Bạn đang ở: Trang chủ / Thấy trên mạng, bộ mới / Những bài báo kỷ niệm Thiên An Môn...

Những bài báo kỷ niệm Thiên An Môn...

- Hồng Thuỷ, Vũ Hà, Hoàng Uy — published 05/06/2014 21:05, cập nhật lần cuối 06/06/2014 18:25
Ngày 04-06-2014 vừa qua có ba tờ báo mạng ở Việt Nam đăng bài để kỷ niệm 25 năm cuộc đàn áp đẫm máu các sinh viên kêu gọi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn. Nhưng ngay sau đó các bài ấy đã bị rút xuống.


Những bài báo kỷ niệm vụ đàn áp
Thiên An Môn bị kiểm duyệt


Diễn Đàn : Ngày 04-06-2014 vừa qua, ngoại trừ báo Dân Trí, mà chúng tôi dẫn đường truyền dưới đây, có ba tờ báo mạng ở Việt Nam cũng đăng bài để kỷ niệm 25 năm cuộc đàn áp đẫm máu các sinh viên kêu gọi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn: Giáo Dục Việt Nam, VnExpressThanh Niên. Nhưng ngay sau đó các bài ấy đã bị rút xuống. Dù quyết định đó được truyền đến một cách hiển ngôn từ "dinh thái thú", hay – còn hèn hạ hơn rất nhiều – từ bản thân cái gọi là ban văn hoá tư tưởng, thì cũng cần ghi lại sự kiện này. Chúng tôi xin đăng lại để bạn đọc biết. Ngoại trừ hình thức dàn trang có khác đi, dưới đây là nguyên văn ba bài báo đó, đã được chép lại từ hệ thống lưu trữ "cache" của Google.



Báo Dân Trí


Những hình ảnh từng gây chấn động
về vụ trấn áp Thiên An Môn



Báo Giáo Dục Việt Nam


Báo chí Trung Quốc im bặt
vụ Thiên An Môn,
Liên Hợp Quốc lên tiếng


Hồng Thủy

04/06/14 14:13



(GDVN) - Sau cuộc họp báo hôm 6/6/1989, Trung Quốc nghiêm cấm phát hành mọi thông tin hoặc bàn luận, nghiên cứu xung quanh sự kiện Thiên An Môn


xetang

Xe tăng quân đội Trung Quốc tiến vào quảng trường
Thiên An Môn đàn áp sinh viên biểu tình ngày 4/6/1989.


Bưu điện Hoa Nam xuất bản tại Hồng Kông ngày 4/6 đưa tin, ngày này cách đây 25 năm đã xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc nhưng báo chí đại lục đã không có một dòng nào nhắc tới. Giám đốc nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay đã phải lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh đối diện với sự kiện Thiên An Môn.

Hôm qua, Giám đốc nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pilay hôm qua 3/6 tuyên bố: "Tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc ngay lập tức thả những người bị bắt vì tự do phát biểu về quyền con người".

Một số người đã bị nhà chức trách bắt giữ vì họ dám thảo luận riêng về sự kiện Thiên An Môn năm 1989 vốn còn rất nhạy cảm đối với nhà nước Trung Quốc. Bắc Kinh cấm công khai thảo luận về những gì đã xảy ra hôm 4/6/1989 trên quảng trường Thiên An Môn, khi quân đội đàn áp dã man những người biểu tình chủ yếu là sinh viên ủng hộ dân chủ.

Bà Pillay lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc cũng đã hạn chế các hoạt động kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn trên các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm cả phương tiện truyền thông truyền thống và internet.

"Thay vì cố gắng kiềm chế hoạt động kỷ niệm sự kiện năm 1989, các nhà chức trách nên khuyến khích và tạo thuận lợi cho đối thoại và thảo luận như một phương tiện để khắc phục những di sản của quá khứ", bà Pillay cho biết.

"Trong trường hợp không có điều tra độc lập và thực tế, có những co số khác nhau. Ví dụ như số người chết dao động từ hàng trăm đến hàng ngàn người, và nhiều gia đình nạn nhân vẫn đang chờ đợi một lời giải thích về những gì đã xảy ra với người thân của mình", bà Pillay nhấn mạnh, vì lợi ích của tất cả mọi người để cùng nhắc lại các sự kiện quanh vụ Thiên An Môn.


