​Giáo viên “lờ mờ” về tích hợp

THÙY AN
THÙY AN

TT - Giáo viên (GV) còn lờ mờ, nhầm lẫn về tích hợp dẫn đến tích hợp... lan man, ôm đồm, không hiệu quả.

Nhóm giáo viên vật lý Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) thảo luận về giáo án dự thi tại hội thi giáo viên dạy học theo chủ đề tích hợp năm 2013-2014. Đây là bài dự thi đoạt giải nhì cấp quốc gia - Ảnh: Kim Ngân
Hãy đi từng bước thận trọng, logic, bao quát, thực chất và hạn chế tối thiểu những sai lầm, tránh đưa trẻ em vào những cuộc thí nghiệm tốn kém mà không đánh giá được hiệu quả thật sự
TS PHẠM THỊ LAN PHƯỢNG
(Viện Nghiên cứu giáo dục)

Đào tạo GV chưa bắt kịp nhịp đổi mới; áp lực thời gian và áp lực chương trình học là những vướng mắc khi triển khai dạy học tích hợp.

Thực trạng này được nêu ra tại hội thảo khoa học về dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 do Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức sáng 5-12.

Hiểu nhầm về tích hợp

“Chúng ta sẽ dạy như thế nào khi kiến thức, bài giảng, thông tin bài học đều đã có trên... Google?” - câu hỏi của cô Trương Thị Thanh Mai (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) đặt ra vấn đề đổi mới dạy học, trong đó dạy học tích hợp là xu hướng phù hợp và hiệu quả mà các nước đã triển khai lâu nay.

Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của GV đối với triển khai dạy học tích hợp còn thấp. Kết quả khảo sát 250 GV tại 18 trường THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy: 9% GV cho rằng bản thân chưa hiểu biết về dạy học tích hợp, 40% GV nhầm lẫn khái niệm tích hợp liên môn và đa môn, 12% GV cho biết chưa từng lồng ghép giáo dục các vấn đề khác ngoài phạm vi nội dung SGK.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục về mức độ chuẩn bị của GV tại TP.HCM đối với dạy học tích hợp cho thấy:

- 63,9% trên tổng số 249 GV được hỏi cho biết đã hiểu rõ chủ trương đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015;

- 94% cho rằng GV cần được trao quyền tự chủ trong việc dạy học.

- Có 48,6% GV thường xuyên áp dụng dạy học tích hợp,

- 10% chưa bao giờ áp dụng.

Phần đông GV cho rằng mấu chốt của việc thực hiện hiệu quả phương pháp tích hợp là thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh, sau mới đến thay chương trình, SGK và bồi dưỡng, đào tạo GV.

Cô Thanh Mai nêu một ví dụ về sự nhầm lẫn của GV trong dạy học tích hợp:

Với chủ đề “Ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe con người”, có GV tích hợp cả chục môn học như toán (học sinh tính toán số lượng), hóa (phân tích thành phần hóa học của cây thuốc lá), sinh (ảnh hưởng của thuốc lá đối với hệ hô hấp), văn (học sinh viết báo cáo), giáo dục công dân (thay đổi nhận thức học sinh), tin học (trình bày bằng trình chiếu)...

Thực tế cho thấy nhiều GV chưa nắm rõ về tích hợp, thấy cái gì liên quan, giông giống thì gom vào thành tích hợp.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Linh (Trường THPT Phan Văn Trị, Bến Tre) cũng kể một câu chuyện vui về việc GV tích hợp không hợp lý: “Khi dạy đoạn trích Trao duyên (Truyện Kiều, Nguyễn Du), GV liên hệ cuộc sống bằng câu hỏi: Nếu là Thúy Kiều, em sẽ làm gì?, học sinh liền trả lời: Em sẽ lấy chồng Đài Loan”.

Cô phân tích: “Nếu tích hợp, liên hệ không hợp lý thì câu trả lời của học sinh có thể đi ngược lại điều GV mong muốn”.

Nhiều vướng mắc

Nhiều giải pháp được đưa ra để dạy học tích hợp có thể đi vào đời sống giáo dục, trong đó vấn đề cốt lõi là đào tạo, tập huấn cho GV để họ đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, được bổ sung kiến thức giao thoa giữa các môn học, ứng dụng công nghệ thông tin...

Một đại diện của phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Nhiều báo cáo đưa ra yêu cầu về năng lực cần có của GV để đáp ứng đổi mới giảng dạy, nhưng vấn đề là mất bao nhiêu thời gian để có thể đào tạo một GV hội đủ các năng lực nói trên, ai đào tạo, hay GV phải tự rèn luyện?

Sự thật là hai năm qua TP đã hưởng ứng cuộc thi về dạy học tích hợp, rất nhiều sản phẩm của các thầy cô nhưng đọc đi đọc lại chủ yếu là kiểu một vấn đề tích hợp cả chục môn học một cách mơ hồ. Tỉ lệ GV hiểu về tích hợp không nhiều và chất lượng không cao, đó là cái khó hiện nay”.

TS Dương Thị Hồng Hiếu, khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu thêm: “Cốt lõi của tích hợp là phải chỉ ra được “địa chỉ” tích hợp. GV chưa hiểu kỹ về khái niệm này nên chỉ mới dừng lại ở lồng ghép hoặc đưa ra một vài chỗ liên hệ trong bài học, dẫn đến tích hợp khiên cưỡng. Trong khi chờ đợi chương trình mới, SGK mới, cần hướng dẫn GV lựa chọn những kiến thức tích hợp, ở bài nào, tránh việc biến bài học thành cồng kềnh, gây mất thời lượng tiết học. Đây là điểm vướng nhất hiện nay”.

Ông Đoàn Dụng, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, bày tỏ băn khoăn: “Chúng ta có rất đông học sinh các huyện miền núi, học sinh con em các dân tộc và cả học sinh trong các trường chuyên biệt. Việc dạy học tích hợp và phân hóa cho các em sẽ như thế nào?”. Ông cũng lo ngại khi thực tế cho thấy trình độ GV hiện nay chưa đồng đều, nhất là trình độ ngoại ngữ, là rào cản để GV thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Anh Dũng (nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, thành viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK của Bộ GD-ĐT) ghi nhận nỗ lực của các nhà nghiên cứu khi tổ chức được một hội thảo ít lý luận, nhiều thực tiễn, giải pháp, với sự góp mặt của đội ngũ GV (khác với một số hội thảo bàn về giáo dục phổ thông nhưng không có GV tham gia).

“Cơ sở khoa học, lý luận thì nhiều hội thảo đã làm, thông tin chúng ta cũng đã đầy đủ, vấn đề bây giờ là làm như thế nào, phát huy những nghiên cứu nói trên ra sao, đề xuất xem phương pháp tích hợp nội dung chương trình sau năm 2015 là gì? GV là vấn đề đáng lo nhất. Chương trình, SGK dù hay đến đâu mà không qua được “cửa” GV thì cũng thất bại. Ở Phần Lan, khi đổi mới giáo dục, cái đầu tiên họ làm là đào tạo GV, tất cả đều có trình độ thạc sĩ trở lên. Khi SGK có sai một chút hay chương trình có vấn đề gì, GV đều có thể đáp ứng và xử lý tốt. Tôi nghĩ rằng sẽ chậm nếu chúng ta không chuẩn bị trước, nhất là ngành sư phạm” - ông Dũng nói.

* PGS.TS TRẦN TRUNG NINH (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):

Không phải phép cộng đơn giản

Định hướng dạy học tích hợp, liên môn là cần thiết nhưng phải triển khai có lộ trình mới đạt được hiệu quả thật sự. Theo đó cần có sự phối hợp giữa chương trình các môn học và sự vận dụng linh hoạt phương pháp tích hợp với mỗi lĩnh vực kiến thức.

Bên cạnh đó phải tăng cường các giờ học thực hành, hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, giảm giờ dạy lý thuyết của giáo viên, tăng thời lượng các hoạt động học tập (dự án học tập) của học sinh theo những chủ đề cụ thể.

Các nhà trường cần xây dựng hệ thống bài tập mở, bài tập gắn liền với thực tiễn, bài tập có nội dung vận dụng kiến thức liên môn...

Dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn tuyệt đối không phải là phép cộng đơn giản như cộng thêm kiến thức lịch sử, địa lý vào ngữ văn, giáo dục công dân.

* ThS NGUYỄN HỒNG LIÊN (Viện Khoa học giáo dục VN):

Cần thay đổi đánh giá học sinh

Việc dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn không phải chỉ là việc có thể hô hào để giáo viên các nhà trường phổ thông tự xoay xở mà phải xây dựng chương trình, trong đó đảm bảo tích hợp được về nội dung, những kỹ năng cốt lõi học sinh có thể hình thành, đa dạng hóa phương pháp dạy học, trong đó đặc biệt chú ý tới sự tham gia tích cực của học sinh.

Theo hướng này thì việc đánh giá kết quả học tập cũng cần thay đổi, theo hướng đánh giá được quá trình nỗ lực, tiến bộ của học sinh chứ không chỉ xem xét kết quả sau cùng.

* TS NGUYỄN THỊ HIÊN (Trường ĐH Hải Phòng):

Tích hợp vô cảm, vô thức

Tích hợp là cần thiết nhưng tích hợp thiếu cân nhắc, thiếu sự lựa chọn là tích hợp vô cảm, vô thức.

Trên thực tế đã có một số hiện tượng không hay xảy ra trong dạy học tích hợp như giáo viên tích hợp không đúng lúc, đúng chỗ nên việc dạy tích hợp trở thành khiên cưỡng, gò ép. Hay có giáo viên vì không có sự cân nhắc, lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học nên dạy không đủ giờ.

Nội dung kiến thức chính cần dạy thì chưa nói được nhiều mà cái “tích” vào đã căng phồng, làm biến dạng tiết học. Cũng có một số giáo viên nghĩ đơn giản tích hợp là dựa vào cái này để tranh thủ nói về cái kia, nói càng nhiều càng tốt...

* Ông NGUYỄN VĂN NAM (Trường THPT Lạng Giang 2, Bắc Giang):

Không phải nội dung nào cũng tích hợp

Với định hướng dạy tích hợp, liên môn, chúng tôi chỉ đạo giáo viên khi soạn giáo án phải đặt ra vấn đề rèn kỹ năng gì cho học sinh, bài gắn với thực tế như thế nào, có thể kết hợp kiến thức liên môn thế nào để giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống.

Chúng tôi tạm chia ra hai nhóm môn học: nhóm thứ nhất kết hợp các môn khoa học xã hội gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Ở nhóm này khi soạn giáo án và dạy học, giáo viên phải chú ý tìm những điểm chung của các môn học hoặc liên hệ với thực tế, sử dụng thêm tài liệu, hình ảnh thực tế kết hợp tư vấn, giáo dục kỹ năng sống.

Còn nhóm các môn khoa học tự nhiên gồm toán, vật lý, hóa học, sinh học, chúng tôi đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm để thầy trò triển khai nghiên cứu thực hành theo một số chủ đề có sử dụng kiến thức của các môn học.

Về điều kiện thiết bị dạy học thì không phải môn nào cũng có đầy đủ theo yêu cầu. Nếu việc tích hợp, liên môn chỉ triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào sẽ không hiệu quả. Bởi không phải môn nào, phần nội dung nào cũng có thể tích hợp, vận dụng liên môn.

VĨNH HÀ ghi

THÙY AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên