftenposten phản hồi, Hansen viết, Facebook đã xóa bỏ bài báo và hình ảnh liên quan khỏi trang fanpage của báo này trên Facebook.

Trong lá thư ngỏ, Hansen nói rằng quyết định của Facebook trong việc xoá tấm ảnh cho thấy mạng xã hội này không có khả năng "phân biệt giữa ảnh khiêu dâm trẻ em và những tấm ảnh chiến tranh nổi tiếng, cũng như việc thiểu thiện chí "tham khảo để có nhận định chính xác".

Về phần mình, Facebook nói: "Chúng tôi cố gắng tìm cách cân bằng giữa việc cho phép mọi người tự do biểu đạt trong lúc duy trì sự an toàn, tôn trọng nhau trong cộng đồng toàn cầu của chúng ta. Giải pháp của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng cải thiện chính sách của mình cũng như các cách áp dụng chúng."

Paul Colford, phó chủ tịch AP đồng thời phụ trách quan hệ báo chí của hãng, nói: "AP tự hào về bức ảnh của Nick Ut và công nhận tác động có tính lịch sử của nó. Thêm nữa, chúng tôi giữ bản quyefn đối với tấm hình đầy sức mạnh này."

Trách nhiệm biên tập

Aftenposten là tờ báo có lượng ấn bản phát hành lớn nhất Na Uy, và Rolv Erik Ryssdal, giám đốc điều hành công ty mẹ của tờ báo, Schibsted Media Group, nói hành động của Facebook là "không chấp nhận được".

"Truyền thông độc lập là nền tảng dân chủ," ông nói trong một tuyên bố.

Cố vấn truyền thông xã hội Sue Llewellyn nói bà tin rằng hành động của Facebook là quá nặng nề.

“Tôi hiểu ý họ, nhưng theo tôi thì họ đã phản ứng quá mức cần thiết,” bà nói.

“Thật lố bịch khi ai cũng biết hình ảnh đó, một hình ảnh đầy tính biểu tượng nhưng lại bị cấm.”

Bà cũng không đồng ý với những nhận xét của Mark Zuckerberg hồi tháng trước, theo đó nói công ty ông là một hãng công nghệ chứ không phải là một tổ chức báo chí.

“Quý vị không thể là một nhà phân phối tin tức mà lại không chịu trách nhiệm biên tập,” bà nói. “Không thể phủi tay và rồi kiểm duyệt nội dung.”