Pillay

Giám đốc nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay.


Giám đốc nhân quyền Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc đã có những bước tiến từ năm 1989, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng như cải cách luật pháp. Do đó học hỏi từ những sự kiện trong quá khứ sẽ không làm giảm đi thành tựu của 25 năm qua, nhưng sẽ cho thấy rõ Trung Quốc ngày nay đã bảo vệ và tôn trọng quyền con người như thế nào.

Theo Wikipedia bản tiếng Trung Quốc, sự kiện Thiên An Môn còn gọi là sự kiện Mùng 4 tháng Sáu hoặc Phong trào 1989. Về nghĩa hẹp, nó là sự kiện xảy ra từ đêm 3/6 đến rạng sáng 4/6 năm 1989, quân đội Trung Quốc đã dùng xe tăng, vũ lực trấn áp người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn gây ra cuộc xung đột đẫm máu. 

Theo nghĩa rộng, sự kiện Thiên An Môn là một phong trào học sinh sinh viên Trung Quốc biểu tình tại Bắc Kinh kéo dài 2 tháng đòi thực hành dân chủ năm 1989, càng về sau càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân. Tuy nhiên một bộ phận quan chức cấp cao Trung Quốc chủ trương cứng rắn cuối cùng đã quyết định sử dụng quân đội trấn áp biểu tình, đẫn đến rất nhiều người thương vong.

Về con số thương vong trong sự kiện này cũng có nhiều thông tin khác nhau. Trong buổi họp báo của chính phủ Trung Quốc ngày 6/6/1989, người phát ngôn chính phủ Viên Mộc cho biết, "theo thống kê sơ bộ" có khoảng 300 người chết, bao gồm cả binh sĩ, thường dân và học sinh sinh viên. Viên Mộc cho biết thêm, riêng quân đội Trung Quốc có khoảng 5000 người bị thương.

Tuy nhiên, từ sau cuộc họp báo hôm 6/6/1989, Trung Quốc nghiêm cấm phát hành mọi thông tin hoặc bàn luận, nghiên cứu xung quanh sự kiện Thiên An Môn, vì vậy cho đến ngày nay vẫn khó đưa ra được một con số và đánh giá chính xác.


Báo VnExpress


Thứ tư, 4/6/2014 | 16:18 GMT+7

Sự kiện Thiên An Môn
25 năm nhìn lại



Một sự kiện chấn động thế giới xảy ra cách đây 25 năm tại Trung Quốc, khi quân đội nước này được huy động để giải tán cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh.


hinh-1

Hàng trăm nghìn người, chủ yếu là sinh viên, tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh năm 1989. Hòa vào biển người còn có bức tượng "Nữ thần Dân chủ" do các sinh viên chế tác và dựng lên ở chính giữa quảng trường. Ảnh: Theviewpaper.net


Tháng 5/1989, hàng chục nghìn người, chủ yếu là sinh viên và giới trí thức, tổ chức các cuộc biểu tình hướng về quảng trường Thiên An Môn, kêu gọi cải cách chính trị bên cạnh cải cách kinh tế, đòi hỏi chính phủ hoạt động dân chủ hơn, mở rộng tự do báo chí và chống nạn tham nhũng. Cuộc biểu tình xuất phát để tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, người được coi là có tư tưởng cởi mở và là biểu tượng của cải cách dân chủ trong đảng Cộng sản của Trung Quốc, vừa qua đời.

Trên quảng trường, hình ảnh những sinh viên trẻ tuổi đầu đeo băng tang, tay cầm ảnh của ông Hồ Diệu Bang trở nên quen thuộc với truyền thông thế giới. Những cuộc tưởng niệm ông thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người chủ yếu là sinh viên, thanh niên.

Biểu tình tiếp tục lan rộng và quy mô ngày càng lớn vào giữa tháng 5 khi các sinh viên bãi khóa và bắt đầu tuyệt thực giữa quảng trường Thiên An Môn. Theo các tài liệu phương tây, có hơn 2.000 sinh viên tuyệt thực, được bao quanh bởi ước tính 100.000 người biểu tình. Chính quyền từ chối đối thoại.

Biểu tình sau đó cũng lan ra các tầng lớp khác như công nhân và giáo viên, và sang các thành phố khác như Thượng Hải, Trùng Khánh, sau đó là Hong Kong, Đài Loan và cộng đồng người Hoa ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngày 19/5, đám đông tụ tập ở quảng trường biểu tượng của đất nước được ước tính lên đến 1,2 triệu người, theo CNN. Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó, ông Triệu Tử Dương, xuất hiện tại quảng trường và khuyên nhủ những người biểu tình giải tán. Nước mắt lưng tròng, ông nói với các sinh viên hãy chấm dứt tuyệt thực và trở về nhà.

Cùng ngày, Thủ tướng Lý Bằng ban bố lệnh thiết quân luật, tuy nhiên, biểu tình vẫn tiếp diễn. Khoảng 10 ngày sau, quân đội Trung Quốc bắt đầu tiến vào thủ đô Bắc Kinh trong khi chính quyền phong tỏa báo chí nước ngoài. Cách thức xử lý của ông Triệu Tử Dương sau đó khiến ông bị cách chức tổng bí thư và loại khỏi bộ máy chính quyền.


vodanh

Bức ảnh "Người biểu tình vô danh" tay không vũ khí đứng chặn đoàn xe tăng T-59 giữa quảng trường trung tâm Bắc Kinh tháng 6/1989 gây chấn động thế giới. Ảnh: AP


Đỉnh điểm quá trình căng thẳng này là vào rạng sáng 4/6/1989, quân đội Trung Quốc, gồm các binh sĩ cùng xe tăng, xe bọc thép được lệnh tiến vào quảng trường Thiên An Môn giải tán đám đông người biểu tình.

Các thông tin chính thức của Trung Quốc không thừa nhận có người thiệt mạng hoặc bị thương, nhưng các phóng viên nước ngoài khi đó có mặt tại Bắc Kinh mô tả họ nghe thấy tiếng pháo, tiếng súng, đám đông hỗn loạn và bỏ chạy, ở nơi tập trung rất nhiều sinh viên và người dân đang tụ tập biểu tình.

"2h30 sáng 4/6, tôi nhìn từ ban công khách sạn Bắc Kinh xuống đại lộ Trường An, cách quảng trường vài trăm mét, tôi chứng kiến cảnh đạn bay vèo vèo trong không trung, tiếng súng nổ răng rắc vang vọng trong màn đêm ẩm ướt của Bắc Kinh", Mike Chinoy, trưởng chi nhánh CNN tại Bắc Kinh thời điểm đó, mô tả.

"Tôi có thể nhìn thấy các xe bọc thép của quân đội Trung Quốc tiến vào quảng trường, phía trước bức chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông nổi tiếng. Dưới chân khách sạn của tôi, đám đông tụ tập và lao tới phía trước nhưng sau đó tan rã và chạy toán loạn khi súng nổ về phía họ. Nhiều người trúng đạn. Tôi đã chứng kiến và tường thuật trực tiếp cho đài, trong khi những người phía dưới kéo những người bị chết và bị thương lên những chiếc xe ba bánh", Chinoy kể.

Theo New York Times, các phóng viên và nhà ngoại giao phương Tây ước tính rằng ít nhất 300 người chết, trong khi Guardian dẫn nguồn tin Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc cho biết con số là hơn 2.000 người. 10.000 người được cho là bị bắt giữ trong và sau cuộc biểu tình.

Các phóng viên nước ngoài vốn đang tập trung đông đảo ở Bắc Kinh nhân sự kiện Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev thăm Trung Quốc, nhanh chóng ghi lại quãng thời gian vô cùng đặc biệt này. Bức ảnh và đoạn video do các phóng viên phương Tây ghi lại được hình ảnh người đàn ông không vũ trang, một mình đứng chặn đoàn xe tăng giữa đại lộ Trường An trước quảng trường trở thành một hình ảnh nổi tiếng trong thế kỷ 20. Người đàn ông có vẻ như kêu gọi đoàn xe ngừng chống lại người biểu tình, nhưng sau đó bị đưa đi và xe tăng vẫn tiếp tục lăn bánh trên quảng trường.

Theo History, sự kiện Thiên An Môn gây chấn động đối với cả các đồng minh lẫn đối thủ thời Chiến tranh Lạnh của Trung Quốc. Tin tức về sự kiện được đưa liên tục trên các phương tiện truyền thông thế giới, gây ra những cảm xúc mạnh mẽ trong cộng đồng. Lãnh đạo Liên Xô Gorbachev phát biểu rằng ông rất đau buồn vì sự việc ở Trung Quốc và hy vọng chính phủ Trung Quốc có thể tăng cường cải cách và dân chủ hóa hệ thống chính trị trong nước. Tại Mỹ, Tổng thống George H. Bush chịu sức ép phải trừng phạt Trung Quốc và quốc hội nước này sau đó ban hành lệnh trừng phạt kinh tế với Bắc Kinh.

damdong

Đám đông tò mò quay trở lại quảng trường vào ngày 7/6 và vẫn còn khá nhiều xe tăng ở đây. Ảnh: AP


Chính phủ Trung Quốc coi sự kiện Thiên An Môn là "cuộc biểu tình phản cách mạng" và hiếm khi nhắc đến trên truyền thông của Trung Quốc. Thế  hệ thanh niên nước này hiện nay dường như không hiểu biết nhiều về sự kiện, Reuters cho hay. Những người muốn tìm hiểu thì chỉ có thể thấy qua báo chí của đặc khu Hong Kong và nước ngoài. Mỗi lần dịp đầu tháng 6 tới, người Hong Kong thường có các hoạt động như thắp nến hoặc tuần hành. Một buổi lễ dự kiến cũng sẽ được tổ chức hôm nay.

Từ nhiều ngày qua cảnh sát Bắc Kinh đã triển khai lực lượng ở trung tâm thành phố với hàng nghìn cảnh sát viên và lực lượng bán quân sự, cùng các quan chức mặc thường phục. Sự kiểm duyệt các nội dung trên mạng cũng có dấu hiệu gia tăng, khi một nhóm những người dùng mạng kêu gọi cùng nhau đi đến quảng trường để nhớ lại những gì đã xảy ra. Trong khi xuất hiện các tiếng nói ở Trung Quốc yêu cầu nhắc đến giai đoạn này của lịch sử, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/6 trả lời phỏng vấn của Reuters, nói rằng "chính phủ đã lựa chọn con đường vì lợi ích của người dân".


Vũ Hà



Báo Thanh Niên


Chùm ảnh diễn biến sự kiện thảm sát
đẫm máu Thiên An Môn, Trung Quốc


04/06/2014 12:15


(TNO) Ngày này (4.6) cách đây 25 năm về trước, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã dùng xe tăng và binh sĩ tấn công vào những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn.


Cuộc biểu tình bùng phát vào tháng 4.1989, với phần lớn người tham gia là sinh viên, theo trang tin tức The Atlantic (Mỹ).

Vào ngày 20.5.1989, tình trạng thiết quân luật đã được thiết lập và quân đội đã được điều động đến Thiên An Môn.

Từ tối 3.6 đến đầu ngày 4.6 (giờ địa phương), PLA đã cho xe tăng vào quảng trường cán một số người biểu tình và binh sĩ cũng đã bắn vào nhiều người khác, The Atlantic cho biết.

Bắc Kinh chưa bao giờ công bố con số thương vong, nhưng theo ước tính của các nhà hoạt động thời đó, đã có từ vài trăm đến vài ngàn người chết.

Được biết, vào hôm 3.6, Trung Quốc đã bắt giữ nhiều nhà bất đồng chính kiến trong nước và tiến hành một chiến dịch an ninh quy mô chưa từng có tại trung tâm Bắc Kinh để ngăn các hoạt động kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn lần thứ 25.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng chỉ đạo khóa một số trang web của Google tại Trung Quốc, AFP cho hay.

Sau đây là những hình ảnh ghi nhận lại sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 được đăng tải trên AFP và Reuters:

hinh-1

Hòa cùng khoảng 200.000 người biểu tình tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, một sinh viên Trung Quốc giơ cao biểu ngữ kêu gọi ủng hộ một Trung Quốc dân chủ vào ngày 22.4.1989 

h2

Sinh viên Trường đại học Bắc Kinh tham gia biểu tình tuyệt thực vô thời hạn phản đối chính phủ Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 18.5.1989 

h3

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ giơ cao nắm đấm và biểu tượng chiến thắng tại Bắc Kinh khi đang ngăn không cho một chiếc xe tải quân sự chở lính tiến vào Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 20.5.1989, ngày cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng ban bố tình trạng thiết quân luật 

