07/12/2008 03:12 GMT+7

Phan Đình Anh Khoa và bộ phim của 100 năm

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Hơn 100 năm trước, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Ðông Du với khát khao đưa VN thoát khỏi lầm than. Hơn 100 năm sau, một du học sinh VN trẻ tuổi đã tình cờ phát hiện một bí mật được giấu kín - một câu chuyện cảm động về tình người của những bậc tiền bối Việt - Nhật giữa thời loạn lạc.

4YEOAu8E.jpgPhóng to
Phan Đình Anh Khoa
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Thế là bộ phim tài liệu dài 45 phút về câu chuyện ấy ra đời với tên Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu. Người thực hiện: Phan Ðình Anh Khoa, lúc ấy vừa tròn 26 tuổi.

Phan Bội Châu và bí mật ở làng Asaba

Asaba là một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Shizuoka nhưng được nhiều người tìm đến vì nơi đây có núi Phú Sĩ - biểu tượng của nước Nhật. Không biết vì lẽ gì những người dân trong làng lại dành cho người VN một tình cảm rất nồng hậu và trìu mến. Những du học sinh VN khi sang Nhật đã tìm đến làng để được đón tiếp như người nhà, được ăn những món ăn VN do người Nhật nấu, được cùng tham gia những lễ hội truyền thống độc đáo và vui nhộn.

Một ngày đẹp trời, Phan Ðình Anh Khoa (lúc này đang là sinh viên cao học Trường đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo) tình cờ gặp ông Amma trên đường về làng Asaba. Ông Amma đưa Anh Khoa tới gặp bà Asaba Kazuko - cháu nội của ông Asaba Sakitaro - và câu chuyện của 100 năm trước được hé mở. Bà Asaba Kazuko trong một lần dọn nhà tình cờ nhìn thấy những con búp bê và đồ chơi VN đã từng ở trong ký ức tuổi thơ của mình. Và bà quyết định kể lại một bí mật đã giữ kín suốt bao nhiêu năm qua về những du học sinh VN.

Ngày đó, khi phong trào Ðông Du rơi vào khủng hoảng và bị Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất (mùa thu 1908, năm Minh Trị thứ 41), Phan Bội Châu cùng những du học sinh VN đã gặp vô vàn khó khăn. Rơi vào túng quẫn, Phan Bội Châu đã viết thư cho ông Asaba Sakitaro - hiệu trưởng Trường tiểu học Higashi Asaba, một người ông chưa một lần gặp mặt nhưng đã được biết đến về lòng nghĩa hiệp.

Thư gửi đi buổi sáng, ngay buổi chiều ông Asaba đã giúp ngay một số tiền lớn là 1.700 yen (trong khi tiền lương một tháng của ông chỉ vỏn vẹn 18 yen). Kèm theo đó là một lá thư: "Tuy ít nhưng nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Hãy dùng đỡ trong một thời gian. Lần sau nếu báo cho tôi được, tôi sẽ làm những gì có thể làm được".

Thư ngắn gọn nhưng ấm áp nghĩa tình trong cơn hoạn nạn. Không những thế, gia đình Asaba sau này còn là nơi nuôi dưỡng và che giấu thân phận của nhiều du học sinh VN bí mật đến trên những con tàu đánh bắt cá ngừ và ở lại đó. Những khi có cảnh sát tìm, họ lại được ẩn nấp trong những chiếc lu lớn.

Bà Asaba Kazuko đã không dám hé với ai nửa lời về sự tồn tại của những người lạ này suốt bao nhiêu năm qua vì mẹ bà đã dặn: "Việc mà ông con làm là giúp đỡ những người nước ngoài khốn khó, đó là một việc cao cả. Người đó lại là một nhà lãnh đạo của Ðông Dương đang bị Chính phủ Pháp, cả cảnh sát Nhật truy bắt. Nhất định không được hé miệng gì cả"...

Câu chuyện đưa chàng trai trẻ quay về với lịch sử của 100 năm trước. Anh Khoa lao vào tìm kiếm những tư liệu về Phan Bội Châu và phong trào Ðông Du, thậm chí anh còn xin được vào Bộ Ngoại vụ để đọc những tư liệu cực hiếm bằng văn tự cổ. Anh thường xuyên đi về giữa các thành phố Asaba cũ, Kobe, Yokohama và VN để thu thập tư liệu, hình ảnh, tìm từng mắt xích của lịch sử và cố gắng xâu chuỗi tất cả thành một đường dây xuyên suốt.

Cứ thế, Anh Khoa lặng lẽ vừa học vừa làm một mình, tự chi trả kinh phí cho những lần đi lại bằng tiền học bổng, mượn máy quay của trường vào những giờ rảnh rồi tự ghi hình, viết kịch bản, dịch tư liệu, biên tập, dựng thành phim... Sau hơn một năm ròng rã, bộ phim tài liệu Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu ra mắt.

ZEaclqhS.jpgPhóng to
Phan Đình Anh Khoa và hai du học sinh VN trước bia đá do Phan Bội Châu lập nên để tưởng nhớ công ơn của ông Asaba

Anh Khoa và giấc mơ sống chậm của... con sóc

Ngày 26-10-1999, Phan Ðình Anh Khoa lần đầu đặt chân đến Nhật Bản và bắt đầu quãng đời du học sinh của mình. Từ một anh chàng ngố đến nỗi giật bắn mình khi thấy chai nước ngọt bỗng tự nhiên chạy ra từ máy bán nước tự động, đến lúc vinh dự nhận được thư mời dự sinh nhật của Nhật hoàng là cả một bước tiến dài và "thần tốc" của Anh Khoa.

Ở đất nước của những guồng quay khủng khiếp, Anh Khoa đã có được những cái đầu tiên đáng tự hào: là người VN đầu tiên thi đậu vào Trường đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo (một trong những đại học hàng đầu của châu Á), là người nước ngoài đầu tiên đoạt giải thưởng ưu tú Manichi Advertising Design với lịch sử 70 năm uy tín.

Dường như tất cả những điều đó đã vẽ nên một Phan Ðình Anh Khoa nhanh như sóc trong hình dung của nhiều người. Tuy nhiên, ấn tượng thật sự về Khoa lại là một cái gì đó rất chậm và tĩnh lặng. Anh khẳng định mình không đam mê chính trị khi được hỏi về quãng thời gian lao vào tìm kiếm tư liệu cho một bộ phim rất chính trị: "Tôi chỉ quan tâm đến con người. Rõ ràng trong chiến tranh, các chính phủ sẽ có những tính toán theo lợi ích quốc gia, nhưng giữa những con người với nhau thì thật nồng ấm".

Và vì thật khó có thể sống chậm với công việc của một giám đốc công ty quảng cáo giữa thành phố đông đúc này, Anh Khoa đang ấp ủ một "ước mơ nho nhỏ" là được... sống trong rừng, để làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời của một con sâu!

Một bí mật về tình người

Trong số ra ngày 17-11-2008, báo Nihon Keizai Shimbun (tờ báo lớn thứ tư tại Nhật) đã có một bài viết trang trọng về bộ phim Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu và kết luận: “Đó là một bộ phim ấm áp”. Trước đó mấy tháng báo Asahi Shimbun (một trong hai tờ báo lớn nhất tại Nhật) với bài viết về Khoa và bộ phim của anh cũng đã nhận xét: “Bộ phim này là một tác phẩm lịch sử quý giá, nó không giống với bất kỳ tác phẩm nào trên thế giới. Lịch sử đã được truyền tải một cách chân thực nhất”.

Tháng 9-2008 Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu cũng được trình chiếu tại Ngày hội VN tại Nhật Bản trong sự ngạc nhiên của những người thưởng thức. Ngạc nhiên, bởi lý do làm phim của Khoa: “Tôi biết được một bí mật về tình người và muốn kể lại nó nên đành phải làm phim. Đơn giản vì một bộ phim tài liệu với hình ảnh, lời thoại, âm nhạc sẽ dễ dàng đến được với nhiều người hơn”. Khi giới thiệu về tác phẩm của mình, Khoa hay hỏi: “Bạn có hay bị mất ngủ không? Nếu có thì hãy xem phim của tôi, bảo đảm sẽ... ngủ tốt! Nhưng nếu bạn quan tâm thì bạn sẽ thức cùng tôi từ đầu đến cuối!”.

ffg71tny.jpgPhóng to
Bên tấm bia tưởng niệm ông Asaba ngày bia hoàn thành: Phan Bội Châu ngồi giữa, xung quanh là trưởng làng và chức sắc của làng Asaba
HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên