1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tổng cục Thủy sản: Làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm

(Dân trí) - Theo một công văn vừa được hé lộ, đoàn xác minh tố cáo thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng có kết luận nội dung làm giả công văn để lưu hành trái phép 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường.

Tổng cục Thủy sản: Làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm - 1

Bỏ 5 triệu đồng để sản phẩm vào danh mục đủ tiêu chuẩn

Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (gọi tắt Trung tâm) – trực thuộc Tổng cục Thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục thủy sản cấp phép cho lưu hành.

Tuy nhiên, để được vào danh mục sản phẩm này dường như không hề khó! Theo một bản báo cáo kết luận vừa được hé lộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là "nghiễm nhiên" có tên trong danh sách.

Đặc biệt, chỉ với 3 bản phụ lục được ký khống, hơn 2 năm qua, hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.

Hồi năm ngoái, lãnh đạo Tổng cục thủy sản đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận cho thấy, từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý là giám đốc Trung tâm đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là còn Phó Phòng Hành chính – Tổng Cục thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Kết luận xác minh cho biết, các đối tượng trên đã cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện hành vi vi phạm với mục đích vụ lợi. Trong quá trình thực hiện hành vi trên, bà Vũ Thị Thu đã chuyển tiền 2 lần cho ông Bùi Đức Quý với tổng số tiền là 912 triệu đồng. Ông Dũng cũng chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Văn Hoà - người quen của bà Thu 3 lần với tổng số tiền là 976 triệu đồng. Số tiền này được tính trả cho ông Quý 5 triệu đồng/sản phẩm nhận làm cho doanh nghiệp.

Làm giả và ban hành công văn trái luật

Theo xác minh, các đối tượng trên đã làm “khống” 3 văn bản của Tổng Cục Thủy sản (văn bản số 758, 1526, 1789) trong đó cấp phép cho lưu hành 140 sản phẩm là thức ăn chăn nuôi và 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản vào lưu hành trái quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo đoàn xác minh, một công văn ngày 1/4/2013 thông báo về các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu bổ sung vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam có tới 2 văn bản cùng số, cùng ngày cùng trích yếu văn bản như nhau nhưng phần phụ lục lại khác nhau.

Bản gốc của công văn này được lưu tại Văn phòng Tổng cục với phụ lục kèm theo chỉ có 30 sản phẩm. Trong khi đó, bản chính được phát hành có 194 sản phẩm. Công văn đã bị ghép và phát hành vào khoảng tháng 12/2014. Theo đó, 164 sản phẩm được phép thêm vào phụ lục đã được đưa vào lưu hành trái pháp luật cũng kể từ tháng 12/2014.

Tổng cục Thuỷ sản chỉ ra rằng, để ghép phụ lục công văn này có sự tham gia của ông Nguyễn Huy Bàn, ông Bùi Đức Quý, ông Lê Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Hà. Đáng lưu ý, thời điểm này, ông Quý thậm chí còn đã thôi chức Giám đốc Trung tâm.

Ngoài công văn trên, 4 người này còn tiếp tục làm giả phần phụ lục tại 2 công văn khác về thông báo thức ăn thuỷ sản và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu. Theo đó, có thêm 130 sản phẩm thức ăn thuỷ sản đã được ghép thêm vào phụ lục và được đưa vào lưu hành trái luật từ tháng 6/2014. Đồng thời, có 171 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được ghép thêm vào và đưa vào lưu hành trái luật từ tháng 6/2014.

Bên cạnh đó, còn có 2 công văn được xây dựng và phát hành trái quy định của pháp luật.

Trong đó, công văn số 1382/TCTS-VP ngày 3/5/2013 về việc thông báo các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu bổ sung vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam đã bổ sung 186 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được đưa vào lưu hành trái quy định từ tháng 3/2015.

Để làm công văn này có sự tham gia của ông Bùi Đức Quý, ông Lê Tuấn Anh, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu và bà Đỗ Thị Hà.

Công văn 663/TCTS-TTKN ngày 22/3/2013 thông báo các sản phẩm đáp ứng yêu cầu bổ sung vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam được phát hành trái luật cũng do ông Bùi Đức Quý trình và ký vào từng trang phụ lục, ông Lê Tuấn Anh là người cho số và đóng dấu, bà Nguyễn Thị Hà là người tổng hợp phụ lục trình ký và phát hành.

Chưa dừng ở đó, nhóm ông Quý, Tuấn Anh, bà Hà tiếp tục trình ký 1 công văn ngày 25/9/2013 thông báo các sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Công văn này sau đó được xác minh là phát hành không đúng quy định.

Yêu cầu tự kiểm điểm, xử lý

Qua lời giải trình của các cá nhân bị tố cáo và các tài liệu, chứng cứ thu thập được, phía đoàn xác minh khẳng định, có sự buông lỏng quản lý tại Trung tâm dẫn đến việc nhiều viên chức của Trung tâm trong thời gian qua đã trực tiếp liên hệ hoặc qua trung gian nhận hồ sơ từ doanh nghiệp, thực hiện viết hồ sơ sản phẩm giúp doanh nghiệp đăng ký lưu hành sản phẩm.

Trong khi đó, cán bộ văn thư của Trung tâm không thực hiện đúng quy định về nghiệp vụ văn thư đã tạo điều kiện để một số viên chức của Trung tâm thực hiện hành vi vi phạm; cán bộ thực hiện nhiệm vụ văn thư, công tác lưu trữ tại văn phòng Tổng cục còn thiếu, không ổn định đã tạo kẽ hở để công chức được giao nhiệm vụ có liên quan lợi dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Những hành vi vi phạm không những có thể gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, lưu hành sản phẩm mà còn có thể gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tới người nuôi trồng thuỷ sản nếu họ mua và sử dụng các sản phẩm được lưu hành trái luật do chất lượng không đảm bảo.

"Người dân nói chung và người nuôi thuỷ sản nói riêng mất lòng tin vào cơ quan quản lý nhà nước nói chung và Tổng cục Thuỷ sản nói riêng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này có thể bị thiệt hại rất lớn nếu đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này khi cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thu hồi các văn bản trái luật nêu trên”, bản kết luận nêu.

Xử lý các sai phạm trên, các cá nhân bị tố cáo và các cá nhân được phát hiện trong quá trình xác minh tố cáo được yêu cầu thực hiện tự kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tại đơn vị công tác và trước hội đồng kỷ luật công chức, viên chức của Tổng cục Thuỷ sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu thu hồi 5 văn bản trái pháp luật trên và tham mưu ban hành quyết định thu hồi số tiền thu lợi bất hợp pháp trong quá trình giải quyết tố cáo. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Tổng cục Thuỷ sản tham mưu Tổng cục trưởng về quy trình, tổ chức thực hiện xử lý, kỷ luật về chính quyền, về đảng đối với 8 cán bộ liên quan.

Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng thuỷ sản cũng được giao rà soát quy chế, quy trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề xuất hướng xử lý đối với toàn bộ sản phẩm thức ăn thuỷ sản, chất xử lý cải tạo môi trường được được thông báo đáp ứng nhưng chưa có tên trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định hiện hành.

Phương Dung