Thư gửi Nhóm thư ngỏ 61

LTS:

LTS: Sau khi hay tin một số bạn bè của mình đã ký tên vào Thư ngỏ gửi BCH TW Đảng của nhóm 61 người tự nhận là đảng viên trung thành, hai nhà hoạt động xã hội Mỹ là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và bà Merle Ratner đã gửi đến Báo Sài Gòn Giải Phóng bức thư hai ông bà viết cho các thành viên của nhóm. Chúng tôi xin dịch nguyên văn gửi đến bạn đọc.

Gửi đến các thành viên trong nhóm ký tên vào bức thư, trong đó có bạn bè và người quen của chúng tôi.

Đây là lá thư gửi đến những người đã ký tên và những ai đã đọc hai bức thư của một nhóm các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi tư nhân hóa đất đai ở Việt Nam và kêu gọi chấm dứt chế độ XHCN và thiết lập chủ nghĩa tư bản (mà bị hiểu nhầm là nền dân chủ). Chúng tôi tin rằng những gì hai bức thư này đề nghị sẽ dẫn đến việc chấm dứt chủ quyền, độc lập và đưa đến một tương lai u tối cho đa số nhân dân Việt Nam. Chúng tôi viết để góp tiếng nói khẳng định rằng, CNXH chứ không phải CNTB mới mang đến nền dân chủ, bình đẳng và sự phát triển thật sự.

Những ai trong số các bạn quen biết chúng tôi đều biết rằng chúng tôi đã dành cuộc đời mình để đóng góp một phần nhỏ vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam và ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng, sau đó là việc kết thúc cấm vận, giành lại công lý và đòi bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ủng hộ nền độc lập và chủ quyền của đất nước các bạn. Chúng tôi thường rất thận trọng đối với những bình luận công khai về các cuộc thảo luận nội bộ bên trong Việt Nam bởi vì Giáo sư Ngô Thanh Nhàn là một Việt kiều, một người Mỹ gốc Việt, còn Merle là một người nước ngoài.

Nhưng hai bức thư do một nhóm lão thành cách mạng, vài người trong số đó đã hy sinh to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đã khơi lên một cuộc thảo luận có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho nền độc lập và sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi đang nói với hy vọng rằng tiếng nói chân thành của chúng tôi từ bên này biển khơi sẽ mang đến một góc nhìn từ hai người đồng chí đã từng dành trọn đời mình cho tình đoàn kết với Việt Nam và rằng các bạn sẽ lưu tâm những gì chúng tôi nói.

Chúng tôi rất buồn và thất vọng về hai bức thư ngỏ mà các bạn đã ký, trong đó có những vấn đề rất quan trọng đối với tương lai của Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam, lớp người sẽ thừa hưởng di sản do cha ông để lại ngày hôm nay. 

Bức thư đầu tiên tập trung vào những vấn đề liên quan đến vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và kêu gọi tư nhân hóa đất đai trong khi hiện đang là sở hữu toàn dân, cả hai vấn đề chúng tôi hoàn toàn phản đối. Chúng tôi sẽ xoáy quanh vần đề “đất đai” (và cũng bao gồm cả biển, trời và tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất). Tư hữu hóa đất đai ở Việt Nam, chúng tôi tin rằng, sẽ dẫn đến việc mất nền độc lập. Điều này đã và đang xảy ra trên bán cầu của chúng tôi, với những quốc gia ở Mỹ Latinh đã dần bị bần cùng hóa khi Mỹ tước đoạt đất đai và hút hết tài nguyên thiên nhiên ra khỏi đất nước. Giờ đây, vài nước đang bắt đầu cố gắng khôi phục lại nền độc lập của mình, quốc hữu hóa đất đai và các ngành công nghiệp chủ lực. Nhưng rất khó giành lại quyền sở hữu đất đai mà không có sự bất ổn và họ phải đối mặt với các cuộc đảo chính do Mỹ bảo trợ cùng với các biện pháp cấm vận kinh tế, chính trị.

Ở Việt Nam thì ngược lại, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước đại diện quản lý. Tuy nhiên, nếu đất đai có thể mua bán thì không thể ngăn chặn được người nước ngoài (và người giàu ở Việt Nam) mua đất đai. Việt Nam là quốc gia đông dân số với diện tích đất dành cho thế hệ tương lai ngày càng co lại. Và mặc dù tăng trưởng nông nghiệp đạt 4%, nông dân vẫn đang rời bỏ nông thôn đến thành phố để tìm cuộc sống tốt hơn. Tư nhân hóa, với sự tập trung và tập trung hóa đất đai (điều đó sẽ xảy ra) sẽ đe dọa nguồn cung cấp lương thực trong khi cuộc sống đa số dân chúng lại phụ thuộc vào đó.

Lập luận cho rằng tư nhân hóa đất đai sẽ giúp người nông dân là một sai lầm. Những người viết bức thư ngỏ đã ngộ nhận rằng tư nhân hóa thì đất đai không bị thu hồi. Nhưng ở các nước tư bản, như nước Mỹ, đất đai của nhân dân có thể bị Chính phủ tịch thu dưới danh nghĩa rất kiêu không chỉ để xây dựng các dự án công cộng như đường cao tốc mà còn cho các dự án tư nhân như xây khu mua sắm hoặc ngăn chặn “hoang hóa đô thị” (hiện tượng các thành phố xuống cấp do dân số giảm, tội phạm gia tăng, các tòa nhà bị bỏ hoang… xảy ra phần lớn ở nước Mỹ và châu Âu những năm 1970-1980_ ND). Người Mỹ bình thường mất đất đai bằng nhiều cách bất công và bất bình đẳng. Ở Mỹ, có một tỷ lệ rất lớn nông dân nghèo và trung lưu mất đất hàng năm vào tay các ngân hàng do các hợp đồng cho vay cắt cổ, bằng các cuộc cạnh tranh không lành mạnh từ các trang trại của các tập đoàn tư bản, và do khủng hoảng khí hậu mà nguyên nhân là từ các quyết định phát triển kinh tế tràn lan của chính phủ.  Khi đất đai tư nhân hóa, những gì nằm bên dưới lớp đất là tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam cũng thuộc sở hữu cá nhân. Khi đất đai tư nhân hóa, không gì ngăn chặn Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu mua những nguồn nguyên liệu quý giá đó. Sự hình thành liên minh giữa tầng lớp địa chủ với người nước ngoài và tư bản trong nước phát triển. Và từ đó một thị trường đất đai sẽ được hợp thức hóa, tham nhũng và sự bần cùng hóa đại bộ phận nông dân sẽ trở thành phổ biến và tăng lên.

Chúng tôi đã theo dõi cuộc thảo luận liên quan đến bức thư của các bạn và nhận thấy rằng không có lập luận nào về tư nhân hóa đất đai đảm bảo cho chủ quyền quốc gia và quyền của đại đa số nhân dân Việt Nam.

Bức thư thứ hai làm chúng tôi đau lòng hơn. Trong khi bức thư thứ nhất đề nghị tư nhân hóa đất đai và chấm dứt vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam (điều chúng tôi không đồng ý) thì bức thư thứ hai kêu gọi chấm cuộc cách mạng Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, điều mà vì nó hàng triệu người đã chiến đấu và hy sinh.

Thứ nhất, cần phải nói rằng một số lập luận trong bức thư là sai lầm: Mặc dù Việt Nam là nước phát triển trung bình và đang có vấn đề tham nhũng nghiêm trọng, Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền phụ nữ, sức khỏe cộng đồng, tỷ lệ người biết chữ rất cao, đảm bảo an ninh, và nhiều chỉ số khác, so với hai nước láng giềng và các nước đang phát triển ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Đối với quyền của người lao động, người lao động Việt Nam có nhiều quyền hơn công nhân ở Mỹ. Những chỉ số này và sự thật rằng các bạn và những người khác công bố bức thư của mình cho thấy Việt Nam không phải là một quốc gia độc tài toàn trị. Có thể số người giàu ở một số nước láng giềng nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng điều kiện của người nông dân và công nhân bình thường ở Việt Nam tốt hơn nhiều ở các nước đang phát triển trong khu vực châu Á, kể cả Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh...

Điểm 1 trong thư các bạn viết: Đối mặt với những nguy hiểm đang đe doạ đất nước, nhận thức được trách nhiệm và vị thế của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải tự nhận thức và thay đổi đường lối chính trị của mình, từ bỏ con đường sai lầm đi lên CNXH và chấp nhận con đường dân chủ và dân tộc, với mục đích trọng tâm là thay đổi chế độ chính trị từ độc trị sang dân chủ một cách triệt để nhưng trong hoà bình.

Việc các bạn cho rằng CNXH đối lập với dân chủ là sai lầm. CNXH là hệ thống dân chủ nhất vì nó được đặt trên cơ sở lợi ích của đại đa số những người đã tạo ra của cải cho xã hội. Trong thực tế, đối lập với CNXH chính là CNTB, chế độ mà bạn đang kêu gọi hướng tới nếu như bạn muốn chấm dứt công cuộc xây dựng CNXH.

Kinh nghiệm của chúng tôi ở Mỹ (và phần còn lại của thế giới) là CNTB đang lột trần chiếc áo khoác dân chủ và để lộ sự hung hăng cả ở trong nước và nước ngoài. Những thắng lợi mà nhân dân lao động giành được trong thế kỷ 20 chủ yếu là ở những đất nước dân chủ xã hội hiện đang bị lung lay. Với xu hướng quốc tế hoá CNTB hay toàn cầu hoá thì CNTB dân tộc phải cạnh tranh trong một đấu trường khắc nghiệt. Đó là cuộc đua đến cùng mà ở đó trước hết là tiền lương, quyền lợi, điều kiện làm việc và các chương trình phúc lợi xã hội đang bị cắt giảm.  Nền dân chủ xã hội, hay cái gọi là CNTB nhân đạo không còn tồn tại ở các nước phát triển và càng không có ở các nước đang phát triển.

Chưa bao giờ là mô hình lý tưởng cho các nước khác, nước Mỹ ứng xử với toàn cầu hoá bằng cách tiếp tục các cuộc chiến tàn bạo. Bên trong biên giới nước Mỹ, sự bất công, tham nhũng và bạo lực đang gia tăng. Các cuộc nghiên cứu cho thấy sự bất công đang tăng theo cấp số. Hiện nay có từ 30% đến 50% người nghèo hoặc cận nghèo. Thậm chí những con số gần đây còn cho thấy sự phục hồi kinh tế của Mỹ khiến nhiều người lầm tưởng- những người vượt qua khủng hoảng không phải là đại đa số người dân Mỹ, mà chỉ có 10% và đó là các ông chủ của các tập đoàn tài phiệt. Nếu các bạn tính cả những người không còn đăng ký tìm việc làm và những người buộc phải làm việc bán thời gian với mức lương ít ỏi thì con số thất nghiệp ở Mỹ là hơn 20%. Nghèo đói không còn là vấn đề riêng của những góc khuất ở các thành phố hay vùng sâu vùng xa mà đã trở thành vấn đề chung của các vùng ngoại ô. Một điều tra của báo New York Times với tựa đề Cận cảnh đói nghèo đã mô tả rõ nét cuộc sống của người nghèo ở Los Angeles thuộc bang California, đang đấu tranh hàng ngày để có cái ăn cho con cái. Giới trẻ, thậm chí cả những người tốt nghiệp đại học, đang bị tác động mạnh bởi nền kinh tế bất bình đẳng, vướng vào món nợ học phí khổng lồ và đối mặt với một thị trường việc làm ảm đạm: lương thấp, phải chấp nhận làm việc bán thời gian và cả việc làm không ổn định.

Bức thư của các bạn cho rằng Mỹ và các xã hội tư bản phương Tây là xã hội dân chủ và đáng tôn trọng. Mặc dù một số người ở Việt Nam tin như thế, nhưng nước Mỹ không phải là một quốc gia minh bạch, thượng tôn pháp luật vì bình đẳng cho tất cả. Tham nhũng đã tràn lan và trở thành dịch bệnh và không suy giảm từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Từ cuộc khủng hoảng nợ những năm 1980 và 1990 cho đến cuộc khủng hoảng tín dụng gần đây đã đẩy không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới vào rối rắm, các nhà tư bản Mỹ không hề xấu hổ về việc vi phạm luật pháp, những thủ đoạn bẩn thỉu và vi phạm quyền con người. Khi họ gặp khó khăn, như từng xảy ra với các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tín dụng vừa qua, họ được Chính phủ Mỹ cứu trợ bằng tiền thuế của dân Mỹ vì họ được xem là "quá lớn để sụp đổ". Trong khi đó, hàng triệu dân thường đang mất nhà cửa vì nợ ngân hàng không hề được cứu trợ dưới bất cứ hình thức nào.

Trong hệ thống chính trị của chúng tôi, tiền là vua. Trong các cuộc bầu cử giữa nhiêm kỳ mới đây, các ứng cử viên đã chi 3,67 tỷ USD (vâng tỷ đô la  tức ngàn triệu đô la). Có thể vì thế, như New York Times nói đây là cuộc bầu cử tồi tệ nhất trong 72 năm qua, chỉ có 36,3% cử tri đi bỏ phiếu. Bởi vì người giàu đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên và các đảng phái nên những người thắng cử sẽ phục vụ lợi ích của người giàu hơn là vì lợi ích của đại đa số dân chúng. Và giờ đây, có một chiến dịch lớn và nỗ lực có tổ chức nhằm ngăn chặn người nghèo, giai cấp lao động và người da màu, trong đó có người Mỹ gốc Việt có thể đi bỏ phiếu. Họ ngăn chặn cử tri bằng cách kêu gọi loại bỏ các cử tri đủ tư cách chỉ vì tên của họ giống với tên những cử tri ở các bang khác. Ví dụ như một người tên Paul Nguyen ở bang này có thể không được đi bỏ phiếu vì có một người tên như thế đã bỏ phiếu ở bang khác. Tất cả những điều đó cho thấy nó chỉ là dân chủ trên danh nghĩa. Một nghiên cứu của  Trường đại học Princeton mới đây cho thấy nước Mỹ hiện nay giống như một thể chế tài phiệt hơn là thể chế dân chủ bởi vì lợi ích của người giàu có ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết định.

Hãy đọc trên BBC:

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://www.bbc.co.uk/news/blogs-echochambers-27074746 

 và

http://www.princeton.edu/~mgilens/Gilens%20homepage%20materials/Gilens%20and%20Page/Gilens%20and%20Page%202014-Testing%20Theories%203-7-14.pdf

Khuynh hướng phát triển bất bình đẳng của CNTB  trên toàn thế giới và ở từng khu vực đang dẫn đến bạo lực, các quốc gia thất bại và các phong trào tôn giáo cực đoan. Nền dân chủ tư sản đang lệ thuộc vào các tập đoàn kinh tế và đang bị thay thế bằng các hình thức đẫm máu và khắc nghiệt của CNTB. Việt Nam với những lợi thế của mình có một cơ hội xây dựng đất nước XHCN, độc lập,  dân chủ thật sự. Đó là mục tiêu mà nhiều người đã hy sinh. Khôi phục CNTB sẽ là một thảm kịch cho dân tộc và giẫm nát niềm hy vọng của bao thế hệ các chiến sĩ đấu tranh chống thuộc địa, chống đế quốc. CNTB cũng xoá tan niềm hy vọng của giới trẻ về tương lai tươi sáng bởi vì giới trẻ ở phần lớn các nước tư bản đang phải chịu đựng những bất công.

Điểm 2 trong lá thư viết về sự cần thiết phải bảo vệ tổ quốc chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc, điều này chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng lại đổ lỗi cho Đảng về những quyết định mà chúng tôi tin chắc rằng Đảng đã và đang giải quyết bằng công lý và bằng các biện pháp hoà bình. Cụ thể các bạn viết: Chính sách không liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại một nước thứ ba là chính sách tự ti không phù hợp với thực tế. Điều này cần phải thay đổi.

Tại sao phải thay đổi? Chính sách đối ngoại của Việt Nam về thiết lập các mối quan hệ hoà bình với các nước khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau cũng như tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau hiện đang rất phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay. Nó đã giúp Việt Nam được hầu hết các nước trên thế giới tôn trọng, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực kể từ năm 1945 đến nay. Dường như các bạn muốn đề nghị Việt Nam nên tham gia liên minh với các nước láng giềng và Mỹ để chống lại Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ gây bất ổn trong khu vực và dẫn đến chiến tranh, trong khi đó lại tạo cho Mỹ cơ hội để can dự vào khu vực. Những hành động của Việt Nam gần đây nhằm cân bằng các mối quan hệ để bảo vệ độc lập của mình hoàn toàn thông minh và sáng suốt.

Chúng tôi hiểu rằng nhiều người trong số các bạn ký tên vào những lá thư này không phải vì cơ hội hay tìm kiếm lợi ích cá nhân. Chúng tôi biết rằng các bạn giống như nhiều người khác hoàn toàn bức xúc với nạn tham nhũng đang tồn tại và đang làm hại Đảng và Nhân dân. Vấn đề này phải được đấu tranh và giải quyết vì sự phát triển của đất nước.

Chúng tôi kêu gọi các bạn xem lại các giải pháp mà những bức thư này đưa ra. Để giải quyết các vấn đề mà các bạn quan tâm bằng cách đưa Việt Nam trở lại cái gọi là nền dân chủ của CNTB sẽ chỉ làm lợi cho những ai giàu có hoặc những nhà tư bản đã có quan hệ với tư bản quốc tế. Nó sẽ là thảm hoạ cho cho nhân dân lao động và người nông dân. Nó cũng sẽ làm cho Việt Nam mất hoàn toàn nền độc lập.

Có một giải pháp khác mà không cần phải "quăng đứa trẻ vào thau nước" như người Mỹ hay nói là hãy chung tay cùng với những người tốt và trung thành trong Đảng và trong xã hội để đấu tranh loại bỏ các phần tử tham nhũng, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phục vụ nhân dân. Nếu tất cả các đồng chí lão thành cách mạng chung tay với thế hệ trẻ, với giai cấp công nhân và nông dân, phụ nữ... trong Đảng thì khối đại đa số trong Đảng sẽ loại bỏ những những kẻ tham nhũng, những kẻ cơ hội và làm cho Đảng thật sự là Đảng của quần chúng lao động. Chúng tôi biết rằng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng đó là con đường duy nhất có thể bảo vệ nền độc lập của Việt Nam và tránh được một sai lầm lịch sử.

Chúng tôi kêu gọi các bạn rút tên mình khỏi danh sách ký tên vào lá thư này và dùng khả năng và tài năng của mình để góp phần cùng Đảng xây dựng CNXH, một chế độ mang lại nền dân chủ thật sự theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Merle Ratner và Giáo sư Ngô Thanh Nhàn (từ Mỹ)
Việt Trung dịch

Tin cùng chuyên mục