Nhật hoàng 'hối hận' về Thế chiến II

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong buổi lễ tưởng niệm.

Nguồn hình ảnh, Getty

Chụp lại hình ảnh, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong buổi lễ tưởng niệm.

Nhật hoàng Akihito lần đầu tiên bày tỏ "hối hận sâu sắc" về vai trò của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ông phát biểu tại một buổi lễ để đánh dấu 70 năm kể từ ngày Nhật Bản đầu hàng.

Thủ tướng Shinzo Abe nói những người Nhật phục vụ tổ quốc và thiệt mạng đã "hy sinh tương lai của mình", nhưng vào hôm thứ Sáu, ông đã bị cáo buộc 'không xin lỗi đúng đắn' về các hành động của Nhật Bản.

Một buổi lễ cũng đã được tổ chức tại căn cứ hải quân Mỹ Trân Châu Cảng, nơi mà cuộc xung đột khởi phát ở Thái Bình Dương.

Hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào năm 1941, sự kiện đã kéo Mỹ vào cuộc chiến.

Thành viên của Hải quân Hoa Kỳ và các chức sắc từ Mỹ và Nhật Bản đã đặt vòng hoa và gắn một biển tưởng niệm mới tại hiện trường.

Tại lễ tưởng niệm ở Tokyo vào thứ Bảy, ông Abe và Hoàng đế Akihito đã mặc niệm một phút.

Hoàng đế Akihito tỏ giọng hối lỗi hơn ông Abe, khi Nhật hoàng bày tỏ hối hận về chiến tranh xâm lược của nước này.

"Tôi tham dự buổi lễ tưởng niệm này với một nỗi niềm ân hận sâu sắc...

"Tôi thiết tha hy vọng rằng sự tàn phá của chiến tranh sẽ không bao giờ được lặp lại," Nhật hoàng nói thêm.

Còn Thủ tướng Nhật Bản nói nước này sẽ "luôn luôn ghi nhớ quá khứ và căm ghét sự khủng khiếp của chiến tranh".

'Hy sinh mạng sống'

Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe không đưa ra lời xin lỗi mới với các nạn nhân của Nhật Bản trong thế chiến II.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe không đưa ra lời xin lỗi mới với các nạn nhân của Nhật Bản trong thế chiến II.

Truyền thông Nhật Bản tường thuật ông Shinzo Abe nói rằng những người Nhật thiệt mạng đã "hy sinh mạng sống mình cho tương lai và sự thịnh vượng của quê hương."

Nhưng trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, ông đã không đưa ra một lời xin lỗi mới cho các nạn nhân của cuộc xâm lược của Nhật Bản, điều gây ra tức giận đối với Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ông nói rằng các thế hệ tương lai không nên bị "tiền định phải xin lỗi" cho những hành động chiến tranh của đất nước họ trong quá khứ.

Hành động của ông Abe được cho là ít nhiều 'có tính toán' khi ông có thể muốn 'lấy thêm phiếu' trong các nhóm quốc gia chủ nghĩa và cánh hữu ở Nhật Bản, theo một số ý kiến quan sát.

Trong khi, vẫn theo luồng ý kiến này, ông Abe muốn tránh các 'rắc rối' và 'khó khăn', 'áp lực' trong ngoại giao cho các thế hệ và giới cầm quyền tương lai của Nhật Bản.

Còn theo phóng viên của BBC News, Rupert Wingfield-Hayes, từ Tokyo sự kiện luôn là một dịp gây tranh cãi và chia rẽ ở Nhật Bản, thậm chí 70 năm sau cuộc đại chiến.

Vẫn theo phóng viên của chúng tôi, nhiều người Nhật có quan điểm khác nhau về những gì đã xảy ra trong thế chiến II và về thất bại của đất nước của họ.

Tại đền Yasukuni, nơi tưởng niệm chiến tranh Nhật Bản của mình đã chết, hàng ngàn người đã đến cầu nguyện.

Nhưng người ta cũng ghi nhận ở đây là nơi hương khói cho 12 người được xếp vào loại tội phạm chiến tranh ‘hạng A’, đặc biệt là những người đã lãnh đạo Nhật Bản trong chiến tranh.

“Nơi này (đền thờ Yasukuni) quả thực là một nơi gây tranh cãi", phóng viên Wingfield-Hayes nói.

“Chúng ta có thể thấy những người theo chủ nghĩa dân tộc, các nhóm cánh hữu và bán quân sự diễu hành ở đây, họ cúi đầu và cầu nguyện - không chỉ cho những người tử trận mà còn cho các tội phạm chiến tranh, những người mà họ cho là liệt sĩ.”