NHỚ CAO XUÂN HẠO

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

S_CH CXHTôi biết danh ông từ ngày còn học tiếng Nga ở ĐHSP Hà Nội. Hồi ấy, hễ học hết bài vở là tôi lại lấy Người con gái viên đại uý của Pushkin ra chép từng câu của nguyên bản vào trang bên này của sổ tay, còn trang bên kia thì ghi ra những lời dịch tiếng Việt của Cao Xuân Hạo. Để học cách dịch.

Tôi cứ từ từ làm công việc ấy từng ít một, hết câu này tới câu khác, hết chương này tới chương khác, suốt từ trang đầu tới trang cuối… Càng làm tôi càng hiểu ra rằng có nắm vững tiếng mẹ đẻ tới độ nhuần nhuyễn như ông thì may ra mới truyền đạt hết được bao xúc cảm và suy tư tinh tế mà Pushkin muốn gửi lại cho các thế hệ mai sau.

Mười mấy năm sau, khi được làm quen với một loạt kiến giải xác đáng và sâu sắc về nghệ thuật phiên dịch do các nhà ngữ học tên tuổi, như A. Wierzbicka, như Zholkovskij, như Mel’chuk đề xướng, tôi càng hiểu thêm rằng: hoá ra dịch không phải chỉ đơn thuần là truyền đạt những gì được thể hiện bằng ngoại ngữ trong nguyên bản sang tiếng mẹ đẻ hoặc ngược lại, như lắm người vẫn tưởng, mà là truyền đạt những gì được thể hiện bằng ngoại ngữ trong nguyên bản sang cái Lingua Mentalis, tức thứ Ngôn ngữ trong Trí não, rồi tiếp đó là chuyển từ cái Lingua Mentalis ấy sang tiếng mẹ đẻ hoặc ngược lại. Và chỉ những ai được trời phú cho một Lingua Mentalis hết sức giàu có và tinh tế cùng một cái vốn tiếng mẹ đẻ tuyệt vời hoạ may mới có thể dịch được như thế. Và chắc Cao Xuân Hạo là người hiếm hoi có cái được diễm phúc ấy.

Có lẽ chính nhờ thế mà bản dịch nào của ông, từ Người con gái viên đại uý đến Dubrovskij, từ Chiến tranh và hoà bình đến Tội ác và hình phạt, từ Khải hoàn môn đến Đèn không hắt bóng, v.v. và v.v., cũng đều là những áng văn hoàn hảo tới độ khiến người đọc có cảm giác như đó là sáng tác đích thực của chính Pushkin, chính Tolstoj, chính Dostoyevskij, chính Remarque, chính Watanabe,… một khi các nhà văn ấy cũng thạo tiếng Việt.

Tôi viết hơi dài về khía cạnh này trong hoạt động của ông chẳng qua chỉ vì không ít kẻ ác khẩu vẫn hay rêu rao rằng đây chẳng qua chỉ là thứ hoạt động kiếm tiền dễ ăn nhờ rành nhiều ngoại ngữ.

Nhưng dù những đóng góp của ông ở địa hạt dịch thuật có to tát đến đâu chăng nữa cũng khó lòng sánh kịp những cống hiến đáng ngả mũ cho ngữ học, nhất là Việt ngữ học.

Và chắc hẳn chẳng có lời ngợi ca nào tuyệt vời hơn dành cho ông ở địa hạt này bằng lời của nhà ngữ học Pháp danh tiếng Jean-Pierre Chambon khi ông đánh giá sự đóng góp của Cao Xuân Hạo qua công trình lí luận đậm tính cách mạng do nhà xuất bản SELAF ấn hành tại Paris năm 1985 là Phonologie et linéaritéRéflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine [Âm vị học và tuyến tính – Những suy nghĩ (mang tính) phê phán về các định đề của âm vị học đương đại]: “Sự thật là có lẽ phải nhìn về cái hướng mà Cao Xuân Hạo đã chỉ ra, chứ chẳng phải cái hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến, để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic trong ngữ học hiện đại”.

Riêng tôi, tôi chịu ơn sâu sắc hệ ngữ pháp “ĐềThuyết” do ông cùng các cộng sự thân tín đề xuất cho tiếng Việt vào giữa những năm 90 thế kỉ trước. Trước ông, chúng ta đã từng có cả chục bộ ngữ pháp, nào là của GS. Nguyễn Lân, nào là của GS. Diệp Quang Ban, nào là của GS. Hoàng Trọng Phiến, và bao cây đa cây đề khác nữa. Nhưng, tiếc thay, nỗi hãi hùng của người Việt trước các trận “phong ba bão táp” “đáng kinh sợ” do các mẹo luật ngữ pháp rối rắm của tiếng ta gây nên vẫn chưa hề bị đẩy lùi một mảy may nào. Vì sao vậy? Vì các hệ ngữ pháp ấy vẫn chưa giúp ích được bao nhiêu cho mỗi một chúng ta khi phải trả lời những câu hỏi hết sức giản dị đối với hàng loạt các thứ tiếng khác, như thế nào là câu, và đâu là chủ ngữ, vị ngữ của nó cùng hàng loạt câu hỏi khác nữa về một loạt khái niệm ngữ pháp thường gặp. Và nhất là những câu hỏi “hóc búa” hơn, như bản thể cùng linh hồn của câu tiếng Việt là gì, và nó được thể hiện ra sao trong ca dao, tục ngữ. Bởi lí do chủ chốt chung quy vẫn chỉ vì các hệ ngữ pháp ấy còn chưa thoát được ra ngoài cái quan niệm “dĩ Âu vi trung”, một quan niệm từng cầm tù không ít nhà Việt ngữ học chúng ta nên đã bị ông đả phá gay gắt và châm biếm chẳng tiếc lời trong nhiều khảo cứu cho tới ngày phải mãi mãi yên nghỉ.

Nhân đây, tôi cũng xin thú thật một điều: ví thử không có hệ ngữ pháp “ĐềThuyết” ấy, chắc hẳn tôi đã chẳng dám bỏ ra hơn sáu bảy năm trời ròng rã cho việc sàng lọc trên dưới 16 nghìn biểu thức ngôn từ được hầu hết các chuyên gia sưu tập văn chương dân gian công nhận là “tục ngữ” và đưa vào các bộ sưu tập dày công của họ, để chọn ra trên dưới 6 nghìn đơn vị tục ngữ đích thực, rồi mô tả tỉ mỉ mặt nghĩa của nó trong cuốn “Từ điển tục ngữ Việt” dày dặn vừa ra mắt độc giả hồi đầu năm 2010.

Ngoài ra, nhờ đoạn tuyệt chẳng mảy may luyến tiếc lối nhìn nhận tiếng Việt bằng cặp mắt của các thứ tiếng châu Âu, ông còn khám phá thêm được bao điều lí thú, mà tôi tin rằng sẽ được không ít thế hệ mai sau cảm ơn, trong cấu trúc bên trong của tiếng Việt, chẳng hạn, như tiếng Việt chúng ta, theo ông, chẳng làm gì có một thứ từ loại nào đáng gọi là “loại từ” cả (mà chỉ có “danh từ đơn vị”), chẳng làm gì có một thứ từ loại nào đáng gọi là “động từ” cả (mà chỉ có “vị từ động”), chẳng làm gì có một thứ từ loại nào đáng gọi là “tính từ” cả (mà chỉ có “vị từ tĩnh”), chẳng làm gì có một thứ từ loại nào đáng gọi là “phụ từ” cả (mà chỉ có “vị từ tình thái”), v.v.và v.v..

Giờ đây, khi hồi tưởng lại hàng loạt phát hiện lí thú lớn nhỏ mà ông, một trong những nhà Việt ngữ học lỗi lạc nhất nước ta, đã cống hiến cho công cuộc khảo cứu tiếng Việt, hết thảy chúng ta chắc không ai là không cảm thấy những mất mát chẳng tài nào bù đắp nổi. Cũng như chắc không ai là không hết lòng mong mỏi cho những cống hiến đó sớm vượt qua được những định kiến lỗi thời hết sức đáng sợ để đến được với các thế hệ sắp nối bước chúng ta trong nay mai.

Comments are closed.