h4

Một chiếc trực thăng quân đội rải truyền đơn tại Quảng trường Thiên An Môn, yêu cầu các sinh viên biểu tình rời khỏi quảng trường này ngay lập tức vào ngày 22.5.1989

h5

Một sinh viên khoa mỹ thuật tạc tượng “Nữ thần Dân chủ”, cao 10 m, tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 30.5.1989. Bức tượng này đã được đặt trước Đại lễ đường Nhân dân và trước Đài Tưởng niệm Các Anh hùng Nhân dân để quảng bá cho cuộc biểu tình chống chính phủ Trung Quốc. Trong thông cáo của mình, các sinh viên tạc bức tượng cho biết: “Hôm nay, tại Quảng trường Nhân dân, Nữ thần của nhân dân đứng sừng sững và thông báo với toàn thế giới rằng: Sự thức tỉnh về dân chủ đã trỗi dậy trong lòng người dân Trung Quốc. Một thời kỳ mới đã bắt đầu”

h6

Một sinh viên biểu tình chống chính phủ Trung Quốc kêu gọi binh lính trở về nhà trong khi càng nhiều người tràn vào trung tâm Bắc Kinh ngày 3.6.1989

h7

Những người lính Trung Quốc chen lấn với đám đông người biểu tình tại trung tâm Bắc Kinh vào ngày 3.6.1989

h8

Binh sĩ PLA nhảy qua một hàng rào để tràn vào Quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.1989 để trấn áp người biểu tình. PLA được cho là đã được lệnh quét sạch biểu tình khỏi quảng trường không chừa một ai trước 6 giờ sáng hôm sau

h9

Một xe thiết giáp bị người biểu tình đốt cháy gần Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989

h10

Một cô gái bị thương do xô xát với quân đội đang được cáng ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989

h11

Một lính lái xe tăng quân đội Trung Quốc được một số sinh viên giúp đỡ sau khi anh này bị đám đông biểu tình tấn công tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989

h12

Một phóng viên nước ngoài bị thương trong các vụ đụng độ giữa quân đội và người biểu tình đang được cáng ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989

h13

Binh sĩ Trung Quốc áp giải một người đàn ông bị còng tay tại Bắc Kinh hồi tháng 6.1989 trong giai đoạn quân đội và cảnh sát lùng bắt những người có liên quan đến cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn 

h14

Một người dân đứng chắn trước hàng xe tăng quân đội Trung Quốc vào ngày 5.6.1989 để phản đối việc chính phủ đàn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn 

h15

Đứng cạnh một chiếc xe tăng đậu gần một tòa nhà ngoại giao chính phủ ở Bắc Kinh, một người lính Trung Quốc cầm súng dọa nạt người đi đường 

h16

Một người dân Bắc Kinh ngụ ở khu vực phía tây Quảng trường Thiên An Môn trưng ra đầu viên đạn đã bay xuyên qua cửa sổ căn hộ anh này

h17

Người dân Bắc Kinh đứng nhìn những chiếc xe thiết giáp bị người biểu tình đốt cháy nhằm ngăn không cho quân đội di chuyển vào Quảng trường Thiên An Môn vào hôm 4.6.1989

h18

Du khách và nhân viên an ninh tụ tập tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.2012. Rất nhiều camera an ninh được thấy trên từng cột đèn ở quảng trường

h19

Cảnh sát kiểm tra hình chụp của một người đàn ông tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.2012, ngay dịp lễ kỷ niệm lần thứ 23 sự kiện Thiên An Môn

h20

Tại Công viên Chiến Thắng ở Hồng Kông vào ngày 4.6.2012, hàng chục ngàn người Hồng Kông tham gia vào lễ thắp nến tưởng niệm sự kiện quân đội Trung Quốc trấn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989

h21

Người dân Hồng Kông tham gia vào lễ thắp nến tưởng niệm sự kiện quân đội Trung Quốc trấn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989

h22

Cảnh sát vũ trang Trung Quốc đứng gác tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.2014

h23

Các ngã đường tiến vào Quảng trường Thiên An Môn đều được canh gác nghiêm ngặt từ đầu tháng 6


Hoàng Uy
Ảnh: Reuters, AFP



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss