Người nông dân

Thanh Thảo

Với người Việt, nếu anh không phải từ trên trời rơi xuống, thì đều “từ đất dấy lên”. Từ đất mà lên, có nghĩa anh mang sâu xa trong huyết quản mình dòng máu của ruộng đồng, dòng máu của người nông dân. Đó là dòng máu mạnh mẽ, trong sạch, giàu đức hy sinh nhưng cũng đầy chịu đựng.

Bây giờ, ai cũng nói: Công nhân công nghiệp là tầng lớp chịu khổ nhiều nhất. Nhưng công nhân công nghiệp là ai, nếu không phải xuất thân từ nông dân, là con em nông dân, vì tại quê nhà thiếu sinh kế nên ra thành thị, vào các khu công nghiệp làm công nhân chỉ với mục đích là kiếm tiền gửi về phụ giúp nuôi cha mẹ già yếu hay nuôi con cháu học hành. Tới khi “thoát thân” thành công nhân công nghiệp, người nông dân vẫn chưa thoát cái nghèo, cái khổ.

Có một chuyên gia đã tổng kết sáu (6) nỗi khổ của nông dân Việt Nam so với các tầng lớp khác trong xã hội, tóm tắt: 1) phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất, 2) hưởng ít nhất các dịch vụ công, 3) hưởng ít nhất sự chăm lo của nhà nước về giáo dục và y tế, 4) năng suất lao động thấp và thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường nên thường xuyên bị ăn chặn, 5) thuế và các khoản “phí” ngoài thuế đè nặng lên cuộc sống hàng ngày, và 6) sự bất công đối với nông dân trong các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ phục vụ đời sống như điện, đường, nước, trường, trạm… Và chuyên gia này kết luận: “Hỏi nông dân, chắc 100% số họ không muốn con cái họ làm nông dân, nhưng họ phải làm vì không có con đường khác thôi.”

Những thiệt thòi của người nông dân mà chuyên gia nêu ra đều đúng cả, nhưng chưa đủ. Có một nỗi khổ của người nông dân mà theo tôi, nó khó hình dung vì không cụ thể, nhưng lại tác động sâu xa tới tâm hồn người nông dân: đó là cảm giác bị quên lãng, bị “ra rìa”, bị “bỏ rơi” ngay trên quê hương mình.

Bây giờ, rất nhiều lúc người ta nhắc tới nông dân, nhưng sự quan tâm cụ thể thì ít lắm. Hoặc người ta chỉ quan tâm khi đất ruộng ở nơi A nơi B có thể “chuyển đổi” thành khu du lịch, thành resort của các ông chủ tư nhân. Với giá đền bù theo diện “đất ruộng”, người ta gần như “cướp trên giàn mướp” đất đai của nông dân, và lại xua những người mất đất ra thành thị làm thuê. Mà không xua thì người nông dân một khi không thể sống được với đất đai của mình cũng tự tìm đường ra thành phố kiếm sống, bỏ lại sau lưng làng quê thân thương nhưng nghèo khổ.

Nhiều nông dân đã trả lại đất, vì càng canh tác thì càng… lỗ. Trong khi các khoản thuế không hề giảm, còn phân hóa học hay thuốc trừ sâu thì tiếp tục tăng. Chỉ có điều, những phần ruộng đất nông dân trả ấy lại không thích hợp để nhà đầu tư xây… resort hay biệt thự kinh doanh. Nông dân và nhà đầu tư “không gặp nhau” ở chỗ đó! Chúng ta luôn nói, nông dân là “chủ lực quân của cách mạng”, qua rất nhiều thời kỳ, kể cả thời kỳ Đổi Mới, khi “Khoán 10” mở đột phá khẩu đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi trì trệ và bế tắc, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu ăn trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhưng nông dân thì vẫn khổ. Kể cả nông dân đồng bằng sông Cửu Long, là những người rất am tường về sản xuất lúa hàng hóa, và trong quá khứ đã không hề xa lạ với kinh tế thị trường. Nhưng khi không chủ động được đầu ra của hạt lúa, thì tất bị người ta ép giá, “làm giá” hoàn toàn bất lợi cho mình. Và sẽ trồng lúa trong trạng thái “mù thông tin”.

