Nước cờ TQ ở Asean và đối phó của VN

Ngoại trưởng Trung Quốc vừa loan báo đạt được đồng thuận mới với ba nước Lào, Campuchia và Brunei về Biển Đông, theo Tân hoa xã.

Nguồn hình ảnh, AP

Chụp lại hình ảnh,

Ngoại trưởng Trung Quốc vừa loan báo đạt được đồng thuận mới với ba nước Lào, Campuchia và Brunei về Biển Đông, theo Tân hoa xã.

Một nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho rằng Trung Quốc lại vừa sử dụng thủ thuật 'chia để trị' trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới ba nước Brunei, Campuchia và Lào, mà Trung Quốc nói là đạt được 'đồng thuận mới' về vấn đề Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 24/4/2016, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, tỏ ra 'nghi ngờ' về tuyên bố này của Trung Quốc, ông nói:

"Tôi cũng hơi nghi ngờ về những gì được tường thuật trên Tân Hoa Xã bởi vì chúng ta biết rằng vấn đề biển Đông đang nóng lên từng ngày đặc biệt sau hành động xây đảo nhân tạo qui mô lớn của Trung Quốc thì vấn đề này trở thành tâm điểm của tình hình an ninh khu vực và rất nhiều nước, không chỉ các nước trực tiếp liên quan đến biển Đông như Việt Nam, Philippines mà còn rất nhiều nước khác có lợi ích liên quan..."

Cũng theo nhà nghiên cứu này, Việt Nam và Philippines, cũng như các quốc gia trong khối Đông Nam Á, cần phải có động thái phối hợp lập trường và hành động để ứng phó lại chiêu thức 'chia để trị' kể trên của Trung Quốc.

Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, ông Lê Hồng Hiệp phân tích đâu là mục tiêu của nước cờ ngoại giao ở Asean mà ông Vương Nghị vừa thực hiện trong chuyến đi vừa qua.

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp: Tôi cho rằng trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, thì Trung Quốc có thể tìm cách ngăn các nước Asean đưa ra tuyên bố, lập trường chung ủng hộ phán quyết này của Tòa trọng tài thường trực và Trung Quốc lâu nay vẫn dùng cái sách lược “Chia để trị” và trong quan hệ với các nước Asean, trong trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc chủ trương dùng biện pháp đàm phán song phương trực tiếp với các bên tranh chấp liên quan mà không dùng tới các biện pháp đa phương thì tôi nghĩ rằng bước đi vừa rồi của Trung Quốc qua các chuyến đi của ông Vương Nghị tới Lào, Campuchia và Brunei nhằm mục đích hướng tới cái mục tiêu để làm sao ngăn cản một tiếng nói thống nhất của các nước Asean ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines.

Tuy nhiên, tôi cũng hơi nghi ngờ về những gì được tường thuật trên Tân Hoa Xã bởi vì chúng ta biết rằng vấn đề biển Đông đang nóng lên từng ngày đặc biệt sau hành động xây đảo nhân tạo qui mô lớn của Trung Quốc thì vấn đề này trở thành tâm điểm của tình hình an ninh khu vực và rất nhiều nước, không chỉ các nước trực tiếp liên quan đến Biển Đông như Việt Nam, Philippines mà còn rất nhiều nước khác có lợi ích liên quan. Ví dụ như là Hoa Kỳ, Nhật Bản, kể cả các nước trong khu vực như là Malaysia, Indonesia, hay là Singapore cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với vấn đề này; và trong thời gian gần đây cũng có những chuyển biến ở những nước như Lào hay Campuchia chẳng hạn, trong dàn lãnh đạo ví dụ như Lào, sắp tới đây Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước của Lào sẽ sang thăm Việt Nam, hoặc thời gian gần đây trong nội các Thủ tướng Hunsen cũng có sự thay đổi lãnh đạo như là Ngoại trưởng trước đây của Campuchia là ông Hor Namhong, người có tiếng ủng hộ Trung Quốc, cũng đã nghỉ hưu và được thay bởi một nhân vật khác được cho là có đầu óc cởi mở và thân phương Tây hơn. Vì vậy tôi nghi ngờ về báo cáo của Tân Hoa Xã và chúng ta (Việt Nam) vẫn phải chờ xem liệu chuyến đi của ông Vương Nghị có mang lại kết quả như họ loan tin hay không.

Biển Đông và nội bộ Asean?

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp: Lâu nay Trung Quốc đã tiến hành biện pháp ấy thông qua các ảnh hưởng về mặt chính trị , công cụ về mặt kinh tế, thì cho tới nay họ cũng có những mặt thành công, có những cái chưa đạt được như ‎muốn; tuy nhiên, tôi nghĩ rằng họ sẽ không từ bỏ phương sách lâu nay đã theo đuổi, nên trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải theo dõi xem liệu trên thực địa, Trung Quốc có tiến hành thêm những hành động leo thang nào khác nữa hay không. Cụ thể trong thời gian trước mắt, rất nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo ở bãi Hoàng Nham. Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động như vậy thì khả năng các tuyên bố và lên án Trung Quốc ở các Diễn đàn quốc tế sẽ diễn ra nhiều hơn, kể cả những nước có quan hệ tốt với Trung Quốc lâu nay cũng sẽ chịu sức ép rất lớn từ cộng đồng quốc tế như là Hoa Kỳ hay Nhật Bản, để đưa ra những tuyên bố lên án hành vi này của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không tiến hành thêm các biện pháp làm căng thẳng leo thang, thì Trung Quốc có thể sẽ có những thành công ngoại giao nhất định trong việc ngăn cộng động quốc tế, đặc biệt các nước Asean đưa ra tiếng nói thống nhất phản đối hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông lâu nay.