Chính phủ đã có chính sách bỏ tiền mua tạm trữ gạo để giữ giá cho nông dân, nhưng biện pháp này, hóa ra, lại làm lợi cho các “ông chủ” kinh doanh lúa gạo, chứ không mang lại lợi nhuận cho những người trực tiếp sản xuất. Tôi nghĩ, chỉ khi nào người nông dân sản xuất lúa gạo hàng hóa làm chủ được “đầu ra” – nghĩa là trực tiếp xuất khẩu gạo qua “công ty của mình” thì họ mới có thể thu lợi được 30% như kỳ vọng của chính phủ. Làm sao, những nhà khoa học nông nghiệp, những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu như GS Võ Tòng Xuân, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị… đứng ra vận động thành lập “công ty cổ phần xuất khẩu gạo” cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nông dân được mua cổ phần, trở thành những cổ đông, và công ty ấy thu lợi nhuận khi làm cho nông dân – cổ đông của mình – đều có lợi nhuận. Chỉ khi ấy, mới nói chuyện nông dân trồng lúa có thể “khá giả bền vững”.

Bởi, ngay từ bây giờ, lượng gạo tiêu thụ hàng năm trên thế giới, và ngay ở Việt Nam, đã có xu hướng giảm. Một khi người ta có mức sống cao hơn, thì lượng tiêu thụ tinh bột hàng ngày của mỗi người sẽ giảm xuống, trong khi các thành phần thực phẩm dinh dưỡng khác sẽ tăng lên. Lúc bấy giờ, người ta sẽ yêu cầu gạo có chất lượng cao, gạo sạch, và với số lượng không nhiều, chứ không phải là “gạo chung chung” và “ăn bao nhiêu cũng hết” như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ. Vì vậy, gạo xuất khẩu chất lượng thấp của Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường gạo thế giới.

Khi người kinh doanh gặp khó, đồng nghĩa với nông dân… khổ. Chỉ có những công ty cổ phần có sự tham gia của nhà khoa học nông nghiệp, chuyên gia marketing, nhà kinh doanh có tầm nhìn và nhạy bén với thị trường, cùng với nông dân trồng lúa chuyên nghiệp, mới có thể đưa hạt gạo Việt Nam ra thế giới mà nông dân Việt Nam không bị khốn khổ. Còn với những giải pháp nửa vời như hiện nay, thì sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn hết sức bấp bênh, và nông dân vẫn là người phải lãnh đủ. Còn như chuyện “trồng cây gì nuôi con gì” thì rất dễ thành chuyện… cười ra nước mắt. Dĩ nhiên là nước mắt của nông dân.

Như cái chuyện trồng “cây tỉ đô” – cây macca. Khi nhà khoa học lên ti-vi chém gió, hô hào nông dân trồng loại cây mới nhập ngoại và đang ở dạng trồng thử nghiệm này trên bình diện đại trà, trồng “càng nhiều càng tốt” mà chưa tính đến điều kiện thung thổ, khí hậu, giống má, thì nông dân làm sao tránh khỏi những tai vạ. Cũng như trước đây đã hô hào nông dân miền Trung, đặc biệt là Quảng Ngãi, trồng cây cao su, trong khi không hề tính đến đặc điểm của vùng đất này mỗi năm phải hứng chịu bao nhiêu trận bão, và cây cao su trồng ngay hàng thẳng lối, lại là loại cây thân gỗ giòn, sẽ bị bão bẻ gãy dễ dàng như thế nào, thì trách gì nông dân chẳng bị phá sản, phải ra thành phố bán hủ tiếu, mỳ gõ, trứng cút… kiếm sống.

Người nông dân là ai ? Chính là ông bà, cha mẹ chúng ta, là bà con cật ruột của chúng ta, dù chúng ta đã rời khỏi “chân ruộng” từ bao lâu đi nữa. Nếu biết yêu thương người nông dân như yêu thương cha mẹ bà con mình, thì đâu đến nỗi “người quê” phải khốn khổ như bây giờ.

Xin kết bài này bằng bài thơ tôi viết về cha mẹ một người lính trẻ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang tháng 7 năm 1984 để chúng ta cùng ngẫm ngợi:

THÁNG BẢY MƯA NGÂU

mưa rả rích ngược đường sông Lô

mưa mờ che dãy núi nhấp nhô

mưa như nước mắt người lính cũ

khóc bao đồng đội tới bao giờ

mưa ngâu góa phụ trẻ khóc chồng

mưa ngâu Chức nữ biệt Ngưu lang

những hồn lưu lạc trong khe núi

có về đây như một tiếng vang?

Thanh Thủy Vị Xuyên ba mươi năm

các anh cùng đất đá ăn nằm

“chết thành đá linh hồn bất tử”

mưa ngâu tháng bảy hóa mưa dầm

mưa ngâu trắng trời nước mắt tuôn

mẹ cha chết lặng trước mưa buồn

con đi ngày ấy còn quá trẻ

cây bưởi nhà ta quả mới ương

con chưa biết mưa trên giàn trầu

chưa từng hò hẹn dưới hàng cau

con đi đi mãi về hun hút

cho tới ngày con hóa mưa ngâu

9/7/2014 tháng ngâu

Comments are closed.