Một diễn biến khác chúng ta cũng cần chú ‎ là những hội nghị diễn ra ở Lào trong thời gian Lào làm Chủ tịch luân phiên của Asean, chúng ta thấy Lào lâu nay vẫn được coi là ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, tuy nhiên trong bối cảnh có sự thay đổi lãnh đạo ở Lào theo hướng nghiêng nhiều hơn về phía Việt Nam, thì có nhiều hy vọng Lào sẽ làm tròn trách nhiệm của mình và có nhiều quan điểm khách quan hơn trong tranh chấp biển Đông, một phần do sự thay đổi lãnh đạo ấy, một phần cũng có thể do Lào học được bài học từ Campuchia khi làm Chủ tịch của Asean hồi 2012, ngăn cản khối Asean đưa ra tuyên bố chung đề cập tới những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông thì đã làm hình ảnh ngoại giao của Campuchia xấu đi rất nhiều. Campuchia thậm chí còn bị nhiều người xem là con tốt, làm theo sự điều khiển của Bắc Kinh, điều đó không có lợi cho Campuchia và hiện tại tôi nghĩ là Lào đã nhận thức được vấn đề đấy, rủi ro ấy và tôi tin rằng Lào sẽ làm tốt hơn Campuchia trong vấn đề này, nhưng Trung Quốc sẽ không từ bỏ các chiến lược gây sức ép như lâu nay họ đã làm.

BBC: Các nước trong khối Asean có tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông với Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam và Philippines cần làm gì để ứng phó lại nước cờ của Trung Quốc?

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp: Việt Nam và Philippines là hai quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp và có lợi ích lớn nhất trong tranh chấp Biển Đông, là những nước đi đầu trong việc chống lại sự áp đặt của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, chúng ta thấy là trong bối cảnh Asean có những sự chia rẽ và thiếu thống nhất trong việc phản ứng lại những hành động của Trung Quốc, thì Việt Nam và Philippines cũng có những khó khăn nhất định. Ví dụ như Philippines thấy những biện pháp ở kênh Asean là không hiệu quả, nhiều khi họ bỏ qua kênh Asean này , cụ thể là (khi) họ đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài thường trực, họ đã không tham vấn các nước Asean mà họ làm đơn phương. Điều này cho thấy họ thiếu niềm tin vào cơ chế của Asean. Bản thân Việt Nam có niềm tin lớn hơn và thúc đẩy kênh Asean này.

Mỹ-Philippines

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Philippines Benigto Aquino (phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter hôm 14/4/2016.

Tuy nhiên, nó cũng cho chúng ta thấy là chưa thực sự hiệu quả như là các biện pháp đàm phán COC chẳng hạn, chưa đạt được những tiến triển thực chất, trong thời gian tới, có lẽ Việt Nam và Philippines vẫn sẽ phải đối mặt với sự nan giải (là) làm sao có thể (vừa) ứng phó được với sức ép từ Trung Quốc, vừa không tạo ra hình ảnh làm mất sự đoàn kết của Asean, thì tôi nghĩ rằng trong thời gian tới Trung Quốc duy trì sức ép như vậy, có thể qua kênh chính thức, toàn bộ Asean là hơi khó khăn, vì tồn tại những lợi ích khác biệt, ví dụ như Campuchia.

Còn những nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có những hành động hợp tác cụ thể hơn, tạo thành bộ tứ phối hợp trong tranh chấp Biển Đông, sẽ tạo ra được một hiệu quả nhất định, ngoài ra cũng phải có sự tham dự của những nước có lợi ích lớn như Indonesia và Singapore, thì hiệu quả sẽ còn cao hơn nữa, nhưng tôi nghĩ điều này sẽ không dễ dàng gì, vì vẫn có sự khác biệt về nhận thức về lợi ích và mối đe dọa trên Biển Đông, nên nếu có sự tác động bên ngoài nữa đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ đối với các nước tham gia trực tiếp vào tranh chấp Biển Đông, làm sao để có những cơ chế hợp tác ứng phó được lại với Trung Quốc, thì sẽ hiệu quả hơn. Vừa rồi giữa Hoa Kỳ và Philippines đã có sự hợp tác cụ thể như là tuần tra chung thì sắp tới chúng ta (Việt Nam) cũng nên tuần tra chung với Philippines.

Việt Nam và Philippines cũng đang bàn việc sẽ tuần tra chung, trong trường hợp các nước (ở) đây có thể liên kết được và điều phối được các cuộc tuần tra chung với nhau để tạo thành một cuộc tuần tra chung quốc tế giữa ba bên, hay bốn bên, hay thậm chí là 5-6 bên với các nước khác nữa trong khu vực.

Thì tôi nghĩ đấy cũng là một trong những hướng đi mà các nước này có thể làm, mặc dù là không thể thay đổi được nguyên trạng, không thể đảo ngược được các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng cũng có thể tạo ra được một số các sức ép mang tính biểu tượng. Để mà khiến Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn khi mà tiến hành các hành động có thể gây ra căng thẳng trong khu vực."

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp là nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế, hiện đang là nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore.